Pages

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

PHÂN BIỆT PHẢI TRÁI TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG



Gần đây, truyền thông Trung Quốc đồng thanh phê phán thái độ của Mỹ, trong vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông; đổ lỗi cho Mỹ xúi giục các nước xung quanh Trung Quốc trong vấn đề biển đảo để “phá hoại môi trường xung quanh, quấy nhiễu sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhạc trưởng của dàn “đồng ca” này chính là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngày 04/8/2012, chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ Tuyên bố phê phán những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ đã “can thiệp vào vấn đề Biển Đông”, rằng Tuyên bố 3/8 của Mỹ là “không quan tâm đến sự thực, không phân biệt phải trái”.
Trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, trước và trong thời gian chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi liên tiếp lên tiếng yêu cầu Mỹ “tôn trọng sự lựa chọn của các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông và thực hiện các cam kết của mình không can dự vào các cuộc xung đột chủ quyền trên biển trong khu vực”. Phụ họa cho phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các báo, tạp chí và các trang mạng của Trung Quốc đồng loạt có các bài viết phê phán, chỉ trích chính sách của Mỹ đối với Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và đối với vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông nói riêng, thậm chí có những bài báo chỉ trích đích danh Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gán ghép cho bà cái danh hiệu “Ngoại trưởng nữ cứng rắn”. Thái độ này xuất phát từ việc bà Clinton từng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc không nên có các hành động và tuyên bố nhằm dọa nạt các nước láng giềng trong vấn đề biển đảo, và kiên quyết không nhượng bộ Bắc Kinh xung quanh vấn đề tại Biển Đông trong các cuộc tiếp xúc với phía Trung Quốc trong chuyến công du Bắc Kinh lần này.

alt

Tàu Ngư chính của TQ. Ảnh: Internet.
Đáng chú ý là tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 05/9/2012 có bài xã luận nhan đề “Hãy làm cho Hillary hiểu quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc” với những lời lẽ hết sức trịch thượng và mang tính hăm dọa, cho rằng “tranh chấp Biển Đông và đảo Điếu Ngư/Senkaku nổi lên như hiện nay, nguyên nhân căn bản đằng sau là do Mỹ” và cần “cho Bà ta (Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton) biết Trung Quốc đã chuẩn bị sức mạnh thế nào để bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở Biển Đông”. Đây rõ ràng là một lời thách thức đối với Mỹ.
Chỉ cần làm phép so sánh về lời nói và hành động của Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông thời gian gần đây sẽ thấy được ai là kẻ gây hấn, dọa nạt; ai là người muốn duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trước hết, xét về mặt chiến lược, Mỹ luôn khẳng định có “lợi ích quốc gia” trong việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (mặc dù Mỹ chưa tham gia Công ước 1982).
Còn Trung Quốc thì sao? Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc với yêu sách “đường lưỡi bò” mà mới đây Trung Quốc cụ thể hóa thêm là “thành phố Tam Sa” với diện tích vùng biển trên 2 triệu km2, chiếm hầu hết diện tích ở Biển Đông. Trong bài xã luận của tờ Hoàn Cầu đề cập đến việc “cho bên ngoài thấy rõ giới hạn cuối cùng của Trung Quốc”. Qua những hành động trên thực địa ở Biển Đông và những phát biểu trơ tráo của các quan chức Trung Quốc vừa rồi thì không cần phải nói ra nhưng cộng đồng quốc tế cũng thấy rõ được tham vọng của Trung Quốc là không có giới hạn, mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là khống chế, độc chiếm Biển Đông để “đè đầu cưỡi cổ thiên hạ”.
Lời nói của Mỹ và Trung thì sao? Tuyên bố và các phát biểu Mỹ đều kêu gọi hòa bình giải quyết tranh chấp, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; kêu gọi làm rõ các yêu sách về vùng biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; ủng hộ các nước ven biển thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình; kêu gọi thực hiện nghiêm túc DOC, sớm thảo luận xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Đây là những quan điểm hoàn toàn phù hợp với quan điểm của các nước láng giềng của Trung Quốc ven Biển Đông. Trong khi đó, phát biểu của các quan chức Trung Quốc, nhất là của các tướng lĩnh và truyền thông Trung Quốc thì “sặc mùi” đe dọa, chiến tranh. Báo chí và các trang mạng của Trung Quốc luôn dọa dẫm “Việt Nam và Philippin đừng đùa với lửa”; kêu gọi “hãy dạy cho Việt Nam và Philippin một bài học”. Trong bài viết “Trung Quốc cần sử dụng biện pháp cững và mềm như thế nào để bảo vệ chủ quyền biển” đăng trên báo Thanh niên Trung Quốc ngày 28/8/2012, Thiếu tướng không quân Trung Quốc Kiều Lượng cho rằng để trấn áp các nước láng giềng xung quanh thì “bằng một quả đấm chưa đủ” mà “phải sử dụng nhiều đòn tổng lực”. Trong bài viết đó, ông Kiều Lượng còn lớn tiếng kêu gọi “đánh gục họ (các nước có tranh chấp trên biển với Trung Quốc). Mạng Hoàn cầu còn trích dẫn ý kiến của học giả quân sự Trung Quốc nói một cách rất thô thiển rằng “Nhật, Việt Nam và Philippin là 3 con chó săn của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nếu giết một con thì hai con còn lại sẽ ngoan ngoãn”….
Trên thực địa thì thế nào? Có thể nói đã từ lâu Biển Đông là địa bàn hoạt động truyền thống của Hạm đội 7 của Mỹ. Hiện nay, tàu chiến Mỹ thường xuyên hoạt động ở Biển Đông, nhưng không những không tạo ra nguy cơ hay đe dọa cho các nước nhỏ ven Biển Đông mà tàu chiến Mỹ còn cùng với các nước này tiến hành diễn tập, tham gia công tác cứu hộ cứu nạn trên Biển Đông; rất nhiều tàu chiến Mỹ còn tham gia các chương trình nhân đạo với các nước xung quanh Biển Đông; hoạt động của tàu chiến mỹ không đe dọa đến các hoạt động dầu khí của các nước ven Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, các tàu ngư chính, hải giám của Trung Quốc bắt giữ uy hiếp các tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường ở Biển Đông; trong vòng 2 tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2011, Trung Quốc 2 lần cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam; từ tháng 4 năm 2012, Trung Quốc gây ra vụ gây ra tranh chấp kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough; cuối tháng 6/2012 Trung Quốc công bố Quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và ráo riết triển khai các hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành chính, quân sự và cơ sở hạ tầng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”; nghiêm trọng nhất là ngày 23/6/2012 Trung Quốc tiếp tục công bố mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Trung Quốc còn đưa nhiều tàu khu trục, tàu hải giám, tàu ngư chính vào hoạt động ở Biển Đông uy hiếp hoạt động kinh tế trên biển của các nước ven Biển Đông v.v…. Trong khi Trung Quốc ra sức dùng tài chính mua chuộc lôi kéo, phân hóa các nước ASEAN (thể hiện rõ qua các hội nghị AMM 45 và ARF 19 ở Campuchia tháng 7 vừa qua) thì Trung Quốc lại lớn tiếng vu cáo Mỹ “gây chia rẽ quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc”.
Phản ứng của các nước đối với các việc làm của Mỹ và Trung Quốc cũng trái ngược nhau. Các nước ven Biển Đông cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc đều đánh giá cao việc Mỹ đóng góp vai trò tích cực vào duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông và biển Đông Hải; cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực là nhân tố hết sức quan trọng để hạn chế những hành động ngày càng leo thang ở trên biển của Trung Quốc; hoan nghênh lập trường quan điểm của Mỹ trên vấn đề Biển Đông…. Ngược lại, các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc đều lên án các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, còn cả cộng đồng quốc tế đều lo ngại trước những việc làm của Bắc Kinh gây căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời phê phán yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc còn vu cáo “Philippin và Việt Nam đe dọa Trung Quốc”. Cả cộng đồng quốc tế và khu vực đều thấy rõ, Việt Nam và Philipin là hai nước nhỏ luôn yêu chuộng hòa bình nhưng cũng không thể khoanh tay trước những hành động dọa nạt và gây hấn của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia và lãnh thổ nước mình, hai nước này không đủ khả năng để dọa dẫm Trung Quốc. Trên thực tế Việt Nam và Philippin chỉ đấu tranh bảo vệ chủ quyền và quyền lợi ở Biển Đông của mình theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Còn Trung Quốc thì đòi hỏi yêu sách đến 80% diện tích ở Biển Đông, cả ở những khu vực cách bờ biển của Trung Quốc đến hàng ngàn hải lý.
Chỉ với vài so sánh trên đây chúng ta đã thấy rất rõ ai có chính nghĩa trên vấn đề Biển Đông, ai là người đe dọa và là nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông xuất phát từ đâu. Cuối cùng có thể rút ra kết luận: cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích “cốt lõi” ở Biển Đông nhưng mỗi nước lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Mỹ thúc đẩy hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, còn Trung Quốc thi hành chính sách cường quyền, hăm dọa, để dần thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông của mình./.
                                                                                    Việt Chi

Không có nhận xét nào: