Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Khi bác tài hiểu ra sự thật


Hồng Lạc - Tôi xin kể lại một câu chuyện xảy ra cách đây chưa lâu trong lần đi công tác ở Phú Yên, tôi cũng không ngờ rằng chỉ một buổi sáng bên bàn trà mà tôi lại có thể làm thay đổi cách nhìn nhận của một con người đối với xã hội.
Hôm đó đang kỳ bầu cử quốc hội, khi đang xem thời sự buổi sáng trên VTV1, tôi hỏi bác tài xế của công ty vốn ít tiếp xúc với những thông tin đa chiều, mặc dù vậy, bác cũng hiểu một số những vấn đề của xã hội. Rằng bác đã bao giờ nhớ đã bầu cho ai chưa, bác lắc đầu. Tôi lại hỏi thế bác dựa vào đâu để bầu cho người này hay người kia, bác nói chỉ dựa theo lý lịch, theo gợi ý. Thế là tôi bắt đầu giải thích cho bác tài thực chất của cái gọi là “bầu cử” ở ta. Lúc nói về phân chia vùng miền của hàng chóp bu, bác ngắt lời tôi “như thế mới cân bằng giữa các vùng miền, ở đâu cũng có đại diện cả, miễn là người tài”. Tôi không cãi bác mà chỉ hỏi là bác thấy xe hơi của nước nào tốt nhất? Bác tài trả lời không cần suy nghĩ “là xe của Đức, nào là Mercedes, BMW, Audi, Posche…”

Tôi gật gù, đúng là dân tài xế có khác, không xe nào bằng xe Đức, thậm chí chiếc xe quý tộc siêu sang Rolls Royce cũng đã bị hãng BMW thâu tóm từ người Anh, tôi bổ sung thêm. Vậy đó bác, nước Đức có nhiều bang, họ chẳng những không phân chia vùng miền mà còn không phân chia thành phần xuất thân, quê quán, chủng tộc… Bà Thủ tướng Merkel là người Đông Đức, ông Philip Roesler là người Việt Nam mồ côi được một người Đức mang về trước 1975 nay là phó Thủ tướng, chủ tịch một đảng lớn. Vì họ không phân biệt, phân chia gì nên họ mới tìm được người tài giỏi, đức độ để lãnh dạo đất nước, chính vì thế chỉ trong vòng vài chục năm, từ một đất nước bị tàn phá, chia cắt, họ đã phát triển rất nhanh trở thành một nước phát triển cao.
Thấy bác tài có vẻ xuôi tai, tôi bèn “dắt” bác đi một vòng ngay từ nước Đức với “bức tường ô nhục”, tôi hỏi bác có biết vì sao người Đức chỉ trèo tường từ Đông sang Tây mà không trèo theo chiều ngược lại, bác nhíu mày ra vẻ hiểu. Tôi lại “dẫn” bác qua Ba Lan với “Khu rừng Katyn”(1), qua Nga với những con người từng là trùm cộng sản chính cống: Gorbachov, Enxin với những định nghĩa nổi tiếng về hai từ cộng sản. Bác tài nghe rất chăm chú khi tôi lập luận, có lẽ bác chưa từng nghe thấy. Tôi lại “đưa” bác qua Triều Tiên với hai miền “một quốc gia, hai chế độ” nơi mà suy luận biện chứng của Mác về tính ưu việt và tiến bộ của chủ nghĩa cộng sản so với chủ nghĩa tư bản bị đảo lộn hoàn toàn. Tôi “dẫn” bác tài qua eo biển Nhật Bản với câu nói của ông Nguyễn Hộ (2) “Không ai có thể lo cho công nhân tốt hơn họ” khi ông từ Nhật Bản về. Bác tài ra vẻ hiểu biết “ở Nhật nông dân thu nhập còn cao hơn công nhân do được nhà nước trợ giá nông sản rất nhiều”, tôi pha chút khôi hài “bác lại đi ca ngợi cái bọn tư bản giẫy chết rồi”. Bác tài im lặng một hồi ra bề nghĩ ngợi, không biết ông có được học những câu chữ mà chúng tôi đã học hay không? có phải một điều gì đó đang làm ông suy nghĩ đăm chiêu? Thấy vậy tôi bèn “đưa” bác tài về nước mà không ghé qua “thằng anh Tàu khựa cùng ý thức hệ” vừa tham lam, vừa bẩn tính. Tôi hỏi bác tài “bác đọc báo, bác thấy đời sống của công nhân ra sao?” Mặt bác tài từ từ ửng đỏ, khác hẳn vẻ đăm chiêu hồi nãy, bác chửi thề “đ. mẹ chúng nó, lợi thế về giá nhân công rẻ là gì? chúng nó có biết là công nhân không dám mua thịt cá để ăn hay không? Chúng nó làm thế khác gì bán sức lao động rẻ mạt cho bọn tư bản châu Á, ngu, ngu quá…!”. Thấy bác tài bức xúc quá, tôi nhẹ nhàng “bác có biết vụ xử ba người đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân ở Trà Vinh hay không?”, bác tài lắc đầu, bác nói không hề biết. Tôi bèn kể cho bác về ba con người: Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đã làm gì và đòi gì cho công nhân và rồi họ phải nhận những bản án nặng nề ra làm sao. Tôi kể về cô Minh Hạnh, con người mà đến một chiếc lá cũng chưa từng bị đau vì cô, một cô gái xinh đẹp, nết na và tốt bụng theo như những gì mà hàng xóm của cô kể, ấy vậy mà…
Nghe tôi nói đến đây, bác tài lại nổi đóa, bác gằn giọng, “đồ…đồ phản động!”
- Bác nói ai phản động vậy?, tôi hỏi.
- Còn ai nữa, bọn chúng, những kẻ đang dắt mũi người dân chứ ai.
- Thế bác nói sai ý của nhiều người rồi, tôi nói, bác có biết mọi người đang coi ai là phản động không? Đó là những người đang bị cầm tù vì dám nói khác với chính quyền, bác nói thế không sợ à? Thế bác thấy ông Cù Huy Hà Vũ có phản động hay không?
- Tôi không đọc hết những bài của anh ta nhưng tôi thấy anh ta nói đúng, anh ta nói hơi đụng chạm nhưng mà đúng, đúng quá.
Vậy theo bác, như thế nào là phản động?, tôi hỏi.
- Phản động là làm hại dân, là bức hại người mà lẽ ra nên tuyên dương họ vì họ dám nói lên những tệ nạn của xã hội.
Tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý, vậy em xin bổ sung thêm chút, tôi nói, đó là che mắt, là lừa bịp người dân, đúng không bác?
Bác tài ra vẻ hài lòng về câu nhận định, bác nhìn tôi với ánh mắt thân tình: chú biết nhiều chuyện quá nhỉ.
- Nhờ có hai sợi dây đồng (internet) đó bác, mặt nữa, em có nhiều thủ thuật để vượt rào chắn.
Khi chúng tôi rời bàn trà để đi ra công trường, bác tài tỏ ra hứng khởi “cuối tuần chú sang nhà tôi chơi, ta làm chút rồi đàm đạo tiếp”.
Nhìn vẻ mặt của bác tài, tôi biết bác như vừa bước sang một thế giới khác. Còn tôi, tôi biết mình vừa làm được một điều phi thường mà trước đây tôi thường thất bại, đó là giúp một người thay đổi cách nhìn nhận về xã hội qua những thông tin đa chiều. Đây là điều mà tôi thường thất bại hoặc không thể làm cho người khác hiểu nhiều vì tôi thường quá bức xúc, cãi đôi co khi bị phản bác trong khi tranh luận.
Tôi rút ra cho mình một kinh nghiệm quý khi tranh luận, đó là hãy đừng vội phản bác lại ý kiến trái chiều mà hãy đặt ra câu hỏi đừng quá khó để người đối thoại có thể trả lời được, từ đó dẫn họ đi để họ hiểu thêm thông tin. Đây cũng là kinh nghiệm mà tôi mong được chia sẻ cùng với mọi người.
Sài Gòn sáng Chủ Nhật 31-7-2011, trước 2 ngày xử phúc thẩm vụ án CHHV.


Hồng Lạc

gửi Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào: