Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

RFI Điểm báo:Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư : Mỹ sẽ hành động ra sao ?


Tàu tuần duyên Nhật Bản (dưới) phun nước đuổi tàu Đài Loan trong vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư, 25/09/2012
Tàu tuần duyên Nhật Bản (dưới) phun nước đuổi tàu Đài Loan trong vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư, 25/09/2012
REUTERS
Tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc, và gần đây còn có thêm phần can dự của Đài Loan đã làm cho tình hình biển Hoa Đông thêm nóng bỏng. Vậy thì, các nhà phân tích tại các nước liên can nhìn nhận vấn đề này như thế nào ? Về hồ sơ này, tuần san Courrier International đã dành hẳn 5 trang trong chuyên mục Hồ sơ châu Á để đăng dịch lại các nhận định của các nhà phân tích trong khu vực.

Trong đó, nổi bật nhất là bài viết đề tựa “Hoa Kỳ sẽ làm gì?”, đăng trên tờ Want Daily ở Đài Bắc. Theo quan điểm của một nhà bình luận tại Đài Loan, nếu như liên minh Mỹ – Nhật không còn khả năng trụ được trên vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thì chính sự cân bằng chiến lược trong khu vực sẽ bị đảo lộn theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Theo tác giả bài viết, những sự kiện gần đây cho thấy rõ là Trung Quốc quyết tâm làm mạnh trong vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku. Do đó, tình hình có thể diễn biến theo hai chiều hướng.
Hướng thứ nhất, Nhật Bản cùng với Hoa Kỳ củng cố vị thế của họ và công khai đối đầu với Trung Quốc. Như vậy sẽ đưa cả ba bên vào tình thế sẵn sàng đánh nhau. Thế nhưng, trên bình diện quân sự, Trung Quốc hiện chưa thể nào đọ sức được với liên minh Nhật-Mỹ. Do đó, có khả năng Bắc Kinh sẽ chùn bước và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku rất có thể sẽ trở lại hiện trạng ban đầu (trên thực tế là hiện nay Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát các đảo nhỏ đó).
Tình huống này sẽ giống như những gì xảy ra vào năm 1996. Khi đó, Trung Quốc đã cho tiến hành bắn một loạt tên lửa vào vùng lãnh hải của Đài Loan, nhằm phản đối cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên trên hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn xem như là một tỉnh của mình. Sự khiêu khích đó đã tạo cớ cho Mỹ gởi hai chiếc hàng không mẫu hạm đến Đài Loan, buộc Trung Quốc phải vừa đánh vừa lui.
Nếu như giả thuyết này xẩy ra, tình hình quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có lẽ sẽ giữ yên nguyên trạng trong vài năm, cho đến khi mà Bắc Kinh cảm thấy đủ sức để đối đầu quân sự với cặp liên minh Mỹ-Nhật, khi đó, họ có thể sẽ quay trở lại với một lực lượng mạnh hơn.
Hướng thứ hai có thể xảy ra và làm cho Nhật Bản sợ hãi. Đó là những khó khăn mà Hoa Kỳ hiện đang gặp phải tại vùng Trung Đông rất có thể sẽ khiến cho Washington trở nên nhún nhường. Không có sự hỗ trợ của Mỹ, Tokyo có thể buộc phải lùi bước. Như thế, các tàu thuyền Trung Quốc có thể xâm nhập vùng lãnh hãi của xứ Phù Tang nếu như họ thích và thậm chí, họ có thể đặt chân lên quần đảo, tạo ra một hiện trạng mới. Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sẽ rơi vào tay của người cộng sản Trung Quốc.
Nếu đúng như vậy, điều đó cũng có nghĩa là trước tiên hết, giả như Washington không còn đủ sức để gây áp lực lên Bắc Kinh trên hồ sơ Điếu Ngư/Senkaku, thì nó cũng có nghĩa là thiện chí trở lại châu Á của Mỹ (tuyên bố vào năm 2011) chỉ là chuyện viễn tưởng.
Tiếp đến, Trung Quốc sẽ sỉ vả thất bại của Nhật cũng như là liên minh Mỹ-Nhật. Bắc Kinh sẽ không có đối lập tại Đông Á và thậm chỉ trên cả vùng châu Á. Xem như Trung Quốc đã tống cổ được Mỹ ra khỏi khu vực.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng phương pháp này để chống lại các nước khác trong khu vực như Philippines, Việt Nam… bằng cách đè bẹp lần lượt từ nước này đến nước khác. Đến lúc đó, chuyện gì sẽ xảy ra cho các quốc gia nhỏ bé như Philippines, hay Việt Nam ? Câu trả lời dĩ nhiên là đã biết trước rồi !
Tình hình trong khu vực chắc chắn sẽ tiến triển phù hợp theo hai xu hướng nêu trên. Trường hợp thứ nhất minh chứng cho việc duy trì một hiện trạng đang có. Nếu như trường hợp thứ hai xảy đến, thì việc tái phân bố lại tương quan lực lượng tại châu Á sẽ như thế nào ? Đài Loan có vai trò gì trong việc phân định lại giới hạn vùng lãnh hải và lãnh thổ ? Và sự việc này sẽ để lại hậu quả gì cho vận mệnh của Đài Loan ? Do đó, « nước Cộng hòa Trung Hoa » (tức là Đài Loan) cần phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề này.
Liệu có một giải pháp thứ ba nào không? Có lẽ cũng là lúc nên nghĩ đến rồi.
Làn sóng bài Nhật tại Trung Quốc mang « Hơi hướng của Cách mạng Văn hóa »
Về làn sóng bài Nhật tại Trung Quốc từ nhiều ngày nay, Courrier International dịch một bài viết nhận định đề tựa « Hơi hướng của Cách mạng Văn hóa » đăng trên tờ tuần san châu Á ở Hồng Kông. Theo tác giả bài viết, các đợt biểu tình đó đã được điều khiển một cách có hệ thống từ chính quyền trung ương. Và chủ trương này chỉ để lại hình ảnh xấu cho Trung Quốc trên thế giới.
Theo quan sát của tờ báo, làn sóng bài Nhật lan ra trên diện rộng ở cả nước, trên mọi lãnh vực và ở mọi cấp độ khác nhau. Kể từ khi cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), thói quen tụ tập dường như đã bị mất đi. Vậy mà lần này, trong các cuộc biểu tình bài Nhật, người ta còn thấy cả chân dung của Mao Trạch Đông tái xuất hiện hàng loạt, một quang cảnh hiếm khi có, kể từ sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách cải cách và mở cửa vào năm 1979.
Đồng thời, mọi người còn thấy có cả các biểu ngữ ủng hộ ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh. Tất cả những điều đó có thể được hiểu như là một mưu toan của phe cực tả trong Đảng nhân cơ hội rối loạn này để lại nổi lên.
Điểm trùng hợp kỳ lạ, các cuộc biểu tình bài Nhật nổ ra vào ngày 15/9, ngày trở lại chính trường của ông phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, sau hơn mười ngày vắng bóng không rõ nguyên nhân.
Đối với giới quan sát Trung Quốc, các cuộc biểu tình rầm rộ và náo động đó, cùng với hình ảnh Mao Trạch Đông đầy khiêu khích, dường như muốn khơi dậy lại tàn dư của cuộc Cách mạng Văn hóa. Điều này sẽ trở thành một thách thức lớn trong đối nội và đối ngoại cho nhà lãnh đạo tương lai Tập Cận Bình, trên nguyên tắc sẽ lên lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc sau kỳ Đại hội Đảng lần thứ 18.
Theo các nhà phân tích, tình hình này đang gây nhiều bất lợi cho ông Tập. Bởi vì, mỗi bên đều có mục tiêu riêng. Quân đội cũng muốn nhân cơ hội này để khẳng định vị thế của họ. Ủy ban các vấn đề luật pháp và chính trị cũng có thể thừa dịp này để nhấn mạnh tầm quan trọng của mình và củng cố quyền kiểm soát xã hội dưới chiêu bài ổn định. Và điều quan trọng hơn hết là nhà lãnh đạo tối cao hiện nay, ông Hồ Cẩm Đào, có thể sử dụng cái cớ căng thẳng hiện có để biện minh cho việc tiếp tục lãnh đạo Quân ủy Trung ương ít nhất là thêm sáu tháng nữa.
Dù sao đi chăng nữa, rõ ràng chính phủ Trung Quốc đã đứng đằng sau để điều khiển các cuộc biểu tình ngay từ ban đầu. Tại nhiều nơi, người ta còn thấy có các quan chức cao cấp tỉnh thành dẫn đầu các đoàn tuần hành. Thậm chí, công an còn chỉ huy đoàn người và nhắm mắt làm ngơ để người biểu tình đập phá các cơ sở sản xuất kinh doanh của các thương nhân Nhật Bản.
Như vậy, một cách hiển nhiên, chiến dịch chống Nhật trong sâu thẳm là có động cơ chính trị. Cuộc chiến bài Nhật còn diễn ra mặt trận kinh tế. Các cơ quan hành chính và doanh nghiệp chính phủ ra văn bản yêu cầu ngưng mua sắm các sản phẩm của Nhật.
Quả đúng là hiện tượng này đang trừng phạt thật sự các doanh nghiệp Nhật Bản, mà hành động rõ nét nhất là hải quan kiểm soát gắt gao hàng hóa nhập khẩu từ xứ sở Mặt trời mọc.
Tờ báo nhận định rằng, kiểu hành động đi ngược với khái niệm Nhà nước pháp quyền sẽ chỉ mang lại một hình ảnh xấu về Trung Quốc trong giới thương mại và tài chính thế giới. Không những thế, nó sẽ còn làm tổn thương đến mối quan hệ song phương Nhật – Trung.
EDF – Trung Quốc : Quan hệ hợp tác nguy hiểm
Đến với chủ đề kinh tế, le Nouvel Observateur tiết lộ một dự án thỏa thuận rất chi tiết về mối quan hệ hợp tác giữa hai tập đoàn điện lực Pháp và Trung Quốc. Trong bài nhận định đề tựa « EDF – Trung Quốc : Mối quan hệ nguy hiểm », tuần báo cho rằng, tập đoàn điện lực Pháp EDF đã vi phạm các nguyên tắc « bí mật công nghiệp hạt nhân » khi quyết định rao bán cho Trung Quốc nhiều kỹ thuật công nghệ hạt nhân mũi nhọn.
Le Nouvel Observateur đặt câu hỏi : « EDF sẽ còn sẵn sàng đi đến đâu để ký kết thỏa thuận với Trung Quốc như họ mơ ước ? ». Theo nội dung của bản tài liệu mật mà Le Nouvel Observateur đang nắm giữ trong tay, những khoản chuyển nhượng ký kết giữa tập đoàn điện lực quốc gia Pháp và Tập đoàn năng lượng hạt nhân Quảng Đông (CGNPC) có tầm quan trọng rất lớn.
Theo đó, CGNPC có khả năng trở thành nhà cung cấp các « linh kiện lớn », cũng như là các thiết bị có tính chất chiến lược như lò hơi hay các hệ thống điều khiển, « bảo trì » hay thiết kế tổng hợp … cho EDF, những lãnh vực chủ chốt của ngành công nghiệp Pháp.
Theo điều tra của tuần báo, sự việc bắt đầu vào năm 2007. Khi đó, Areva quyết đinh liên kết với tập đoàn hạt nhân Mitsubishi để thiết kế một lò phản ứng hạt nhân có công suất 1000 MW, tên gọi là Atmea. Trong dự án này, không có phần tham gia của EDF.
Bên cạnh đó, thị trường điện hạt nhân tại Trung Quốc lại đang nở rộ. Bắc Kinh dự tính trong tương lai cần đến 200 lò phản ứng hạt nhân cỡ trung trong vòng 15 năm. Mà mỗi lò hạt nhân như thế trị giá ít nhất hơn 3 tỷ euro. Do vậy, EDF không có dự định để Areva độc chiếm thị trường béo bở đến như thế.
Thế là, vào tháng Tư 2010, EDF đã ký kết với CGNPC « một thỏa thuận hợp tác chung » nhằm thiết kế một mô hình mới dựa theo kiểu mẫu CPR 1000 của Trung Quốc để cạnh tranh với Atmea, kiểu lò hạt nhân do Areva và Mitsubishi cùng xây dựng. Đối với CGNPC, đây là một cơ hội tốt để độc chiếm quyền sở hữu trí tuệ cho kiểu lò hạt nhân này, vốn được CGNPC phát triển vào những năm 1980, từ công nghệ của Areva, nhưng lại không được quyền xuất khẩu công nghệ. Tập đoàn năng lượng hạt nhân Quảng Đông còn làm cho EDF hoa cả mắt, khi nói rằng có thể cùng nhau tham gia các đấu thầu ở nước ngoài, nhất là tại Nam Phi.
Điều đáng nói là sau khi có sự can thiệp của tổng thống tiền nhiệm Pháp, ông Nicolas Sarkozy, vào tháng 2/2011, những tưởng là Ban thanh tra năng lượng hạt nhân đã có thể hòa hợp được EDF và Areva, để có thể cùng với CGNPC thiết kế lò hạt nhân 1000 MW. Nhưng trên thực tế, EDF vẫn ngầm thương lượng song phương với CGNPC mà không thông qua CEA cũng như là Areva.
Theo một chuyên gia trong lãnh vực này, thì rõ ràng « đây là một sự phản bội ». « Một người Pháp – ở đây lại là Tập đoàn điện lực quốc gia Pháp EDF – lại sẵn sàng giúp một tập đoàn quốc gia Trung Quốc – CGNPC – đến cạnh tranh với với một tập đoàn Pháp khác – Areva ngay trên chính thị trường nội địa của mình ».
Quả thật, theo nội dung bản « thỏa thuận khung » thứ hai, EDF và CGNPC sẽ hợp tác thiết kế một lò hạt nhân 1000 MW đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn tốt nhất. Điều kỳ lạ là EDF sẽ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của tâm lò hạt nhân cho đối tác Trung Quốc. Bên cạnh đó, EDF còn cam kết mở cho CGNPC xem tài liệu và các cơ sở dữ liệu về cách khai thác các trung tâm hạt nhân của mình hiện nay. Cuối cùng là EDF tuyên bố sẵn sàng chia sẻ với Trung Quốc các nghiên cứu của mình trong lãnh vực « các phần mềm tin học được phân loại ».
Giờ đây, chính thủ tướng Pháp phải xử lý vụ việc cùng với sự tham gia của 8 vị bộ trưởng (Năng lượng, Kinh tế, Công nghiệp, Ngoại giao, Quốc phòng…)

Không có nhận xét nào: