NT Hillary Clinton và TBT CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 10/7/2012
Nhân quyền chỉ là một trong nhiều yếu tố để Hành Pháp Hoa Kỳ cân nhắc khi làm chính sách đối ngoại. Thông thường nhân quyền lại có trọng lượng rất nhỏ trên bàn cân chính sách. Bởi vậy, dù luật pháp Hoa Kỳ có biện pháp chế tài đối với một số lãnh vực vi phạm nhân quyền, Hành Pháp ít khi áp dụng các biện pháp ấy.
Nhân quyền là một vấn đề “mềm”, nghĩa là Hành Pháp Hoa Kỳ có thể tuỳ nghi diễn giải, dễ dàng bao biện cho chính sách của mình về nhân quyền. Hai khuynh hướng diễn giải và bao biện thường thấy là: (1) Báo cáo nhẹ đi các vi phạm nhân quyền: Có hai lãnh vực nhân quyền mà luật pháp Hoa Kỳ cho phép áp dụng biện pháp chế tài đối với quốc gia vi phạm trầm trọng: đàn áp tôn giáo và buôn người. Để tránh áp dụng các biện pháp chế tài mà luật pháp cho phép, Hành Pháp Hoa Kỳ lập luận rằng tình trạng vi phạm tự do tôn giáo và tình trạng buôn người ở Việt Nam chưa đến mức trầm trọng. Và như vậy, các biện pháp chế tài do Quốc Hội đề ra đã phản tác dụng: các bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao cho Quốc Hội về nhân quyền đã không phản ánh trung thực hiện trạng.
(2) Lập luận rằng phát triển hợp tác về mậu dịch, ngoại giao… lúc này sẽ giúp phát huy nhân quyền về sau: Đây là lập luận được Hành Pháp Clinton sử dụng để giải thích việc bãi bỏ cấm vận cho Việt Nam tháng 2, 1994 và tiến đến thiết lập bang giao với Việt Nam tháng 7, 1995. Cuối năm 1996, Việt Nam bắt đầu đi lùi về nhân quyền và từng bước đóng lại chinh sách “Đổi Mới”. Rồi Tổng Thống Bush ban cấp đặc quyền mậu dịch cho Việt Nam cuối năm 2006 và đầu năm 2007; lập tức tháng 3 năm 2007 Việt Nam đi lùi thật xa thêm về nhân quyền với cuộc đàn áp rộng khắp và thô bạo kéo dài đến nay. Để biện minh cho ý định ban cấp thêm quyền lợi mậu dịch cho Việt Nam vào cuối năm nay, Hành Pháp Obama cũng đang dùng lập luận này, dù thực tế đã nhiều lần chứng minh ngược lại.
Gần đây Bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ có lên tiếng với Việt Nam rằng các quan hệ hợp tác về chính trị và kinh tế giữa hai quốc gia sẽ khó phát triển ở một cách “bao quát” nếu Việt Nam không cải thiện về nhân quyền. Chữ “bao quát” làm cho lời tuyên bố trở thành chung chung, muốn diễn giải thế nào cũng được, và có thể được hiểu là có mục đích phủ dụ, trấn an cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ hơn là áp lực Việt Nam. Hà Nội biết điều này vì bên cạnh lời tuyên bố chung chung, trong hậu trường Hành Pháp Obama vẫn tiến nhanh và mạnh việc đàm phan mậu dịch với Việt Nam.
Thế nào là “bao quát”? Rất dễ dàng để Hành Pháp Obama diễn giải rằng đặc quyền mậu dịch GSP và quyền lợi mậu dịch TPP chỉ là một bước phát triển hợp tác nhỏ, chưa là bao quát.
Thế nào là “cải thiện” nhân quyền? Gần đây Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội xem việc can thiệp đòi trả tự do cho một công dân Mỹ gốc Việt, Ts. Richard Nguyễn (Nguyễn Quốc Quân), đang bị giam giữ ở Việt Nam, là công cán vận động cho nhân quyền. Thực ra, can thiệp cho một công dân Mỹ bị bắt giam bởi một quốc gia khác là trách nhiệm đương nhiên của Bộ Ngoại Giao. Chúng ta ghi nhận và cảm ơn, nhưng không thể xem đó là sự lên tiếng cho nhân quyền của 90 triệu người Việt ở Việt Nam. Liệu thả một người Mỹ có được diễn giải là một bước cải thiện nhân quyền?
Trong tình huống tệ nhất, Hoa Kỳ sẽ ban cho Việt Nam đặc quyền mậu dịch GSP và quyền lợi mậu dịch TPP vào cuối năm nay; đánh đổi lại là Việt Nam sẽ thả một người Mỹ về lại Mỹ. Điều này sẽ được ghi nhận như một nhượng bộ về nhân quyền từ phía Việt Nam, với ngụ ý chứng minh rằng phát triển mậu dịch quả đã góp phần cải thiện nhân quyền. Dĩ nhiên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ nói rằng chưa hài lòng, sẽ tiếp tục vận động thêm.
Nếu xẩy ra, thì đây sẽ là một đổi chác hoàn toàn bất cân xứng và vô cùng thiệt thòi, sẽ làm nhẹ tênh cán cân nhân quyền, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ diễn giải được cho một lời tuyên bố chung chung về chính sách đối ngoại. Tôi mong rằng mọi người quan tâm đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam nhìn ra được chiều hướng này và không để điều tai hại và thiệt thòi ấy xẩy ra.
Chúng ta phải tránh xa các hứa hẹn chung chung, phải đòi hỏi những điều cụ thể, chẳng hạn: “chỉ ban cấp TPP và GSP sau khi Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù chinh trị và tôn giáo, chấp nhận để Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tự do hoạt động, cấp giấy xác nhận tư cách pháp nhân của Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, chấp nhận cho mọi công nhân có quyền lập nghiệp đoàn độc lập, chấm dứt chính sách cưỡng bức lao động trong các trại cải huấn và nhà tù, cấm ngặt mọi hình thức tra tấn và bạo lực bởi công an…”.
Cách chúng tôi chặn việc “cho không” các quyền lợi mậu dịch là nương vào vấn đề tài sản của công dân Hoa Kỳ. Đây là một vấn đề “cứng” — hiểu theo nghĩa Hành Pháp khó mà tuỳ tiện diễn giải hay bao biện. Nếu có công dân Hoa Kỳ đã bị chính quyền Việt Nam tước đoạt tài sản thì Hành Pháp không cách nào bao biện để biến có thành không; Tổng Thống cũng khó diễn giải quyết định không áp dụng luật pháp Hoa Kỳ, vốn đòi hỏi chế tài quốc gia ấy, kể cả không ban cấp đặc quyền mậu dịch GSP.
Ắt hẳn còn những cách khác nữa. Tôi mong rằng những ai quan tâm đến dân tộc và đất nước hãy dùng tài trí, phương tiện của mình để làm nặng thêm quả cân nhân quyền, hoặc ít ra đừng để nó bị nhẹ đi thêm, trên bàn cân chính sách của Hoa Kỳ.
Tôi cũng mong rằng trong cuộc bầu cử tổng thống và các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ ngày 6 tháng 11 năm nay, những ai đã là công dân Hoa Kỳ sẽ sử dụng lá phiếu của mình một cách khôn khéo và khắt khe: hãy đòi hỏi những cam kết và hành động cụ thể thay vì dễ dãi chấp nhận những lời tuyên bố về chính sách chung chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét