Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011
Góa phụ liệt sỹ Hoàng Sa kể chuyện
Chồng bà Sinh nằm trong số 58 người lính Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong trận hải chiến
Lễ tưởng niệm các liệt sỹ Việt Nam của cả hai chế độ trong các cuộc chiến chống Trung Quốc kể từ năm 1974 tới nay đã diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày Thương binh liệt sỹ 27/7.
Trong số những người tới dự có bà Huỳnh Thị Sinh, quả phụ của Thiếu tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo của hải quân Việt Nam Cộng hòa, người nằm trong số 58 binh lính hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa với hải quân Trung Quốc hồi năm 1974.
Nguyễn Hùng của BBC đã hỏi chuyện bà Sinh ngay sau khi bà tham dự buổi lễ tưởng niệm đầu tiên cho chồng bà từ năm 1975.
Khi Thiếu tá Ngụy Văn Thà rời nhà đi công tác trong những ngày giáp Tết Quý Sửu hồi năm 1974, ông ôm hôn và tạm biệt vợ con như các chuyến đi trước đó.
Nhưng bà Huỳnh Thị Sinh, vợ ông, nói ông có vẻ bịn rịn hơn bình thường.
Ông, bà Sinh và ba cô con gái, khi đó lên ba, sáu và chín tuổi sống trong một căn hộ chung cư trên tầng hai ở đường Lý Thường Kiệt.
Căn hộ có một chiều 12 mét và một chiều 3,5 mét. Bà Sinh nói vì "không có tiền nên mới phải ở vậy".
Bà nhớ lại buổi chia tay chồng: "Trước khi ông đi, ông cứ đi ra lại đi vô.
"Rồi ông đứng dưới đường nói 'tàu đang vô dầu, sửa chưa xong".
Phỏng vấn bà Huỳnh Thị Sinh
Vợ góa của liệt sỹ Hoàng Sa Ngụy Văn Thà kể với BBC về ngày bà biết tin chồng hy sinh trong trận hải chiến chống Trung Quốc.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng giữa Thiếu tá Thà, 31 tuổi và bà Sinh, 26.
Trong trận hải chiến một, hai ngày sau đó, chiến hạm Nhật Tảo - HQ10 của ông được cho là đã đã bắn hỏng một trong số các tàu của hải quân Trung Quốc nhưng HQ10, vốn chưa sửa xong hỏng hóc và chỉ còn một máy hoạt động, phải hứng những làn mưa đạn.
Theo lời kể của những người sống sót, máu các chiến sỹ loang đỏ trên boong, và Hạm trưởng Thà đã tử trận khi đạn bắn trúng đài chỉ huy.
Sau khi trận hải chiến ban đầu bất phân thắng bại, hai tàu chiến tăng viện của Trung Quốc đã tới Hoàng Sa và bắn chìm chiến hạm Nhật Tảo, hậu thân của tàu vớt mìn Hoa Kỳ USS Serene.
Xác của hạm trưởng Thà cùng hàng chục binh sĩ đã ra đi cùng chiến hạm vào lòng biển.
Đau buồn
Nói chuyện với BBC hôm 27/7, bà Sinh nói:
"Cái chuyến công tác sau cùng mà ông Thà đi, ổng đâu có nói đi để đánh nhau với Trung Quốc hay là cái gì đâu. Cũng bình thường như mình nghĩ ông ấy đi công tác hàng tháng vậy thôi.
"Có khi ông ấy đi một tháng ông ấy về mười ngày rồi ông ấy lại đi nữa. Mà có khi ông ấy đi hai, ba tháng ông ấy mới về một lần. Mình cũng nghĩ ông ấy đi công tác vậy thôi.
"Trời ơi, lúc đó tôi cũng đau buồn lắm. Chứ cũng đâu biết sao bây giờ. Tôi hết hồn luôn đó."
Bà Huỳnh Thị Sinh, vợ góa của Thiếu tá Ngụy Văn Thà
"Ông ấy nói chuyến công tác này ông ấy đi Đà Nẵng đó.
"Mà tôi không biết làm sao, qua ngày sau thấy báo tin là ổng chết, đánh nhau với Trung Quốc.
"Trời ơi, lúc đó tôi cũng đau buồn lắm. Chứ cũng đâu biết sao bây giờ. Tôi hết hồn luôn đó."
"...Lúc đó mấy cháu nó còn nhỏ quá. Cháu nhỏ nhất là ba tuổi, còn cháu lớn hình như nó biết.
"Nó ra ngoài cầu thang nó ngồi... nó buồn lắm.
"Lúc đấy nó cũng học lớp hai, lớp ba rồi... nó đọc báo nó thấy, nó hỏi tôi.
"Thì tôi cũng kể cho nó là ba nó chết vậy đó thôi."
Mất xác
Bà Sinh nói bà nhớ chính quyền thông báo cho bà vào ngày 27 Tết Quý Sửu.
Thiếu tá Ngụy Văn Thà và hàng chục đồng đội đã chết mất xác cùng chiến hạm Nhật Tảo
"Lúc chồng tôi mất thì Bộ Tư lệnh Hải quân cũng có tới nhà tôi làm lễ truy điệu.
"Tại vì ảnh chết không có xác, chỉ có làm lễ thôi.
"Lúc đó nghe ông Tư lệnh ông ấy nói chết... mất xác luôn rồi.
"Tại vì chồng tôi chết trên chiếc tàu, mà tàu nó chìm xuống là mất xác luôn rồi.
"Hổng có đem xác về được mà cũng hổng có nơi chôn cất gì hết, chỉ có làm lễ truy điệu và mình để cái ảnh của anh lên để thờ vậy thôi.
"Hàng năm đúng ngày đó làm đám giỗ vậy à."
Tưởng niệm
Bà quả phụ nói kể từ tháng Một năm 1974 cho tới khi Sài Gòn sụp đổ hồi tháng Tư 1975, bà được nhận tiền "cô nhi quả phụ" của chính quyền Việt Nam Cộng hòa để bà và ba con có thể sinh sống.
Sau khi Việt Nam thống nhất, các khoản trợ cấp không còn nữa.
Bà đi làm hợp tác xã và ở vậy nuôi ba cô con gái.
Hiện bà Sinh đang ở nhờ nhà người em gái do người ta đã phá chung cư cũ của bà đi để xây mới nhưng việc xây dựng còn chưa bắt đầu.
"Làm được như vậy cho mình thì mình cũng mừng lắm. Mấy anh cũng nghĩ tới vậy thì mình cũng cảm ơn."
Bà Huỳnh Thị Sinh nói về lễ tưởng niệm cho chồng bà và các liệt sỹ
Bà nói với BBC bà rất vui khi đi dự buổi lễ tưởng niệm những liệt sĩ hy sinh khi chiến đấu chống Trung Quốc.
"Cái đó thì tôi hổng dám nghĩ tới.
"Mấy anh ở bên đây muốn làm sao thì cũng được.
"Làm được như vậy cho mình thì mình cũng mừng lắm.
"Mấy anh cũng nghĩ tới vậy thì mình cũng cảm ơn".
Chồng bà Sinh nằm trong số 58 người lính Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong trận hải chiến mà Trung Quốc đã chiến thắng và chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa hồi năm 1974.
Kể từ đó tới nay, ngoài cuộc chiến biên giới đẫm máu năm 1979, hải quân Trung Quốc cũng bắn chết 64 lính Việt Nam ở Trường Sa hồi năm 1988 và chiếm bãi đá Gạc Ma từ tay Việt Nam.
Hồi cuối tháng Năm và trong tháng Sáu, chính quyền Hà Nội đã ngầm cho phép một số cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra sau khi Bắc Kinh cho tàu gây hấn với tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình trong tháng Bẩy đã bị trấn áp dưới sức ép của Trung Quốc và ý muốn kiểm soát tối đa của chính quyền Việt Nam.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét