Trần Đông Chấn
Lịch sử thế giới và Việt Nam cùng cho thấy những cuộc cách mạng được phát động bằng cách kích động lòng hận thù của dân chúng đều dẫn đến những sự phá hủy xã hội nặng nề. Cho dù chúng dễ dàng tạo ra sự thành công lúc phát động nhưng cũng thường đi kèm với những sự tàn phá vật chất lẫn tinh thần. Các nền tảng của xã hội không được tôn tạo tốt hơn mà còn bị xói mòn nghiêm trọng, dẫn đến những kết cuộc tồi tệ mà không tạo ra các nền văn minh mới. Những cuộc cách mạng Tháng Mười ở Nga, cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc hay cách mạng tháng Tám và cải cách ruộng đất ở Việt Nam là những ví dụ còn nguyên giá trị.
- Kính gửi anh Nguyễn Tâm – Đảng Dân chủ Việt Nam
Tôi đã đọc bản tuyên bố anh gửi cho tôi về quan điểm của đảng Dân chủ Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 2008. Tôi nhận thấy đây là một nhận thức giá trị trong đường lối hiện nay.
Đại biến cố sắp diễn ra ở Việt Nam tới đây sẽ là một biến động từ sự sụp đổ niềm tin. Đó là điều không thể tránh khỏi vì nó là kết quả cuối cùng của một quá trình cầm quyền sai qui luật, trái lòng dân. Nó sẽ xảy ra, diễn tiến và kết thúc rất nhanh trong vòng 2 năm nữa vì được ngoại lực rất mạnh thúc đẩy một cách có chủ đích để lợi dụng. Mặc dù đứng trước một cơ hội để thay đổi nhưng Việt Nam cũng sẽ đối mặt với một nguy cơ rất tai hại. Lịch sử thế giới và Việt Nam cùng cho thấy những cuộc cách mạng được phát động bằng cách kích động lòng hận thù của dân chúng đều dẫn đến những sự phá hủy xã hội nặng nề. Cho dù chúng dễ dàng tạo ra sự thành công lúc phát động nhưng cũng thường đi kèm với những sự tàn phá vật chất lẫn tinh thần. Các nền tảng của xã hội không được tôn tạo tốt hơn mà còn bị xói mòn nghiêm trọng, dẫn đến những kết cuộc tồi tệ mà không tạo ra các nền văn minh mới. Những cuộc cách mạng Tháng Mười ở Nga, cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc hay cách mạng tháng Tám và cải cách ruộng đất ở Việt Nam là những ví dụ còn nguyên giá trị.
Các vấn đề từ kinh tế, xã hội đến chính trị ở Việt Nam và những quốc nạn mà nó tạo ra như tham nhũng, đàn áp bất đồng chính kiến, khủng hoảng kinh tế, v.v… đã và đang xói mòn lòng tin của người dân song song với nỗi uất hận của họ đang ngày càng lớn dần. Khi có sự tác động mạnh của ngoại lực sẽ dẫn đến một sự sụp đổ nhanh chóng. Thêm vào đó, ngoại trừ tác động của thời gian thì vẫn chưa có một biện pháp nào được thực hiện để xóa bỏ những chia rẽ sâu sắc trong cuộc chiến Việt Nam; cách hành xử của phe chiến thắng sau cuộc chiến là những vấn đề chưa dễ quên với không ít người trong lẫn ngoài nước. Tất cả những yếu tố đó sẽ dễ dàng biến thành một sự biến động mạnh được dẫn dắt bởi lòng hận thù. Đó là điều mà dân tộc Việt Nam cần phải tỉnh táo để tránh. Đất nước chúng ta cần sự thay đổi, và buộc phải thay đổi. Nhưng làm sao để đảm bảo rằng sự thay đổi sẽ tốt hơn mà không bị rơi vào những vòng lặp của lịch sử là điều rất cần được quan tâm trên hết. Những sự thay đổi bởi động cơ hằn thù thì sẽ luôn dẫn tới suy nghĩ và hành động thay đổi bằng mọi giá, nếu nó gắn với động cơ lợi ích của các nhóm nhỏ được khéo léo che đậy bởi đám đông quần chúng thì thực sự là tai họa mà chúng ta đã từng chứng kiến.
Mỹ và các đồng minh của họ đang sử dụng đòn "gậy ông đập lưng ông" với chính quyền hiện nay. Cộng sản đã duy trì sự tồn tại của chế độ và kiểm soát bộ máy quan lại bằng tham nhũng. Họ trả lương cho công chức rất thấp nhưng lại để rất nhiều kẽ hở cho tham nhũng. Đầu tiên người ta phải tham nhũng nhỏ vì không đủ sống đàng hoàng bằng lương, họ nghĩ đơn giản đó là những gì mà công bằng thì họ phải được do công sức của mình. Nhưng rồi lòng tham không cho họ dừng lại như thế, kẻ hỡ càng ngày càng nhiều. Dần dần hầu hết quan lại trở thành những kẻ phạm pháp nên phải ra sức bảo vệ chế độ bằng mọi giá, họ chống lại bất kỳ thay đổi nào vì sợ bị trừng phạt. Họ thực hiện bất kỳ mệnh lệnh nào của đảng Cộng sản bất chấp đạo lý, nếu không họ sẽ trở thành những con tốt bị thí. Có lẽ chính quyền Cộng sản cũng không ngờ rằng chẳng riêng họ mới biết khai thác chiêu thức này. Hơn 10 năm nay bằng chứng nhận hối lộ âm thầm được thu thập, và bây giờ chúng trở thành những công cụ cực kỳ hữu hiệu để sai khiến hệ thống quan lại ở Việt Nam. Những vụ truy tố đưa hối lộ tại Nhật và Mỹ liên quan đến quan chức Việt Nam gần đây chỉ là những vụ nhỏ để "rung cây nhát khỉ" mà thôi. Có rất nhiều những quan chức nhỏ bây giờ đã trở thành những nhân vật cao cấp mà bằng chứng nhận hối lộ và những bê bối khác "thưở nhỏ" của họ đang là những cái gót Achile bị điều khiển. Đến khi cục diện đã được khống chế thì một vài vụ truy tố hối lộ đình đám hơn sẽ được công bố - giọt nước sẽ tràn ly, niềm tin của dân chúng sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Xã hội Việt Nam đang rất mong manh, dưới bề mặt có vẻ bình lặng của nó là những cơn sóng ngầm của u uất và hằn thù do bất công lâu nay và sự kích động thù hận trước đây tạo ra. Hơn lúc nào hết, cần phải nhanh chóng hình thành những động lực tích cực vì quyền lợi của cả dân tộc để dẫn dắt những biến động theo hướng tạo ra sự phát triển bền vững cho đất nước. Nếu không có những động lực như vậy thì theo lẽ tự nhiên, những biến động này sẽ được kích động bằng sự thù hận và dễ dàng bị lợi dụng để phục vụ cho những thế lực khác mâu thuẫn với quyền lợi dân tộc. Trong lịch sử của thế giới, những cuộc cách mạng thành công và gắn liền với việc tạo ra những nền văn minh mới cho nhân loại đều không có ảnh hưởng của sự thù hằn và gắn liền với những động lực thực sự nhân văn. Cuộc cách mạng tư sản ở Anh (1640) là một minh chứng như vậy, nó được dẫn dắt bởi tầng lớp tư sản mới vì nhu cầu phát triển thực tế của xã hội Anh thời bấy giờ, họ không giết vua để trả thù khi nắm được chính quyền. Nó còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những tiến bộ khoa học kỹ thuật vì lợi ích của con người, từ đó dẫn đến một cuộc cách mạng công nghiệp rộng lớn trên toàn thế giới, tạo ra nền tảng thay đổi cơ bản những suy tưởng tư duy mới của nền văn minh nhân loại.
Như đã nhiều lần trao đổi với anh, dân chủ ở Việt Nam hiện nay cần được xác định là mục tiêu và phương tiện để xây dựng một xã hội văn minh và thịnh vượng cho toàn dân, chứ chưa thể là động lực cho một sự thay đổi. Dân chủ là nền tảng vững chắc của xã hội, thiếu dân chủ sẽ không có sự phát triển và thịnh vượng bền vững. Nhưng dân chủ tự thân nó không thể tạo ra sự phát triển thịnh vượng. Dân chủ là điều kiện cần, rất cần nhưng không phải là điều kiện đủ. Nhiều nước đã có nền dân chủ lâu rồi nhưng vẫn nghèo, thậm chí rất nhiều nơi dân chủ còn bị lợi dụng để phục vụ cho quyền lợi của một thiểu số nhỏ. Chỉ khi nào xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ trong điều kiện sinh tồn và suy tưởng hoàn toàn mới thì mới tạo ra được một sự đột phá trong phát triển kinh tế lành mạnh- đây chính là điều kiện đủ. Sự phát triển kinh tế như vậy nếu được nuôi dưỡng trong một môi trường chính trị dân chủ thì sẽ tạo ra một xã hội phát triển hài hòa giữa vật chất và tinh thần một cách công bằng cho dân chúng. Chính những thành quả này sẽ trở thành những nhân tố rất quan trọng để duy trì dân chủ và đảm bảo một nền dân chủ thực chất. Thiếu những điều này thì dân chủ sẽ không bền vững hoặc chỉ là giả hiệu mà thôi.
Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, công nghệ thì lạc hậu; nền kinh tế thì lệ thuộc; môi trường bị hủy hoại; giáo dục thì xuống cấp trầm trọng, việc tìm ra những thế mạnh cốt lõi từ những yếu tố này để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ và động lực tích cực cho sự thay đổi từ những biến động sắp tới quả thật là một thách thức rất lớn, khó tìm ra lời giải. Tuy nhiên, những lợi thế của thiên nhiên và tạo hóa ban tặng cho mảnh đất và con người Việt Nam; những đặc tính văn hóa của dân tộc được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử chính là những thế mạnh cho đất nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay. Vấn đề văn hóa từ trước đến giờ thường được đề cập một cách thụ động như cảnh báo các nguy cơ của văn hóa du nhập, làm sao để bảo vệ văn hóa không bị tấn công, cần có các biện pháp bảo hộ văn hóa, v.v… Ít có những cách tiếp cận chủ động để khai thác văn hóa như một sức mạnh tạo ra động lực phát triển của cả một dân tộc, quốc gia. Bản tính trời cho dân tộc Việt Nam là ôn hòa và thân thiện, không thích suy tư tranh cãi về triết học hay các lý thuyết chính trị. Điều này dẫn hướng đến một tầm nhìn lớn về chiến lược giao thoa văn hóa và giao lưu kinh tế giữa đông và tây. Đây thực sự là lợi thế về đặc tính của con người Việt Nam trong việc hấp thụ rồi tạo nên những thành tựu văn hóa và kinh tế mới thông qua sự tương hợp với bất kỳ nền văn minh nào trên thế giới mà không tạo ra những mâu thuẫn và xung đột về văn hóa, sắc tộc và tôn giáo.
Việt Nam là nước có nền văn hóa và tiếng nói phương đông nhưng lại có chữ viết theo kiểu phương tây, đó chính là những di sản do lịch sử tạo lợi thế cho dân tộc ta trong một môi trường đa phương toàn cầu của hệ thống quốc tế mới đang hiện hữu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong một bối cảnh thế giới đang nhiều biến động như hiện nay, xu thế hình thành đa cực để chống lại sự đơn cực cộng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung quốc và Ấn Độ, sự không chịu thua của Nga chắc chắn sẽ làm nảy sinh thêm nhiều xung đột cả về quân sự lẫn văn hóa, sắc tộc và tôn giáo. Sự xuất hiện một nơi cân bằng về kinh tế, văn hóa và chính trị sẽ rất cần thiết để duy trì sự ổn định cho thế giới. Và đương nhiên, nơi cân bằng đó sẽ được hưởng lợi rất lớn. Việt Nam là một mảnh đất lành, có đầy đủ những ưu điểm về con người và lịch sử cũng như giá trị của vị trí trung tâm trong vùng châu Á Thái bình dương, cũng là giao điểm của đông và tây để trở thành một nơi cân bằng như vậy. Dẫn hướng này cũng sẽ mở ra một khả năng đột phá để giải quyết vấn đề tranh chấp biển đông và bảo vệ lãnh thổ. Thụy Sĩ đã tránh được các cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu và phát triển thanh bình là nhờ làm "túi tiền" của bất kỳ phe nào. Việt Nam có thể biến mình trở thành cái "chợ" của bất kỳ nước nào.
Người dân cần được định hướng và tạo động lực để xây dựng những cái mới tốt hơn thay thế dần cho những cái cũ. Động lực của sự hận thù dễ dàng dẫn đến sự đập phá những cái cũ trước khi cái mới có thể hình thành và phát triển. Ngay cả vấn đề tham nhũng cũng cần có cách nhìn khoan dung với quá khứ của nó để triệt tiêu những động lực chống đối sự thay đổi. Tham nhũng ở Việt Nam phát triển phức tạp đến mức nó vừa là nhân mà cũng vừa là quả. Cần nhìn nhận nó như một vấn đề chính trị và lịch sử để tạo ra được những giải pháp tích cực từ đó. Tôi hẹn sẽ trao đổi sâu hơn với anh về vấn đề này vào một dịp khác.
Đọc bản tuyên bố quan điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam tôi thấy rất mừng vì các anh đã khẳng định một thái độ không hận thù, đặt sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc làm nền tảng. Tôi tin rằng bản tuyên bố này sẽ có những ảnh hưởng tích cực nhất định đến chủ trương của các đảng khác đang hoạt động và sẽ ra đời trong thời gian tới.
Tôi cũng có niềm tin và rất hy vọng vào đảng Dân chủ Việt Nam sẽ có một vai trò quan trọng trong công cuộc chấn hưng đất nước tới đây. Tôi cũng mong rằng các anh sẽ quan tâm đến những vấn đề động lực cho thay đổi và phát triển đất nước một cách bền vững.
Chúc đảng Dân chủ Việt Nam vững bước thành công.
Chúc anh sức khỏe
Chào trân trọng
Trần Đông Chấn
Trung thu tháng 9, 2008
Bài viết cũ của nhóm nghiên cứu Chấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét