Trần vinh Dự - Ngoài câu chuyện kinh tế, Mỹ và Trung Quốc còn có nhiều mối liên hệ ràng buộc hữu cơ khác như câu chuyện người Trung Quốc ở Mỹ và câu chuyện bàn cờ chính trị thế giới.
Người Trung Quốc trong bộ máy công quyền Mỹ
Theo thống kê của Điều tra Dân số Mỹ, năm 2010 có 3,347,229 người Mỹ có gốc Trung Quốc, chiếm 1.1% dân số Mỹ. Đó là chưa kể nhiều triệu người Trung Quốc khác đang sống và làm việc ở Mỹ nhưng chưa được nhập tịch. Có những thành phố ở Mỹ như San Franciso có số người Mỹ gốc Trung Quốc lên tới 21.4% dân số quốc tịch Mỹ ở địa phương. Người Trung Quốc ở Mỹ cũng là nhóm có trình độ học vấn rất cao, với hơn 51.8% có trình độ học vấn ở bậc đại học và sau đại học (so với 25.2% trong số người Mỹ gốc Việt và 28.2% toàn bộ dân số Mỹ).
Văn hóa Trung Quốc có ảnh hưởng khá lớn đến văn hóa Mỹ. Nhiều người gốc Trung Quốc đang hoặc đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền của Mỹ. Bà Elaine Chao (gốc Trung Quốc) là người gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm vào nội các với vị trí Bộ trưởng Bộ Lao Động và giữ chức từ năm 2001 tới năm 2009. Gần đây hơn, ông Gary Lock cũng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương Mại và ông Steven Chu (được giải Nobel vật lý năm 1997) vào năm 2009 dưới thời tổng thống Obama (ông Gary Lock đã nghỉ nhưng ông Steven Chu vẫn đương nhiệm). Bà March Fong Eu từng nhiều năm giữ chức bộ trưởng ngoại giao của bang California, bà Nancy-Ann DeParle hiện đang là giám đốc của văn phòng nhà trắng về cải cách y tế…
Có nhiều chính khách Trung Quốc tham gia vào các bộ máy lập pháp của liên bang và tiểu bang như Charles Djou (nghị sĩ hạ viện đảng Cộng hòa đương nhiệm), Hiram L. Fong (từng là nghị sĩ thượng viện đảng Cộng hòa), bà Wilma Chan từng là lãnh đạo của hạ viện tiểu bang California… Nhiều người Trung Quốc khác cũng đang giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống tư pháp như Thomas Tang, Ronald Lew, George H. King, Dolly M. Gee, và Denny Chin đều là thẩm phán trong hệ thống tòa án liên bang.
Mặc dù trên nguyên tắc các các công dân Mỹ khi tham gia vào bộ máy nhà nước Mỹ đều tuyên thệ chỉ bảo vệ lợi ích nước Mỹ, tuy nhiên việc xuất hiện ngày càng nhiều người Trung Quốc trong bộ máy chính quyền và tư pháp của Mỹ cũng cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng tăng của người Trung Quốc ở Mỹ trong hệ thống công quyền ở nước này. Các nhân tố Trung Quốc này nhiều khả năng sẽ, trong các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn giữa Trung Quốc hay một nước nào khác như Việt Nam, không ngả về phía Việt Nam. Và điều này là điều các nước đang có mâu thuẫn với Trung Quốc phải lưu ý khi tính đến con bài nước Mỹ.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc bất đồng với nhau ở rất nhiều điểm liên quan tới các vấn đề của chính trị thế giới, nhưng Mỹ và Trung Quốc cũng có nhiều lợi ích chung và vì thế trong nhiều vấn đề họ phải đi cùng với nhau. Trong những năm qua, chính quyền Obama đã hợp tác với Trung Quốc giải quyết được một số vấn đề cấp bách toàn cầu, trong đó hợp tác thiết đặt lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên (2009) và Iran (2010) do chương trình hạt nhân của các nước này.
Với Iran
Kể từ năm 2006, Trung Quốc trở thành một đối tác quan trọng trong nỗ lực đa phương của Mỹ và Châu Âu nhằm kiềm chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Trung Quốc đã tham gia đàm phán với Iran với tư cách là thành viên của P5+1 (thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên HIệp Quốc và Đức). Trung Quốc cũng ủng hộ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, mặc dù vẫn kêu gọi sử dụng đối thoại đề giải quyết các vấn đề hạt nhân.
Với Bắc Triều Tiên
Mỹ và Trung Quốc có cùng lợi ích đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo. Trung Quốc đã tổ chức Đối thoại sáu nước trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trung Quốc cũng đã ủng hộ Liên Hiệp Quốc, phê phán Bắc Triều Tiên trong vụ thử hạt nhân thứ nhất và áp đặt các lệnh trừng phạt có giới hạn.
Nước Mỹ quan tâm hơn đến Iran và Bắc Triều Tiên so với đến vấn đề an ninh ở Biển Đông hay ngược lại? Điều này ai cũng rõ. Vì thế, trong các tính toán về chiến lược, cần phải lưu ý tránh để Việt Nam lại trở thành con tốt thí trong bàn cờ của hai ông lớn khi họ mặc cả với nhau – Mỹ nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, còn Trung Quốc nhượng bộ Mỹ về một vài vấn đề khác, thí dụ liên quan đến Iran, Bắc Hàn, Trung Đông, hay Phi Châu.
Ẩn ý cho Việt Nam
Định lượng đúng tầm quan trọng của quan hệ Mỹ – Trung đối với cả hai nước này là một việc quan trọng. Kêt luận từ việc trả lời câu hỏi này sẽ là một ẩn ý quan trọng cho các quốc gia như Việt Nam trong việc xác định chiến lược đối ngoại.
Sẽ là sai lầm nếu Việt Nam cho rằng sự hục hoặc giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến Mỹ đứng ra bảo vệ những kẻ thù của Trung Quốc (kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta). Lý do như đã nói ở trên là vế “cần” vẫn đủ mạnh so với vế “ghét” trong trung hạn để, khi đặt lợi ích quốc gia lên bàn cân, Mỹ vẫn không có lý do gì khi biến Trung Quốc thành kẻ thù. Vì thế, cần hết sức cân nhắc, và không nên ngây thơ, khi nghĩ rằng Việt Nam có thể dựa vào Mỹ để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình như vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét