Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Một năm đầy sợ hãi của nhà cầm quyền CSVN


Icon_Symbols_Nations_ĐCS_n4
Song Chi/Người Việt
 Năm 2012, có thể nói là năm đầy sợ hãi của những người cộng sản hay nhà cầm quyền Việt Nam. Họ sợ mất thế độc quyền lãnh đạo, sợ đảng cộng sản và chế độ bị sụp đổ, sợ mất mát tất cả những gì đang sở hữu…
 Ðảng cộng sản cầm quyền càng lâu thì những căn bệnh trầm kha và quá trình thoái hóa, biến chất của đảng ngày càng lộ rõ. Nỗi sợ của nhà cầm quyền vì vậy cũng ngày càng tăng.
 Năm 2012 sắp hết. Nhìn lại tâm trạng của nhà cầm quyền Việt Nam trong năm qua, người ta có thể thấy rõ 2 điều: Sợ hãi và bất lực.

 Một phần, với Việt Nam năm 2012 thật sự là một năm khó khăn về mọi mặt, trong đó, nổi bật là sự khó khăn, khủng hoảng về kinh tế, sự lấn lướt, o ép của Trung Quốc đưa tới thảm họa mất chủ quyền trên biển Ðông đối với Việt Nam ngày càng rõ ràng, cuối cùng là sự bất mãn ngày càng lớn của dân chúng.
 Ðứng trước tình hình trên, nhà cầm quyền hầu như bất lực không biết làm cách nào để giải quyết cùng lúc quá nhiều vấn đề. Càng bế tắc, bất lực thì càng sợ hãi – có những nỗi sợ có thật và cả nỗi sợ do chính họ tự thổi phồng, tự hù dọa chính mình.
 Ðiều lạ lùng là trước mối họa bành trướng có thật từ Trung Quốc, nhà cầm quyền không sợ mất nước, mất biển như đại đa số người dân Việt Nam vốn nặng lòng yêu nước. Họ sợ gì? Sợ chiến tranh xảy ra.
 Cũng vẫn cái đảng cộng sản trước kia không biết ngán chiến tranh cho dù có phải hy sinh hàng triệu sinh mạng người dân, biến Việt Nam thành bãi chiến trường trong bao nhiêu năm, sau đó lại kéo quân sang Cambodia, đương đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, nay lại sợ chiến tranh hơn hết.
 Không phải ai xuyên tạc, chính miệng họ nói ra.
 Từ ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, một mặt tuyên bố phải “Giữ vững chủ quyền, một tấc đất cũng phải bảo vệ” (báo Lao Ðộng), nhưng mặt khác, luôn luôn lập đi lặp lại: “Phải giữ cho được môi trường hòa bình ổn định để xây dựng đất nước”.
 Lọc trong rất nhiều những lời tuyên bố tương tự của ông tổng bí thư và các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, có thể thấy quan điểm chủ đạo của họ là giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng con đường hòa bình.
Ðiều đó lý giải vì sao Trung Quốc tha hồ lấn lướt Việt Nam trên biển Ðông, nhà cầm quyền vẫn một mực nhẫn nhục. Sợ đến nỗi khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam cũng không dám nói là “cắt cáp” mà phải là “vô tình làm đứt cáp” chẳng hạn, và khi người dân đi biểu tình chống Trung Quốc thì đàn áp, bắt bớ…
 Không chỉ các ông lãnh đạo cấp cao, trong hàng ngũ tướng, tá bên quân đội, quốc phòng nhiều người cũng có suy nghĩ, quan điểm như vậy.
 Mới đây, khi đi giảng về biển Ðông cho lãnh đạo các trường đại học, ông Ðại Tá Trần Ðăng Thanh, Học Viện Quốc Phòng, nhấn mạnh: “Không được mất chủ quyền và quyền chủ quyền nhưng phải ưu tiên tối thượng là giữ được môi trường hòa bình”. Bởi vì “Ðể xảy ra chiến tranh, xin thưa với các đồng chí vất vả lắm.” (“Ðại Tá Trần Ðăng Thanh giảng về biển Ðông cho lãnh đạo các trường đại học, Nhật báo Ba Sàm).
 Còn đây, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: “Củng cố hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và xây dựng tổ quốc” (báo Quân đội Nhân dân).
 Hòa bình là điều ai cũng muốn nhưng có nên giữ hòa bình bằng mọi giá, trước một Trung Quốc tham lam không hề có ý dừng lại?
 Một nỗi sợ to lớn khác nữa của nhà cầm quyền là sợ đảng cộng sản bị nhân dân khai tử, chế độ bị sụp đổ.
 Ðể cứu vãn uy tín của đảng, cứu vãn chế độ, nhà cầm quyền đã phát động cả một cuộc vận động chỉnh đốn đảng, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, như lời kêu gọi của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi khai mạc hội nghị “Chỉnh đốn đảng vì sự tồn vong của chế độ”. Bắt đầu từ Bộ Chính Trị đến các tỉnh thành trong cả nước. Kéo dài qua hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành trung ương đảng vào tháng 10.
 Cuối cùng, kết quả là “Bộ Chính Trị đã xin nhận hình thức kỷ luật tập thể, ban chấp hành trung ương trong hội nghị lần thứ 6 đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn đảng, toàn dân”. Nhưng thực sự thì không có cá nhân nào bị kỷ luật cụ thể cái gì cũng không có ai bị mất chức!
 Cuộc vận động chỉnh đốn đảng bị phá sản. Ðọng lại trong người dân là hình ảnh ông tổng bí thư nghẹn ngào lúc đọc bài phát biểu kết thúc hội nghị 6 như chính thức thừa nhận sự thất bại của bản thân và của đảng cộng sản.
Bi hài hơn, chính ông tổng bí thư còn cho rằng “Chỉnh đốn đảng không nhằm kỷ luật một ai, mà chỉ nhằm chỉ ra những khuyết tật để sửa chữa” và “Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ.”
 Có nghĩa là vì sợ mất đoàn kết, mất ổn định nên nhà cầm quyền thà tiếp tục duy trì tình trạng mục rỗng từ bên trong, còn hơn quyết tâm làm trong sạch đến cùng, dễ có nguy cơ đưa đến sự sụp đổ của đảng như tấm gương cải tổ của Liên Xô trước kia.
 Sợ đa nguyên đa đảng-nên trong các cuộc họp Quốc Hội về dự thảo sửa bản Hiến pháp trong tháng 10 vừa qua, vẫn nhất định giữ điều 4 duy trì vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản.
 Sợ “diễn biến hòa bình” từ các nước dân chủ tác động đến Việt Nam, từ trong nhận thức của người dân và từ trong nội bộ đảng viên. Cái nguy cơ tan vỡ từ bên trong này mới là lớn nhất. Nhà cầm quyền đã tổ chức các hội thảo khoa học “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ đảng viên”, lặp đi lặp lại mối nguy này như mê sảng.
 Sợ nhân dân. Coi nhân dân như thù địch, trong năm qua thế giới đã chứng kiến nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục sử dụng bàn tay sắt với nhân dân như thế nào. Bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, thông tin…
Con số các nhà báo tự do, blogger bị bắt, bị đem ra xử với những bản án nặng nề ngày càng nhiều mà điển hình là 3 blogger của CLB Nhà Báo Tự Do.
 Ngay các nhà báo làm việc cho báo chí nhà nước cũng không thoát khỏi, điển hình là vụ nhà báo Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ bị kết án 4 năm tù vì đã viết bài đụng chạm đến thực trạng tham nhũng trong ngành công an giao thông.
 Năm 2012 người dân cũng chứng kiến nhà cầm quyền sợ hãi những tiếng nói, thông tin độc lập đến nỗi chính ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo “Các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm việc đăng tải nội dung chống đảng và nhà nước” qua công văn hỏa tốc số 7169/VPCP-NC.
 Văn bản cũng cấm “Các bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động”.
 Tại hội nghị công an toàn quốc chiều 17 tháng 12, ông thủ tướng chỉ đạo cho ngành công an phải “làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch… cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập chống phá và đi ngược lợi ích của đất nước, của nhân dân”. (“Thủ tướng chỉ đạo công tác công an thời gian tới”, báo điện tử chính phủ)
 Tại hội nghị về phát triển kinh tế xã hội năm 2003 trong hai ngày 25-26 tháng 12, ông thủ tướng lại nhắc lại điều này, kêu gọi cảnh giác với “kẻ xấu lợi dụng công nghệ cao, Internet để bôi nhọ, tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước” (“Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ năm 2013”, báo điện tử chính phủ).
 Ðó là chưa kể phát biểu của các quan chức lãnh đạo khác.
 Xem thế để thấy nỗi sợ của nhà cầm quyền đã rõ như thế nào.
 Nếu như sự sợ hãi trước viễn cảnh sụp đổ của đảng, của chế độ có thể đưa đến những quyết định can đảm, sáng suốt là chấp nhận hy sinh đảng, chế độ vì quyền lợi to lớn hơn gấp nhiều lần của đất nước và dân tộc, thì có vẻ như nhà cầm quyền Việt Nam lại đang chọn lựa con đường ngược lại: Tiếp tục tăng cường bạo lực để bóp nghẹt mọi sự phản kháng, nhằm hy vọng giữ được sự tồn tại của đảng.
 Liệu đó có phải là sự lựa chọn khôn ngoan?

Không có nhận xét nào: