Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011
Vụ thiếu tá công an "gạ tình": Nạn nhân bị chết oan?
Lam Nguyên (VnMedia) - Sau một tuần làm việc cùng các cơ quan chức năng như Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bến Cát, công an tỉnh Bình Dương, công an huyện Bến Cát, luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Nguyễn Công Nhựt (33 tuổi, trưởng phòng quản lý kho thành phẩm Công ty TNHH lốp Kumho) cho biết, nhiều dấu hiệu cho thấy anh Nhựt bị chết oan.
Tài liệu vẫn đang bị "bưng bít"
Theo luật sư Trần Đình Triển, quá trình làm việc với Viện kiểm sát nhân dân huyện Bến Cát, Viện KSND tỉnh Bình Dương cho thấy VKS hiện chưa có bất cứ tài liệu nào liên quan đến vụ việc này.
Cụ thể trong ngày 9/5 VKS tỉnh, huyện chưa nhận được kết luận giám định nào, chưa biết kết quả giám định. Đồng thời đại diện viện kiểm sát tỉnh và huyện đều cho biết việc bắt, tạm giữ hay tạm giam anh Nhựt VKS không được biết. Nếu có căn cứ về bắt giữ người trái pháp luật thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Điều tra hình sự của VKSND tối cao.
Viện kiểm sát huyện Bến Cát, Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, anh Nhựt không phải là người bị khởi tố. Do đó, phải tách ra đây không phải theo trình tự tố tụng hình sự mà phải xem xét theo trình tự tố tụng khiếu nại. Nếu áp dụng theo trình tự tố tụng khiếu nại thì phải công bố công khai tất cả các tài liệu liên quan đến vụ việc. Ông Triển cho rằng, căn cứ theo các quy định của luật pháp, quan điểm này rất đúng.
Khi làm việc với công an huyện Bến Cát, trưởng công an huyện lảng tránh, từ chối làm việc với luật sư và gia đình anh Nhật. Sau khi luật sư trình bày và đưa ra quan điểm thì được một phó công an huyện gặp. Tuy nhiên, theo luật sư Triển, tất cả những thắc mắc của luật sư đều bị từ chối trả lời. Luật sư và gia đình xin xem căn phòng nơi anh Nhựt bị giam và bị chết nhưng bị từ chối.
Ngày 11/5 Văn phòng Cảnh sát điều tra công an tỉnh tiếp gia đình anh Nhật thì chỉ đọc phần cuối của 3 kết luận giám định một là chữ viết, hai là nguyên nhân chết, ba là trong người anh Nhựt có cái gì không và không cung cấp một tài liệu gì cho gia đình và cũng không giải thích bất cứ một câu hỏi gì về thắc mắc, nghi vấn của gia đình đưa ra.
Ngày 12 và 13/5, khi luật sư làm việc với Văn phòng cảnh sát điều tra công an tỉnh, nội dung ban đầu chỉ thông báo các kết luận và không trả lời bất cứ câu hỏi nào luật sư nêu ra. Cảnh sát cũng từ chối cung cấp thông tin của vụ khiếu nại và chỉ cho luật sư đọc hồ sơ, không được phô tô, chụp ảnh.
Nhiều dấu hiệu cho thấy anh Nhựt chết oan
Theo luật sư Triển, sau một tuần tiếp cận với hồ sơ vụ việc từ phía các ban ngành chức năng tỉnh Bình Dương, vấn đề khó hiểu nhất là vì sao các cơ quan tố tụng không có lệnh bắt tạm giữ anh Nhựt; anh Nhựt đến trụ sở công an theo công văn của công ty Kumho gửi công an huyện Bến Cát cử anh Nhựt đến công an huyện để phối hợp điều tra việc mất cắp ở công ty Kumho. Việc anh Nhựt ở lại trụ sở công an là theo giấy viết tự nguyện của anh Nhựt xin ở lại chứ không có việc bắt tạm giữ, tạm giam.
Nhưng, trụ sở công an là trụ sở an ninh quốc phòng, giữ nhiều tài liệu, bí mật không ai có thể tự vào và tự do đi lại. Ngay cả cán bộ cũng hết giờ làm việc là phải về, ai ở lại phải là người có giấy trực ban. Vậy căn cứ nào để cho người ngoài được tự nguyện ở trong trụ sở công an. Nếu là tự nguyện, tại sao không thông báo cho gia đình anh Nhựt biết. Vợ anh Nhựt và những người thân xin gặp không cho gặp. Điện thoại của anh Nhựt bị thu giữ, phòng bị khóa trái, muốn đi vệ sinh phải có người đưa đi và giám sát. "Đây có phải là lý do dẫn đến cái chết của anh Nhựt?", luật sư Triển nói.
Trong thời gian anh Nhựt bị tạm giam, có 3 công nhân khác của công ty Kumho cũng bị giam giữ ở đây và cũng đều trong hoàn cảnh bị giám sát chặt chẽ tương tự như trường hợp của anh Nhựt. Theo trình bày của 3 công nhân này, việc viết giấy tự nguyện để ở lại là theo yêu cầu và bắt ép của công an buộc họ phải viết. Câu hỏi này không được đại diện công an tỉnh tiếp luật sư và gia đình trả lời.
Mặt khác, đến thời điểm này anh Nhựt chết vào giờ nào, ngày nào, tại sao không giám định thời gian chết?
Theo hồ sơ là 6 giờ sáng ngày 25/4, người dọn vệ sinh phát hiện anh Nhựt chết, tại sao khoảng gần 7 giờ sáng, chị Tuyền đưa phở lên cho anh Nhựt thì công an vẫn nhận. Đến 8h, mời gia đình anh Nhựt đến trụ sở công an có việc cần thì chị Tuyền có mặt lúc 8h15 nhưng không tiếp gia đình, không trả lời gia đình một thông tin gì. Trong khi đó, công an huyện tổ chức một cuộc họp kéo dài từ 9h sáng đến 13h30 có đại diện của Công ty Kumho tham gia. Sau 13h30 mới thông báo cho gia đình là anh Nhựt đã bị chết. Lý do gì phải giấu diếm? Nội dung cuộc họp đó để bàn thảo cái gì?
Tiếp đến, trong khi khám nghiệm hiện trường có rất đông người của gia đình ở đó mà lại không cho đại diện của gia đình tham gia?
Bản di chúc của nạn nhân còn nhiều điểm cần làm rõ
Luật sư Triển cũng đặt ra nhiều nghi vấn về bản kết luận nạn nhân chết vì treo cổ.
Theo đó, nếu chết treo cổ thì thân thể phải vượt quá mặt đất, còn hiện trường anh Nhựt chết thì hai chân đang đứng dưới đất, người tựa vào tường và cửa sổ. Cổ bị dây buộc vào thành ngang của cửa sổ. Phía bên chân trái của anh Nhựt có một bãi phân còn nguyên vẹn nhưng khám nghiệm tử thi thì trong hậu môn có một ít phân, quần và chân không hề bị dính phân mà bãi phân gần sát chân anh Nhựt.
Thông thường người chết dù tự tử thì giai đoạn chuẩn bị tắt thở bao giờ cũng có biểu hiện vũng vẫy. Tại sao bãi phân vẫn còn nguyên? Bên tường cũng như cửa sổ không có một dấu vết nào biểu hiện có tác động của sự vùng vẫy. Sao không giám định bãi phân kia có phải của anh Nhựt hay không?
Thứ hai, trên cửa sổ có chụp ảnh dấu vết vân tay của của 1 bàn tay có phẩm màu đỏ. Vậy vân tay này của ai cũng chưa được giám định. Trên nền nhà, phía trước mặt anh Nhựt có nhiều vết chất nhầy màu vàng cũng chưa được giám định. Có phải là chất nhầy từ cơ thể anh Nhựt ra không trong khi khám nghiệm tử thi thì cổ họng, thanh quản, miệng anh Nhựt khô.
Việc trao trả các đồ dùng cá nhân của anh Nhựt cho gia đình cũng có vấn đề. Cụ thể chiếc điện thoại không phải là điện thoại của anh Nhựt như gia đình khiếu nại. Đôi giày ba ta không phải của anh Nhựt chưa được giám định là của ai mà lại để lại hiện trường?
Nếu anh Nhựt tự sát, tại sao không cho gia đình nhìn, khâm niệm và cũng không cho gia đình tự quyết định việc thuê xe hay địa điểm chôn cất. Thậm chí gia đình muốn mua quần áo, giầy mặc cho chồng con cũng không được?
Trước hàng loạt câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Khuyển, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra tiếp luật sư, chỉ trả lời một câu: luật sư đọc chứ không tranh luận.
Việc anh Nhựt chết bất thường tại cơ quan công an và những tình tiết phát sinh trong vụ án thiếu tá "gạ tình" vẫn chưa bị khởi tố, có hay không việc công ty Kumho "bắt tay" với công an huyện Bến Cát để hãm hại anh Nhựt cần phải được nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Lam Nguyên
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét