Pages

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Kinh tế TQ chững lại nhanh hơn dự kiến



Khu vực sản xuất và chế tạo là động lực lớn nhất của đà tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất và chế tạo của Trung Quốc sụt giảm xuống mức thấp nhất trong chín tháng vào tháng Tám, làm tăng lo ngại rằng nền kinh tế đang bị chững lại ở mức nhanh hơn so với dự tính.
Chỉ số PMI (đo mức mua sắm hàng hóa và dịch vụ) giảm xuống còn 49,2, là mức thấp nhất kể từ Tháng 11 năm 2011, theo số liệu công bố cuối tuần qua.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh vì sự sụt giảm trong nhu cầu trên toàn cầu và ở trong nước.
PMI là thước đo quan trọng của các hoạt động sản xuất và chế tạo và mức dưới 50 cho thấy sự sụt giảm đáng lo ngại.
"Lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc vẫn tiếp tục gặp khó khăn do chịu áp lực suy giảm đáng kể trong nước cũng như môi trường bên ngoài và một chính sách ứng phó không đủ mức", Alistair Thornton từ IHS Global Insight cho hay.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong những năm qua do được thúc đẩy một phần bởi mức cho vay kỷ lục của các ngân hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự bùng nổ tín dụng dẫn đến đột biến trong giá bất động sản, kéo theo lo ngại về bong bóng tài sản và các mối quan tâm về việc liệu tăng trưởng tín dụng liệu có giúp cho tăng trưởng bền vững về lâu dài hay không.
Quan ngại này dãn tới việc giới hoạch định chính sách phải đưa ra các biện pháp khác nhau để hạn chế cho vay.
Các nhà phân tích cho rằng bước đi này giúp khống chế giá bất động sản nhưng cùng lúc có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 7,6% trong quý hai, là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong ba năm.
Khó khăn trong khu vực
Mức đầu tư từ các nền kinh tế hàng đầu châu Á vào Trung Quốc sụt giảm.
Vào tháng trước Bộ thương mại Trung Quốc ra báo cáo cho thấy kinh tế nước này vẫn đang trên đà đi xuống dưới sự cạnh tranh của các nước trong khu vực Châu Á và các nước Châu Mỹ, trong lúc vẫn phải chịu ảnh hưởng của các khó khăn ngày càng lớn của khu vực Châu Âu.
Ngoài sự suy giảm đối với nhu cầu từ Châu Âu, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết nguồn FDI thường niên của các nước Châu Á cũng đang âm.
Đầu tư vào Trung Quốc từ 10 nền kinh tế hàng đầu của Châu Á, trong đó có Hong Kong, Nhật và Singapore giảm xuống 3,8% giữa tháng Một và Bảy so với một năm trước, vào mức 57,3 tỷ đôla.
Phát ngôn viên Bộ thương mại Trung Quốc, ông Thẩm Đan Dương nói sự sụt giảm FDI năm nay là vì nhiều biến chuyển của thị trường nội địa cũng như toàn cầu, trong đó có sự cạnh tranh ngày càng lên cao nhằm thu hút vốn đầu tư.
Hai trong số những nước đang trở thành điểm đến ưa chuộng của giới đầu tư nước ngoài, góp phần làm giảm FDI vào Trung Quốc, đó là Ấn Độ và Brazil.
Mức FDI thường niên đổ vào Trung Quốc từ Châu Âu trong bảy tháng đầu năm 2012 chỉ ở mức 66,7 tỷ đôla, thấp hơn 3,6% so với một năm trước; trong đó FDI tháng Bảy chỉ khoảng 7,6 tỷ đôla, thấp hơn 8,7% so với cùng kì năm trước.
Bộ thương mại nước này cũng cho rằng các thông số đưa ra ngày thứ Năm cho thấy sự sụt giảm mạnh nhất đối với đầu tư từ nước ngoài (FDI) kể từ khủng hoảng kinh tế 2008-2009.

Không có nhận xét nào: