Pages

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Philippines phản đối kế hoạch thăm dò dầu khí của Đài Loan ở Trường Sa


Đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) thuộc quần đảo
Trường Sa, Biển Đông (DR)
Trọng Nghĩa
Khi tiết lộ kế hoạch cho thăm dò dầu khí trở lại ở vùng đảo mang tên quốc tế là Itu Aba thuộc quần đảo Trường Sa ngoài Biển Đông, hiện có ba nước khác cũng đòi chủ quyền là Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, chính quyền Đài Loan dư biết sẽ gặp phản ứng chống đối từ các láng giềng. Đúng như vậy, vào hôm qua, 29/12/2012, Philippines là nước đầu tiên lên tiếng phản đối.

Trong một tuyên bố, chính quyền Philippines khẳng định quyền chủ quyền của Manila trong việc “thăm dò và khai thác” nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình tại vùng biển Tây Philippines (tên nước này đặt cho Biển Đông). Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez, nói rõ là chỉ có nước ông mới có quyền thăm dò tại các vùng thuộc quần đảo Trường Sa nằm bên trong thềm lục địa dài 200 hải lý của minh.
Lời khẳng định của Philippines được đưa ra hai ngày sau khi chính quyền Đài Loan cho biết là vào năm tới họ sẽ bắt đầu tìm kiếm dầu khí ngoài khơi đảo Itu Aba ở Trường Sa, hiện do Đài Loan chiếm đóng, nhưng lại bị Trung Quốc, Philippines và Việt Nam tranh chấp chủ quyền. Đài Loan và Trung Quốc gọi đấy là đảo Thái Bình, trong lúc tên Philippines là Ligao, và tên Việt Nam là Ba Bình.
Tuy nhiên, trong phản ứng của mình, Manila không trực tiếp chỉ trích động thái của Đài Bắc. Ông Hernandez chỉ xác định là bất kỳ nước ngoài nào đến thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đều phải được sự đồng ý của Manila đúng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Phải nói là quyết định tiến hành thăm dò dầu khí của Đài Loan đã khuấy động thêm tình hình Biển Đông vốn đã căng thẳng, đặc biệt sau một loạt động thái hung hăng của Trung Quốc muốn áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ.
Trong số các nước có tranh chấp tại Biển Đông, Philippines cho đến hôm nay là nước duy nhất đã công khai lên tiếng phản đối quyết định của Bắc Kinh phái chiếc tàu tuần tra hải dương hiện đại của họ (Hải tuần 21) xuống Biển Đông tăng cường tuần tra, cũng như phản đối kế hoạch củng cố thành phố Tam Sa, đơn vị hành chánh được thành lập để quản lý tất cả các quần đảo tại Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình.

Không có nhận xét nào: