Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Báo chí “lề phải” cần “ra mặt trận”


Bùi Văn Bồng
Hội nghị báo chí toàn quốc 29-3-2012
Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước. Trong văn bản thông báo này có nêu là xuất phát từ các công văn của Bộ công an, Bộ 4 T, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng về tình trạng một số trang thông tin điện tử như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… và một số trang mạng khác, đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch”…

Văn bản số 7169 – VPCP-NC: “Về việc xử lý thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước” có nêu điển hình 3 trang blog, trong đó có trang Biển Đông. Tôi chưa thấy trang blog Biển Đông nào, nhưng tôi đã nhiều lần đọc trang Website Nghiên cứu Biển Đông (http://nghiencuubiendong.vn/), chứ không phải blog Biển Đông. Trang này thường xuyên đưa chứng liệu lịch sử, những bài bình luận, đánh giá, cập nhật những tin tức, bài viết, sự kiện về tình hình biển Đông. Cuối trang có dòng chữ lớn: “Chương trình Nghiên cứu biển Đông”. Đọc trang này chưa thấy có bài nào nói xấu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước. Văn bản 7169 còn nêu: … “các trang này “bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội”… Và, “Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động”… Tính trung thực của thông tin được Luật báo chí nhấn mạnh, nếu như trong thực trạng xã hội hoặc cá nhân nào đã bị nhuốm đen, đã bị thoái hóa đổi màu, mà nói “đen” thì đâu có bôi, mà tự bản thân nó đã tồn tại hiện hữu như vậy. Còn như thế nào là “mạng phản động” cũng phải phân biệt cho rõ, nói thật theo lời kêu gọi của Đảng là toàn dân phải giúp Đảng chỉ ra mặt yếu kém, “làm ơn làm phước” chỉ ra những yếu kém, những cán bộ đảng viên phạm pháp, suy thoái, biến chất, lại bị coi như phản động thì quả là sai lầm, là sự cố tình vu khống, cũng đồng nghĩa với tội ác.
Văn bản 7169 ban hành buộc người ta phải tìm trên mạng và đọc thật kỹ các trang gọi là “phản động” đã nêu. Hai trang blog Danlambao và Quanlambao, thì trang Danlambao đã có từ lâu, riêng trang Quanlambao mới mấy tháng nay. Các trang khác cũng không ít nội dung nói xấu Đảng và Nhà nước, biểu hiện sự phân tuyến, chia rẽ nội bộ, ‘nhất bên trọng nhất bên khinh’ như: Anh lái đò, Anh ba Dũng, 4 Sang,… nhưng lại không thấy nêu trong Văn bản 7169. Đọc lướt các trang blog này, có trang thì giải trình vụ việc, đưa thông tin cải chính, bênh che các đại gia, các cá nhân làm sai pháp luật, tham nhũng và những vụ nói là có liên quan đến Thủ tướng, có trang thì công khai chê bai, chỉ trích TBT Trọng, CTN Sang… thấy những cuộc thông tin “mạng chiến” khá quyết liệt, phản biện thẳng thừng, thật không biết đâu mà lần.
Thế mà, cái biểu hiện rất lạ và khó hiểu ở chỗ các cơ quan chức năng, chuyên ngành, các báo, đài chính thống của Nhà nước do Chính phủ trực tiếp nắm, chỉ đạo tại sao vẫn thấy im hơi lặng tiếng khi thấy các trang blog đưa các ‘thông tin ngoài luồng’, coi như có hại cho uy tín lãnh đạo, mà không có sự phản biện, phê phán nào. Riêng trang Quanlambao đưa lên các tin, bài nóng hôi hổi, lạ hoắc, toàn tin thuộc diện “bí mật cung đình”, bí mật nghiệp vụ, lại còn thêm tranh, ảnh biếm họa, châm kích . Suốt mấy tháng liền Quanlambao cứ thoải mái thênh thang đi khắp thế gian, nhưng không một báo, đài nào có thông tin chính thống, đưa sự thật những bằng chứng, nhân chứng có tình thuyết phục đập lại, phản bác, phản biện, định hướng dư luận? Nếu như các trang thông tin điện tử, blog, các báo mạng gọi là ‘lề trái’ mà nêu lên sự thật, thì Đảng, Nhà nước cũng phải nghiêm túc, cầu thị xem lại, đừng vội chụp mũ vì dám nói ngược ý mình, dám công khai, minh bạch hóa, vội quy kết là do xúi giục của ‘thế lực thù địch’.
Theo thống kê, đến tháng 3-2012 cả nước có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh truyền hình; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ. Về loại hình chủ yếu có báo in, đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử. Về thứ bậc và phạm vi có báo Trung ương, báo địa phương, báo ngành,… Riêng trên mạng thì hầu như báo nào đã có báo in vẫn kèm theo trang báo điện tử, lại còn rất nhiều trang Thông tin điện tử từ bộ đến các ban, ngành, hội nghề nghiệp…Thế mà bạn đọc mở ra thấy không có phản hồi, phản biện gì trước các thông tin coi là ‘có hại’ là ‘xuyên tạc, bóp méo, bịa, sai sự thật’ trên các trang blog điển hình nêu trên. Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, quản lý báo chí, sao không chủ động tung đội quân báo chí hùng hậu vào cuộc, “ra trận’? Cho các báo ‘lề phải’ là miếng ngon, miếng sạch, lành bệnh sao không cho bạn đọc “ăn” mà để cho những thông tin bôi xấu nói một bề, không ai lên tiếng? Hay im lặng chính là công nhận?
Tại sao Thủ tướng không làm cái việc cứ lẳng lặng, bí mật chỉ đạo ngành chức năng điều tra, chỉ rõ đích danh các trang blog nguy hại đó, đồng thời đóng cửa luôn rồi mới thông báo? Nay tung ra Văn bản ngăn chặn này thì những thông tin “mật”, những vụ việc lớn, nhạy cảm đã coi như đã “cài hết số”, những thông tin coi là gây phương hại đã đến hết với bạn đọc, sóng đã tung lên trời, đâu có lấy lại được? Những thông tin không muốn ấy đã tạo dư luận lớn rồi, quá nhiều thông tin giật nảy gân, chát chúa tận xương cốt nay cũng bảo hòa thì mới thấy Thủ tướng ‘tung chiêu” chỉ đạo. Chân tơ kẽ tóc của các nhân vật và vụ việc nổi cộm đã công khai cho cả thế giới. Có đánh bây giờ cũng như ‘đánh chuột chết’ mà thôi, chẳng đem lại tác dụng gì. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, huống hồ nay lượng thông tin khủng ấy đã dày đặc không gian. Nay mới phát đi công văn ấy thì quá muộn rồi, khác bào chạy bộ đuổi theo đàn ngựa đã chạy rất xa từ lâu. Trong khi đó lại chưa chặn được mạng khiến cho Công văn 7169 trở thành PR, tự quảng cao không công cho các trang blog, số người truy cập tăng vọt. Vô hình trung, công văn 7169 lại sinh ra hiệu ứng ‘lợi bất cập hại’ cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Nhiều người trước đây có nghe thông tin truyền khẩu mà gôc là từ các trang blog như D, Q, 3 Dũng, 4 sang, Anh lái đò…Họ nghe mà mặc kệ, không để ý, nay lại tìm các trang nghi là ‘phản động’ để đọc, mà còn đọc kỹ xem “nói xấu bôi đen” ở chỗ nào, càn thêm nguy hại. Như vậy, chẳng khác nào tự ‘vạch áo cho người xem lưng”.
Nhân sự kiện này, Tiến sĩ Tô Văn trường, đã có lời bình nghị:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan truyền thông (“đầu bảng” là báo Nhân Dân) tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật và xuyên tạc chống Đảng và Nhà nước. Câu hỏi đặt ra vì sao báo Nhân Dân không đi vào cuộc sống (không có sạp bán báo nào ngoài phố bày bán báo Nhân dân mà thực tế cũng rất ít người dân đón đọc báo Nhân dân). Ngày 31/8 báo Nhân dân đăng bài “Xã hội dân sự một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” của tác giả Dương Văn Cừ thể hiện sự ấu trĩ cả về nhận thức chính trị đã bị công luận phản ứng dữ đội. Xin mời đọc biên bản họp mở rộng của PPWG (File kèm theo để tham khảo).
Báo Quân đội nhân dân ngày 12/9 đăng bài “Tây Nguyên thương nhiều, yêu nhiều và ưu tư cũng nhiều” của 2 phóng viên Quang Hồi và Duy Thành nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Ngọc khiến ông phải thốt lên “Tôi đọc và kinh ngạc. Tôi bị nhét vào mồm nhiều câu vớ vẩn lẫn những ý rất bậy bạ”! Trong khi đó biết bao điều thiết thực người dân mong mỏi giới chức trách và các phương tiện truyền thông trả lời nhưng vẫn còn “nợ dân” như bệnh lạ ở Quảng Ngãi, cháy xe v.v…
Trên mạng đang loạn các thông tin là những điều lâu nay dư luận vẫn tranh luận. Có những thông tin có thể kiểm chứng, một số thì chưa nhưng phần lớn các băn khoăn là có thật và ai cũng thấy là có căn cứ. Tình hình hiện nay đang như một bài toán chưa có lời giải. Nhìn vào các ngóc ngách nào của bức tranh kinh tế xã hội hiện nay, những người có tâm với cuộc sống,con người và đất nước đều cảm thấy rất ưu tư, lo lắng.
Ngay cả những “thảo dân” làm nghề lái xe ôm, tắc xi hay bà nội trợ cũng cảm thấy rất rõ các dấu hiệu của các “cơn bão” của thời cuộc đang thổi chạm cả tới “số phận bé nhỏ” của mình ( thường thì bão đâu có chạm tới cỏ!). Trong “triều chính” chắc là người ta còn thấy rõ hơn nhiều. Nhiều bài viết của các chuyên gia, trí thức tâm huyết với đất nước cho thấy nhiều vấnđề lớn đang đặt ra rất ngổn ngang và chồng chéo. Không hiểu báo Nhân dân, Thông tấn xã VN, Truyền hình v.v… có đủ uy tín và năng lực để có thể giải đáp hướng dẫn dư luận như chỉ thị của Thủ tướng? (Tô Văn Trường).
Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong điện mừng Hội Nhà báo Á Phi (24/4/1965), Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết…”
Ngày 21/7/1956, nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một tờ báo không có tính chiến đấu là tờ báo không có linh hồn. Nhà báo phải tự đặt cho mình câu hỏi: “Viết cái gì, viết cho ai, viết để làm gì?”.
Tất nhiên, người đọc các blog đều phải biết tự phân định hay-dở, đúng-sai, biết cách cảm nhận và tự lý giải. Đây cũng là kênh giao lưu nhanh, nhạy cảm, ngày càng thu hút nhiều người đọc, nhất là lớp trẻ. Nhà quản lý, cơ quan chuyên môn cũng nên thẩm định kỹ, nhưng trang blog đưa thông tin, viết bài thẳng thắn phê phán cái sai, loại trừ cái xấu, mang tính xây dựng cho Đảng mạnh, nước vững, dân yên không nên ‘vơ đũa cả nắm’, hoặc vì động cơ cá nhân thù vặt mà đối xử bất công, gây oan ức với các blogger, người truy cập, tham khảo thông tin blog. Nóng vội, hoặc do quá giận mà làm ẩu, bất chấp, cốt sao hả dạ, không khéo lại giống như “Vụ án 3 con vịt”.
Do tốc độ và chất lượng phát triển của công nghệ thông tin, báo mạng là mũi xung kích thời bùng nổ thông tin toàn cầu. Nó đang dần trở thành một sức mạnh áp đảo, đẩy báo in, báo nói, báo hình vào góc khó cạnh tranh. Thời đại này, không có báo nào truyền tin nhanh bằng báo mạng. Một sự kiện xảy ra tại bất kỳ nơi đâu, chỉ sau vài cú nhắp chuột là cả thế giới đều biết. Sự phát triển của báo mạng song hành với tốc lực phát triển nhanh, phổ cập và lan truyền chưa từng thấy của công nghệ thông tin. Chính vì thế, “khách hàng” của báo mạng ngày càng tăng nhanh với cấp số cộng. Đầu tư cho phát triển cũng như quản lý được báo mạng là tầm nhìn hiện đại.
Khi lãnh đạo và cơ quan chỉ đạo tuyên truyền, báo chí còn muốn thủ “cái loa riêng” đầy động cơ cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, bản vị thì cũng khó mà đưa được những thông tin trung thực, khách quan đến với công chúng. Đây cũng là “hãm địa” của công luận. Và do vậy, tính chiến đấu của báo chí bị giảm đi, thậm chí bị triệt tiêu, cũng mất luôn tính trung thực, chính xác.
Ngày 8-2-2012, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo phải luôn đổi mới, không thể sáo mòn, bằng nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng, hiện đại… tăng cường đối thoại, phát huy hiệu quả các phương tiện báo chí, đặc biệt là báo mạng”.
Trong khi đó, không ít Tòa soạn có trụ sở khang trang, thoáng rộng ngay giữa trung tâm ‘đất vàng’ thành phố lớn. Đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên đông lên vài trăm người đến cả nghìn người, nhà nước chi ra nguồn quỹ lương và chi ngân sách cho hoạt động khá lớn. Rồi phương tiện nghiệp vụ, xăng, xe, nhà in, tiền giấy, công in, phát hành. Nhưng hàng ngày bạn đọc mở các trang báo đọc không thấy gì mới, lại khô “như ngói”, có khi tuyên truyền những bài nặng về thống kê con số như đọc báo cáo. Nhiều khi, thông tin lại trùng lặp và chậm. Mở trang báo, chỉ thấy cái tiêu đề là hết muốn đọc – “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Những tờ báo còn duy trì lối thông tin cũ mèm như thế, người làm báo còn cái kiểu “hành chính ăn lương” như thế rất khó cạnh tranh, mất dần lượng người đọc. Nếu như không được bao cấp của nhà nước, lối làm báo như thế trong cơ chế thị trường và cạnh tranh thông tin như hiện nay chỉ có mà đóng cửa sớm. Khi tờ báo đến tay hoặc đặt trên bàn làm việc, không ai muốn đọc, mà gặp những tờ báo như thế, thông tin lạc hậu chung chung vô thưởng vô phạt như thế, bạn đọc cũng không biết đọc cái gì, đọc để làm gì, thật là lãng phí lớn mà hiệu quả tuyên truyền quá thấp.
Hiện nay, tính chiến đấu của báo chí đòi hỏi phải rất nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác nêu đúng thực trạng, đúng bản chất sự việc, hiện tượng. Báo chí ở mọi loại hình phải là kênh thông tin quan trọng phục vụ cho lãnh đạo, phục vụ nhu cầu thông tin thời “kinh tế tri thức” của nhân dân một cách nhanh nhạy, chính xác, có khoa học, đúng pháp luật. Chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, diệt ‘sâu” và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia hiện nay đang là mặt trận nóng bỏng. Theo lời dạy của Bác, lúc này báo chí không thể án binh bất động, lấy tờ báo làm kinh tế có thu nhập, làm chỗ dựa do cơ chế cho phép để nuôi nhau, mà báo chỉ phải ‘ra mặt trận’.
Vai trò tiên phong, tính chiến đấu của báo chí trong sự nghiệp đổi mới đất nước, trong cuộc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết T.Ư 4 hiện nay càng cần các nhà báo coi chỗ đứng nghề nghiệp của mình là một vinh dự kèm theo trách nhiệm, một vị trí phải thường xuyên được coi như một mặt trận, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chi Minh như đã nêu trên: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trên mặt trận chống tham nhũng, chống đặc quyền đặc lợi, phanh phui những vụ việc vi phạm pháp luật và trấn áp làm mất dân chủ nghiêm trọng, triển khai thực hiện NQTWW 4, tình hình bảo vệ chủ quyền biển –đảo, thấy mạng lưới báo in, đài PT, đài truyền hình, báo mạng ‘lề phải’ đồ sộ đông đảo, chi ngân sách hoạt động hàng năm tốn nhiều tiền như thế mà không phát huy tác dụng được tính Đảng, thời sự, tính chân thật (trung thực), tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam. Cho nên, cần xem lại tác dụng, hiệu quả tuyên truyền đi vào lòng người, tập hợp bạn đọc, định hướng dư luận, công khai minh bạch của hệ thống báo chí do Nhà nước đã cho ra đời và quản lý. Cần dám nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ mặt yếu kém và lạc hậu về quan điểm, cung cách thông tin của hệ thống báo chí, kiên quyết và nhanh chóng có sự mạnh dạn đổi mới, tái cấu trúc ngành báo chí cách mạng của ta. Có nhu vậy, báo chỉ mới xứng dáng là vũ khí sắc bén, người chiến sĩ xung kích, công cụ lãnh đạo hữu ích của Đảng, tiếng nói dân chủ, tin cậy của toàn dân.

Không có nhận xét nào: