Pages

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Nhận diện Patriot đánh chặn tên lửa Triều Tiên

TPO –Nhật Bản không có ý định bắn hạ nếu tên lửa của Triều Tiên không đe dọa an ninh quốc gia, nhưng Tokyo để ngỏ khả năng “ra đòn” một khi tên lửa hoặc các mảnh vỡ bay lạc vào lãnh thổ nước này.
Một hệ thống tên lửa Patriot được đưa vào tàu Kunisaki vào sáng sớm hôm nay, 3-12.

Theo Voice of Russia, tàu chở hàng Kunisaki của lực lượng Hải quân Nhật Bản mang theo hệ thống tên lửa Patriot "đất-đối-không" (PAC-3) đã rời cảng ở căn cứ quân sự Kure gần Hiroshima vào sáng sớm hôm nay, 3-12 (theo giờ địa phương) và đang tiến về phía Okinawa. Quan chức Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, hệ thống tên lửa PAC-3 có nhiệm vụ vô hiệu hóa các mảnh vỡ tên lửa.
Ngoài ra, Tokyo cũng lên kế hoạch điều động khu trục hạm được trang bị hệ thống "Aegis" để theo dõi hành trình của tên lửa của Triều Tiên khi đi vào bầu khí quyển.


Nhận định của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hành trình của tên lửa Triều Tiên có thể ngang qua phía trên đảo Sakisima thuộc miền Nam Nhật Bản.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục bày tỏ quan ngại trước quyết định phóng thử tên lửa của Triều Tiên trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 22-12 tới.

Ngày hôm nay, Hãng Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ Chính phủ khẳng định: Triều Tiên đã chính thức bắt tay vào việc chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa tầm xa. “Hàn Quốc có đầy đủ chứng cứ về việc Triều Tiên đã cho vận chuyển tầng đầu tiên của tên lửa đẩy từ khu xưởng lắp ráp tới bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Sohae ở Tây - Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, những hình ảnh chụp từ vệ tinh không được sắc nét do ảnh hưởng của thời tiết suơng mù”, hãng Yonhap cho biết.
Hàn Quốc: Triều Tiên đã vận chuyển tầng đầu tiên của tên lửa đẩy từ khu xưởng lắp ráp tới bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Sohae.

Cùng ngày Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố, nhấn mạnh kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên là “hành động khiêu khích cao độ, đe dọa hòa bình và an ninh ở khu vực". Việc phóng vệ tinh có sử dụng công nghệ đạn đạo sẽ bị coi là hành vi vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Washington và Seoul theo dõi sát sao việc chuẩn bị tên lửa của Bình Nhưỡng cho đến khi tên lửa rời bệ phóng”, - Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.
Ngày 3-12, Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Triều Tiên xét lại quyết định về việc phóng tên lửa.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow không nghi ngờ về quyền của Triều Tiên trong việc nghiên cứu vũ trụ hòa bình. Nhưng việc này chỉ có thể thực hiện sau khi hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cấm nước này phóng tên lửa tầm xa lớn với sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, Moscow cũng để ngỏ khả năng sẵn sàng làm việc với các đối tác trong cuộc đàm phán sáu bên tiếp tục các nỗ lực để giải quyết vấn đề của bán đảo Triều Tiên, một trong những kết quả trong số đó có thể sẽ là bãi bỏ hạn chế trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên.
Trước đó, ngày 1-12, Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA thông báo, Bình Nhưỡng sẽ phóng một quả tên lửa tầm xa trong khoảng từ ngày 10 tới 22-12 tới. /Tùng Dương

Không có nhận xét nào: