Việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam một bậc xuống còn B2 đánh dấu thêm một tin xấu cho đất nước từng được dự đoán là ngôi sao mới ở Đông Nam Á.
B2 là điểm thấp nhất từ trước đến nay mà công ty xếp hạng tín nhiệm này dành cho Việt Nam.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc hạ điểm Việt Nam và tám ngân hàng thương mại, trong đó có hai do nhà nước kiểm soát, không phải là chỉ dấu về khủng hoảng ngân hàng toàn diện và rằng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại nếu chính phủ có hành động.
Nhưng, theo Reuters, việc hạ điểm làm tăng lo ngại về nợ xấu và tiến độ Đổi mới từng bắt đầu từ năm 1986.
Nó cũng đặt Việt Nam trong bức tranh trái ngược với Indonesia, mà mức xếp hạng tín dụng đã nâng lên cấp đầu tư cuối năm ngoái, và Philippines, cũng có thể sẽ sớm lên được cấp này.
Ảnh hưởng
“Mặc dù chỉ có ít rủi ro về khủng hoảng ngân hàng, ảnh hưởng chính là tác động tới uy tín tài chính của chính phủ và tăng trưởng kinh tế,” Jonathan Pincus, đứng đầu chương trình Kinh tế Fulbright ở TP. HCM nhận định.
"Cần có hành động của chính phủ và càng sớm càng tốt."
Jonathan Pincus
“Việt Nam không thể nghiễm nhiên thoát ra khỏi các vấn đề của khu vực ngân hàng. Cần có hành động của chính phủ và càng sớm càng tốt.”
Đại diện cho chính phủ Việt Nam cũng đã có phản ứng, nói rằng đánh giá của Moody’s mâu thuẫn với những công ty xếp hạng khác. Xếp hạng của Moody’s hiện thấp hai bậc so với Standard&Poor’s và một bậc so với Fitch, mặc dù tất cả các hàng đều xem trái phiếu của Việt Nam bị xếp vào loại “may rủi”.
Ông Nguyễn Thành Độ, từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, kêu gọi Moody’s xem lại lập trường.
“Họ có vẻ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực, bỏ qua yếu tố tích cực của kinh tế Việt Nam nhưng dự trữ ngoại tệ tăng, thanh khoản tốt trong hệ thống ngân hàng.”
“Chúng tôi đang cố gắng kiềm chế lạm phát, vì thế tăng trưởng tín dụng bị hạn chế và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế,” ông Độ được Reuters dẫn lời.
Tám ngân hàng thương mại bị hạ điểm gồm ACB, BIDV, MB, SHB, Sacombank, Techcombank, Vietinbank và VIB - đều bị hạ một bậc trong xếp hạng khả năng tín dụng độc lập từ E+ xuống E.
"Chúng tôi tin Việt Nam đã vượt qua lúc gay go và nếu giới chức vẫn kiên định với cải cách, tăng trưởng sẽ dần dần tăng trong hai năm tới."
Frederic Neumann
Trong khi đó, ông Matt Hildebrandt, kinh tế gia từ JPMorgan Chase Bank ở Singapore, cho rằng Việt Nam sẽ còn bị hạ bậc ít nhất một lần nữa trong sáu đến chín tháng tới.
“Rõ ràng có nhiều nợ xấu. Chúng tôi không biết tầm cỡ hay chiều sâu của vấn đề nhưng sẽ đòi hỏi hỗ trợ nào đó,” ông nói.
Tuy vậy, Frederic Neumann, đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc HSBC ở Hong Kong, nói chính phủ đã bắt đầu đối phó những vấn đề cơ cấu.
“Chúng tôi tin Việt Nam đã vượt qua lúc gay go và nếu giới chức vẫn kiên định với cải cách, tăng trưởng sẽ dần dần tăng trong hai năm tới,” ông nhận xét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét