Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Người dân Hà Nội tạm ngưng biểu tình phản đối Trung Quốc (Tổng Hợp)

Theo RFI :


Khu vực sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, sáng 31/01/2011 (ảnh: anhbasam.wordpress.com)


Thụy My

Hôm nay, 31/07/2011, là chủ nhật đầu tiên kể từ tám tuần qua, người dân Hà Nội không xuống đường phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau tám tuần lễ biểu tình liên tiếp, các nhân sĩ trí thức đã từng kêu gọi tham gia biểu tình, nay đề nghị tạm nghỉ chủ nhật này. Bên cạnh đó, trận bão số 3, tức bão Nock-ten, gây mưa lớn tại Hà Nội cũng là một nguyên nhân.
Trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nơi vẫn thường tường thuật trực tiếp các cuộc xuống đường, viết : «Cuộc biểu tình yêu nước và tưởng niệm các liệt sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc diễn ra sáng chủ nhật 24/7 đã thành công. Để mọi người (trong đó có các lực lượng an ninh) cùng được nghỉ ngơi, thư giãn, chủ nhật tuần này (31/07), các nhân sĩ trí thức không tham gia biểu tình (trừ trường hợp Trung Quốc tiếp tục gây hấn)».

Thông báo còn mời những người dân đã tham gia các cuộc xuống đường trước đây cùng đến gặp gỡ tại một quán cà phê ở Hà Nội.

Cuộc biểu tình vào chủ nhật tuần trước tại Hà Nội đã thu hút ít nhất 300 người tham gia, và diễn ra một cách êm thấm. Trước đó, cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc ngày 17/07 đã bị đàn áp khá thô bạo. Hình ảnh một người biểu tình bị một nhân viên công an mặc thường phục đạp vào mặt trong lúc đang bị bốn công an khiêng lên xe buýt, đã gây phẫn nộ trong cộng đồng. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến số người biểu tình ngày 24/07 đông hơn hẳn, và chính quyền đã có nới tay hơn.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong cuộc biểu tình chủ nhật 24/7, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ của Việt Nam, lần đầu tiên xuất hiện những biểu ngữ tưởng nhớ các binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến năm 1974 khi Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này đã gây xúc động cho nhiều người. Giáo sư chuyên ngành nguyên tử Phạm Duy Hiển tham gia biểu tình hôm đó, được phát một tờ giấy A3 ghi tên một binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh ngày 17/01/1974 tại Hoàng Sa, sau đó đã ghi lại tâm sự : « Anh là ai, đồng đội của anh hôm ấy có những ai, mà sao đến tận bây giờ, một người Việt Nam có học như tôi mới biết ? ».

Qua điện thoại viễn liên, một sinh viên ở Hà Nội cho RFI biết vì sao anh không đi biểu tình ngày hôm nay:

- Sáng nay theo trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thì mọi người hôm nay nghỉ, để cho các bác già yếu sau nhiều tuần liên tiếp được nghỉ ngơi. Với lại hôm nay mọi người tuy không đi nhưng họp mặt nhau ở quán cà phê 36b Điện Biên Phủ đấy ạ. Rất tiếc là em bận, em không đi được. Ở Việt Nam thì hôm nay bão về nên ở Hà Nội trời mưa rất là to, em nghĩ đấy cũng là một lý do khiến mọi người không đi biểu tình.

RFI: Nhưng hình như ở khu vực gần đại sứ quán Trung Quốc cũng vẫn tiếp tục giăng dây để bảng cấm ?

- Ở đấy thì Chủ nhật hàng tuần đều bị cấm, nên chắc việc giăng dây là có đấy ạ.

RFI: Tạm nghỉ tuần này thì tuần tới bạn có đi nữa không ?

- Dạ có chứ !

RFI: Vì sao bạn đi biểu tình?

- Đó là vì hành động gây hấn quá hỗn xược của Trung Quốc nên em muốn bày tỏ thái độ của mình, của người dân, muốn nói lên lòng yêu nước của mình, chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa của mình với toàn thể người dân trên thế giới để họ biết. Chứ những hành động ngoại giao của Việt Nam chỉ mang tính hình thức, không đủ sức nặng để nói với Trung Quốc. Theo em nghĩ, tiếng nói của người dân sẽ mạnh mẽ hơn tiếng nói của chính phủ.

RFI: Bạn có bao giờ bị bắt chưa ?

- Dạ, bị bắt một lần vào ngày 10/7. Hôm ấy khoảng tám giờ rưỡi, cuộc biểu tình diễn ra được một lúc, độ khoảng mươi, mười lăm phút, mươi phút thôi, vừa mới đi được vài bước chân thì công an nhảy vào bắt một anh. Thế là em cũng xông vào để giải cứu cho anh đấy. Nhưng một lúc sau thì có một chiếc xe buýt tới, thế là công an họ nhảy vào, họ bắt tất, tống lên buýt rồi đưa về trụ sở công an Mỹ Đình.

RFI: Như vậy mà bạn vẫn không ngại đi biểu tình những lần tới ?

- Theo em nghĩ, đấy là quyền của công dân. Đây là quyền cơ bản của công dân, việc mình thực hiện quyền cơ bản của một con người thì chắc chắn điều đó là theo đúng Hiến pháp, mình không phải sợ gì cả !

RFI: Đối với nhà trường thì bạn có gặp rắc rối gì không khi tham gia các cuộc biểu tình như vậy ?

- Có một ít rắc rối, do công an đưa giấy về trường, nên nhà trường có gọi em lên một chút để nói chuyện. Nhà trường muốn yêu cầu em không đi biểu tình nữa, muốn em ký vào biên bản, trong đó ghi ý kiến của các thầy là đã bảo em không nên đi biểu tình. Còn em nói là em không đồng ý với ý kiến đó. Các thầy muốn em ký vào nhưng em không ký ! Các thầy quy vào điều 43 trong quy chế, nếu gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường thì trường có quyền buộc thôi học. Em có biết đâu, hôm ấy các thầy dọa thế thì em mới biết cái luật ấy chị ạ. Em đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước, nhà trường nói đấy là gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường !

RFI: Rất cám ơn bạn.



Sinh viên Hà Nội - 20110731 31/07/2011

Mời lắng Nghe (02:19)

_________________________________


Theo BBC:

Chủ Nhật đầu tiên dừng biểu tình chống TQ



TS Nguyễn Xuân Diện (trái) cho rằng cuộc tuần hành hôm Chủ Nhật 24/7 thành công theo đúng mong muốn của người dân yêu nước.


Sau tám Chủ Nhật biểu tình vì biển đảo, người dân tại Hà Nội tạm ngưng tuần hành chống TQ, mô tả là "để họ và lực lượng an ninh được nghỉ ngơi".

Một số người dân từng tham gia biểu tình ở Hà Nội nói với BBC hôm 31 tháng Bảy rằng "mọi người cũng muốn có cơ hội giao lưu, thư giãn"sau các sự kiện gần đây.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, một trí thức có mặt tại cuộc gặp gỡ với khoảng hơn 100 người tham dự ở một quán cafe gần khu vực tọa lạc của Bộ Ngoại giao VN tại Hà Nội cho BBC biết chi tiết về việc ngưng tuần hành tại Hà Nội, cũng như đánh giá về cuộc tuần hành một tuần trước đó, hôm Chủ Nhật 24/7 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

"Cuộc biểu tình yêu nước và tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa được diễn ra vào sáng Chủ Nhật tuần trước đã thành công theo đúng như mong muốn của những người VN yêu nước," ông Diện nói.

"Cũng tại cuộc biểu tình đó, lực lượng an ninh của TP Hà Nội đã giúp cho cuộc biểu tình có được an ninh, trật tự, khi người ta bày tỏ lòng yêu nước, cũng như lòng tưởng vọng biết ơn đến những chiến sỹ đã bỏ mình vì nước trước đây.

"Trước tình hình đó, giới nhân sỹ, trí thức quyết định là Chủ Nhật tuần này sẽ không tham gia biểu tình."

Trước đó, hôm 30 tháng Bảy, trên trang blog cá nhân của mình, ông Diện cũng cho hay việc ngưng tuần hành còn để "các lực lượng an ninh" được nghỉ.

"Để mọi người (trong đó có các lực lượng an ninh) cùng được nghỉ ngơi, thư giãn, Chủ nhật tuần này, các nhân sĩ trí thức không tham gia biểu tình (trừ trường hợp Trung Quốc tiếp tục gây hấn).

Cô Trịnh Kim Tiến, một nữ sinh viên mới tốt nghiệp Cao đẳng Bách Khoa tại Hà Nội, người đã tham gia nhiều cuộc tuần hành chống TQ trong các tuần qua mô tả không khí của cuộc gặp gỡ tại quán Cafe nằm trên đường Điện Biên Phủ:

"Chúng tôi nói về sự xâm lấn của Trung Quốc,và hát cho nhau nghe những bài hát về Hoàng Sa-Trường Sa"

Nguyễn Tiến Nam
"Không khí rất là nhộn nhịp, rất nhiều vị nhân sỹ, trí thức có mặt," cô Tiến, người chính là con gái của ông Trịnh Xuân Tùng, nạn nhân trong vụ bị trung tá Nguyễn Văn Ninh, công an phường Thịnh Liệt, Hà Nội, cùng một số dân phòng đánh chết ngày 28/02/2011, mô tả.

"Em tham dự tuần hành với tư cách một thanh niên, sinh viên VN yêu nước. Và không hề có gì liên quan tới việc của ba em. Lần đầu tiên em đọc được một bài viết về 'Nỗi đau của Hoàng Sa' và sau đó diễn ra các cuộc tuần hành, thì em đã quyết định tham gia tuần hành cùng mọi người," cô giải thích về lý do tham gia biểu tình yêu nước của mình.

Một thanh niên khác có mặt tại cuộc gặp gỡ tại quán Cafe, anh Nguyễn Tiến Nam, người đã được những người tuần hành "giải cứu" trong một lần đi biểu tình và bị Công an Quận Hoàn Kiếm "bắt giữ" cho hay thêm về cuộc họp mặt.

"Không khí rất xúc động và hào hùng. Tất cả những nhân sỹ, thanh niên và người dân có mặt ở đây gặp gỡ nhau để giao lưu, nói về Hoàng Sa và Trường Sa và trong đó có một người thầy giáo của tôi," thanh niên này thuật lại.

"Chúng tôi nói về sự xâm lấn của Trung Quốc, về sự đẹp đẽ và dài rộng của đất nước và hát cho nhau nghe những bài hát về Hoàng Sa-Trường Sa, đọc cho nhau nghe những bài thơ thể hiện tình yêu nước, tấm lòng của mọi người đối với đất nước và quê hương."

"Gặp rắc rối"



Cuộc gặp gỡ tại quán cafe ở Hà Nội hôm Chủ Nhật 31/7/11 được mô tả có khoảng trên 100 người tham dự.

Tuy nhiên, Nguyễn Tiến Nam cho hay từ sau khi tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành ở Hà Nội, anh thường xuyên gặp "rắc rối" với chính quyền.

"Tôi gặp rắc rối nhiều lần. Có một lần, bên an ninh gửi thư đến địa chỉ nhà trọ của tôi, đe dọa những người bạn cùng phòng trọ của tôi. Thư gửi cho tôi, nhưng phong bì thư đề theo một cách thức để những người cùng trọ nghĩ rằng tôi thế nào đó, thì mới bị gửi thư như vậy để đe dọa.

"Lần mới nhất đây, tôi bị hai người an ninh hay theo dõi tôi đập vỡ một gương chiếu hậu của xe của tôi... Họ cầm một viên gạch đập vỡ xe của tôi, vì tôi hay dùng gương chiếu hậu xem xem có ai theo tôi không. Và họ cảnh báo tôi rằng sau sẽ còn những sự kiện mạnh hơn nữa để xử lý tôi," Tiến Nam kể lại và đưa ra cáo buộc.

Một người khác có mặt tại cuộc gặp gỡ chiều Chủ Nhật tại quán cafe tại Hà Nội, kỹ sư tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, Lê Dũng, cho hay ông đã nhận được giấy triệu tập của an ninh với ký do đã "ký đơn đề ngày 19/7 gửi Giám đốc Công an Hà Nội," ông Nguyễn Đức Nhanh, và sẽ gặp đại diện cơ quan này sau hôm Chủ Nhật.

Ông Dũng cũng cho biết sau khi tham gia các cuộc tuần hành, một số cảnh sát khu vực đã tiếp cận với ông ở địa phương sinh sống và khuyên ông không tiếp tục tham gia.

"Em nghĩ những người lãnh đạo an ninh cũng không nghĩ là họ dùng những hình thức như thế đâu. "

Nguyễn Chí Đức, bị công an chìm đạp vào mặt
Một người tham gia biểu tình khác cũng có mặt tại cuộc gặp mặt hôm Chủ Nhật là Nguyễn Chí Đức, vốn được biết tới rộng rãi sau khi xuất hiện trong một tấm hình mà anh được ghi nhận là người đã bị các lực lượng an ninh "khiêng" lên xe buýt để giải tán và bị một nhân viên an ninh thuộc CA Quận Hoàn Kiếm hành hung vào mặt.

Chuyên viên tin học trẻ tuổi này nói cho tới nay anh vẫn chưa rõ vì sao an ninh lại có "hành vi" được cho là thô bạo đó.

"Em nghĩ những người lãnh đạo an ninh cũng không nghĩ là họ dùng những hình thức như thế đâu. Em nghĩ chẳng qua đó là bột phát, hoặc do cá nhân, hoặc một lý do nào đó không rõ, mà không phải là sự chỉ đạo."

"Sau sự kiện đó, không chỉ riêng an ninh, mà nhiều hàng xóm và đồng nghiệp cũng tiếp xúc với em. Sau sự việc, nhiều công an ở địa phương và người ở xóm phố, hay bạn bè lâu ngày không gặp cũng hỏi thăm."

"Em cũng giống như mọi người, tất cả đều có một tâm tư tình cảm muốn chia sẻ sau thời gian dài hai tháng xuống đường. Em cũng muốn hòa đồng với mọi người và em nghĩ đấy cũng là cảm xúc chung của tất cả mọi người hôm nay," Nguyễn Chí Đức nói với BBC trong lúc tham dự cuộc gặp gỡ trong Chủ Nhật đầu tiên, Hà Nội ngưng tuần hành.

Không có nhận xét nào: