Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Cách mạng Truyền thông và Cách mạng Vũ trang

Việt Nguyên

Mùa Hè 2011, tình trạng Hoa Kỳ có vẻ giống như Xô Viết năm 1989. Với sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama, nạn thất nghiệp vẫn cao, chi phí quốc phòng gia tăng, Hoa Kỳ bị chiếu bí trên bàn cờ thế giới.

Ở vùng Thái Bình Dương, Trung Cộng xác định vai trò cường quốc mới, viện trợ kinh tế cho Cambodia xây các thương cảng, thành lập chương trình kinh tế cho Bắc Hàn để Bắc Hàn hăm dọa phóng hỏa tiễn mới, giương oai điệu võ với Việt Nam và Phi Luật Tân với hàng không mẫu hạm mới đóng. Ở Trung Ðông và Bắc Phi, chiến tranh Lybia từ tháng 4 đến nay không lối thoát, ba cường quốc Anh, Pháp, Mỹ và khối NATO không lật đổ được nhà độc tài Gaddafi với tổn phí lên đến hàng tỷ Mỹ kim trong khi với tiêu chuẩn đôi, Tổng Thống Obama đứng nhìn các nhà độc tài còn lại ở Syria và Yemen tàn sát phong trào đòi dân chủ. Giống như ở Việt Nam năm 1973, mùa bầu cử sắp đến, Tổng Thống Obama tuyên bố chiến thắng để rút 33,000 quân ra khỏi Afghanistan, ra điều giữ lời hứa hồi tranh cử năm 2009. Bom đạn không đem đến thành công ở Bắc Phi và Trung Ðông, bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton sử dụng vũ khí mới, đổ 50 triệu Mỹ kim vào chương trình mạng lưới xã hội để đem tin tức đến vùng quê với hy vọng mạng lưới tin tức đưa đến thay đổi dân chủ.

Ảnh hưởng mạng lưới và những ý kiến đối nghịch

Mạng lưới bắt nguồn từ năm 1957, trong thời chiến tranh lạnh sau khi phi thuyền Nga Spunik được phóng lên không gian, Tổng Thống Eishenhower thành lập cơ quan nghiên cứu dự án quốc phòng ARPA, nối các mạng lưới điện tính và điện thoại để kiểm soát phi vụ, sau đó nhà khoa học Anh, Tim Berners-Lee làm việc cho cơ quan CERN ở Thụy Sĩ phát minh ra (World Wide Web) -www. năm 1993 chứ không phải là Phó Tổng Thống Al Gore. Liên Hợp Quốc xem mạng lưới thông tin là một quyền trong những quyền làm người. Hơn 20 năm, mạng thông tin đã thay đổi lối sống và cách suy nghĩ của mọi người mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm đối nghịch.

Những người xem mạng lưới quan trọng trong việc thông tin và cách mạng như bà Clinton đã xem mạng lưới (www) quan trọng nhất từ sau cách mạng ấn loát thời trung cổ, kỹ nghệ in sách Gutenberg đã đưa đến cách mạng khoa học và tư tưởng. Kỹ thuật mới đã khiến nhân loại tiến bộ nhảy vọt thay đổi xã hội đưa đến tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Ấn phẩm, sách báo đã thay đổi tư tưởng nhân loại sau đó đến truyền thanh và truyền hình. Các chương trình truyền hình đã tạo ra ngôi làng toàn cầu còn mạng lưới đã thay đổi tâm lý toàn cầu. Con người đã suy nghĩ nhanh nhờ thông tin mạng nhanh chóng nhưng không hẳn con người suy nghĩ hay hành động tốt hơn con người trong những thời đại trước.

Khi mạng lưới toàn cầu được thành lập năm 1993, Jaron Lanier nhìn thấy “mạng lưới phát triển là một tiến bộ quan trọng giúp con người học hỏi và ghi nhận những thông tin mới. Hàng triệu người sẽ tham gia vào mạng mà không bị quảng cáo, thương mại, chính trị, cảnh cáo, trừng phạt hay sợ hãi đến từ chính quyền. Mạng lưới thông tin là ý tưởng tốt đẹp.” Nhưng đầu tiên là thương mại nhảy vào mạng một cách tình cờ do Larry Page và Sergey Brin hai chàng trẻ tuổi sáng lập công ty Google với những quảng cáo nhỏ thêm vào trong bộ máy truy tầm (search engine). Các quảng cáo này gây ra rối loạn khiến người đọc trên mạng không còn chú ý tập trung tư tưởng như khi đọc sách.

Nhà giáo dục Sven Birkens nhận thấy báo điện tử hủy hoại khả năng hấp thụ. Sự hứa hẹn mạng lưới sẽ hữu ích cho nền kinh tế phục vụ toàn cầu khi Hoa Kỳ đầu tư vào máy điện toán năm 1970 cũng không thấy có kết quả cho đến mãi hơn 20 năm sau máy điện toán và mạng bắt đầu thay thế cho con người như phim “Le temps modern” của Charlie Chaplin. Năm 1999, Wendell Berry đã nhận thấy “mạng lưới chia đôi thế giới một bên là con người có óc sáng tạo và một bên là con người sống như cái máy.” Con người không cần phải nhớ tất cả chi tiết cá nhân, số điện thoại, v.v... đều được chứa vào điện thoại cầm tay và máy tính. Chính công ty Google đã chủ trương “bộ óc con người là máy vi tính lỗi thời cần có phần mềm khác.”

Công ty chủ trương người đọc phải đọc nhanh. 100 tỷ tế bào não được chương trình điện toán hóa lại bởi máy vi tính hợp với lối đọc blog (lấy chữ B cuối chữ web với chữ log in). Blog nhanh chóng tốt cho diễn đàn chính trị, loan tin không cần kiểm chứng. Blog và Ipod đưa thế giới trẻ vào con đường “nghiện mạng,” gia đình cha con xung đột văn hóa. Con cái thích “text” tiện lợi, tránh nói chuyện ồn ào trong buổi họp, cha mẹ lại thích nói điện thoại, nghe giọng con cái. Ngôn ngữ cũng thay đổi, nói chuyện ngắn ngủi như “text” trả lời tin qua Blackberry, Iphone hai chữ “ok.”

Ngày trước cha mẹ phàn nàn con cái xem tivi trong bữa cơm nay ở Mỹ lại đồng ý không lên mạng một ngày để gia đình cùng xem tivi! Cả thế giới thay đổi không còn riêng tư trên mạng. Máy trên Google biết cả những sở thích cá nhân, lựa chọn đặc điểm từng người, chỉ cho họ xem điều gì họ muốn cho xem, đưa đến kiến thức và quan điểm một chiều. Lên mạng Yahoo, Gmail, Hotmail, là mất tất cả bí mật cá nhân ngay cả sách điện tử Kindle qua Amazon, công ty cũng rõ người đọc muốn gì, sở thích gì, trình độ học vấn ra sao, v.v...

Bác Sĩ Nicholas Carr qua cuộc nghiên cứu năm 2008 cho thấy não bộ vùng Hà Mã cần thiết cho trí nhớ tăng trưởng nhờ mạng, nhưng trí nhớ của mạng cũng như trí nhớ của con người thay đổi lung tung như hai vợ chồng già người nhớ điều này người nhớ điều khác phải phối kiểm lại, điển hình là Wikipedia ai cũng hiệu đính được như tuần vừa qua bà Sarah Palin đã nói sai về Paul Revere cỡi ngựa loan báo tin về quân Anh tháng 4 năm 1775 trong trận chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ. Ðội ngũ Ðảng Trà lên Wikipedia sửa lại cho hợp với lý luận của bà Palin.

Con người mấy ngàn năm vẫn loanh quanh lẩn quẩn, tranh luận về mạng lưới không có gì mới. Thời đại Socrates khi giấy ra đời, Socrates đã cho là giấy viết làm hư hỏng con người, đến khi có sách, Eramus nói “sách điên khùng, ngu dốt, độc ác cho người” còn Phaedrus thì nói “sách làm cho bộ óc teo lại!” Ðến thời đại truyền hình thì Marshall Mc Wilhan đã nhắc lại câu của Marx “cá tính của thời đại tân tiến đã vỡ ra từng mảnh.”

Chương trình của bà Hillary Clinton

Chương trình mạng lưới của bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đang ở trong giai đoạn đầu, nhắm vào các mạng xã hội, giao tế như Facebook và Twitter, chương trình nằm trong ngân sách bộ ngoại giao nhắm đến các nước chậm tiến đang phát triển, ngân sách lên đến 175 triệu Mỹ kim do những người cố vấn trẻ tuổi tin tưởng mãnh liệt vào hiệu quả của mạng trong thời cách mạng Ðông Âu. Các ông Alec Ross đồng sáng lập viên công ty One Economy, Jared Cohen hoạch định chính sách ngoại giao và Emily Parker nhà ngôn ngữ học đồng ý là thông tin càng ngày phải càng nhanh, sức mạnh của máy điện toán cộng với thông tin mạng xã hội tạo ra sức mạnh cho các nhóm và các cá nhân tranh đấu qua vận tốc, thay đổi nhanh chóng và gây sự ngạc nhiên cho đối thủ như binh thơ Tôn Tử dạy.

Ông Cohen chủ trương mạng lưới như vậy sẽ thay đổi chính trị toàn cầu làm mất trung tâm quyền lực của chính quyền mà những kỹ thuật truyền thông trong quá khứ không đạt được. Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong bài diễn văn “tự do mạng lưới” ngày 2/15/2011 đã biện luận với khán giả là “mạng lưới là con đường chính trị hữu hiệu” bà muốn tạo ra thông tin xã hội như là quảng trường trong thế kỷ thứ 21, nơi tập họp của các nhóm đấu tranh giống như quảng trường Thiên An Môn hay công trường Tahir ở Ai Cập. Bà tế nhị lập luận là “mục đích của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không phải khuyến khích dân chúng dùng mạng nhiều hơn tập họp ở công trường” và tránh giả thuyết Hoa Kỳ khuyến khích dân chúng dùng mạng để “giải phóng” sự thống trị của các nền độc tài. Bà kêu gọi mọi người tham gia để mạng lưới dẫn đến quốc gia thịnh vượng. Chương trình không phải đánh cuộc trên máy móc mà là chương trình nuôi người như câu nói “vì lợi ích trăm năm ta trồng người.”

Chương trình của những người trẻ trong chính phủ Clinton đã đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao ngay cả trong giới Tây phương, Facebook, Twitter đã là dụng cụ quan trọng và đã làm họ quên đi sự đóng góp của những cuộc đình công ở Ba Lan thời cách mạng Ðông Âu cũng như hồi tháng 4, 2011 ở Ai Cập. Các mạng xã hội đã lôi cuốn 473,000 người dẫn đến cuộc cách mạng ở Ai Cập với dân số 85 triệu. Wae Ghomin 29 tuổi ở Cairo làm cho công ty Google đã là người lãnh đạo, áp dụng, áp dụng chính sách của bà Clinton “muốn giải phóng xã hội, hãy cho người dân mạng lưới thông tín.” Ngoài Ðài Truyền Hình AL-JAZEERA, mạng thông tin đã đưa đến tự do phát biểu, tự do ngôn luận và thay đổi cả một thế hệ trẻ.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với bà Clinton, chính người phát minh ra mạng www, Sir Timothy Berners-Lee đã thất vọng: “Mạng như chúng ta đã biết đang bị đe dọa, các chính quyền và các nhà độc tài đang kiểm soát dần trên mạng đe dọa đến nhân quyền.” Các chính quyền như Nga, Trung Cộng, Việt Nam dùng mạng để theo dõi, bắt bớ giới đối lập. Phương tiện cổ điển, tịch thu máy điện toán, tù đày, bắt bớ, tra tấn, bạo lực vẫn còn là phương diện hữu hiệu đàn áp đối lập nếu dân vẫn còn sợ chính quyền độc tài. Ông Evgeny Morozov người đã đứng ra đòi dân chủ và cải tổ ở các nước chư hầu Xô Viết cũ đã sử dụng blog, mạng xã hội, Wiki vũ khí hữu hiệu hơn dùi cui cảnh sát, còng, và máy quay phim theo dõi của cảnh sát nhưng đã thấy chiến thuật mạng lưới thất bại. Nó như con dao hai lưỡi. Chính quyền độc tài dùng facebook để theo dõi đối lập. Nga và Trung Cộng đã sử dụng các mạng để tuyên truyền cho chế độ độc tài. Kinh nghiệm như lần đấu tranh dân chủ, phong trào Xanh ở Iran năm 2009, những người Iran lưu vong dùng you tube, twitter nhằm lúc twitter đột nhiên ngưng hoạt động, chính quyền Obama yêu cầu twitter hoạt động lại, kết quả là chính quyền Iran có thời giờ xem lại Twitter, YouTube để bắt bỏ tù các thành phần đối kháng.

Phát minh mạng lưới thông tin cũng như phát minh ấn loát, kỹ nghệ in đưa đến cách mạng đồng thời cũng đưa đến phản cách mạng. Nhờ Gutenberg, Martin Luther phát truyền đơn chống công giáo lập ra Tin Lành. Giáo Hoàng đốt sách phản động, Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò. Cộng sản đốt sách phản động chống cách mạng. Thời này, các chính phủ độc tài phá các mạng lưới bằng tin tặc, đóng cửa mạng lưới, thời trước họ kiểm duyệt đài truyền hình, đài phát thanh và báo chí nhưng cách mạng vẫn bùng nổ.

Tháng 4 năm 2011, Ðại Học Y Khoa Washington ở St. Louis, Missouri đã gắn điện cực trong óc vùng tiếng nói của một bệnh nhân giúp bà làm chuyển động mũi tên trên máy điện tính bằng cách tập trung tư tưởng mà không dùng đến con chuột. Một cuộc thí nghiệm khác ở Ðại Học Brown cũng thành công khi một bệnh nhân bị tê liệt, qua sự điều khiển bằng sự liên hệ giữa máy điện toán và óc (brain gate), đã điều khiển máy hoàn toàn bằng ý tưởng.

Có lẽ chỉ có phương pháp gắn “Microchip” vào óc mới có thể làm các nhà lãnh đạo CSVN thay đổi tư tưởng và giúp họ phân biệt thế nào là quyền lợi của Ðảng và quyền lợi dân tộc?

Không có nhận xét nào: