Pages

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Người chở khách ôm


(Kỷ niệm 67 năm ngày Tổ Quốc khánh kiệt)
Thoáng thấy bóng xe ôm phía xa, tôi giơ tay vẫy. Người chủ của chiếc xe – một ông già khoảng ngoài 60 nặng nề trườn tới. Sau phút ngã giá, chiếc Y-a-ma-ha chậm chạp nổ máy.
Qua cổng trường tiểu học, vấp phải đám đông phụ huynh đứng la liệt phía ngoài, chăng kín đường, nghẽn lối, không còn chỗ mà trườn tới, ông la như cháy đồi:
 
- Giời ạ! đường xá chật chội, xe bò lổm ngổm lạng lách, chen nhau kín hàng, kín lối thế này chưa đủ à? Sao các ông các bà còn “bày binh bố trận” nữa, có tránh ra không?
 
Đám đông không nhúc nhích, ông bực tức quẳng tạch xe ngay mép đường, chạy tọt vào phòng thường trực, vung dùi trống nện từng hồi thúc hối.
 
Cả trường ngơ ngác, ông bảo vệ già sực tỉnh hét lớn:
- Này cái nhà ông kia. . .
 
Không để ông bảo vệ nói hết, ông vặc:
 
- Ông không biết nghị định 36 CP của chính phủ yêu cầu “đường thông hè thoáng” à? Tôi hỏi đường này là đường của trường ông hay đường của chung mọi người hả?
 
Cực chẳng đã, ông bảo vệ đành phải đeo băng đỏ vào tay ra dẹp đường dẹp lối cho ông đi.
 
Ra khỏi dòng người đông đặc, xe ì ạch nổ máy đi tiếp, ông bảo như để trấn an tinh thần tôi, giọng như hát : “Phải thế cô ạ, kẻo các vị ấy lú lẫn, ý thức kém lắm. Đường ai nấy đi, tha hồ giăng lối, đứng nghênh ngang đợi con, có khi giăng hàng năm, khắp trong ra ngoài sân, chết cha cho người đi. . .
 
Đến ngã tư Chùa Bộc, dòng người đổ từ Ngã tư sở về, từ Đống Đa xuống, từ Thái Hà sang, lưu lượng người xe bỗng chốc tăng vọt. . . Chiếc xe già nua cổ lỗ ậm ạch không đủ trình độ bươn chải, lượn lách giữa dòng sông người đậm đặc chắn lối, ông đành thở dài, chôn chân đứng đợi.
 
5 phút rồi 10 phút trôi qua, đèn báo hiệu hết bật xanh rồi lại chuyển trở thành đỏ hoặc vàng . . . Dòng người liên tục vượt lên len lỏi, lạng lách, lấp kín mọi khe kẽ chỗ trống trên mặt đường, ngõ phố, tiếng ông tiếp tục thở dài, trân trối . . .
Phía sau tôi sốt ruột nhắc:
 
- Đi đi bác, tối rồi!
Quay lại đả thông cho vị thượng đế “khó tính” ông bảo giọng than van:
 
- Đợi tí cho vãn bớt cô ạ. Cô thông cảm mắt tôi quáng gà . . . cứ nhập nhèm tối thế này là. . .
 
- Giời ạ, tôi tức tối rên lên – Quỷ tha ma bắt cái lão già lẩm cẩm cùng cỗ xe thổ tả này đi . Sao tôi trông “gà hoá cuốc” thế nào mà lại gọi nhầm lão kia chứ? bây giờ đứng trơ thổ địa giữa đường lại còn đợi qua cơn. . . quáng gà?
Dòng người tiếp tục đổ về đông như kiến, khiến tôi ngứa ngáy ram ran hết người, trong lúc ông vẫn chỗm trệ trên yên xe cũ rích, tôi tiếc không có cái dùi trống mà nện bên tai ông như lúc nãy cho ông mở mắt ra. . . chừa thói phách lối đi, nhưng giữa ngã tư toàn người với người thì tìm đâu ra dùi trống bây giờ? Đã thế. . . sau tiếng thở dài não ruột tôi đành nhét tiền vào tay ông, nhoài xuống đi bộ, coi như miễn phí một đoạn dài
 
Cầm đủ số tiền giao giá ban đầu ông mừng quýnh, lúng búng:
 
- Ôi cảm ơn cô, chị. . . thật. . . phúc đức quá, biết thông cảm cho người già . . . ngày mai nếu không ngại, chị lại đợi tôi ở chỗ cũ nhé. . . gớm.
Nghe những lời lầm bầm, mời mọc của ông, tôi phì cười “ Có mà phải vạ nếu gặp lại ông”.
“Ma xui quỷ khiến” gì vài hôm sau tôi lại chạm mặt lão. Chả là tiếng gắt gỏng bực bội của ông khách to béo múp míp chảy xệ như quả dưa lê từ bên kia đường đập vào tai tôi:
 
- Lần này thì trả, lần sau phải cạch đến già nhớ. Đi tám cây số mà bò như rùa, ngồi chưa ấm chỗ xe đã dở chứng khặc khặc như người bị bóp cổ, lại còn chờ đợi mất ngày mất buổi giữa đường nữa. Từ mai vứt mẹ cả người lẫn xe vào viện bảo tàng dưỡng lão nghe không? Già rồi nên chán sống hả?
 
Miễn cưỡng nhận tiền từ tay khách, ông rên lên bị mất cắp:
 
- Ơ kìa! anh đồng ý trả tôi mười tám ngàn đồng rồi, chỉ còn một quãng ngắn, sao lại bớt những tám ngàn đồng thế này?
Mặc kệ, người khách nguây nguẩy bước, mặc ông chôn chân đứng như trời trồng, cặp mắt ầng ậc nước.
 
Cám cảnh tôi quay đi nhưng rồi tấm thân gầy guộc khô khỏng và thái độ kỳ dị của ông chiều hôm trước cứ như dấu hỏi sôi lên trong đầu tôi: Tại sao già cả rồi, con cái đâu, mà ông phải lăn lưng ra đường kiếm sống? Sao ông không chọn nghề nhàn hạ, yên ổn dễ kiếm có phải hơn hẳn nghề xe ôm này không?
 
Nỗi trắc ẩn và lòng tò mò trỗi dậy, tôi chủ động xoa đi nỗi tiếc rẻ của ông:
- Cụ ơi, cháu đang cần phải đến Giảng Võ đây, cụ có đi không? Chaú đồng ý trả cụ đủ mười tám ngàn đồng.
Đang nhăn nhúm như miếng cau khô, mặt ông bỗng như trẻ lại, ông hấp tấp quay xe lại, thoát ra khỏi dòng người dòng xe quái đản, vồ vập:
 
- Vâng! nếu chị cần. . . cảm phiền chị. . . cho. . . . xin tiền trước.
 
Ngồi sau ông với tốc độ “rùa bò” tôi rắp tâm tìm hiểu:
 
- Con cái đâu mà tuổi này bác còn lọ mọ vất vả thế?
Nở nụ cười bệch bạc ông nói lảng: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” cô ạ, đồng lương hưu làm sao đủ sống.
Biết ông đã chịu chuyện, tôi hỏi:
 
- Bác đã già, đi đường khó khăn, trong khi xe lại tồi, máy yếu, cạnh tranh sao nổi với đám trẻ mà cố.
Ông thở hắt ra nặng trịch:
 
- Biết làm sao bây giờ hả chị, hy vọng chỉ cố thêm vài tháng nữa thôi, chờ cháu tốt nghiệp ra trường có công ăn việc làm đàng hoàng rồi sẽ tính sau, biết đâu khi đó tôi được ở nhà “dưỡng lão” luôn?
 
Thì ra là thế! Tôi vỡ lẽ: Cảnh “cha già con cọc” phải nuôi con ăn học đại học đây . . .một ý nghĩ lướt nhanh qua óc, tôi hỏi tiếp:
- Thế còn bác gái, các anh, chị ấy?
 
Ôi! ông thở dài ngán ngẩm, làm chiếc xe như lún xuống mặt đường:
 
- Thời buổi thất nghiệp nhiễu nhương này, nuôi vợ con còn trả đủ, huống hồ nuôi em . . . Tôi có 3 cháu cô ạ. Thằng lớn giấu bố mẹ đi bộ đội, chưa đầy 6 tháng thì mất . . . Buồn bã đau xót quá, mới cố được con bé út ít này . Tưởng “cha già con cọc” phải chịu thua chị kém em, ai ngờ như có sự run rủi, bù trì của anh nó . Càng lớn càng ngọc ngà sáng láng . Thôi thì “hy sinh đời bố củng cố đời con” vậy. Trời còn cho tôi sống ngày nào thì tôi còn phải cứu vớt đời nó ngày ấy . . . Ngần ngừ như để thăm dò thái độ đối phương, ông tiếp: Chị sống trong tháp ngà đâu hiểu được ngóc ngách của cuộc đời, đến nỗi ông bạn cực đoan của tôi phải thốt lên:
 
Trắng tay canh bạc non sông
 

Sinh viên đánh đĩ, anh hùng bơm xe
 
Vì vậy dù phải lặn ngụp tận đáy bể khổ mà giúp cho cháu thơm tho sạch sẽ tôi cũng lặn.
Thấy hay hay tôi chủ động bảo ông dừng lại:
 
- Bác cháu mình vào uống nước đã, tí quay về. Yên tâm cháu sẽ bù tiền bằng một cuốc xe ôm cho bác.
Thóang vẻ ngần ngại, ngạc nhiên trong mắt ông, cuối cùng ông cũng nhân nhượng:
 
-Vâng, thôi thì khách hàng là thượng đế, miễn là thượng đế biết mà thưởng cho những đồng tiền có tâm là được rồi.
Chọn một chỗ ngồi kín đáo, gọi hai cốc nước cam, tôi lựa lời hỏi:
 
- Con gái bác chắc học giỏi lắm?
Nét mặt ông lập tức sáng lên:
 
- Vâng chính vì “trồng cây đến ngày ăn quả” biết quả nào quả nấy mọng căng thơm phức, mũm mĩm, trĩu trịt mà không nỡ buông rơi bỏ vãi nơi hè đường miệng cống cô ạ.
 
Như tìm được người đồng cảm, chịu chuyện ông nhấp một ngụm nước cam rồi lựa lời kể tiếp:
 
- Tôi nhớ như in cái ngày nó nộp hồ sơ thi đại học, quẳng cái cặp ra giường, mặt nó buồn thiu, nó bảo: “Con nộp hồ sơ là để ra oai với lũ bạn thôi, chứ con biết nhà mình lấy đâu ra tiền mà đòi . . . ”
 
Thương con, bà lão nhà tôi ngồi trông cháu mà cứ chảy nước mắt, tôi cũng thấy xót xa quá . Giá nó là thứ quả sâu xia, còi cọc, kém chất lượng thì chẳng nói làm gì. Đằng này nhà có bốn anh em, trừ thằng lớn đã hy sinh, hai thằng anh đều trượt đại học phải đi làm công nhân. Bao nhiêu tinh anh, phú quý nó hưởng cả. Lẽ nào vì nghèo mà chịu thiệt thòi, thối chí, ngáng trở đường sự nghiệp công danh của con?
 
Đêm ấy cả nhà tôi thức trắng, bà lão thương con khó ngủ đã đành, tôi nằm gần bàn học của nó, thấy nó thút thít khóc, ghi chi chít những gì trong cuốn sổ “lưu bút” cho bạn bè cũng không ngủ nổi. Cuối cùng bà lão bảo: “Ông ạ! Tôi nghĩ chín rồi, mình cả đời dạy học, dẫu chỉ là cấp I nhưng vẫn là vì tương lai con em. . . chúng nó(!) đóng góp, cống hiến. . . bao nhiêu công lao thành tích: Nào “giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua, huân chương kháng chiến” v. v mà không lo cho tương lai con em. . . mình, tương lai con Thuý là có tội với nó. Thôi thì tôi già rồi, nhà lại chật, chả mở trường, mở lớp chiêu sinh được, đành mở quán bán nước lấy tiền nuôi con vậy. . .
 
- Ôi dào! tôi gạt đi. Bà cứ vẽ. Ngõ nhà mình dài ngoằn nghèo sâu hun hút như cái tổ lươn ấy, ma nào đến, ruồi nào bâu mà đòi mở quán xá bán nước, nếu kiếm được, đã chẳng đến lượt bà.
 
Bàn đi, tính lại nát nước nát cái, cuối cùng tôi quyết định dồn ngân khố của cả nhà lại, vay thêm mấy ông bạn già lấy cái xe này.
- Nhưng. . . tôi vẫn không hết băn khoăn: – Sao bác không chọn nghề khác?
Hiểu ý tôi, ông cười, bảo:
 
- Chị lại lo hệt như bà lão nhà tôi, cứ là: “Ông già rồi, điều khiển, xử lý kém, cẩn thận không tiền bệnh viện lại bằng ba tiền chạy xe ôm ấy chứ”. Cả con bé cũng vậy, cứ nằng nặc: “Thà con ở nhà theo hai chị dâu chạy chợ kiếm sống giúp bố mẹ còn hơn học đại học để bố phải mạo hiểm như thế”.
 
Trót sa vào nước mắt đàn bà . . . đang lúng túng như gà mắc tóc, chợt nhớ tới thằng cả, tôi liền thắp hương, chắp tay lạy nó: “Con sống khôn chết thiêng, phù hộ cho bố được vuông, tròn, khoẻ mạnh, lấy tiền giúp em nuôi chí lớn con à. Nhà mình mấy đời rồi chưa có ai đỗ đạt cả”.
 
Nén nhang bùng cháy, bóng nó lừng lững che khuất khuôn cửa ra vào, nhoẻn cười gật đầu, cả nhà lúc ấy mới kịp thở phào nhẹ nhõm . . . Từ hôm ấy, ngày đông bù ngày vắng, ngày nắng bù ngày mưa, mỗi ngày trung bình tôi kiếm được 50 nghìn, vừa xoẳn tiền cho bà lão đi chợ rau cháo cho cả nhà cô ạ, còn hai khoản lương hưu của cả bố lẫn mẹ gộp lại được quãng 2.500.000 (Hai triệu năm trăm ngàn đồng đưa cả cho cô út ăn học thành tài).
 
Ngắm ông sau làn khói thuốc lào tôi bỗng thấy ông đẹp lạ lùng, vừa nhân hậu vừa đầy nghị lực. Nếu trong cuộc đời mỗi đứa trẻ lúc nào cũng có những ông bố như “tiên ông” thế này, hẳn câu ca trên không còn ý nghĩa. Tiếc rằng số người may mắn như ông chỉ đếm được trên đầu ngón tay nên canh bạc non sông càng ngày càng trắng tay hơn bao giờ hết.
Đẩy cốc nước cam vẫn còn quá nửa về phía ông, tôi thăm dò:
 
- Theo bác hiện tượng trên – sinh viên đánh đĩ. . . có nhiều không?
Bật ngửa người, đặt lại cốc nước trên mặt bàn ông hào hứng:
 
- Trời đất chị sống ở bề mặt đầy váng mỡ có khác. Thử một lần lặn ngụp xuống tận đáy dòng sông cuộc đời xem ở dưới ấy người ta sống cỏ giả, rác rến ra sao? Con gái tôi kể mấy đứa học cùng lớp với nó, gia đình ở tận quê, ăn còn chả đủ lấy đâu ra mà chu cấp, thế là cứ nháo nhào lên, đói thì đầu gối phải bò, chả cứ dạ dày thõng thẹo thành hình dấu phẩy mà danh dự nhân cách cũng thõng thẹo dưới chân, cuối cùng đành phải tìm người bảo kê.
Tôi tỏ ý ngạc nhiên:
 
- Sao lại bảo kê?
- Là tìm người tài trợ ấy mà, ông giải thích:- Hết anh nuôi, lại bố nuôi, chú nuôi, bác nuôi.
-Thế thì tốt quá còn gì!Tôi thốt lên.
- Giời ạ, ông đặt tạch chén nước xuống bàn, khiến bà chủ mặt mày biến sắc:
- Ruột rà thân thích quái gì, toàn “cha vơ chú váo” cả, nuôi cho “béo” rồi thỉnh thoảng ngả ra “đánh chén” ấy mà.
Tôi lờ mờ hiểu ra sự việc
- Thì ra thế!
Bỏ qua thái độ của tôi , giọng ông trầm hẳn xuống:
 
- Con gái tôi kể: “Càng học lên cao, bố mẹ càng không đủ khả năng chu cấp, số “cha vơ chú váo” ngày càng nhiều. Năm đầu còn đếm được trên mười đầu ngón tay, năm sau non nửa, năm thứ ba, thứ 4 thì quá bán rồi, năm cuối cùng này cũng vậy . . .
“Thật là một sự mất mát tàn nhẫn quá – tôi cay đắng nghĩ. Đổi chữ trinh đáng giá ngàn vàng lấy những đồng tiền vụn để tồn tại mưu sinh chờ ngày tốt nghiệp . . . bao nhiêu sự ngây thơ trinh trắng như những cánh hoa sen bị nhấn xuống bùn, chịu cảnh “hôi tanh mùi bùn” vĩnh viễn”?
 
- Đâu phải vĩnh viễn ? Ông gạt đi:
 
- Chúng bảo: “Thời đại thông tin này cứ đọc nhiều sách vở, tài liệu là áp dụng triệt để hết . Không sai một ly mà cũng chẳng lo đi một dặm chị ạ . Chỉ vì hoàn cảnh ngặt nghèo khốn khó mà đành bị nhấn chìm trong lúc này. Khi ra trường có công ăn việc làm ổn định thì bỏ. . . Vài năm sau lấy chồng, lại bình thường trở lại, vẫn yêu chồng, quý con, chăm chút tổ ấm gia đình, thế thì có gì phải lăn tăn?
 
Tôi chỉ còn biết lắc đầu thở dài: “Làm sao có thể nghĩ đơn giản thế, còn ước lệ đạo đức, các quan niệm đạo lý truyền thống”?
- Ấy đấy ông khẳng định: – Có hôm bà lão nhà tôi còn kể:
 
- Nhà mình hôm nay có hai, ba cô bé đến chơi, gớm chúng nó hỏi han trò chuyện cứ như chẳng có ai ấy: “Này Hiền, cái Hằng nó hỏi cậu mày goá vợ, sống cảnh gà trống nuôi con 3, 4 năm trời nay . . . liệu có nhu cầu gì không ? Nếu có, nó đang cần người tài trợ học phí tháng này đấy”
 
“Lại còn trắng trợn thế nữa” ? Tôi nghĩ: – Một sự mặc cả mua bán công khai giữa những người bạn cùng lớp, cùng phòng với nhau, không chút mặc cảm che đậy, cũng chẳng cần nghĩ đến thể diện, hậu quả nhỡn tiền sau đó. Đúng là “trắng tay” thật
Ngoài hiên bóng nắng đã lùi ra tận bậc thềm, biết mình đã chiếm giữ thời gian của ông quá lâu, tôi đứng dậy trả tiền, tiện thể biếu ông vài chục ngàn tiền lẻ tiêu vặt rồi về. Ngang qua chiếc xe Y -a -ma – ha cổ lỗ của ông, tôi đùa:
 
- Phải “đại tu” toàn bộ bác ạ, kẻo lúc nào cũng “ Y -a -ma – ha vừa đẩy vừa la” như hôm nay thì mất nghiệp sớm.
 
Ông cười xởi lởi:
 
- Còn cố được đến đâu thì phải cố thôi cô ạ, năm sau cháu nó tốt nghiệp ra trường, biết đâu được đi làm, hay lấy được cậu công tử nhà giàu, con ông cháu cha hoặc thằng cha Việt Kiều nào đấy, lại sắm cho bố một cái future mới, có khi còn sửa lại nhà, ốp lát công trình phụ cho mẹ nữa ấy chứ. . . Hết hy vọng tôi vẫn cố hy vọng cô ạ.
 
Tôi bật cười, bâng khuâng với niềm hy vọng đang bừng sáng trên gương mặt ông mà không khỏi bần thần vì những ý nghĩ vừa chợt hiện trong óc, đang lan tràn trên mạng ảo do người dân nhại chệch lời của ca dao xưa:
Con ơi ghi khắc trong lòng

Bán trôn nuôi miệng mới hòng nên . . . thân
 
Hà Nội 2/9/2009
Sửa nhỏ: 2-9-2012
© T.K.T.T

Không có nhận xét nào: