Minh Diện
Hôm nào cũng vậy, cứ mỗi buổi chiều tà, người phụ nữ ấy lại lên bán đảo Sơn Trà, thắp nhang trong chùa Linh Ứng rồi đứng dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm nhìn ra biển Đông.
Chị khoảng hơn bốn mươi tuổi, người dong dỏng cao, gương mặt trái xoan toát lên vẻ đẹp kiêu sa. Chị tránh chỗ người qua lại, đứng một mình, hai bàn tay úp vào nhau như búp sen trước ngực. Ánh hoàng hôn nhấp nhánh ngoài biển khơi bao la trước mặt và những làn mây ửng hồng vời vợi trên vầng trán mênh mông tượng Phật Bà Quan Âm càng làm chị nhỏ bé và cô đơn hơn!
Chị cứ đứng lặng lẽ như thế cho đến khi mặt trời lặn, biền chìm vào màu đen huyền bí chị mới rời bán đảo Sơn Trà quay về thành phố….
Cuối năm ngoái tôi về quê vợ Duy Xuyên (Quảng Nam) dự lễ khánh thành nhà thờ tộc Đoàn. Hôm ấy con cháu nội ngoại khắp nơi, từ thành phố Hồ Chi Minh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng tề tịu về cúng tổ tiên. Trong đám con cháu nội ngoại đông đúc ấy, tình cờ tôi nhận ra chị, người phụ nữ chiều chiều đứng nhìn biển trên bán đảo Sơn Trà. Tôi chủ động làm quen, tự giới thiệu, chị khẽ reo lên:
- Ôi thì ra đây là dượng Diện !
Người Quảng Nam gọi những người làm rể chị em trong gia đình, dòng họ mình là dượng. Lần đầu làm quen nghe xưng hô như thế đã trở nên thân tình. Chị là Đoàn Thị Hương, cháu nhiều đời của bà Đoàn Thi Ngọc, tức Hiếu chiêu Hoàng hậu Đoàn Qúy Phi, nổi tiếng xinh đẹp, đức hạnh, tài năng, sách xưa chép là “thông sáng, tú mi, phép tốt, tinh thuần” và được tôn vinh là “Bà chúa tằm tang”.
Hôm ấy trong lúc đi thăm mộ bà Đoàn Qúy Phi, tôi nói vui với chị Hương:
- Bà Đoàn Qúy Phi khi sắc nước hương trời để lại cái gien cho con gái họ Đoàn, mấy đời rồi mà bây giờ cô nào cũng xinh đẹp!
Chị Hương mỉn cười ý tứ, trên gương mặt kiêu sa thoáng nét buồn!
Trưa hôm ấy dự lễ xong, chị Hương nói với tôi:
- Dì dượng ờ lại về sau, tôi xin phép ra Đà Nẵng trước nghe!
Tôi định nói với chị Hương chờ vợ chồng tôi cùng đi một thể nhưng chị vội vã lên xe máy phóng đi.
Chiều, vợ chồng tôi ra Đà Nẵng lên chùa Linh Ứng, đã thấy chị đứng dưới chân tượng Phật Bá Quan Âm nhìn ra biển Đông như thường lệ.
Buổi tối ấy vợ chồng tôi đến thăm gia đình chị, và nghe câu chuyện buồn của một người con gái dòng dõi bà Đoàn Qúy Phi.
Chị Hương sinh năm 1970. Bố chị học hết lớp 12 đi lính hải quân, được phong quân hàm trung sỹ. Mẹ chị mồ côi được nuôi trong trại tế bần, được học hành tử tế, và làm giáo viên tiểu học.
Năm 1974, khi chị mới bốn tuổi thì ba chị tử trận ở Hoàng Sa. Một năm sau thành phố giải phóng, ông bà nội theo người con cả di tản ra nước ngoài, mẹ con chị không đi kịp, ở lại trong ngôi nhà ông bà trong cư xá sỹ quan.
Cách mạng về, bà Thanh mẹ chị, không được dạy học nữa, vì có chồng lính ngụy, cha chồng, anh chồng vượt biên. Ngôi nhà trong cư xá sỹ quan bị cách mạng thu lại, mẹ con chị bị đuổi ra đường giữa một buổi chiều mưa tầm tã cuối mùa Đông.
Không nhà, không tiền, không gạo, không biết nương nhờ ai. Giữa thành phố quê hương mà như lạc loài vào xứ lạ. Giữa những gương mặt từng là xóm giềng, là đồng nghiệp, thậm chí từng là học trò của mình mà bà Thanh cảm thấy bơ vơ !
Trong lúc cùng đường, bà Thanh lấy khăn cột chặt hai mẹ con với nhau rồi lao ra biển. Bà muốn xác hai mẹ con được sóng biển đưa ra Hoàng Sa cùng chồng mình.
Lúc ấy có một người đàn ông nhìn thấy, chạy xuống kéo mẹ con chị Hương lên.
Ông nói:
- Con giun con dế còn ham sống huống chi con người! Sao con lại làm như vậy?
Bà Thanh khóc nấc lên:
- Con hết đường sống rồi chú ơi!
Người đàn ông nói:
- Trời phật không chặn hết đường sống của ai cả!
Người đàn ông ấy đưa mẹ con Hương về nhà mình. Đó là bác Đoàn Công Huấn, ở bán đảo Sơn Trà. Không ngờ người cứu sống và cưu mang mẹ con bà Thanh lại là bác họ chồng bà. Hôm ấy ông đi câu mực tình cờ phát hiện mẹ con bà Thanh tự tử.
Vợ chồng bác Huấn cho mẹ con chị Hương ở nhà mình và dạy bà Thanh buôn bán mực. Hàng ngày bác mua mực của bạn chài cho bà Thanh mang vào chợ bán kiếm lời.
Năm tháng qua đi. Chính sách của cách mạng có phần cởi mở hơn một chút. Bà Thanh được quay lại dạy học.
Nhờ những năm tháng buôn bán mực, bà tích cóp được it tiền, mua căn nhà nhỏ trong hèm phố hai mẹ con ở. Nhưng chính lúc đó một mất mát lớn lại xảy ra: Trong một đêm đi câu mực, bác Huấn không về. Những người bạn chài nói do ông tuổi cao sức yếu, bị cảm té xuống biển, bạn chài không nhìn thấy.
Từ ngày đó chiều nào bà Thanh cũng dẫn Hương ra bờ biển ngóng nhìn ra khơi, thầm gọi tện chồng, tên cha . Bà bảo Hương:
- Ngoài xa kia có linh hồn của ba con và linh hồn của ông con! (bà Thanh luôn coi ông Huấn như người đẻ ra mình lần thứ hai). Những linh hồn không bao giờ chết! Những linh hồn ấy bớt cô đơn nếu người sống hằng ngày nhớ tới họ!
Năm 1986, Hương tròn 16 tuổi, tinh hoa phát tiết ra ngoài,là hoa khôi của lớp 11 A5 trường THPT Phan Chu Chinh. Đó cũng là lúc tình yêu chớm nở giữa Hương và chàng trai lớp trưởng lớp 12 Trần Vũ Hoàng Tuấn.
Trước con mắt trong veo của Hương, từ nhỏ đến giờ phút ấy, chưa gợn lên cái lằn ngăn cách lý lịch giữa mình và bạn bè đồng lứa. Nhất là khi mẹ trở lại đứng trên bục giảng và là một giáo viên dạy giỏi của trường, Hương nghĩ mình có quyền bình đẳng với mọi người trong xã hội. Những giờ ở lớp, những buổi liên hoan, những lần đi pichnic, Hương hòa mình vào bạn bè, tâm hồn phới phới, và Hương mơ ước trở thành một giảng viên đại học khoa tiếng Anh vì cô có năng khiếu ngoại ngữ.
Trần Vũ Hoàng Tuấn là một chàng trai thông minh, lớn trước tuổi. Tuấn rất giỏi môn toán, đồng thời là một hướng đạo sinh vui nhộn hòa đồng. Tuấn yêu Hương say đắm như Romeo – Juliet.
Không ngờ chính tình yêu non trẻ ấy đã làm tổn thương người con gái xinh đẹp mới tuổi trăng tròn, và trở thành một bi kịch cho cả hai.
Hôm ấy Hoàng Tuấn dẫn Hương vể nhà mình giới thiệu cùng bố mẹ. Bố Tuấn là bí thư quận ủy còn mẹ là chánh văn phòng một cơ quan lớn. Hoàng Tuấn là con trai duy nhất của cặp vợ chồng đấy quyền lực và tham vọng lúc bấy giờ.
Hương chọn bộ áo đầm đẹp nhất mà cô có. Bà Thanh giúp con trang điềm nhẹ gương mặt vốn đã rất yêu kiều. Hoàng Tuấn hớn hở chở bạn gái về nhà với niềm vui như muốn vỡ tung trong lồng ngực.
Nhưng mấy chục phút sau, Hương quay về một mình, và gục đầu vào ngực mẹ khóc nức nở.
Bà Thanh ôm chặt con vào lòng. Bà không nói câu nào. Với linh cảm của người mẹ và một cô giáo, bà đã mang máng hiểu sự tồn thương của con gái. Nước mắt bà lã chã rơi xuống, hòa với nước mắt của đứa con gái côi cút bé bỏng của mình.
Một tuần sau, cái điều bà Thanh mang máng hiểu hôm đó hiện hình một cách phũ phàng. Mẹ Hoàng Tuấn đến tận nơi bà đang dạy học nói như ra lệnh:
- Cô không được để con gái cô quan hệ với con trai tôi nghe? Tương lai con trai tôi đang rộng mở, không thề vì đứa con lính ngụy mà bị cản trở! Hôm trước tôi đã nói thẳng với con cô rồi! Đừng có mơ!
Ôi cái chủ nghĩa lý lịch mới khủng khiếp và tàn nhẫn làm sao?
Để ngăn cản con trai quan hệ với cô gái con lính ngụy, bố Hoàng Tuấn không cho Tuấn vào đại học, mà đẩy vào trường huấn luyện hạ sỹ quan Bộ tư lệnh hải quân. Hai ông bà này nghĩ với kỷ luật quân đội Tuấn sẽ không trốn ra ngoài gặp Hương được, và khi đứng trong quân ngũ được trau dồi lập trường cách mạng, Tuấn sẽ biết phân biệt bạn thù!
Hai ông bà này đã nhầm. Tình yêu của tuổi trẻ không có chỗ cho những tính toán vị kỷ của ngưởi lớn len vào.
Những tháng huấn luyên ở căn cứ Đà Nẵng, Hoàng Tuấn thường xin phép đơn vị về thăm Hương. Khi hết khóa huấn luyên Tuần đươc biên chế vào đội tàu Hải quân trực chiến trên vùng biển Đông. Những lần Hoàng Tuấn ra khơi, Hương cùng mấy người bạn có người yêu trên tàu thường ra bở biển ngóng trông đón tàu về.
Đầu năm 1988, Hoàng Tuấn được điều ra đảo Cô Lin quần đào Hoàng Sa. Tuần nào có tàu ở đảo về đất liền Hoàng Tuấn cũng gừi thư cho người yêu.
“Ngày 1-2 1988 ! Hương ơi, thế là anh đã trở thành người lính Hải quân đồng nghiệp với ba, và anh đã có mặt ở nơi ba từng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc! Anh và đồng đội đã kết một vòng hoa bằng hoa muống biển thả xuống nơi ba cùng đồng đội của ba anh dũng hy sinh. Em có biết trong giờ phút đó, anh đã nói gỉ với ba không? Anh nói, con vô cùng biết ơn ba đã tặng cho con một báu vật, đó là Hương, con gái ba, người con gái mà con thề suốt đời yêu thương hơn cả cuộc đòi con!”.
“Ngày 10-2-1988! Hương ơi! Ở đây mặt trời mọc sớm hơn và lặn muộn hơn em ạ! Anh cứ mong mặt trời lặn sớm hơn để nhìn sao lấp lánh trên bầu trời! Anh tìm ngôi sao sáng nhất chỉ cho bạn bè anh, nói đó chính là mắt em đang nhìn anh!”.
“Ngày 20-2-1988! Mỗi buổi chiều từng đàn chim hải âu lại bay vào đảo tránh gió bão! Anh đã bắt một con hải âu và ghim vào cánh chim là thư, nhờ nó mang vào đất liền cho em đó! Nếu em mà nhận được thì tuyệt vời biết bao Hương nhỉ..?
“Ngày 5-3-1988! Bọn Trung Quốc liên tục cho tàu khiêu khích bọn anh, có lần chúng bắn lên đảo. Mỗi lần nhìn thấy chúng lòng anh sôi lê! Chúng đã chiếm hết Hoảng Sa, bây giờ còn lăm le chiếm Trường Sa. Anh và đống đội đã thề sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ vùng đảo của Tổ Quốc. Em hãy cầu nguyên ba phù hộ cho anh nghe!”.
Đó là lá thư cuối cùng Hoàng Tuấn viết cho Hương.
Ngày 14-3-1988, Trung Quốc mang quân xăm chiếm đảo Cô Lin, Gạc Ma. những chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc và Hoàng Tuấn đã hy sinh cùng 64 cán bộ chiến sỹ khác.
Tình yêu Hoàng Tuấn và Hương trắc trở và ngắn ngủi như thế đấy! Nó như một giấc mơ! Vừa đau đớn, vừa dịu êm, vừa đẹp ,vừa cao thượng! Như ánh chớp bừng lên bảy sắc cầu vồng, xé tan bức màn đêm đêm ích kỷ bao bọc quanh họ.
Người lính hải quân trẻ Hoàng Tuấn đã nói đúng. Với dân tộc ta, ba của Hương, người trung sỹ hải quân của Quân lực Việt Nam cộng hòa, cùng đồng đội của ông chiến đấu chống bọn xâm lược Trung Quốc bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, xứng đáng được tôn vinh. Máu xương cùa họ cũng như máu xương của những chiến sỹ hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trên vùng lãnh thổ ấy của Tổ Quốc năm 1988, cần được đáp đền.
Người Đà Nẵng nói Phật Bà Quan Âm vô cùng linh thiêng , che chắn cho thành phồ này bình yên và giúp những người ra khơi tránh bớt hiểm nguy. Con, xin người che chở cho linh hồn những người chiến sỹ đã hy sinh ngoài đảo xa kia! Con xin người cho chúng con trí huệ, thoát mê tâm nhìn rõ bạn thù!
Chị nói Hương nói với tôi:
- Dượng biết không! Tôi thường gọi tên ba tôi và Hoàng Tuấn, và tôi nghe trong tiếng sóng biển có tiếng đáp lại dượng ạ! Họ đều là những người con của biển đảo quê hương. Đúng thế, tiếng vọng từ biển.
Vâng, xin đứng tưởng biền vô tri câm nín!
Xin đừng để những linh hồn buồn tủi giữa biển xa!
Theo Bùi Văn Bồng blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét