Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Trung Quốc ra mắt mẫu tàu chiến mới



Trung Quốc chú ý tăng cường năng lực hải quân từ vài năm nay.
Trong những tuần gần đây, các blogger chuyên về tình hình quốc phòng Trung Quốc đã rất háo hức trước những hình ảnh mới về cái có vẻ như là loại tàu khu trục gắn tên lửa đạn đạo mới của hải quân nước này.
Những hình ảnh mờ mờ trên các trang blog cho thấy một trong các tàu này – được gọi là PLAN 052D – được ra mắt hồi cuối tháng trước. Ít nhất có hai tàu nữa đang được lắp ráp.

Nhưng nó có những khác biệt quan trọng khiến nhiều phân tích gia cho rằng cái mà chúng ta đang thấy chính là đợt đầu tiên của điều có thể coi là một loạt các chiến hạm mới của Trung Quốc, những con tàu sẽ trở thành xương sống của toàn hạm đội.
Việc thiết kế chiến hạm của Trung Quốc dường như đang được cải tiến dần dần. Tàu PLAN 052D cũng không phải là ngoại lệ - nó có những liên hệ rõ ràng tới đời tàu trước, 052C.

Giáo sư James Holmes, một nhà quan sát Trung Quốc tại Đại học Hải quân Hoa Kỳ, nói rằng sự khác biệt lớn ở chiếc tàu mới “là Trung Quốc có vẻ như đã giải quyết được vấn đề thiết kế cho tàu khu trục gắn tên lửa đạn đạo tối tân sau một thời gian dài ‘thử nghiệm đội tàu’ – một giai đoạn thai nghén.”
“Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân có thói quen làm một vài sản phẩm thử nghiệm cho mỗi loại thiết kế, đưa tàu ra biển, xác định lỗi và ưu thế của tàu, rồi kết hợp những bài học thu được để đưa ra thiết kế mới,” ông nói.
“Có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh hài lòng về việc đã thu lượm đủ kinh nghiệm để đi vào sản xuất đại trà nếu cần,” ông nói, “10 con tàu đang được chế tạo.”
“Người ta hy vọng là cuối cùng nó sẽ giải quyết được cuộc tranh cãi về hướng phát triển và sự trường tồn của sức mạnh hải quân Trung Quốc,” ông nói thêm.
Giáo sư Holmes lập luận rằng có những chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc “tin rằng họ đã tìm được chiến binh chuẩn trên biển của mình.”
Tàu khu trục mới này có thể sẽ là nhân tố trung tâm trong lực lượng hải quân mới của Bắc Kinh.

‘Nâng cấp vũ khí’

Lan Châu là một trong các tàu khu trục 052C của Trung Quốc.
Một nhà quan sát khác quan tâm tới hải quân Trung Quốc là Feng Cao. Chính blog của ông là nơi đầu tiên cảnh báo giới quốc phòng Tây phương về thiết kế tàu chiến mới.
Ông đã nghiên cứu cẩn thận các ấn phẩm quốc phòng của Trung Quốc cùng các buổi trưng bày tại các triển lãm thương mại trong vài năm, kết nối các phân tích với nhau để đi đến kết luận về hướng phát triển của hải quân Trung Quốc.
Ông không chắc lắm về việc liệu 052D có phải là tàu mới hay không. Nhưng ông giải thích rằng đây là một bước tiến quan trọng, hướng tới điều mà hải quân Trung Quốc muốn từ nhiều năm nay: có được một chiếc tàu khu trục gắn tên lửa đạn đạo với tầm cỡ như tàu Arleigh Burke hay Ticonderoga của Hoa Kỳ.
“Trong vài năm nữa, chúng ta sẽ thấy một hạng mục tàu chiến hoàn toàn mới có sử dụng hệ thống phóng đẩy mới,” ông nói.
“Từ 052C tới 052D thì vỏ tàu không thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ việc hoán đổi vị trí một số thứ để phù hợp với việc lắp đặt các hệ thống vũ khí mới và giảm bớt tín hiệu radar của tàu. Hệ thống phóng đẩy về cơ bản là vẫn vậy.”
“Cái thực sự thay đổi là hệ thống vũ khí,” ông nói. “Thay đổi rõ rệt đầu tiên là hệ thống bảng radar đa năng lớn hơn, phẳng hơn, cùng với hệ thống phóng theo chiều thẳng đứng (VLS) mới.”
“Chúng không còn dùng hệ thống VLS mà ta từng thấy ở 052C, mà là một kiểu VLS mới, phổ quát, có thể hỗ trợ được các kiểu tên lửa khác nhau để có thể tấn công cả các mục tiêu trên không lẫn trên biển cùng các mục tiêu trên đất liền.”
Theo quan điểm của ông, 052D là “bước đệm cho loạt tàu chiến mới mà họ muốn có. 052D về cơ bản sử dụng kiểu vỏ tàu đã qua thử thách và hệ thống phóng đẩy nhằm thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới.”
“Khi một loạt tàu mới được đưa ra,” ông nói, “chúng sẽ có ít thứ khiến người ta phải lo ngại hơn, bởi hầu hết các hệ thống vũ khí khi đó đã bộc lộ vấn đề trên tàu 052D rồi.”
James Holmes nhấn mạnh về bước tiến quan trọng của các chiến thuyền mới này. Các tàu chiến tương đương của Hoa Kỳ thì được lắp đặt với hệ thống radar được gọi là radar Aegis và hệ thống kiểm soát giao tranh.
Ông tin rằng nếu như tàu này tương đương với tàu có hệ thống Aegis và hiện đang có kế hoạch chế tạo 10 con tàu như thế, thì “nó sẽ trao cho hải quân Trung Quốc khả năng phòng không ngang ngửa với bất kỳ lực lượng hải quân nào trong khu vực, với đội tàu đông hơn lực lượng hải quân của bất kỳ quốc gia Á châu nào.”
“Nhật Bản và Nam Hàn có các tàu lắp Aegis, nhưng chỉ có sáu chiếc và ba chiếc mỗi nước mà thôi,” ông nói.

Lực lượng Hoa Kỳ

Tàu mới của Trung Quốc được cho là giống tàu USS Arleigh Burke về mặt thiết kế.
Giáo sư Holmes nói rằng tàu Hoa Kỳ có tầm tương đương nhất với tàu chiến mới của Trung Quốc có lẽ là tàu khu trục USS Arleigh Burke, con tàu đầu tiên có Aegis.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tàu khu trục mới của Trung Quốc “chỉ mang hai phần ba các bệ phóng tên lửa, cho nên các tàu của Hoa Kỳ có thể ưu thế hơn trong cuộc tỷ thí một chọi một.”
Ông đoán “không dựa trên bất kỳ bằng chứng tin cậy nào”, thì “tàu 052D tương đương với các tàu US Aegis đời cũ. Nhưng đây là điều không rõ, và tôi lưu ý là chớ có ai đưa ra chính sách hay chiến lược gì dựa trên những phỏng đoán của tôi.”
James Holmes nhấn mạnh rằng cũng cần phải xem xét cả cách vận hành của hải quân Trung Quốc khi đánh giá về ảnh hưởng của những tàu chiến mới. Tàu 052D có thể thua kém hơn tàu tương đương của Hoa Kỳ, nhưng tàu Trung Quốc sẽ không hoạt động đơn lẻ.
“Nên nhớ rằng Trung Quốc điều khiển hạm đội hầu như trong phạm vi hoạt động của tên lửa chống tàu đặt trên bờ, chiến đấu cơ, cùng các con tàu như tàu tuần tra và tàu ngầm.”
“Các hệ thống này yểm trợ cho hạm đội tàu biển, và Bắc Kinh tin (mà tôi cũng tin) rằng đây là cách giữ cân bằng rất tuyệt.”
“Việc gì phải nỗ lực và đổ chi phí ra tạo dựng hình ảnh như bản sao của Hải quân Hoa Kỳ nếu như có thể tấn công từ trên bờ? Nói tóm lại là Trung Quốc không cần có đội tàu tương xứng với Hải quân Hoa Kỳ để giao tranh ở những nơi mà họ tự lựa chọn, như ở các vùng biển Trung Quốc và Tây Thái Bình Dương.”

Không có nhận xét nào: