Ts. Nguyễn Đình Thắng
Chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản” gồm bốn giai đoạn. Trọng tâm của Giai Đoạn 1 là cảnh báo chính quyền Hoa Kỳ rằng nhà nước Việt Nam đã và đang tước đoạt tài sản của rất nhiều công dân Hoa Kỳ gốc Việt. Kiến nghị cảnh báo gởi TT Obama mở đầu Giai Đoạn 1 và đã hoàn tất trước thời hạn. Đây là cuộc vận động mang tính cách quần chúng nhằm kêu gọi TT Obama không ban cấp đặc quyền mậu dịch cho Việt Nam vì lý do đã tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Trong Bước 2 của Giai Đoạn 1, đích thân các công dân Hoa Kỳ bị tước đoạt tài sản trực tiếp lên tiếng với các giới chức Hành Pháp hữu trách và các vị dân cử đại diện cho mình, gồm có:
- Vị Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, trực thuộc Văn Phòng Tổng Thống
- Vị Cố Vấn Pháp Luật cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
- Các vị dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang
Chúng tôi đã khởi sự Bước 2 này từ đầu tháng 9 với số hồ sơ đã thu thập từ trước. Bây giờ chúng tôi đang thu thập thêm hồ sơ nhằm đẩy mạnh Bước 2, với các mục tiêu:
- Hai giới chức Hành Pháp kể trên sẽ nhận được rất nhiều chứng cớ không thể phủ nhận được về tình trạng chính quyền Việt Nam tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ;
- Toàn bộ 100 vị thượng nghị sĩ và tuyệt đại đa số trong số 435 vị dân biểu Hoa Kỳ đều nhận được lời yêu cầu can thiệp của cử tri đã bị tước đoạt tài sản. Khi các vị dân cử liên bang gởi văn thư đặt vấn đề thì Hành Pháp bắt buộc phải trả lời nội trong 2-3 tuần.
Mẫu quyết định xung công tài sản của người ở Mỹ
Để đạt các mục tiêu này, chúng tôi bắt đầu thu nhận thêm các hồ sơ liên quan đến 4 hình thức tước đoạt tài sản sau đây:
(1) Quốc hữu hoá bất động sản
Những ai đã có quốc tịch Hoa Kỳ trước ngày 26 tháng 11, năm 2003 và bất động sản ở Việt Nam đã bị nhà nước liệt kê là “vắng chủ” và quản lý trực tiếp. Phần lớn những người di cư vào Nam năm 1954, những người đi di tản cuối tháng 4, 1975 và những thuyền nhân vượt biển trong thời kỳ 1976-1989 ở trong trường hợp này. Nhiều người bị lùa đi “kinh tế mới” hay bị bắt để lại nhà cửa khi đi Mỹ đoàn tụ gia đình -- nhà đất của họ trở thành “vắng chủ” và bị nhà nước trực tiếp quản lý – cũng nằm trong trường hợp này.
(2) Cưỡng chế đất
Những ai đã có quốc tịch Hoa Kỳ khi bất động sản của mình ở Việt Nam bị cưỡng chế. Đây là trường hợp của các công dân Hoa Kỳ tậu mãi bất động sản ở Việt Nam hay kế thừa bất động sản do cha mẹ ở Việt Nam để lại khi qua đời. Chẳng hạn, vụ cưỡng chế đất của Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng vào tháng 5, 2010 đã ảnh hưởng đến nhiều công dân Hoa Kỳ trong trường hợp này.
(3) Xung công
Những ai đã có quốc tịch Hoa Kỳ khi phần trị giá bất động sản của mình, khi bán đi, đã bị nhà nước tuỳ tiện giữ lại. Điều này thường xảy ra khi anh em một nhà được thừa kế tài sản của bố mẹ; trong gia đình người ở lại giữ nhà, còn người thì đi Mỹ. Khi bán căn nhà ấy đi, nhà nước Việt Nam tự động giữ lại phần trị giá của những người ở Mỹ. Thực ra ở Việt Nam không có luật pháp nào cho phép giữ lại phần tài sản này mà đó chỉ là quyết định riêng của Sở Nhà Đất. Đây là trường hợp tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ vì lý do họ là công dân Hoa Kỳ.
(4) Bắt ký thác tài sản
Những ai đang là công dân Hoa Kỳ và chưa được hoàn trả số tài sản đã gởi cho ngân hàng nhà nước “bảo quản” trước đây. Theo chính sách đánh tư sản và đẩy dân đi “kinh tế mới”, trong những năm 1977-78 nhà nước ép dân gởi tài sản (vàng, bạc, tư trang) cho Ngân Hàng Nhà Nước “bảo quản”, nghĩa là giữ hộ. Chưa bao giờ có luật hay quyết định chính thức quốc hữu hoá số tài sản này. Nhà nước xếp các trường hợp này vào loại hồ sơ “Z30” – không trả lại và cũng không trả lời.
Lý tưởng là mỗi một vị dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang đều nhận được lời yêu cầu can thiệp trực tiếp từ cử tri bị ảnh hưởng. Trên toàn quốc Hoa Kỳ có 50 tiểu bang với 435 vùng cử tri. Trong Bước 2 chúng tôi cố gắng tiến càng gần mục tiêu lý tưởng này càng tốt trong thời gian từ giờ đến cuối năm nay.
Hiện nay đang là thời kỳ vận động Hành Pháp Hoa Kỳ, vừa trực tiếp vừa qua các vị dân cử liên bang, để họ nhận trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của công dân Hoa Kỳ và chính thức đặt vấn đề với chính quyền Việt Nam. Đây chưa phải lúc giải quyết từng hồ sơ. Khi Hành Pháp đã nhập cuộc rồi, thì họ có hai bộ phận chuyên trách can thiệp và giải quyết hồ sơ – đó là Giai Đoạn 4 của chiến dịch. Sẽ phải mất nhiều năm từ đây đến đó.
Quý vị đồng hương nào nghĩ rằng mình ở ít ra một trong bốn trường hợp kể trên, xin liên lạc với chúng tôi qua điện thoại: 703-538-2190 hay qua bưu điện: BPSOS/Tài Sản, 6066 Leesburg Pike, Suite 100, Falls Church, VA 22041, để nhận thông tin chi tiết hơn.
Mẫu biên nhận tài sản ký thác ngân hàng nhà nước
@Bài do TS Nguyễn Đình Thắng gửi đến BBT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét