Bùi Tín viết riêng cho VOA
Truyền thống yêu nước – giành lại nền độc lập khi bị mất, giữ vững nền độc lập khi đã dành được – là vốn tinh thần quý báu nhất của dân tộc Việt Nam. Nhờ truyền thống yêu nước vô cùng sâu đậm, dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển không ngừng.
Ông cha ta đã làm được như vậy.
Tám chủ nhật qua, hào khí Thăng Long sống lại trong lòng thủ đô Hà Nội trong những cuộc xuống đường đều đặn, ngày càng sôi nổi.
Đây là những cuộc đấu tranh gay gắt giữa chính nghĩa ôn hòa của nhân dân, của dân tộc với bạo lực mù quáng thân nước ngoài bành trướng..
Bản chất phi nhân, phi dân tộc biểu hiện rõ trong những bức ảnh và những đoạn phim tên Đại úy công an Minh đi giày 4 lần đạp vào mặt chiến sỹ yêu nước – cựu chiến binh Nguyễn Chí Đức – cạnh đó là viên Trung tá công an Canh, phó chỉ huy đồn công an quận Hoàn Kiếm, đôn đốc 4 tên «công an – ác ôn» khác ra tay kéo chân và tay của anh Đức. Lập tức các chiến sỹ yêu nước sáng tác bài thơ chỉ ra rằng đó là những cú đạp vào mặt tổ quốc đau thương, đạp vào lòng yêu nước truyền thống của dân tộc. Nhà giáo dục Phạm Toàn cũng lên tiếng xin đừng ai đưa bức ảnh ấy cho các thầy cô giáo của tên «đại úy – mất dạy» cũng như cho cha mẹ anh ta thấy, tránh cho những người ấy nỗi đau lòng vì đã có đứa học trò và đứa con vô đạo đến thế.
Nhưng trên tất cả những hình ảnh, tin tức sôi động của các cuộc xuống đường, biểu tình, tuần hành của 8 ngày Chủ nhật vừa qua là những nét đặc sắc mới mẻ của cuộc đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt chỉ mới khởi đầu.
Trước hết cuộc đấu tranh diễn ra ở ngay giữa thủ đô Hà Nội, hướng dẫn khơi ngòi bởi nhiều nhóm trí thức được xã hội nhận diện là những kẻ sỹ thời đại có trí tuệ và tâm huyết, gắn bó thật sự với dân tộc và nhân dân. Tôi không cần dẫn ra danh sách của hàng chục đến hàng trăm kẻ sỹ tên tuổi ngày càng quen thuộc với nhân dân ấy. Các bạn đã khéo quần tụ, tâm đầu ý hợp, khéo vẫy gọi nhau, kết hợp với nhau, thu hút nhiều lực lượng trẻ trong ngành giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, báo chí, luật sư, sinh viên, học sinh, nhà kinh doanh…, mở rộng hàng ngũ một cách vững chắc.
Đây là một yếu tố hệ trọng hàng đầu. Tuy chưa thành một tổ chức thống nhất, có danh xưng riêng, có cương lĩnh, tôn chỉ mục đích rõ ràng, nhưng trên thực tế đã hình thành một cơ chế tổ chức và lãnh đạo mềm mại, linh hoạt, tập thể, với động cơ phục vụ xã hội, chú trọng hiệu lực thực tế, không cần phô trương hình thức. Chính do vậy mà các bạn xuống đường vui mừng thốt lên: Chúng ta đã có minh quân, minh quân tập thể, không cần lộ mặt, cũng có thể là chưa cần lộ mặt.
Một yếu tố thứ hai là cuộc đấu tranh ngày càng thu hút đông người, thuộc đủ các thành phần xã hội, có người xuống đường có người hỗ trợ bằng kiến nghị, có người là đảng viên kỳ cựu, có người là trung tướng, thiếu tướng, đại tá của quân đội, của công an, có người là giáo sư, thạc sỹ, tiến sỹ, viện sỹ, là chủ tịch hội văn học nghệ thuật thủ đô với hơn 3 ngàn thành viên, có người là đảng viên, một số đã từ bỏ đảng. Thật là xúc động khi nhận thấy hàng ngũ anh chị em đa dạng như trên, nhưng lại cố kết với nhau trên tinh thần đồng đội, sống chết, hiểm nguy bên nhau, nhận rõ mặt nhau để kết thân, thương yêu, quý mến thân thiết với nhau, cụ già tóc bạc phơ bên các cháu nhỏ nghiêm trang, cụ bà cương nghị trưng tên các chiến sỹ hải quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh năm 1974 ở Hoàng Sa. Có gia đình bố con bên nhau, bà cháu dắt tay nhau, nhiều cặp vợ chồng sánh vai,thật đẹp. Cái tình nghĩa tuy mới mẻ mà sâu đậm này là một sức mạnh đáng kể.
Chỉ riêng 2 yếu tố trên – có tổ chức mưu lược và tình nghĩa gắn bó – phe yêu nước xuống đường đã tỏ ra hơn hẳn phe chuyên chính bạo lực.
Cả Bộ Chính trị cùng với các mưu sĩ của họ làm sao mà mưu lược, tranh luận lý sự và theo luật pháp hơn được phe xuống đường. Chính quyền trung ương có nhiều lúc đã phải mời nhiều «kẻ sỹ» của phe này làm cố vấn. Trí tuệ của phe cầm quyền hám lợi, tham nhũng tỏ ra nghèo nàn đến thê thảm. Chỉ cần nhớ lại những lời nói để đời của ngài tân chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, như: «trị hết kẻ tham nhũng thì lấy đâu cán bộ để làm việc», «Việt Nam ta không thể không làm đường sắt cao tốc», và «tôi đảm bảo thị trường chứng khoán sẽ lên giá và có chất lượng hơn», để 2 tháng sau chứng khoán rơi tự do từ 500 điểm xuống tận đáy 220 điểm.
Về tình nghĩa keo sơn thì 2 bên càng trái ngược nhau, phe chính quyền luôn biểu hiện sự gầm ghè giữa những «đồng chí thù nghịch», trong khi phe xuống đường luôn tin yêu bảo vệ nhau.
Về mặt tuyên truyền cổ động, sự chênh lệch càng rõ. Chính quyền có 700 tờ báo, độc quyền hệ thống truyền thanh truyền hình, nhưng không thu hút được công luận; báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân ế ẩm nhất, chuyên xuyên tạc và lừa dối, trong khi lực lượng xuống đường có những báo mạng và blogger cực kỳ bén nhạy, sinh động, kịp thời, với những tin tức, phóng sự và hàng loạt ảnh rất hấp dẫn, các cuộc biểu tình, diễu hành được tường thuật tại chỗ từng giờ một. Các báo mạng như: Dân luận, Dân làm báo, Anh Ba Sàm, Đối thoại, Nữ vương Công lý, Bauxite…trở thành hệ thống báo nhân dân thật sự, tố cáo Đảng cộng sản đã cầm nhầm tên của mình quá lâu, quá trơ trẽn, đòi báo Nhân Dân hiện nay hãy lấy đúng tên của mình là «báo Cộng sản».
Ở ngoài nước, các hoạt động của phe xuống đường được đưa tin nhanh chóng, chính xác, khách quan và trung thực trong các chương trình phát thanh tiếng Việt thuộc các đài VOA, RFA (Hoa Kỳ), RFI (Pháp), BBC (Anh) cũng như được sự hưởng ứng của các mạng thông tin Việt Studies,Thời đại mới của những trí thức am hiểu thời cuộc.
Chưa bao giờ tình hình chính trị ở Việt Nam lại mang nhiều yếu tố mới mẻ như hiện nay. Các yếu tố trong nước đang ăn nhịp với các yếu tố quốc tế một cách nhịp nhàng.
Trung Quốc trước đây khi Tổng thống Barack Obama mới nhậm chức còn được coi là đối tác, là đối tượng hợp tác để cùng Hoa Kỳ chia sẻ trách nhiệm, thì nay bị chính giới Hoa Kỳ cảnh giác coi là một nguy cơ lớn cho toàn thế giới, một đối thủ nguy hiểm nhiều tham vọng cần sớm ngăn chặn, một nhân tố tiêu cực cho hòa bình, ổn định ở châu Á và toàn thế giới.
Từ đầu năm nay, cuộc thức tỉnh về tự do của cả khu vực Bắc Phi, Tây Phi, Trung Cận Đông đẩy tất cả các chế độ toàn trị không cộng sản và cộng sản – còn tồn tại ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên – vào thế bị động, chống đỡ, sau khi Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ.
Vận nước chuyển biến là lẽ tất nhiên. Tạo hóa biến thiên, lịch sử suy vi rồi hưng thịnh là lẽ của trời đất, của xã hội con ngưòi. Thế cùng tất biến là một quy luật tự nhiên cũng như xã hội.
Xã hội Việt Nam đang cựa mình để tự chuyển đổi lên một tầng cao mới, từ thân phận Bắc thuộc lên tư thế độc lập, từ độc đoán lên dân chủ, từ mất tự do của công dân lên xã hội công dân tư do, từ xã hội bị bịt mồm lên xã hội có tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do tôn giáo, từ nền nông nghiệp mà nông dân bơ vơ trên ruộng đất của ông cha mình khai phá lên nông thôn có sở hữu tư nhân chân chính với những nông trại hiện đại… đang là phác thảo tương lai trước mắt của lực lượng xuống đường chống bành trướng hôm nay.
Từ Chủ nhật đầu tiên 5-6-2011 đến Chủ nhật 24-7-2011 vừa qua đã qua 8 chủ nhật đọ sức giữa lòng yêu nước của nhân dân với chính quyền Bắc thuộc – theo cách nói của nguyên ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Nhìn lại, ngày Chủ nhật 24-7 vừa qua, ở thủ đô Hà Nội số người tham gia, tụ tập, hưởng ứng trước sau lên đến gần 2 ngàn. Đây là một kỷ lục, một đỉnh cao. Đáng chú ý là nét mặt trầm tĩnh, tự tin, nhiều khi rạng rỡ, với những tà áo dài duyên dáng, những nghệ sỹ kéo đàn ung dung, những bài đồng ca hùng tráng, những tiếng thét: «giặc đến nhà đàn bà phải đánh! phải đánh!» lanh lảnh, đanh thép được ghi hình, ghi âm, truyền bá rộng… là những nét khởi sắc độc đáo. Một nét mới nữa là 2 bên đường người dân mở toang cửa, vẫy chào, cùng hô khẩu hiệu với đoàn biểu tình, còn tham gia với đoàn, hay mời bà con ta uống nước, nghỉ chân…
Đáng chú ý là Chủ nhật 24-7 không còn cảnh công an tóm ngang người quẳng lên xe, 3, 4 nhân viên công an đè người biểu tình cho một kẻ đạp giày vào giữa mặt, vào ngực, vào cổ, hay «hốt» một lúc 46 người lên xe bus, với những lời thô bỉ được ghi âm, như: «tát vỡ mặt con mụ kia», «chú ý thằng già đó», «bịt mồm thằng hô khẩu hiệu». Viên đại úy Minh và viên trung tá Canh cũng lặn đâu mất. Nhiều nhà báo nước ngoài được tác nghiệp tự do, các máy quay phim chụp ảnh không bị tịch thu, ngăn cản.
Hai bên đang ráo riết chuẩn bị cho các cuộc đọ sức các ngày Chủ nhật thứ 9 và thứ 10,- ngày 31-7 và ngày 7-8, khi Quốc hội đang họp và vừa họp xong. Những Chủ nhật tháng Tám mùa thu này hứa hẹn vô cùng sôi nổi.
Vận nước bĩ rồi lại thái, đang là cảm nghĩ lạc quan có cơ sở của người Việt ở trong và ngoài nước. Lay chuyển một chế độ đã suy yếu do «hèn với giặc, ác với dân», còn bộ máy đàn áp trong tay, còn bả danh lợi trong đầu không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng hàng ngàn trí thức tinh hoa và lương tâm dân tộc, đang thu hút được hàng triệu trái tim của quần chúng đông đảo, nhận rõ sứ mạng lịch sử của mình, được cả thế giới dân chủ cổ vũ, cũng quyết dấn đà tiến triển tới phía trước, quyết không bỏ lỡ thời cơ hiếm có này.
Mọi người quan tâm đến vận nước, theo dõi sát sao mọi biến chuyển của thời cuộc, đang sống những ngày giờ hồi hộp lý thú. Những ai có lòng yêu nước thương dân đều mong đóng góp khả năng của mình vào nhịp bước đi lên của lịch sử dân tộc với cảm nghĩ lạc quan, phấn chấn.
Bùi Tín
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét