Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM ĐỂ GIỮ QUYỀN LỢI VÀ BAO CHE CHO NHAU


Tình trạng người dân các tỉnh, thành phố ra tận Hà Nội gặp các cơ quan Trung ương, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Thanh tra Chính phủ để khiếu kiện về đất đai ngày càng nhiều. Theo Chánh thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, hơn 70% các vụ khiếu kiện là về đất đai.
Đất đai của nhà nông bị các nhà chức trách địa phương câu kết với đại gia đền bù rẻ mạt, trái pháp luật, rồi lại dùng quyền lực giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi như ăn cướp, đẩy người dân vào cảnh mất đất, bần cùng. Riêng “mảng đất đai” ở thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Chỉ trong 9 tháng của năm nay, Bộ phận Tiếp dân của thành phố đã tiếp 15.000 lượt người, xử lý 21.500 đơn thư, tăng 89% so với năm 2011.

 
Ông Nguyễn Thế Thảo nói: 
“Dân khiếu kiện đông người làm xấu hình ảnh Thủ đô!
(Truy nguyên: Chính quyền đẩy người dân phải đi khiếu kiện
không những làm xấu Hà Nội mà làm xấu cả đất nước)
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, 9 tháng qua đã có 178 đoàn đông người đi khiếu kiện, chủ yếu là khiếu nại về đất đai, giải phóng mặt bằng. Nổi cộm như vụ việc của 100 công dân phường Dương Nội, 70 người phường Kiến Hưng, 40 người phường Yên Nghĩa (Hà Đông), 150 tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), đoàn 200 người dân xã Tiên Dương (Đông Anh), bệnh binh 5 xã ở huyện Quốc Oai, 160 người dân phố Tân Mai (thị xã Xuân Mai)…
Rầm rộ về Hà Nội khiếu kiện nhiều nhất trong mấy tháng qua là dân Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định), tỉnh Đắc Nông và nhiều nơi khác. Dân nghèo, đi xa tốn tiền xe cộ, vất vả, ai muốn ra Trung ương? Nhưng họ mang tiếng với tỉnh, thành, quận, huyện là “khiếu kiện vượt cấp”. Họ đã mấy năm lao đơn đến cấp ủy, chính quyền địa phương mà không được giải quyết, buộc họ phải khiếu kiện lên Trung ương.
 
Bà con Dương Nội khiếu kiện đất đai
Có cán bộ tiếp dân còn thách thức, xúi giục: “Chuyện luật lủng này nọ thì ra Trung ương mà kiện, đây không biết”. Đơn khiếu kiện đất đai của dân bị bỏ ngăn kéo, câu dầm, không giải quyết, thậm chí còn  “chuyển tiếp”, kính gửi vòng vo, làm cơ cực cho người dân. Dưới đẩy lên trên, trên lại chuyển xuống dưới, người dân đã bị mất đất mà chạy lên chạy xuống, loanh quanh như đnè cù mà chăng mang lại gì. Điều đó, khiến người ta phải nghĩ đến một thực trạng: “Các cấp chính quyền ở địa phương dính dáng các vụ chiếm dụng đất của dân, mới sinh ra đùn đẩy, né tránh”. Họ muốn người dân cạn tiền, mất sức hoặc già, bệnh chết đi thì hêt khiếu kiện. Cái trò đó không đơn thuần vô trách nhiệm, vô cảm, mà là thủ đoạn cố tính cướp không đất của người dân nghèo. Thiếu gì trường hợp khiếu kiện đã 20-30 năm mà không được gì, đến tuổi già phải ra đi trong oan khiên, uất ức, trong đau thương mất mát, rồi “cứt trâu hóa bùn”.
Theo Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Buổi sáng ông mở cửa đã thấy người dân đứng chờ đưa đơn, 19h trở về nhà cũng có người chờ đưa đơn, chưa kể ở cơ quan cũng thường nhận đơn khiếu nại. Thời điểm này, thành phố có khoảng 200 người thường xuyên đi khiếu kiện. Công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ bắt buộc, không làm thì không thể thực hiện các dự án. Đô thị hóa nhanh càng nảy sinh khiếu kiện nhiều, như điển hình ở quận Hà Đông. Ông Nghị nói rằng: “Người giải quyết đơn thư phải có tinh thần giải quyết dứt điểm vụ việc chứ không nói là tôi làm đúng thẩm quyền, đúng thủ tục. Kể cả người dân khiếu kiện sai thì phải giải thích rõ cái sai đó”. Ông cũng yêu cầu, công tác khiếu nại tố cáo phải gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính; phối hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước nên giải quyết nhanh chóng và dứt điểm từ cơ sở, dừng để người dân phải cơm đường cháo chợ ra tận Hà Nội.
Tuy nhiên, đánh giá của UBND thành phố cho thấy, công tác chỉ đạo và giải quyết khiếu nại của chính quyền ở một số nơi còn thiếu quyết liệt, ngại va chạm, né tránh, sợ liên đới trách nhiệm. Trong khi đó, công tác quản lý đất đai của địa phương còn lỏng lẻo, để xảy ra vi phạm nhưng không giải quyết kịp thời, để tồn đọng…Ông cũng yêu cầu các ngành rà soát các chính sách thu hồi đất đảm bảo đời sống của người dân khi bị thu hồi đất được bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; đơn giản các thủ tục hành chính…Lãnh đạo các địa phương, ngành chủ quản phải trực tiếp đối thoại với người dân, giải quyết các kiến nghị của dân để giải quyết dứt điểm các khiếu nại khi mới phát sinh.
Về giải quyết khiếu kiện đất đai, chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội, ông Nguyến Trung Thành sau khi đọc bài “Phải chằng đầu voi đuôi chuột?”(*) đã có ý kiến rất thẳng thắn: Liệu các cấp Bộ ngành và địa phương có phải tiến hành kiểm điểm lại hay không ? Liệu vừa qua có “hòa cả làng”, vì chúng ta đều vi phạm như nhau cả không !? Nếu coi là sai, thì sai cả nút, vậy nên “xúy xóa” cho vui vẻ cả !? Theo tôi, nếu không “vạch mặt, chỉ tên” các việc được coi là sai, thì rồi, sau NQ một thời gian, khuyết tật “thoái hóa, biến chất” sẽ lặp lại, và còn có thể tăng thêm. Vấn đề chúng ta cần là những sai lầm khuyết điểm sẽ được khắc phục, sắp tới sẽ không lặp lại, chứ không phải quan trọng là cần tìm ra để kỷ luật ông này ông kia, vì nó có quá nhiều.
Vì vậy, hãy cùng khách quan chỉ mặt, đặt tên những cái hành động, thái độ cần được bãi bỏ, sau đây không được lặp lại. Ví dụ:
- Trong họp bàn các chính sách, chế độ, quy hoạch, nhân sự . . . thì cấp ủy và cá nhân lãnh đạo không đứng trên quyền lợi quốc gia, bộ ngành, địa phương và nhà nước để bàn, mà chủ yếu xoay quanh quyền lợi địa phương cục bộ và cá nhân gia đình mình để bàn công việc lãnh đạo.
- Việc cấp ủy tập thể quyết định sai chính sách, như tự tiện chia đất, chia nhà cho nhau trên mức quy định, tăng tiêu chuẩn phụ cấp đi công tác, đi họp cho nhau; tại các DN quốc doanh thì cấp ủy quyết định hối lộ chỗ này, chỗ kia, ông này, ông nọ để thực hiện chót lọt các dự án, công trình, quy hoạch , nhân sự; tự tiện quyết định mức lương, hệ số cấp bậc, lương, thưởng quá cao so với thực tế cống hiến .v .v . . .
- Hiện tượng các tổ chức kinh tế quyết định tặng cổ phần, cổ phiếu, tiêu chuẩn lô đất, căn hộ . . . cho các cán bộ lãnh đạo có liên quan để được ủng hộ và phê duyệt dự án, công trình, để lôi cán bộ lãnh đạo vào cuộc, luôn phải đứng về phía các DN để đỡ đầu, bảo vệ quyền lợi và súy xóa sai trái của họ, thậm chí đồng lõa với họ trong phê duyệt quy hoạch, dự án, công trình, đề tài, trong thu hồi, cấp và chứng nhận đất đai, v.v…
- Về công tác cán bộ thì cần giải thích cho được, tại sao lâu nay nhân dân đã được biết “giá cả” của rất nhiều vị trí chức vụ , cấp bậc, cả ngoài dân sự lẫn trong quân đội . . .
- Có hay không việc cấp ủy bàn quyết định dùng công quỹ tặng quà các ngày lễ tết, việc “bồi dưỡng” các cấp trên sau khi thực hiện chót lọt và “hiệu quả cao” các công trình dự án . . .
- Có hay không việc cấp ủy bàn bạc đối phó ngăn chặn ý kiến phản đối chính đáng của dân để bảo vệ các đơn vị đã được cấp ủy nhận đỡ đầu, bảo kê v.v…
- Vân vân, rất nhiều vấn đề cụ thể, “phong phú”, xin quý vị bổ sung tiếp.
Nếu kiểm điểm chỉ thẳng ra những cá nhân sai phạm mà quá khó, thì nên liệt kê rất chi tiết cụ thể những hành động, việc làm nào được coi là sai phạm, bắt đầu từ sau NQ TƯ 4 , dứt khoát mọi cán bộ, viên chức không được làm nữa, .nếu còn mắc vào, thì sẽ bị kỷ luật ra sao. Từ giai đoạn này trở đi, ta đã có thể học tập cách quản lý của Singapore và nhiều nước khác văn minh và đã nhiều kinh nghiêm, đừng khư khư bảo thủ, đừng theo kiểu tư duy nhiệm kỳ, với dân thì “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” .
Cách sửa chữa tốt nhất là quy định những việc gì cấp ủy, lãnh đạo được làm, những hành động nào các cấp ủy, các lãnh đạo từ nay trở đi quyết không được làm. Nếu vi phạm, kỷ luật nặng ra sao. Như vậy sẽ khả thi hơn là vạch vòi “tổng cộng phong bì, phong bào năm qua là bao nhiêu?”, vì đương nhiên là rất nhiều, cán bộ càng quan trọng, thì càng nhiều! Đó là cái sai sờ sờ mà mọi người cứ nói chung chung lý luận mãi. Lương chỉ có vậy mà cán bộ vẫn mua nhiều đất đai, trang trại, có cổ phần lớn ở các ngân hàng, có biệt thự, xây dựng nhà cửa sang trọng đắt tiền,  mua xe cộ, chu cấp cho gia đình vợ con được đàng hoàng sống vương giả trong một đất nước còn nghèo với biết bao người lao động còn lam lũ cơ hàn, thử hỏi tiền ở đâu mà lắm thế?
Cho nên, họ tránh né gặp dân, họ đùn đẩy trách nhiệm, họ bao che, bênh vực, khỏa lấp cho nhau, tung hê nhau lên, thậm chí bỏ phiếu “tín nhiệm”  để tiếp tục kéo bè kết cánh cùng có lợi. Với cái kiểu cấu kết với nhau chắc hơn boong ke, lô cốt, nếu không xử lý thực sự chính xác, nghiêm minh bằng pháp luật, bằng các nguyên tắc điều lệ Đảng thì Nghị quyết TW 4 cũng như Nghị quyết Trung ương 6 (2) và biết bao cuộc chỉnh Đảng khác, coi như chỉ làm nửa vời, “ném đá ao bèo”, mị dân được một thời gian, rồi cuối cùng đâu lại vào đấy, có khi còn trầm trọng, nguy hại hơn nhiều lần.
——————-

Không có nhận xét nào: