Pages

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Gương mặt độc tài, bá đạo, vô văn hóa của Nguyễn Bá Thanh

Ông Nguyễn Bá Thanh

Từ một giám đốc nông trường Quyết Thắng nằm chênh vênh trên mạng Tây tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (cũ), leo dần lên đến chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà nẵng, đến đây, có thể nói, một bước đột phá trong chính cuộc đời ông khởi sự, ông đã khéo biến thành phố Đà Nẵng từ một cái thành phố nghèo nàn, đi đâu cũng gặp mùi cá biển kho dưa trở thành một thành phố giàu có bậc nhất miền Trung và nổi tiếng cả nước.

Nhìn chung, về khả năng làm kinh tế thì Nguyễn Bá Thanh chẳng kém mấy ai, tài ăn nói cũng khá lưu loát và thần sắc cũng phải nói là rất “ngầu”.

Tuy nhiên, khi thành phố Đà nẵng trở nên giàu có, đây cũng là lúc một Nguyễn Bá Thanh tham vọng chính trị đến lố bịch và vô văn hóa bắt đầu lộ diện.

Cái lố bịch đầu tiên mà người dân dễ nhận biết là vào năm 2010, trong một cuộc họp hội đồng thành phố, do Nguyễn Bá Thanh chủ trì, ông thẳng thừng tuyên bố trên truyền hình (trực tiếp):

“Tui nghe nói vừa rồi có tin đồn là tui sắp nghỉ hưu hoặc là ra trung ương, cho đến bây giờ tui vẫn chưa điều tra ra ai đã phao tin này, nhưng tui muốn nói với quí vị là tui còn làm ở đây lâu lắm, làm nữa, làm đến bao giờ tui thấy được kia tui mới đi, dễ gì mà tui nghỉ, đừng có mà mơ chuyện hão huyền rồi đồn rùm beng lên, tui còn làm nữa!...”.

Cũng trong cuộc họp này, khi nói về những chiếc cầu bắc qua sông Hàn, ông lắc đầu, bĩu môi:

“Ai nói mấy cái cầu trên sông Hàn đó là đẹp, tui chẳng thấy có chi là đẹp hết, tui sẽ xây những cây cầu đẹp hơn nó nhiều, hoành tráng hơn nhiều và mang tầm vóc lịch sử kia, ăn thua chi ba cái cầu cũ của thời Mỹ nó để lại mà cứ bảo là đẹp, rồi nói cầu Trần Thị Lý nó đẹp, tui thấy chẳng có chi mà đẹp…”.

Nhìn chung, từ bộ dạng cho đến cách hành xử của ông Chủ tịch Thanh đều mang dáng dấp của một tay hảo hớn giang hồ có máu mặt nhưng cũng ưa se sua, đôi khi quá đà, đâm ra hổ lốn và giống cướp biển hơn nhà nhà lãnh đạo.

Nhưng, suy cho cùng, nếu chỉ lố bịch một tí thì cũng không sao, vì so ra, giữa công trạng làm cho thành phố giàu lên so với tật xấu, lố bịch, có vẻ như công trạng của ông lấn át cái kia.

Chỉ nghiệt là mức độ của ông Thanh không dừng ở sự lố bịch, trịch thượng mà đã sang ngưỡng vô văn hóa.

Vì lẽ, khi xét một con người, nếu là cá nhân này có tương tác bao trùm xã hội, cộng đồng thì không cần xét nhiều về đối đãi xã hội của họ, vì điều này đã được “tử tế mặc định”, mà chỉ cần nhìn vào cách đối xử của họ với những gì thuộc về lịch sử, văn hóa thì sẽ cho ra kết quả người này có văn hóa hay không.

Trường hợp ông Thanh, không biết ông có bị một thứ mặc cảm nào đó trong quá khứ với Đà Nẵng hay không mà dường như những công trình ông cho là sẽ nâng tầm văn hóa thành phố đều có nguy cơ đạp nát tất cả những giá trị văn hoa cổ xưa của Đà Nẵng.

Đầu tiên cần nhắc đến là Cầu Vồng – Đà Nẵng, có thể nói đây là chiếc cầu vượt đầu tiên của thành phố Đà nẵng, được xây dựng vào những năm 1950, nằm trên trục đường kéo dài từ ngã ba Cây Lan xuống bến sông Bạch Đằng, hai bên đường là hàng xà cừ tỏa bóng, ban ngày, lên đến giữa Cầu Vồng, đứng ngắm thành phố với những mái nhà ngói đỏ nằm nhấp nhô như sóng lượn, tối đến, lên cầu đứng hóng gió, nhìn tàu lửa chạy dưới chân mình, thi thoảng có vài cục than đỏ do ma sát đường ray và bánh tàu rơi ra, đám trẻ nhỏ chạy ra hiên nhà đứng nhìn đoàn tàu, khung cảnh thơ mộng và đẹp như tranh.

Rất tiếc, trong công nghiệp nâng tầm thành phố của ông Thanh, Cầu Vồng được nhắm đến đầu tiên, ông cho san bằng Cầu Vồng và đốn sạch hàng cây xà cừ hai bên đường, mở rộng con đường chạy thẳng xuống cầu quay Sông Hàn, lấy tên là đường Lê Duẩn.

Từ đó, Cầu Vồng mất dấu, người ta nói về Đà Nẵng với cầu Sông Hàn, cây cầu này được lăng – xê hết mức, thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.

Chưa hết, công trình gần đây nhất là cầu Rồng, để xây dựng cầu Rồng, việc đầu tiên là ông Thanh cho san bằng trường trung học Trần Phú, mà tiền thân của trường trung học Trần Phú vốn là trường trung học Sao Mai, thành lập năm 1959, do Giáo Hội Công Giáo Đà nẵng xây dựng và quản lý, đến năm 1975, nhà nước Cộng sản chiếm cứ và đặt lại tên trường này là Trần Phú.

(Trường Sao Mai trước 1975 là một trường học tư thục uy tín, dành cho giới nhà giàu và con cháu nhà Dòng, nói chung là những ai có khả năng kinh tế và quan tâm đến tri thức, văn hóa đều muốn gửi con mình vào trường Sao Mai để học tập. Xét về góc độ lịch sử ngành giáo dục, đây là ngôi trường có bề dày lịch sử và gắn liền với sinh hoạt văn hóa – tâm linh của giáo phận Đà Nẵng, thậm chí, sau 1975, khi đã mang tên trường Trần Phú, ngôi trường này vẫn là một ngôi trường khắc dấu trong nhiều thế hệ học trò, đặc biệt, về mặt kiến trúc thì đây là một trong những công trình kiến trúc rất đẹp, nó đóng vai trò gạch nối giữa Đà Nẵng xa xưa và Đà Nẵng hiện tại).

Nhưng, khi quyết định xây cầu Rồng, để ráp một con rồng to nhất thế giới (chuyện này cũng buồn cười, vì trong tín ngưỡng dân gian khắp năm châu này, có mấy nước thờ rồng làm biểu tượng, và có bao nhiêu nước đúc rồng ngoài đường giống Việt Nam?!

Việt Nam vốn là nước có truyền thuyết xem mình là con rồng cháu tiên, đương nhiên phải là xứ thờ rồng rồi, và chuyện khoe rồng của mình to nhất thế giới chẳng khác nào người châu Phi tự khen mình có làn da đen nhất hành tinh, vì có nói là đen nhất vũ trụ cũng chẳng có ai cãi với họ! Chuyện rồng Đà nẵng dài và to nhất thế giới, nghe ra rất khôi hài và ốt dột!), ông Thanh sẵn sàng cho san bằng trường trung học Sao Mai, sau đó di dời hàng ngàn hộ dân để làm đường dẫn vào cầu Rồng, tiếng kêu oan thấu trời vì mất đất, đền bù giải tỏa không thỏa đáng, trong đó nổi cộm nhất là vụ anh Phạm Thành Sơn đã tự thiêu trước cổng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng để phản đối sự bất công mà nhà cầm quyền đã ném vào gia đình anh trong chính sách đền bù, giải tỏa đất đai.

Cuối cùng, ai chết cứ chết, ai tiếc nuối trường Sao Mai thì mặc kệ tiếc nuối, trường vẫn cứ đập, rồng vẫn cứu chễm chệ mọc lên giữa sông Hàn, không những là rồng bình thường mà rồng phun lửa ban đêm, phun nước ban ngày, to nhất thế giới cơ!

Chưa hết, đến giáo xứ Cồn Dầu, mặc cho nhân dân không đồng ý di dời vì cộng đoàn giáo dân ở đây đã gắn bó quá lâu đời, Cồn Dầu đã trở thành chiếc nôi tâm linh và là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đoàn tôn giáo suốt trăm năm nay.

Nhưng, để xây dựng khu dân cư gọi là “sinh thái – văn hóa”, Nguyễn Bá Thanh không từ bỏ bất kì thủ đoạn nào, từ việc cho tay chân bộ hạ gài thế để lừa bà con ký giấy nhận đền bù ít ỏi, sau đó là xua đuổi những ai không đồng ý ký giấy nhận đền bù, và gần đây là đàn áp, đánh đập, thậm chí giết tróc, dùng tiền bạc để mua chuộc, xúi những giáo dân đã lỡ ra khu dân cư mới dắt công an trá hình côn đồ xông vào đánh đập những giáo dân đang bám trụ trong giáo xứ Cồn Dầu.

Và sắp tới là kế hoạch san bằng nghĩa trang Cồn Dầu, sau đó sẽ là ngôi thánh đường Cồn Dầu, và khu dân cư mới sẽ mọc lên ở đây. Đó là điều khó tránh khỏi nếu nhưi Nguyễn bá Thanh không nhân nhượng bà con giáo dân Cồn Dầu.

Nhưng, chuyện Thanh nhân nhượng bà con nghe ra chẳng khác nào bảo Thanh hãy nói: Rồng trên cầu Rồng nhỏ nhất thế giới!

Có một điều lạ là tất cả mọi cuộc san ủi, đập phá và đạp đổ của Nguyễn Bá Thanh đều nhắm vào những nơi có tính văn hóa, lịch sử của người Công Giáo (Cầu Vồng, trường Sao Mai, Giáo xứ Cồn Dầu).

Xét về góc độ phân tâm học, rất có thể, tuổi thơ của ông Thanh đã mang một vết thương hoặc nỗi mặc cảm nào đó với những sinh hoạt văn hóa Công Giáo.

Nhưng đó là chuyện của chuyên khoa phân tâm học. Trong thực tế, hiện tại, ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch, và là Bí thư thành ủy của thành phố Đà Nẵng, mọi hành xử và giải quyết của ông Thanh phải nhân danh sự yên bình của nhân dân, và mọi mục tiêu của một người đứng đầu thành phố phải nhắm đến là nền an sinh của đại bộ phận cư dân của thành phố đó.

Dường như tất cả những hành xử của ông Thanh đều cho cư dân Đà Nẵng một cái nhìn lo sợ trước ông Chủ tịch đầy quyền lực và gắt máu (ngay cả ông Thiếu tướng công an như Nguyễn Văn Thanh cũng không nằm ngoài tầm sát phạt, đày đọa của Nguyễn Bá Thanh!).

Sắp tới đây, không biết câu chuyện sẽ đến đâu khi Nguyễn Bá Thanh chính thức ngồi vào ghế và thực hiện quyền uy của Trưởng ban nội chính trung ương CSVN, và câu chuyện sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ khi ông Thanh liên kết đủ phe cánh trên bộ sậu chóp bu trung ương đảng.

Thậm chí, có người còn dự đoán ông Thanh sẽ là Tổng thống đầu tiên của Việt Nam kể từ 1975 đến nay và ông sẽ là một Gorbachev của Việt Nam.

Đương nhiên, xét trên góc độ làm kinh tế, thần thái của một nhà lãnh đạo, ông Thanh không thiếu, thậm chí có lúc hơi thừa (chí ít là so với Nguyễn Tấn Dũngvà bộ sậu chóp bu trung ương đảng Cộng sản) nhưng xét trên khía cạnh văn hóa của một nhà lãnh đạo, thì ông Thanh có vấn đề trầm trọng, và mọi nguy cơ sẽ đổ ập lên đầu dân tộc Việt Nam này một lần nữa nếu như nền chính trị độc tài, chuyên quyền hiện tại được thay thế bằng một kiểu tư bản bá đạo mang đậm dấu ấn Cộng sản trong cốt tủy!

Đương nhiên, mọi thứ vẫn đang nằm ở phía trước, và những giá trị văn hóa mất đi thì đã vĩnh viễn mất dấu, nỗi đau của giáo dân Cồn Dầu vẫn còn dai dẳng, chưa nguôi.

Gương mặt tham vọng chính trị và tính chất độc tài, bá đạo, vô văn hóa của Nguyễn Bá Thanh thì ngày thêm hiện rõ!

Suy cho cùng, phe Dũng hay phe Thanh mạnh lên, thắng cuộc thì nhân dân vẫn cứ khổ triền miên vì những con người mang máu Cộng sản tận gốc rễ này!

Viết từ Sài Gòn

Ngày 26/03/2013

(RFA Blog's)

Không có nhận xét nào: