Pages

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Con gà và vị tướng


Đào Tuấn

No
Chúng ta đang chi ngoại tệ để nhập lậu đồ thải từ Trung Quốc. Mà đồ thải, nói gì thì nói, là thứ người ta bĩnh vào toa lét để xối nước

9 tháng đầu 2012 Việt Nam đã nhập khẩu 52.586 tấn thịt gà. Trong số này,  6.147 tấn là “gà thải nguyên con” từ Hàn Quốc. Ở phương diện nhập lậu “tiểu ngạch”, 70.000 đến 100.000 tấn gà thải được thải qua biên giới vào Việt Nam. Không thể có cách lý giải thứ hai. Những con số, khẳng định, đang sỉ nhục một đất nước nông nghiệp. Những chỉ số đo lường sự khốn khổ của nông dân. Và câu chuyện con gà, nhấn mạnh chữ thải, còn là một cái lẽ cay đắng cho thấy Việt Nam vẫn chưa thoát địa thế cái toa lét có khi chỉ của riêng người láng giềng Trung Quốc.

Đồ thải phải chăng là thứ người ta cho vào toa lét để xả nước!?

Không ngẫu nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chọn Quảng Ninh là địa điểm thị sát. Báo cáo của Cục Chăn nuôi đánh một cái dấu đỏ vào tỉnh biên giới này với con số 100-200 tấn/ngày gà thải được nhập qua các đường biên của Quảng Ninh vào những lúc cao điểm.

Siêu lợi nhuận giữa giá bán, khoảng 18-20 ngàn đồng/kg ở biên giới và giá tiêu thụ trong nội địa, chỉ cách điểm tập kết 2h xe chạy 65-70.000 đồng có lẽ là động lực đủ mạnh, một tiềm lực đủ mạnh để dân buôn lậu dễ dàng vượt qua hàng rào trùng điệp đủ thức sắc phục: Biên phòng, hải quan, thú y, quản lý thị trường, thuế vụ, công an…

Ừ thì việc quản lý 26 km đường biên với 16 cột mốc của một đồn biên phòng như Bắc Sơn là quá rộng. Ừ thì lực lượng kiểm soát còn mỏng, chế tài còn quá nhẹ, khiến những trạm kiểm soát liên ngành như “Trạm 15” gặp khó, nhưng, như Phó Thủ tướng từng nói trước Quốc hội những con gà lậu đi trên những “chiếc xe chuyên dụng” chạy ầm ầm trên quốc lộ mà bằng mắt thường một đứa bé lên 5 cũng có thể nhận biết.

Vấn đề không phải là có chống được hay không, mà là nhân viên chức năng có muốn chống thực sự hay không.

Tuần trước, báo Thái Nguyên kể lại câu chuyện thê thảm của người nông dân nuôi gà Nguyễn Đình Cứ: “Nuôi 5 lứa gà (mỗi lứa 8.000 con), tính ra lỗ mất 4 lứa, lứa lỗ nặng nhất tới gần 300 triệu đồng. Bao năm tích cóp, đầu tư vào trang trại như đánh một canh bạc đen đủi…”. Một trong những lý do sau đó được Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Văn Dũng xác nhận: “Gà nhập lậu chưa được kiểm soát tốt”.

Ôi chao, những người nông dân chỉ muốn làm ăn lương thiện. Chỉ vì những con gà lậu, việc chăn nuôi bỗng trở thành một canh bạc, mà sự thắng thua phụ thuộc vào lương tâm, vào trách nhiệm của…người khác.

Nhưng chắc chắn, người nông dân Nguyễn Đình Cứ không phải là nạn nhân duy nhất. Chắc chắn Thái Nguyên không phải địa phương duy nhất nông dân gạt nước mắt treo chuồng, giãn lứa dù đang ôm nợ chồng nợ chất.

Phó Thủ tướng môt lần nữa, đã xuất tướng, để thực hiện điều mà ông long trọng cam kết trước Quốc hội, với hàng chục triệu cử tri là nông dân, và nhân dân cả nước.

Một bức ảnh trên báo điện tử Chính phủ cho thấy ông trực tiếp thị sát một cung đường biên giới ở U Bò, Bắc Sơn, nơi thường xuyên diễn ra tình trạng buôn lậu. Tháp tùng ông là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính, thật tình cờ, là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá”. Không biết trong cuốn sách nổi tiếng vị Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bí thư tỉnh ủy, xuất thân là một vị tướng công an có phân tích về sự ảnh hưởng của buôn lậu tới nền kinh tế!?

Phó Thủ tướng phải “xuất tướng” âu cũng là một sự bất đắc dĩ. Nhưng sự bất đắc dĩ đó có khi lại là cần thiết để các vị tướng khác ở địa phương không chỉ giỏi trong nghiên cứu giấy tờ.

Theo Đào Tuấn

Không có nhận xét nào: