Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Có những diễn biến quan trọng khiến tình hình chính trị Việt Nam tiến tới những bước ngoặc hiếm thấy trong hàng chục năm qua từ sau đổi mới, nhất là lời kêu gọi mang chữ ký gần 100 trí thức vào ngày 28 tháng 12.
Từ kiến nghị tới thông báo…
Người dân Việt Nam đã quen dần với những bản kiến nghị do trí thức trong và ngoài nước cùng đứng tên gửi tới các cấp cao nhất để yêu cầu thực hiện những điều mà không một lá đơn nào của cá nhân có thể viết hết. Nơi đầu tiên khởi phát những kiến nghị tập thể ấy là trang mạng Bauxit Viet Nam khi người trí thức cảm nhận việc khai thác mỏ Bauxit sẽ khiến đất nước đối đầu với những tai nạn tiềm ẩn mà hậu quả rất khó lường.
Kiến nghị này tuy không được giải quyết một cách rốt ráo nhưng cũng đủ làm cho chính quyền thấy rằng sự chuyên chế không còn đủ sức mạnh để hăm dọa quyền được phát biểu của người yêu nước như thời kỳ trước đổi mới.
Kiến nghị trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ qua bản án không dựa vào Hiến pháp của tòa án Hà Nội cho thấy một lần nữa trí thức đã công khai lên tiếng. Chính phủ hoàn toàn thụ động trước những yêu cầu hợp pháp và chính đáng của người trí thức cũng như văn nghệ sĩ, nhà báo cùng những thành phần khác của xã hội như những blogger qua thái độ im lặng gần như tuyệt đối.
Từ những kiến nghị không được phản hồi dẫn tới sự xuất hiện của một thông báo đòi được quyền biểu tình tại Sài Gòn của trí thức thành phố với thái độ không cần xem xét. Đó là cách ứng phó của trí thức đối với chính quyền khi họ cố tình im lặng trước tất cả nguyện vọng chính đáng của người dân.
Bất kể họ là ai, bề dày chính trị thế nào, những chữ ký của họ như thách thức trực tiếp đến hệ thống chính trị đã và đang theo đuổi một chính sách bưng bít thông tin, tự cho mình có quyền tối thượng đối với vận mệnh dân tộc và quyết định trong tất cả mọi vấn đề phát triển đất nước. Từ kinh tế tới xã hội, từ ngoại giao đến chính trị, nhà nước không xem ý kiến của trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo như một lực đối trọng để điều chỉnh các chính sách của mình.
…và kêu gọi cho đồng bào
Những kiến nghị, thông báo ấy có số phận của những viên đá rơi vào biển đông. Người ký tên tuy thất vọng nhưng không hề tuyệt vọng và họ đã phản ứng. Một bản kêu gọi mới nhất vừa ra đời trên trang Bauxitvn vào ngày 28 tháng 12 đã xoay chuyển vấn đề một cách mạnh mẽ. Ngay tiêu đề của bản kêu gọi này đã đánh thức rất nhiều người, nó mang một nội hàm quan trọng mà từ trước tới nay chưa một tập thể nào đưa ra:
"LỜI KÊU GỌI THỰC THI QUYỀN CON NGƯỜI THEO HIẾN PHÁP TẠI VIỆT NAM"
Chỉ một giòng chữ nhưng nêu lên được sự bức thiết của vấn đề, đó là những người ký tên đã đòi hỏi nhà cầm quyền trả lại quyền "Con người" cho dân chúng mà trong bản kêu gọi được gọi là đồng bào.
Từ "thông báo" đến "kêu gọi" là một bước rất dài. Họ, những người ký tên chấp nhận đối đầu khi bất chấp tới phản ứng của chính phủ. Đối tượng cũng thay đổi, từ lãnh đạo, chính quyền chuyển sang nhân dân, đồng bào. Sự kêu gọi rõ ràng mang hàm ý cách mạng. Kêu gọi không thụ động như thông báo mặc dù thông báo là bước đầu cho thấy họ không còn sợ hãi hay dè chừng.
Khi mang hai chữ "Con người" ra trước dư luận trong và ngoài nước bản kêu gọi đã công khai tố cáo chính phủ Việt Nam không coi dân chúng là "Con người" theo hiến pháp qua các vụ đàn áp, bắt bớ, tống giam, sách nhiễu, đe dọa những "con người" ấy.
Bản kêu gọi đòi hỏi nhà nước phải triệt để tôn trọng những điều căn bản của hiến pháp quy định cho "Con người" qua các quyền hạn mà nó đương nhiên được hưởng trong bất cứ thể chế hay chính phủ nào: tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp, phát biểu ý kiến, tự do thông tin và biểu tình.
Bản kêu gọi yêu cầu Quốc hội Việt Nam hủy bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam về “tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”và Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2005 “quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”.
Bản kêu gọi đưa ra đúng vào ngày 28 tháng 12 là phiên xử phúc thẩm ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Anh Ba Sài Gòn. Ba người bị kết vào điều 88 bộ luật hình sự bởi những bản án bỏ túi. Bản kêu gọi tuy tập trung chưa đựơc 100 chữ ký nhưng nội dung quan trọng của nó làm người quan tâm đến vấn đề cốt lõi phải nín thở chờ đợi những diễn biến kế tiếp.
Những điều luật vi hiến
Không thể nghi ngờ gì về tính phản dân chủ của Điều 88 BLHS và nghị định 38. Hai con át chủ bài của nhà nước đã dùng để triệt tiêu mọi nỗ lực xây dựng đất nước bằng các đóng góp mà bất cứ xã hội dân sự nào cũng cần thiết: quyền phát biểu của người dân.
Phó GS-TS Hồ Uy Liêm, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết việc ông ký tên vào bản kêu gọi này:
"Tôi nghĩ nhà nước sẽ suy nghĩ chứ còn khẳng định họ phản ứng tích cực ngay lập tức thì rất khó nói. Tất nhiên một nhà nước muốn phát triển thì còn nhiều cái. Phải sửa đổi rất nhiều thứ, nước nào cũng thế và đây là bước đầu để đàm bảo cho hiến pháp được thực thi một cách nghiêm chỉnh."
Bản kêu gọi tuyên chiến với lập luận phản dân chủ của thể chế hiện nay. Nó như luồng gió thổi vào không khí oi nồng có thể gây thành đám cháy chính trị qua cách hành văn của một bài hịch, đầy hào khí của những người có lẽ phải:
"Chúng tôi kêu gọi toàn thể đồng bào yêu cầu chính quyền các cấp phải bảo đảm thực hiện đúng các quyền con người của công dân đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Chúng tôi đề nghị các luật sư, luật gia, giảng viên luật hãy giải thích sâu rộng quyền con người của công dân cho đồng bào, cho chính quyền, cho những lực lượng như công an, quân đội, dân phòng, cho các tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… để mọi công dân Việt Nam được hưởng những quyền con người như những dân tộc khác trên thế giới, để những giới chức Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người cho đồng bào mình.
Chúng tôi kêu gọi cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ trong các cơ quan chức năng của Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền con người theo Hiến pháp Việt nam và Công ước quốc tế, không mù quáng tuân theo mệnh lệnh vi phạm quyền con người".
Những kêu gọi này diễn ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bí thư Lê Thanh Hải cùng tỏ ra lo ngại về "tổ chức chính trị đối lập" nếu hình thành sẽ là biến cố lớn cho hệ thống cầm quyền hiện nay. Do đó bản kêu gọi chắc chắn sẽ gặp phản hồi từ nhà nước chứ không còn như viên đá rơi xuống đại dương như từng xảy ra.
Ông Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố người ký tên trong bản kêu gọi cho biết:
"Tôi nghĩ rằng việc chúng tôi làm nó cũng đơn giản và dễ hiểu. Nó cũng nói về cái quyền cơ bản của công dân phải được tôn trọng. Đìêu này đã được ghi trong hiến pháp rồi cho nên bây giờ chỉ là thực thi thôi.
Vừa qua, qua những cuộc biểu tình hay những ý kiến đóng góp của nhiều người thì có hiện tượng những người đi biểu tình đó bị theo dõi, bị ngăn chận gây phiền nhiễu, rồi vô nhà. Như gia đình anh Mẫm công an đã xông vào trong nhà. Những quyền công dân như thế đã bị vi phạm.
Những anh em ký vào văn bản này kêu gọi phải thực hiện những cái quyền cơ bản đó. Chúng tôi không có ý định thành lập một tổ chức đối lập vì không thể thành lập tại Việt Nam do việc xin phép các tổ chức dân sự rất khó khăn."
Chỉ dấu quan trọng nhất trong bản kêu gọi này là đánh động sự thức tỉnh những con người đang phục vụ trong guồng máy. Phải chăng khi nào họ thức tỉnh "không mù quáng tuân theo mệnh lệnh vi phạm quyền con người" đó cũng là lúc đất nước sẽ đứng lên?
Điều còn lại là hàng triệu người tuy có lòng nhưng chưa kịp ký tên sẽ làm gì nếu những chữ ký trên bản kêu gọi này gặp phải gông cùm, xiềng xích thậm chí vấy máu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét