Pages

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Tân Chủ Tịch nước hứa một lòng vì dân

Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-07-27

Việt Nam hiện chính thức có thành phần lãnh đạo mới, kể cả Chủ tịch nước, với những lời hứa hẹn cũng sẽ một lòng vì dân, vì nước.

AFP photo
Tân Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang

Lấn quyền Quốc Hội

Hôm thứ Hai 25 tháng 7 vừa rồi, theo TTXVN, “sau khi thảo luận và thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã bầu ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, giữ chức Chủ tịch nước, với 487 đại biểu tán thành, đạt 97,4% phiếu” ủng hộ.
Nhận xét về việc VN có tân chủ tịch nước, GS Trần Khuê từ Saigòn lên tiếng:

“Trước hết tôi xin nói tới chuyện bầu bán, là ứng cử có một người, đề cử có một người rồi bầu chọn, thì nó rất lỗi thời ở Thế kỷ 21 này. Tình hình hiện nay không chấp nhận như vậy. Thà là Bộ Chính Trị cứ nói thẳng là họ muốn cử người này ra, chứ còn bày ra việc bỏ phiếu, bấm nút bầu mà làm gì.”

Theo nhà báo Bùi Tín, nguyên Đại tá Quân đội Nhân dân VN hiện cư ngụ tại Paris, Pháp Quốc, thì việc ông Trương Tấn Sang nắm giữ chức chủ tịch nước là hoàn toàn không đúng theo Hiến pháp, không hợp với nguyện vọng người dân.

“Việc ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước, tôi nghĩ không phải do Quốc Hội hay toàn dân chọn, mà đây là do 14 vị trong Bộ Chính Trị chọn và phân công ghế. Việc này là lấn quyền của Quốc Hội, hoàn toàn không đúng theo Hiến Pháp vì Chủ tịch nước hoàn toàn phải do Quốc Hội chọn qua nhiều ứng viên vào chức vụ này.”

Khi đưa tin về tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 25 tháng 7 vừa rồi với chủ đề “Ông Trương Tấn Sang được bầu làm Chủ tịch nước”, TTXVN không thấy đề cập tới lời khẳng định của ông Trường Tấn Sang như 1 số tờ báo khác – chẳng hạn như VietnamNet – phổ biến, đó là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; khoan dung, đoàn kết các tầng lớp xã hội, người VN định cư ở nước ngòai...”.

Về việc tân Chủ tịch nước cam kết “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”, GS Trần Khuê nhận xét:

“Trương Tấn Sang hay bất cứ ai nói là bảo vệ lãnh thổ, tổ quốc…thì ông nào mà chả nói được. Vấn đề là công việc làm của ông ta như thế nào. Có điều là đối với nhân dân VN, TQ hay bất cứ nước nào xâm phạm lãnh thổ VN thì họ phải xem lại lịch sử. Chưa bao giờ người dân VN chấp nhận điều đó cả. Điều ông Trương Tấn Sang nói thì người dân ghi nhận đó thôi. Chứ họ biểu tình biểu lộ lòng yêu nước, phản đối kẻ xâm phạm lãnh thổ thì công an lại cản trở, thì đó là cái gì ?

Chả lẽ bây giờ ông Trương Tấn Sang đồng ý bảo vệ lãnh thổ thì ông Nguyễn Tấn Dũng không đồng ý à ? Sao họ không ra lệnh công an ngừng hành động cản trở những người yêu nước biểu tình ? Nên tôi thấy mấy việc đó mâu thuẫn với nhau. Việc làm và lời nói của mấy ông lãnh đạo mâu thuẫn, là điều mà nhân dân không thể chấp nhận.”
Nhà báo Bùi Tín chú trọng tới 1 khía cạnh khác có liên quan mối quan hệ “môi hở răng lạnh” Việt-Trung:

“Việc ông Trương Tấn Sang tuyên bố về việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…thì ông ấy bắt buộc phải nói như thế. Nhưng ông Sang chưa trả lời được mối hòai nghi lớn, đó là việc ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng Ngọai giao, sang Bắc Kinh gặp ông Đới Bỉnh Quốc, hai bên có hiểu ngầm gì mà phía TQ đã tiết lộ. Đây là điều mà ông Trương Tấn Sang phải trả lời cho Quốc Hội, cho nhân dân rõ việc này, tức là hai bên có thỏa thuận ngầm gì không ? Và việc công an đàn áp người biểu tình có phải nhằm thực hiện thỏa thuận ngầm đó giữa VN và TQ để không ảnh hưởng gì tới “tình hữu nghị” giữa 2 nước hay không?”

Yêu cầu công khai chuyện nước

Về chuyện thỏa thuận lâu nay giữa Hà Nội và Bắc Kinh – mà GS Hà Văn Thịnh từ Huế có lần lưu ý là “những đồng thuận trời ơi đất hỡi”, GS Trần Khuê đề nghị:



Các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương tấn Sang hôm 17/1/2011. AFP



“Việc chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với chính phủ Bắc Kinh thỏa thuận với nhau những gì thì tôi đề nghị phải công khai hóa vấn đề. Họ thỏa thuận với nhau cái gì ? Mà sao lại giấu ? Đó là điều quan hệ tới vận mạng dân tộc, đất nước, sao lại giữ bí mật ? Nếu giới cầm quyền thỏa thuận với Bắc Kinh những điều có lợi cho dân tộc VN thì sao phải giấu ? Còn nếu nhà cầm quyền VN thỏa thuận điều có hại cho dân tộc thì hãy nói đi để dân tộc biết mà có thái độ.”

Trong bài phát biểu nhậm chức này, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh về việc “đề cao tinh thần dân tộc, yêu nước, nhân nghĩa khoan dung để tập hợp đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội” và “củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” cho mục tiêu 1 nước VN độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng…

Ông Trương Tấn Sang lên tiếng khi công an ngày càng đàn áp những người biểu tình yêu nước chống phương Bắc, nhất là ở Saigòn và các tỉnh. Nhà báo Bùi Tín lưu ý về vấn đề này:

“Toàn dân đã thấy rõ rồi. Họ bày tỏ rằng không thể dựa vào lời tuyên bố mị dân, những lời tuyên bố che lập hành động sai trái trong khi nhân dân đang chăm chú quan sát hành động của giới cầm quyền, nhất là hành động của ngành công an với trách nhiệm chính là Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh và trách nhiệm tập thể là Bộ Chính trị. Cảnh bốn tên công an kéo tay chân của anh Nguyễn Chí Đức để tên đại úy Minh đạp giầy vào cổ, vào mặt anh Đức đến 4 lần, thì điều này nói rõ hành động của chính quyền hiện nay như thế nào.”

Theo GS Trần Khuê thì chuyện biểu tình bày tỏ lòng yêu nước hoàn toàn là hành động có ý thức của người dân, nhất là giới trí thức:

“Tôi rất tâm đắc với TS Nguyễn Quang A thuật lại việc người ta đến nói ông đừng đi biểu tình. Sao lại có thể như thế được?Đối với người trí thức thì người ta biết người ta suy nghĩ gì và hành động như thế nào. Chả lẽ người ta hành động vô ý thức à ? Việc cử công an khu vực, an ninh đến nói là “mai ông đừng đi nhé”, sao có trò trẻ con như thế ?

Những chuyện như vậy, giới cầm quyền phải dẹp đi. Mà chuyện đúng đắn, tiến bộ là họ phải tưởng niệm hơn 50 chiến sĩ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa và hơn 70 chiến sĩ Bộ Đội CS hy sinh ở Trường Sa. Tất cả những người hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước đều là anh hùng, dù hữu danh hay vô danh. Việc đề xuất ghi công, lập Đền Thờ những anh hùng như vậy, tôi thấy điều đó rất hợp với nguyện vọng nhân dân.”

Về quốc nạn tham nhũng, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng hứa hẹn “đấu tranh phòng chống tham ô, tham nhũng”, nhất là ông từng có tuyên bố gây nhiều ấn tượng rằng nước VN bây giờ có nhiều “sâu” quá. GS Trần Khuê nhận xét:

“Tôi xin khẳng định 1 điều ông Trương Tấn Sang nói rất tốt mà chính nội bộ đảng cũng không bằng lòng, tức là ông ấy bảo bây giờ đâu phải có 1 con sâu đâu, mà cả đàn sâu. Thì điều đó là sự thật khi hiện tham nhũng ở VN nhung nhúc như sâu.”

Nếu lắng nghe dân ...

Câu hỏi có lẽ cần nêu lên là liệu ông Trương Tấn Sang có thực sự diệt “bầy sâu” này không ? Theo nhận xét của nhà báo Bùi Tín:



TS Luật Cù Huy Hà Vũ sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 02/8/2011. AFP photo



“Người dân đang trông đợi việc làm của ông Trương Tấn Sang là có sẽ thực sự dẹp giặc nội xâm tham nhũng không, nhất là những vụ tham nhũng có dính líu tới các yếu tố bên ngòai liên quan Nhật Bản, Úc…Những việc đó để quá lâu rồi. Có những vụ như PMU18 để qua 2 khóa Quốc Hội mà vẫn chưa kết thúc. Người ta trông mong việc làm của ông Sang có thực sự chống tham nhũng hay không.”

Trong bài phát biểu nhậm chức vừa rồi, tân Chủ tịch nước cũng không quên nhấn mạnh là sẽ phối hợp với các cơ quan khác của VN, từ Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát cho tới Mặt trận Tổ quốc để “nghiêm túc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân”.

Hứa hẹn “nghiêm túc lắng nghe nguyện vọng của nhân dân” ấy có thể có triển vọng ra sao ? Nhà báo Bùi Tín muốn thấy lãnh đạo nước có hành động cụ thể:

“Xin mọi người quan tâm đến việc làm của ông Trương Tấn Sang ngay trong ngày mùng 2 tháng 8 sắp đến khi TS Cù Huy Hà Vũ ra tòa phúc thẩm. Nếu thật sự nghe theo tiếng nói của toàn dân, của trí thức thì nhà nước Trương Tấn Sang cần thả ngay lập tức, không điều kiện cho TS Cù Huy Hà Vũ vì anh là 1 chiến sĩ tiên phong trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước và anh cũng là người đi tiên phong trong yêu cầu VN thay đổi đường lối ngoại giao hiện nay, tức phải gắn bó với thế giới dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo, chứ không phải ngã hẳn về phía TQ như hiện giờ với 16 chữ vàng và 4 tốt mà Bộ Chính trị đang củng cố.”

GS Trần Khuê cũng có nhận xét tương tự, và lưu ý thêm rằng những lãnh đạo nào làm điều sai trái, lịch sử “sẽ không quên”:

“Tôi muốn chuyển ngay thông điệp này tới ông Trương Tấn Sang là ông ấy hãy quyết định ngay vụ Cù Huy Hà Vụ đi. Vụ Hà Vũ bị xử án sao không mang chứng cứ ra ? Dưới mắt của nhân dân và quốc tế thì Cù Huy Hà Vũ chẳng có tội gì cả. Cho nên với tư cách là Chủ tịch nước thì ông Sang nên ra ngay mệnh lệnh trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ. Tôi cho những việc cụ thể như thế thuộc trong tầm tay của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Mà càng làm nhiều việc tốt thì Tổ Quốc, dân tộc càng ghi công, còn tất cả những ai làm những việc không tốt thì lịch sử cũng chẳng quên đâu.”

Những lời hứa hẹn tốt đẹp và hùng hồn lại phát xuất từ giới lãnh đạo mới – dù những gương mặt cũ – giữa lúc Phương Bắc tiếp tục đe dọa quê hương Việt Nam và người dân yêu nước tiếp tục bị giới cầm quyền nặng tay ngăn chận.

Không có nhận xét nào: