Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011
Nhân quyền 2011: Amnesty International tố cáo Việt Nam tiếp tục trấn áp mạnh mẽ giới ly khai
RFI -Trong bản báo cáo thường niên 2011 về tình hình nhân quyền trên thế giới được công bố hôm nay, 13/05/2011, tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Amnesty International đã đưa ra những nhận định đáng lo ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam: Các biện pháp hạn chế gắt gao vẫn tiếp tục đè nặng lên quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp. Một quy định mới về theo dõi Internet được áp dụng. Những người ly khai bất bạo động và các nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền vẫn luôn luôn là đối tượng bị trấn áp mạnh mẽ.
Vẫn theo Amnesty International, các cơ quan công quyền Việt Nam ngày càng thường xuyên tố cáo các nhà ly khai đấu tranh ôn hòa là muốn lật đổ Nhà nước. Các tù nhân lương tâm bị kết án nặng nề sau những phiên xử không công bằng. Các nhà ly khai bị bắt, bị tạm giam trong một thời gian dài hoặc bị quản thúc tại gia. Tín đồ một số giáo phái bị sách nhiễu, ngược đãi. Trong năm qua, có ít nhất 34 trường hợp bị tuyên án tử hình.
Ngoài việc bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, các website và blog bằng tiếng Việt của các nhà ly khai thường xuyên bị tin tặc tấn công.
Tính đến cuối năm 2010, có ít nhất 30 tù nhân lương tâm bị bắt giữ, trong số này có người là thành viên của các tổ chức chính trị bị chính quyền cấm hoạt động, các nhà hoạt động công đoàn độc lập, những người viết blog, doanh nhân, nhà báo, nhà văn.
Từ tháng 10 năm 2009, chính quyền Việt Nam liên tiếp mở các phiên xét xử nhắm vào giới ly khai và 22 người đã bị án tù. Các phiên tòa này không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về công bằng, đặc biệt là những nguyên tắc cơ bản sơ đẳng của tư pháp, như quyền có luật sư bào chữa, suy đoán vô tội trước khi bị kết án.
Báo cáo của Amnesty International nêu ra tên cụ thể của nhiều trường hợp như các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Minh Hoàng, bà Trần Khải Thanh Thủy …
Amnesty International còn nhận định rằng chính quyền Việt Nam có chính sách phân biệt đối xử nhắm vào các cộng đồng tín ngưỡng thiểu số. Trường hợp điển hình là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất : các tín đồ bị sách nhiễu, hạn chế tự do đi lại, lãnh đạo giáo hội, Hòa thượng Thích Quảng Độ thì bị quản thúc tại gia trên thực tế.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế còn nêu ra vụ giáo dân Công giáo Cồn Dầu – Đà Nẵng bị cảnh sát vũ trang thẳng tay trấn áp chỉ vì do tranh chấp về đất đai với chính quyền địa phương. Hàng chục người bị thương. Gần sáu chục người bị tạm giam, hai người bị kết án từ 9 đến 12 tháng tù giam, nhiều người khác bị tước quyền công dân. Khoảng bốn chục tín đồ đã phải chạy sang Thái Lan xin tỵ nạn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét