Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011
Điều gì sẽ xảy ra khi Cục trưởng Hàng không Việt Nam không biết gì về an toàn hàng không?
Chim trong một sân golf có thể gây ra thảm họa hàng không!
Cục phó Hàng không Việt Nam (HKVN) – người thay mặt cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề an toàn hàng không trả lời trước báo giới rằng “Xây sân golf trong sân bay là chuyện bình thường”, còn Cục trưởng Hàng không Phạm Quý Tiêu: “Cục Hàng không không hề hay biết việc này”, thì quả thực tư duy lãnh đạo của Cục Hàng không VN là bất bình thường!
TS Trần Đình Bá
__________________________________________________________________________________
Tai nạn hàng không trên thế giới ít khi xảy ra, nhưng khi xảy ra đều hết sức thảm khốc. Trong tai nạn hàng không thì tỷ lệ các vụ khi cất/hạ cánh là rất cao và tổn thất gây ra không chỉ cho cả phi hành đoàn, hành khách trên máy bay mà cả bộ phận cư dân sống xung quanh sân bay.
Cất và hạ cánh trong điều kiện thời tiết thuận lợi đã khó còn trong điều kiện khói bụi, băng tuyết, sương mù, mưa gió lại càng khó hơn. Thao tác cất cánh đã khó và xử lý hạ cánh càng khó hơn và nguy hiểm hơn nhiều lần. Xin dẫn ra những vụ thảm họa hàng không xảy ra gần đây, nhất là vụ tai nạn hàng thông chấn động thế giới vào tháng 4/2010 tại Nga và các vụ tại khác Việt Nam để cảnh tỉnh Cục Hàng không Việt Nam.
Hiện trường thảm họa hàng không tại Nga 4/2010 làm Tổng thống Ba Lan cùng phu nhân và 130 người thiệt mạng. Nguồn: Internet
Chiếc chuyên cơ đặc biệt TU-154 chở Tổng thống Ba Lan cùng phu nhân và những quan chức cao cấp của chính phủ đã gặp nạn khi thực hiện thao tác hạ cánh xuống sân bay theo hành trình đã định trước. Do sương mù hạn chế tầm nhìn nên máy bay đã quệt vào các ngọn cây bạch dương và máy bay nổ tung khi chỉ còn cách đường băng Smolensk 2 km. Tổng thống cùng phu nhân đã thiệt mạng cùng toàn bộ 132 người trên máy bay, trong đó có nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Ba Lan. Các hãng tin Nga dẫn lời một quan chức ở Smolensk cho rằng viên phi công đã mắc sai lầm khi hạ cánh, dẫn đến vụ tai nạn. “Nguyên nhân vụ tai nạn rõ ràng là do lỗi của phi hành đoàn khi hạ cánh”.
Thảm họa mang tầm quốc tế liên quan đến vấn đề ngoại giao nhạy cảm. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lúc đó đã khẩn cấp chỉ định Thủ tướng Vladimir Putin vào vai trò lãnh đạo Ủy ban điều tra vụ tai nạn thảm khốc này.
Bạch dương là một loại cây đẹp cao chỉ khoảng 15 mét, có ngọn mềm mại. Vậy mà chỉ cần va quệt nhẹ vào máy bay là thành chuyện thảm khốc, thì các vật kiến trúc cao 50 mét, khối lượng hàng trăm tấn nằm sát đường cất hạ cánh là một mối đe dọa thường trực lâu dài và nghiêm trọng, thế mà lãnh đạo Cục Hàng không VN ấu trĩ tới mức “điếc không sợ súng” để đưa tính mạng hàng chục triệu dân “giỡn mặt với tử thần”!
Cho đến bây giờ, người dân thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thể quên thảm họa hàng không lúc 9 giờ 30 ngày 26/3/1979. Chiếc máy bay AL-24 từ Hà Nội đến sân bay Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết tốt. Thế nhưng khi vừa bay vòng, vừa hạ thấp độ cao để tìm hướng hạ cánh theo điều khiển từ chỉ huy không lưu thì thân máy bay quệt vào một ngọn cây trên núi Sơn Trà. Sau cú va chạm, máy bay trượt dài theo sườn dốc một quãng 500 m rồi nổ tung. Cả phi hành đoàn cùng tất cả hành khách trên máy bay khoảng 40 người đều tử nạn. Có nhiều cán bộ, tướng lĩnh và sỹ quan cao cấp trong nước, chuyên gia nước ngoài, trong đó có Đại tá Trần Kính – Giám đốc Công an Thanh Hóa đều hy sinh, vali tài liệu mật mã - cơ yếu của Nhà nước mang theo bị cháy sém và rơi vãi tung tóe… Nơi va chạm là khu vực phường Thọ Quang cách đường băng sân bay tới những 30 km về hướng Đông Bắc. Tác giả bài viết là người chứng kiến và tham gia trong việc giải quyết hậu quả. Có thể nói đây là một vụ thảm họa quốc gia nhãn tiền, đáng ghi vào lịch sử ngành hàng không Việt Nam để làm bài học cảnh tỉnh.
Mùa đông 1988, một máy bay vận tải đặc biệt của Mỹ khẩn cấp chở nhiều tấn thiết bị y tế, thuốc men đến Amenia – một nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết để cứu trợ thảm họa động đất ngày 7/12/1988 theo chương trình nhân đạo. Khi đáp xuống sân bay trong điều kiện mùa đông tuyết phủ đã bị va quệt vào vật chướng ngại và nổ tung, toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng trong bi kịch tang thương “đi cứu nạn lại gặp nạn”. Người viết bài này cũng đang công tác gần đó nên nhớ rõ sự kiện này.
Sau đó không lâu, khoảng đầu 1989, máy bay của Hàng không Quốc gia Việt Nam gặp nạn khi thực hiện thao tác hạ cánh xuống một sân bay ở Thái Lan trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế, làm Bộ trưởng Y tế nước ta cùng nhiều cán bộ, công chức Bộ Y tế Việt Nam tử nạn. Máy bay rơi còn làm cho cư dân gần sân bay chịu nhiều thương vong.
Không ai muốn thảm họa xảy ra nhưng phải thấy đó để phòng tránh. Tiến bộ của công nghệ hàng không hiện nay dù có văn minh hiện đại đến đâu thì việc đưa chiếc máy bay hàng trăm tấn với lượng nhiên liệu dự trữ khá lớn, tốc độ 150-300 km/h đáp chính xác xuống đường băng vẫn là một việc hết sức khó khăn và nguy hiểm. Đó là thời khắc “sinh - tử” cho cả phi hành đoàn và hành khách. Đã có nhiều rủi ro khi hạ cánh khẩn cấp, hạ cánh khi không xòe được càng, mất cơ cấu điều khiển lái, lệch động cơ, nổ bánh xe làm chệch hướng máy bay húc vào tường rào rồi phát nổ… thảm họa lúc đó thật khôn lường.
Một máy bay của Liên Hợp Quốc đã bị rơi khi hạ cánh trong mưa lớn ở thủ đô CHDC Congo hôm 4/4/2011 làm 32 người chết
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam lúc nào cũng “quan trọng hóa” vấn đề an ninh và an toàn bay, đã có lúc Cục phó Hàng không Lại Xuân Thanh tuyên bố “bay qua bầu trời Lào và Campuchia không đảm bảo an ninh”…, phạt nặng lỗi nói đùa có vũ khí mang theo người…, song trước một sự thật nghiêm trọng tới mức như vậy, đe dọa an toàn bay ngay chính tại sân bay đặc biệt quan trọng như Tân Sơn Nhất và sân bay Gia Lâm thì cho rằng “làm sân golf trong sân bay là chuyện bình thường” hay “Cục Hàng không không hề hay biết” thì quả thực năng lực chuyên môn và vai trò trách nhiệm và tư duy của lãnh đạo Cục Hàng không VN là bất bình thường!
Vận tải hàng không là cực kỳ quan trọng về chính trị - kinh tế - an ninh - quốc phòng và đối ngoại. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, du lịch lớn nhất nước, có dân số đứng thứ nhì ASEAN, chỉ sau thủ đô Jacacta của Indonexia. Sân bay Tân Sơn Nhất lớn nhất Đông Nam Á, có một vị trí cực kỳ đặc biệt mang tầm quốc gia và quốc tế, với mã vùng VVTS/ SGN do tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - gọi tắt là ICAO và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế gọi tắt là IATA quản lý, có vai trò liên kết đường bay với các sân bay trên toàn thế giới và trong khu vực với Singapore, Mailaxia, Thái lan, Campuchia, Lào…; hàng ngày đón các các nguyên thủ quốc gia, các đoàn ngoại giao, khách quốc tế, các cán bộ cao cấp thường xuyên sử dụng dịch vụ cao cấp này và hàng năm có tới 12 triệu lượt nhân dân đủ các thành phần đi lại. Một khi sân bay Tân Sơn Nhất bị đe dọa an toàn là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Dự án sân golf ngay trong sân bay thể hiện lãnh đạo Cục Hàng không VN đã không hề biết về an toàn bay, xem thường phép nước – luật pháp và coi rẻ tính mạng con người.
Trước thực trạng thảm họa quốc gia về an toàn giao thông đang làm nhức nhối toàn xã hội thì Cục trưởng Hàng không Việt Nam và Bộ trưởng GTVT phải biết về Luật Hàng không VN và Luật Hàng không quốc tế, phải chịu trách nhiệm về an toàn hàng không và phải trả lời trước công luận, đặc biệt là phải điều trần trước trước Quốc hội – người đại diện cho lợi ích nhân dân và Chính phủ về vấn đề an toàn và an ninh hàng không hiện nay ngay trong kỳ họp khai mạc quốc hội khóa XIII này!
T.Đ.B.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét