Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Trung Quốc lo lạm phát

Trung Quốc lo lạm phát

Ngô Nhân Dụng

Phái đoàn hai nước Mỹ, Trung Hoa mới họp với nhau hai ngày liền ở Washington trong Cuộc Ðối thoại Chiến lược và Kinh tế, một thông lệ hàng năm. Nhưng họ nói rất ít về chuyện kinh tế.

Hai bên chắc chỉ có dịp nghe những lời than phiền, trách móc về các vấn đề khác. Mỹ sẽ than tại sao Bắc Kinh tiếp tục ngăn cản không cho dân tự do thông tin, và vẫn bắt giam những người có chính kiến độc lập, như họa sĩ Ngải Vị Vị. Trung Quốc sẽ trách tại sao Mỹ cứ khuyến khích dân Tầu chống chính phủ của họ. Mỹ sẽ phản đối Trung Quốc ngăn cấm không cho các giáo sư Mỹ đến dự mấy cuộc hội thảo khoa học, chuyên môn, và bác bỏ 60 hoạt động bên ngoài của tòa Ðại Sứ Mỹ trong 3 tháng qua. Trung Quốc sẽ phản đối tại sao ông Ðại Sứ Jon M. Huntsman Jr. lại đến quán ăn McDonald vào đúng ngày 20 tháng 2, mà trên mạng đã có lời kêu gọi dân Bắc Kinh đến đó biểu tình Cách Mạng Hoa Lài đòi dân chủ?

Hai bên chắc không bàn gì đến chuyện nào quan trọng về kinh tế. Chắc Trung Quốc không muốn than phiền Mỹ để cho đồng đô la sụt giá mãi không ngừng, khiến cho số tiền 3 ngàn tỷ dự trữ của họ, trong đó hơn 2 ngàn tỷ đồng bằng đô la Mỹ cứ mất giá trị mỗi ngày mà họ không làm gì được. Giá dầu lửa cùng các thứ nguyên liệu trên thế giới tăng lên vì đô la xuống, là một mối lo khác. Nhưng Mỹ cũng đang cần giữ đồng đô la ở giá thấp để thúc đẩy xuất cảng, khi kinh tế vẫn còn trì trệ, họ sẽ xin Bắc Kinh thông cảm. Mà chính Bắc Kinh cũng đã cưỡng lại đòi hỏi tăng giá đồng nhân dân tệ với lý do tương tự. Ðể đáp lại, chắc Washington cũng không tiếp tục đòi Bắc Kinh phải giảm số hàng xuất cảng sang Mỹ; trong lúc ông Hồ Cẩm Ðào đang lo làm sao đối phó với lạm phát. Phái đoàn Mỹ có thể cho phái đoàn Trung Quốc nghe bài học về cuộc suy thoái kinh tế từ năm 2007 đến nay chưa chấm dứt; nhưng kinh tế hai nước có những vấn đề cơ cấu khác hẳn nhau. Bên Mỹ, tai nạn chính xẩy ra trong thị trường địa ốc, và hệ thống ngân hàng. Bên Trung Quốc, họa lớn vẫn là các doanh nghiệp nhà nuớc.

Lạm phát là mối lo cốt tủy của Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc hiện nay. Trong tháng 4, Ủy Ban Cải Tổ Kinh Tế và Ban Vật Giá Thượng Hải đã quyết định phạt công ty Unilever 2 triệu đồng nguyên (hơn 300 ngàn đô la Mỹ) vì công ty này đã thông báo sẽ tăng giá nhiều món hàng, trong đó có bột giặt. Báo chí loan tin bốn công ty lớn nhất về hàng tiêu dùng, trong đó có Unilever và Procter & Gamble sắp tăng giá tới 15% khiến dân Thượng Hải kéo nhau đi mua trước khi giá tăng thật.

Mối lo lạm phát khiến nhà nước dùng đủ cách ngăn không cho giá cả gia tăng, ngoài những biện pháp tiền tệ do Ngân Hàng Trung Ương ban bố. Chính phủ mới ban hành một văn thư 16 điểm cấm việc mua hàng tích trữ; bỏ bớt nhiều thứ lệ phí cho xe tải chở hàng rau trái; đem dâu tươi từ trong kho dự trữ ra bán, đưa ra thêm các luật cấm các cửa hàng thông đồng làm giá, vân vân. Theo thói quen kinh tế xã hội chủ nghĩa nhà nước đã yêu cầu các công ty không được tăng giá, hay hoãn tăng giá, các món hàng như dầu nấu ăn, mì gói, rượu, bột gạo và bột mì, còn ra lệnh các mỏ than không được tăng giá khi ký hợp đồng mới với các công ty điện lực. Nhưng người dân Trung Hoa biết phương pháp vẫn vâng lệnh nhà nước nhưng theo cách của họ. Các nhà chế dầu ăn đã giảm bớt số sản xuất, nhiều siêu thị thiếu dầu, giá lại tăng lên. Các mỏ than cho pha thứ than xấu vào than tốt, và giao hàng chậm lại, khiến nhiều nơi bị cúp điện. Một công ty ngoại quốc như Unilever thì ngoan ngoãn đóng tiền phạt. Nhưng người dân Trung Hoa đã sống 60 năm dưới chế độ cộng sản nên họ biết đủ cách để “nói vậy mà không phải vậy.” Chống lạm phát theo lối cửa quyền không hiệu quả!

Lạm phát chỉ lên trên 5.4%, bằng một phần ba tốc độ tiền mất giá ở Việt Nam, nhưng vẫn gây hai mối lo chính. Một là dân nghèo càng nghèo hơn khi giá gạo, giá xăng dầu tăng mà đồng lương không đuổi kịp. Còn dân giầu thì gửi tiền trong ngân hàng chỉ được 2 hay 3%, trong khi tiền mất giá 5%, rút tiền ra đi mua vàng, mua cổ phiếu và mua nhà khiến cho thị trường chứng khoán và địa ốc đang phồng lên như những chiếc bong bóng chờ nổ và xẹp. Ngân Hàng Trung Ương đã bắt các ngân hàng thương mại tăng số dự trữ bắt buộc sáu lần trong năm 2010. Cuối năm 2009, các ngân hàng có 100 đồng thì phải giữ lại 15.5 đồng; bây giờ phải giữ đủ 20.5 đồng không được đem cho vay; nhưng vẫn không gây được hiệu quả là giảm bớt số tiền mà ngân hàng đem cho vay, đủ để ngăn bớt lạm phát. Nhưng khi nhà nước lo ngăn lạm phát thì họ cũng phải lo hậu quả của việc ngăn lạm phát, là giảm bớt các hoạt động tiêu thụ và sản xuất.

Những biện pháp tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân như giảm bớt số tiền cho các xí nghiệp vay, và việc giảm bớt chi tiêu của nhà nước để kiềm chế lạm phát sẽ khiến cho tốc độ phát triển kinh tế phải chậm lại. Ðiều đáng lo là, trong cùng lúc đó, tâm lý lạm phát trong dân chúng không thuyên giảm nhanh như trong dòng tài chánh. Tức là dù nhà nước bớt số lượng tiền chảy ra rồi nhưng người dân vẫn tiếp tục đồng lo tiền sẽ mất giá. Người nghèo vẫn chạy đua đi mua hàng để tích trữ còn nhà giầu thì tiếp tục đầu tư vào bất động sản, cả hai đều khiến giá cả tiếp tục leo thang. Tình trạng kinh tế yếu đi trong khi giá cả tăng lên đang đe dọa nước Trung Hoa, như ở Mỹ trước đây 30 năm. Kinh tế học vào đầu thập niên 1980 đã phải chế ra một danh từ mới, Stagflation, để mô tả tình trạng này khi xẩy ra ở Mỹ. Từ đó ghép Stagation, là kinh tế suy yếu trì trệ, với Inflation, là lạm phát, có thể dịch tạm là Suy-Lạm. Chính nước Mỹ năm nay cũng đang lo nguy cơ bị Suy-Lạm; vì trong ba tháng đầu năm nay tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ có 1.8% (so với 3.1% ba tháng cuối năm 2010) mà giá sinh hoạt thì tăng đến 3.8% (so với 1.7% ba tháng trước). Ở Âu Châu trong vùng đồng Euro, lạm phát cũng mới tăng lên tới 2.8%, nhưng hy vọng kinh tế phát triển tốt hơn năm ngoái.

Nguy cơ Suy Lạm bắt nguồn từ trong cơ cấu nền kinh tế. Kinh tế Trung Quốc phát triển trung bình 10% trong những năm qua nhờ hai “bộ máy kéo” là việc xây cất ào ạt và những món tiền chi tiêu của chính phủ địa phương. Số tiền lớn đổ vào các công trình xây dựng đường sá, phi trường, nhà cửa, cơ xưởng, đã giúp bảo vệ được công việc làm cho hàng trăm triệu người đáng lẽ thất nghiệp; nhưng không có hiệu quả để đem lại lợi nhuận tối thiểu; cho nên số tiền lưu hành tăng lên nhanh con nền kinh tế thì tăng chậm hơn. Trong năm 2009, tổng sản lượng nội địa Trung Quốc tăng 8.7% trong khi khối lượng tiền tệ tăng thêm gần 28%. Có thể nói, nhà nước in tiền phát cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nuớc chi tiêu, dù lợi suất rất thấp. Ðó là lý do chính gây ra nạn lạm phát hiện nay.

Bây giờ chính phủ trung ương coi chống lạm phát là ưu tiên số một, như các ông Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo đều tuyên bố. Các nhà xây cất sẽ vay được ít tiền hơn và các chính quyền địa phương sẽ bớt chi tiêu. Hai nguồn kích động kinh tế đó bị nghẽn, hậu quả là cả nền kinh tế sẽ bị khựng, chạy chậm lại. Hậu quả đó ở Trung Quốc diễn ra rất chậm chạp so với ở các nước như Mỹ, vì các đại công ty và chính quyền ở bên Tầu có quyền thế rất lớn; họ chỉ việc tạm ngưng không trả tiền cho những xí nghiệp mà họ thiếu nợ; các xí nghiệp đó lại trì hoãn không thanh toán ngay cho các công nhân hay con nợ của họ. Không ai phải tuyên bố vỡ nợ và khai phá sản ngay. Tuy hậu quả đến chậm, nhưng cái gì phải đến vẫn sẽ có ngày đến! Ðó là nguyên nhân mối lo tình trạng “Suy-Lạm” sẽ xẩy ra.

Trong ba năm qua, Trung Quốc đã tránh được cơn khủng hoảng đang lan trên thế giới nhờ chương trình kích thích kinh tế bằng tiền của nhà nước, bắt đầu vào cuối năm 2008. Họ sử dụng hai khí cụ trên làm động lực: các chính quyền địa phương chi tiêu hào phóng và cả nước tung tiền vào các chương trình xây dựng, mà các công ty xây dựng lớn nhất cũng thuộc về nhà nước. Khi đồng tiền được đổ vào nền kinh tế, nó sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu thụ, bảo vệ công việc làm, giữ tỷ lệ tăng trưởng cao. Nhưng tất nhiên khi nhiều đồng tiền được tuôn ra thì cũng gây ra cảnh vật giá leo thang.

Trung Quốc đang theo dõi bài học ở Mỹ. Cuộc khủng hoảng ở Mỹ bắt đầu từ năm 2007-08 do quả bóng địa ốc phồng lên to quá bị nổ, xẹp, đưa tới hệ quả là kỹ nghệ xây cất ngưng đọng và dân chúng thấy mình nghèo đi vì tài sản xuống giá. (Từ năm 2006 đến 2010, giá nhà cửa ở Mỹ bị tụt xuống 28%, dân Mỹ mất 6,300 tỷ đô la). Khi người tiêu thụ Mỹ thấy mình nghèo đi và lo lắng tương lai, cuộc khủng hoảng tài chánh khiến các ngân hàng run giảm bớt việc cho vay, kinh tế Mỹ trì trệ cho tới bây giờ chưa thoát. Mối đe dọa này đang diễn ra ở nước Trung Hoa.

Trong khi mối lo lớn ở Mỹ là hệ thống ngân hàng thương mại chưa hồi phục, thì vấn đề chính ở Trung Quốc vẫn là các doanh nghiệp nhà nuớc, chiếm một nửa số chi tiêu trong nền kinh tế. Trong mấy năm trước, các doanh nghiệp này đóng vai chi tiêu để kích thích; bây giờ đến lúc mối lo lạm phát khiến phải kiềm hãm tốc độ chi tiêu, chính khối doanh nghiệp này sẽ trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế vì hiệu quả rất thấp mà số tài nguyên được sử dụng lại cao. Các ngân hàng trả lãi rất thấp cho người dân gửi tiền, thu thập tiền để dành của dân rồi chuyển phần lớn cho các doanh nghiệp nhà nuớc. Tiền nhà nước giao cho các xí nghiệp của nhà nước không mang lại năng suất cao, trung bình phải chi ra bẩy đồng mới tạo thêm được một đồng cho tổng sản lượng nội địa. Chính tình trạng họ “chi rất nhiều sản xuất chẳng bao nhiêu” là một nguyên nhân chính gây nên lạm phát.

Nhưng Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Hoa không thể kìm hãm đà chi tiêu của các xí nghiệp quốc doanh một cách kiên quyết, vì đó là cơ sở nuôi những công nhân cho có việc làm để sống và các cán bộ có cơ hội làm giầu. Chính sách giảm bớt chi tiêu để ngăn lạm phát hiện đang được chính quyền trung ương công bố, nhưng không chắc các xí nghiệp nhà nước đã thi hành nghiêm chỉnh. Nếu Bộ Chính Trị ngã lòng, nới lòng việc chi tiêu, thì lạm phát phi mã sẽ không thể kìm lại được.

Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=130951&z=7

Không có nhận xét nào: