Pages

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Đừng "bòn rút" của dân thêm nữa!


Bút Lông - Những hộ dân nhận khoán đất của nông trường 26/6 (Tiền Giang) đã một lần nữa lên tiếng về chính sách trả tiền quy ra vàng SJC.
Sở dĩ họ phải lên tiếng vì lúc ký hợp đồng giá vàng chỉ có 470.000 đồng/chỉ. Cụ thể các hợp đồng của nông trường ký với các hộ dân nhận khoán đất dù tính bằng tiền mặt nhưng lại yêu cầu người dân phải trả theo giá vàng SJC tại thời điểm trả. Về nguyên nhân có yếu tố lịch sử, cũng lại có yếu tố thỏa thuận giữa hai bên nên khó mà truy cứu ngược trách nhiệm song không vì thế mà không tháo gỡ khó khăn cho dân.

Thực tế không chỉ Tiền Giang mà ngay một địa phương có tiếng là đổi mới là Đà Nẵng hiện vẫn áp dụng phương thức này. Cụ thể tại website của Sở Tài chính TP Đà Nẵng hôm qua, giá vàng 98% mà Sở này dùng làm cơ sở để tính và thu nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất và tiền mua nhà (tại Công văn số 831/STC-GCS) ngày 17-5 là: 3,67 triệu đồng/chỉ. Vấn đề này từng gây ầm ĩ dư luận thời gian trước, khiến lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ (và đã được chỉ đạo phải tính theo VND).

Trước đó, Bộ Tài chính đã từng xử lý hai địa phương khác là Sóc Trăng và Trà Vinh do đã áp dụng cách tính này với hơn 1.000 hộ tái định cư. Khi ấy giá vàng mới hơn 1 triệu đồng/chỉ nhưng theo Bộ đánh giá, người dân đã vô cùng khó khăn do phải gánh khoản nợ gia tăng từ giá vàng. Thủ tướng lúc đó đã phải chỉ đạo các địa phương này tính lại cho người dân theo VND, đồng thời nghiêm cấm không được quy đổi tiền sử dụng đất theo giá trị của vàng.

Trong 10 năm qua, vàng đã tăng từ mức 500.000 đồng/chỉ (năm 2000) lên mức 3,7-3,8 triệu đồng/chỉ hiện nay, tức tăng hơn bảy lần! Đó có lẽ là lý do lớn nhất khiến cho việc các khoản nợ với Nhà nước trở thành gánh nặng khó san đối với người dân. Thêm nữa là từ đầu 2011 đến nay, sau khi nhận thấy mặt trái của việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán như tiền tệ, Chính phủ đã có Nghị quyết 11 về ổn định vĩ mô, trong đó đề ra nhiều giải pháp siết lại quản lý vàng miếng, đồng thời nâng giá trị VND. Nghị quyết đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải gương mẫu thực thi.

Vì thế, Tiền Giang, Đà Nẵng cần phải có ngay phương án giải quyết những tồn tại lịch sử của quy định “nợ tiền trả vàng” để tránh việc người dân phải oằn mình sống trong tình cảnh trả mãi mà vẫn không dứt nợ!

Nguồn : Blog Bút Lông

Không có nhận xét nào: