Pages

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Ba kịch bản thay đổi cho Việt nam


Huỳnh Ngọc Chênh


Thay đổi, thay đổi, thay đổi.

Đã đến lúc không thể không tính đến chuyện thay đổi, từ người dân đến những kẻ đang cầm quyền.

Dù bị ngăn cản quyết liệt bởi thế lực phản động, nhưng con tàu Việt nam đang đi về phía ánh sáng văn minh vẫn cứ tiến tới. Sự ngăn cản chỉ có thể làm cho con tàu chậm đi chứ không làm nó phải dừng lại hay quay lui.

Tàn dư còn lại của CNCS quốc tế đang gắng gượng thoi thóp trên một vài quốc gia.. Trong thực tế thì CNCS cũng không còn tồn tại nữa. Các đảng CS đang cầm quyền thực chất chỉ còn lại cái tên bên ngoài khi họ chấp nhận cung cách làm ăn của tư bản: Xóa bỏ nền kinh tế hoạch định, chấp nhận cơ chế thị trường, cho tư nhân tự do làm giàu, nghĩa là tự do bóc lột giá trị thặng dư, kể cả đảng viên vô sản của họ. Đến ngày nay vẫn còn nói kiên định với lập trường giai cấp vô sản, vẫn hô hào tiến lên CNXH chẳng qua là cách nói tự huyễn hoặc và lấy đó biện minh cho sự tồn tại của cơ chế độc tài lỗi thời.

Mô hình nửa dơi nửa chuột ấy kéo dài sự tồn tại gắng gượng của cơ chế nầy thêm một thời gian và đã đến lúc bộc lộ những mâu thuẩn không cách nào khắc phục. Người dân tự do làm ăn, tự do tư hữu không thể nào tiếp tục chấp nhận cái áo cơ chế lỗi thời, lạc hậu mà họ bị cưỡng bức mặc quá lâu.

Bản thân nền kinh tế thị trường được định hướng chủ đạo bởi những "quả đấm thép" tập đoàn quốc doanh đang vào hồi cực điểm của sự rệu rã. Những quả đấm thép để định hướng CNXH ấy đã bị han rỉ từ gốc bởi chính cơ chế duy ý chí tạo ra chúng.  Chưa có một tín hiệu gì để thấy rằng kinh tế sẽ phục hồi trong vòng 5 năm tới. Chứng khoán suy sụp, thị trường nhà đất khổng lồ đang bị đóng băng chết cứng cùng với khối lượng vốn cực lớn đổ vào đó, sản xuất đình đốn do thiếu vốn, hệ thống ngân hàng đang ngày càng rối loạn do sự lũng đoạn của nhóm đặc quyền và do điều hành bởi cơ chế tài chánh phản thị trường và thiếu minh bạch. Đầu tư nước ngoài liên tục sụt giảm, đầu tư trong nước chựng lại do hụt vốn và do mất niềm tin.

Bất an và rối loạn hiện diện khắp mọi nơi. Loạn dự án, loạn nhà đất, loạn ngân hàng, loạn chứng khoán, loạn giá vàng, loạn quy hoạch, loạn giao thông, loạn cảng biển, loạn phi trường, loạn sân golf, loạn đại học, loạn tuyển sinh, loạn thủy điện, loạn phá rừng, loạn phung phí tài nguyên môi trường, loạn đầu tư công, loạn mua quan bán chức... Nghĩa là không có lãnh vực nào được điều hành một cách khoa học và có bài bản bởi một nhạc trưởng có chuyên môn cơ bản chứ đừng nói là nhạc trưởng giỏi.

Tất cả những cái đó là hệ quả của một thiết chế phi dân chủ cùng với cách làm ăn theo cơ chế thị trường nửa vời.

Để đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng và đi lên, không thể không có sự thay đổi. Ngay bản thân những người CS chân chính đang cầm quyền cũng nghĩ đến chuyện thay đổi để cứu nước, cứu đảng.

Nhưng thay đổi theo kịch bản nào?

Dựa vào kinh nghiệm lịch sử, có ba kịch bản cho sự thay đổi có thể xảy ra:

- Đảng cầm quyền tự thay đổi bằng những cải cách dân chủ và nhượng bộ dần dần. Lập ra quốc hội lưỡng viện, với thượng viện là đại biểu do đảng chỉ định, hạ viện gồm những đại biểu do dân thực sự bầu ra từ tranh cử tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái.

Đây là kịch bản đã từng diễn ra với cách mạng Anh. Giai cấp phong kiến cầm quyền từng bước nhượng bộ trước những yêu cầu dân chủ của giai cấp tư sản đang nổi lên. Viện Thứ Dân (hạ viện), đại biểu do dân bầu lên, được lập ra bên cạnh Viện Quý Tộc(thượng viện) để cùng nắm quyền lập pháp. Chế độ quân chủ lập hiến ra đời và nhờ vậy triều đình phong kiến Anh vẫn còn tồn tại trong định chế dân chủ cho đến ngày hôm nay. Chế độ độc tài quân sự Miến Điện cũng đang đi theo con đường nầy. Họ tự cải cách và dần dần từng bước nhượng bộ trước yêu cầu dân chủ hóa của toàn dân. Các đảng phái đối lập được tự do tham gia bầu cử, các quyền tự do của người dân từng bước được phục hồi. Tiến trình dân chủ hóa diễn ra trong hòa bình và ổn định.

Đây là kịch bản tốt nhất, lý tưởng nhất cho Việt Nam. Đất nước được dân chủ hóa mà đảng cầm quyền vẫn tiếp tục tồn tại và vì thế vẫn giữ được sự ổn định, tránh đi những mất mát đau thương không đáng có, nhất là trong tình hình giặc ngoại xâm phương Bắc đang lăm le chờ cơ hội bên ngoài.

- Nhân dân đứng lên lật đổ nhà cầm quyền. Trước yêu cầu bức bách của sự thay đổi, trước yêu cầu phải dân chủ hóa, nếu nhà cầm quyền vẫn bằng mọi cách duy trì thể chế độc tài lạc hậu, thì đến một thời điểm chín mùi, cách mạng sẽ nổ ra. Nhân dân sẽ đứng dậy lật đổ nhà cầm quyền. Đây là kịch bản từng xảy ra trong quá khứ với cách mạng Pháp, cách mạng Nga... Rồi lặp lại tại Đông Âu cũng như tại các nước Á Rập mới đây. Để xảy ra kịch bản nầy sẽ gây ra bất ổn và thiệt hại rất lớn. Đó là cái giá cần phải trả cho một nền dân chủ do đấu tranh mà có, không thể tránh khỏi.

- Người tiến bộ trong đảng tự đứng lên cướp quyền lãnh đạo và chuyển qua giai đoạn độc tài cá nhân. Khi không còn thuyết phục được lực lượng bảo thủ trong đảng, những đảng viên tiến bộ có thể tập hợp lại dưới trướng của một cá nhân uy tín nào đó, đứng lên cướp quyền lãnh đạo đảng. Những người nầy có thể sẽ chuyển đổi đất nước qua thẳng thể chế dân chủ như kịch bản 1 hoặc chuyển qua thể chế độc tài phi cộng sản một thời gian trước khi dân chủ hóa hoàn toàn. Những lời đồn đại về một "tổng thống N. T. D." phải chăng là manh nha của kịch bản nầy?

Vấn đề là khi nào thì diễn ra sự thay đổi. Đó là vào lúc thời cơ đã chín mùi. Khi ấy chỉ cần một làn gió thoảng qua cũng làm trái rụng. Làn gió thoảng qua ấy có thể xuất phát từ một cuộc đàn áp của nhà cầm quyền với người dân (như ở Libya), hoặc từ sự biến động của nền kinh tế đang càng lúc càng suy kiệt...

Tuy nhiên cũng có thể không có thay đổi gì hết trong vòng vài chục năm tới. Có một kịch bản nữa mà qua các dấu hiệu thực tế đang lộ dần ra, không thể không rùng mình nghĩ đến. Kịch bản đưa đất nước nầy lệ thuộc vào Trung cộng. Dưới cái ô che của mẫu quốc vĩ đại, mọi cái lạc hậu, phi nhân vẫn tiếp tục tồn tại, tồn tại cho đến khi nào mẫu quốc sụp đổ hoặc cho đến khi đất nước lại xuất hiện một Lê Lợi mới.

Huỳnh Ngọc Chênh

(Blog HNC)

Không có nhận xét nào: