Pages

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

VTV1 che dấu sự thật về ô nhiễm hồ Ba Bể?


Sáng ngày 16/5, Hội những người yêu Ba Bể đã gửi thư đến Đài truyền hình Việt Nam để phản đối về việc VTV1 đã đưa tin không đúng sự thật về tình hình ô nhiễm hồ Ba Bể do khai thác quặng quanh khu vực này...
Nhà thơ Dương Thuấn, Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn, Tổng thư ký Hội những người yêu Ba Bể cho biết, sáng nay (16/5), đại diện cho Hội những người yêu Ba Bể, ông đã tận tay mang một bức thư đến Đài truyền hình Việt Nam để phản đối về việc VTV1 đã đưa tin không đúng sự thật về tình hình ô nhiễm hồ Ba Bể do khai thác quặng quanh khu vực này…

Theo đó, Hội cho rằng, VTV1 đã đưa tin không đúng sự thật nên gây bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân và những người yêu Ba Bể ở mọi nơi, đặc biệt là người dân ở khu vực bị ảnh hưởng của việc khai thác quặng ở Pù Ổ (xã Đồng Lạc, Chợ Đồn, Bắc Kạn).



Nước thải nhiễm hóa chất từ điểm khai thác quặng vẫn được đổ thẳng vào hồ Ba Bể. Ảnh: CAND

Trước hết, Hội những người yêu Ba Bể (sau đây viết tắt là Hội) cáo buộc phóng viên Quang Linh đã bất chấp các thông tin về nguyên nhân dẫn đến bồi lấp hồ Ba Bể, đưa thông tin không đúng sự thật, do đó đã phủ nhận việc khai thác tài nguyên trên các lưu vực xung quanh hồ, trong đó có mỏ sắt Pù Ổ. Hội cũng đặt câu hỏi nghi vấn về việc, trước đó, đã có hai phóng viên tác nghiệp tại khu vực Hồ Ba Bể, có quay 4 cuộn phim với rất nhiều tiệu nhưng đã không được VTV sử dụng, mà chỉ sử dụng những thước phim của PV Quang Linh thực hiện sau đó 2 ngày.

“Chúng tôi có đầy đủ các căn cứ để chứng minh bản tin Thời sự tối 12/5 của Đài truyền hình Việt Nam đã cố tình che giấu sự thật ở mỏ sắt Pù Ổ (xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn)” - bức thư viết.

Hội cũng cho biết đang lưu giữ đầy đủ các hình ảnh đã chụp, các phim video clip đã quay về cảnh hồ Ba Bể bị bồi lấp và mỏ sắt Pù Ổ xả nước thải không qua xử lý, cùng với nhiều lá đơn kiện với 206 chữ ký đại diện cho 206 hộ dân thuộc khu vực khai thác quặng kêu cứu Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội giúp đỡ; phiếu kết quả phân tích mẫu nước thải... Nếu Đài truyền hình Việt Nam yêu cầu có các hình ảnh và căn cứ để chứng minh thì Hội sẽ mang tất cả đến đài để chiếu và trưng bày cho mọi người cùng thấy.

“Chúng tôi cũng đã lấy mẫu nước ở đó đem về Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên của Viện khoa học và công nghệ Việt Nam phân tích, cho thấy mức độ ô nhiễm của nguồn nước rất đáng báo động. Lượng chất độc nguy hiểm gây bệnh đường tiêu hóa cao gấp bình thường 11.000 lần/100mgl; các chất thải rắn tạo bồi lắng cao hơn 6.536 lần/mgl; chất gây o xy hóa vàng nước cao gấp 222 lần/mgl... ngoài ra chưa kể đến trong nước còn một số loại tạp chất khác như dầu mỡ, quặng...” - ông Dương Thuấn cho biết.

Về thông tin VTV đưa hôm 12/5, cho rằng dư luận báo chí đã làm ảnh hưởng đến du lịch của hồ Ba Bể, Hội đã cực lực phản đối và khẳng định, từ trước đến nay vẫn thường xuyên kêu gọi báo giới quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa dân tộc thiểu số của vùng hồ Ba Bể, để người trong nước và nước ngoài ngày càng biết đến Ba Bể nhiều hơn.

Hội cũng đồng thời khẳng định, việc khai thác tài nguyên ở Pù Ổ là hoàn toàn sai trái vì đó là khu vực rừng cấm của vùng đệm vườn quốc gia Ba Bể và đã gây ô nhiễm cho nguồn nước, gây bồi lấp hồ Ba Bể nhanh chóng. "Dù lãnh đạo cấp tỉnh hay cấp Bộ, ai đã cấp giấy cho phép khai thác cũng sẽ đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm thiếu trách nhiệm đó" - bức thư viết.

Cuối thư, Hội những người yêu Ba Bể đề nghị lãnh đạo Đài truyền hình Viêt Nam phải làm rõ sự việc đã nêu trên đây trong một thời gian sớm nhất.

Trước đó, chiều 26/4, Hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một buổi gặp gỡ báo chí để thông báo về những gì mà Hội đã thu thập được trong cuộc khảo sát các khu vực Hồ và xung quanh Hồ. Theo đó, Hội cho rằng, việc khai thác quặng tại khu vực này đã đang đe doạ đến môi trường và gây nguy cơ bồi lấp hoàn toàn hồ Ba Bể trong tương lai.

Tuy nhiên, bản tin thời sự của VTV1 tối 12/5 đã phát đi phóng sự của PV Quang Linh, cho rằng những cáo buộc của Hội là sai sự thật và việc khai thác quặng không hề ảnh hưởng đến môi trường hồ Ba Bể.

Theo : VNMedia

Nguồn : http://www.bee.net.vn/channel/4961/201105/VTV1-dua-tin-khong-dung-ve-o-nhiem-ho-Ba-Be-1799343/

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: Phải đình chỉ ngay việc khai thác khoáng sản


Khai thác khoáng sản một cách thiếu thận trọng là hành vi xâm hại thiên nhiên khốc liệt nhất. Rừng tự nhiên bị hủy hoại, nguồn nước bị ô nhiễm... Một danh thắng như hồ Ba Bể bị đối xử tàn tệ là việc vô cùng đau xót. Khoan hãy nghĩ tới việc đổ lỗi cho ai. Việc quan trọng nhất lúc này là phải dừng việc khai thác khoáng sản tại mỏ Pù Ổ (Đồng Lạc), mỏ Khau Săm, bản Cuôn (Quảng Bạch)...


Việc quy trách nhiệm cũng phải được tiến hành đầy đủ và công bằng. Muốn thế phải xem lại giấy phép khai thác của Công ty Narihamico, trình tự thủ tục cấp phép đã đúng chưa. Có thể cấp phép đúng, nhưng trong quá trình thực hiện, công ty lại cố tình làm sai. Trường hợp này, Bộ Tài nguyên - Môi trường vẫn phải đứng ra nhận trách nhiệm vì đã lơ là việc kiểm tra, dẫn đến không phát hiện được sai phạm. Nếu doanh nghiệp làm đúng, Bộ cấp phép sai, Bộ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại đã gây ra.


Quy trình cấp phép khai thác khoáng sản thường được tiến hành rất thận trọng. Những nghiên cứu tác động tới môi trường (có thể có) được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Dự án phải không gây tổn hại hoặc tổn hại rất ít tới môi trường mới được cấp phép. Thế nhưng, cũng không loại trừ khả năng, có những dự án không đáp ứng đủ tiêu chuẩn vẫn được cấp phép.


Tôi đến hồ Ba Bể gần một tháng trước để khảo sát và thực sự bị choáng. Mọi thứ thay đổi quá ghê gớm. Lại sắp có thêm 2 ngọn núi bị xẻ ra để lấy khoáng sản. Người dân hỏi tôi, có nên sử dụng nguồn nước ở suối Bó Lù cho sinh hoạt hằng ngày nữa không.


Tôi thấy vô cùng ái ngại cho hàng trăm hộ dân khi hằng ngày vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm hóa chất đục ngầu để tắm rửa, ăn uống. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại phản ứng quá chậm, thậm chí vô cảm. Ba Bể là vùng có nhiều khoáng sản: mỏ vàng, quặng, kim loại màu…


Tuy nhiên, Bắc Kạn đã đi sai hướng khi lợi dụng tài nguyên để phát triển. Nếu có khoáng sản, hãy cất đi, đừng dùng ngay. Hãy biết động viên người dân phát huy trí tuệ để sáng tạo. Bắc Kạn lại là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nếu phát triển công nghiệp mạnh và nhanh quá thì rất khó bảo vệ yếu tố văn hóa đa màu sắc. Bắc Kạn hoàn toàn có thể phát triển du lịch, thay vì công nghiệp.


Tiềm năng du lịch của hồ Ba Bể rất lớn mà chưa được khai thác. Hạ tầng du lịch chưa có gì, cũng chưa thiết kế được tour nào. Đó mới là sự lãng phí tài nguyên lớn nhất.

GS.TS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - Môi trường: Giám sát khai thác khoáng sản ở ta rất kém


Việc phân quyền cấp phép khai thác khoáng sản cho các địa phương đang bộc lộ những lỗ hổng. Không thể phủ nhận điều này giúp tăng cường tính chủ động cho các địa phương. Thế nhưng, ở nhiều nơi, trình độ chuyên môn của cán bộ chưa cao đã dẫn đến việc cấp phép một cách ồ ạt, không có quy hoạch. Trong khi đó, việc giám sát khai thác khoáng sản ở ta lại được thực hiện rất kém, một số nơi không kiểm soát được. Hồ sơ cấp phép có thể được làm rất nghiêm túc, đề xuất đầy đủ các phương án giảm thiểu tác động môi trường, nhưng khi triển khai trong thực tế lại đi ngược hoàn toàn. Nhiều mỏ bị khai thác tận thu tàn bạo dẫn đến hủy hoại tài nguyên môi trường ghê gớm, không thể bù đắp. Vì giám sát kém, hoặc buông lỏng giám sát, cơ quan quản lí đã không thể phát hiện được sai phạm hoặc phát hiện quá muộn.

(Theo CAND)

Bình luận của Blog Nguyễn Xuân Diện :

Nếu Đài Truyền hình Quốc gia (và các báo chí quốc doanh) đưa tin sai sự thật, đưa tin dối trá, thì một mặt những blogger cần phải đưa tin đúng sự thật và chỉ có sự thật, với cách đưa tin hướng đến chuyên nghiệp.

Nếu các blogger đưa tin đúng sự thật, thì người dân sẽ chỉ đọc Blog và website cá nhân, vì chỉ ở đó mới có sự thật!

Không có nhận xét nào: