Ảnh minh họa
|
Trước đó, hôm 31/1, nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin, giới chức không quân Trung Quốc đang tích cực phác thảo kế hoạch thành lập một vùng nhận diện phòng không mới ở Biển Đông. Vùng phòng không này có thể đặt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam làm trọng tâm.
Sau khi thông tin trên được tung ra, một loạt quan chức Mỹ đã ngay lập tức có phản ứng. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf đã thẳng thừng tuyên bố, bất kỳ động thái lập vùng phòng không mới nào của Trung Quốc đều được xem là “một hành động đơn phương và mang tính khiêu khích, có thể làm leo thang căng thẳng và làm dấy lên những hoài nghi về cam kết của Trung Quốc đối với tiến trình giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp ngoại giao”.
Ông Evan Medeiros – Giám đốc cấp cao phụ trách vấn đề Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thậm chí còn đưa ra cảnh báo sắc lạnh rằng, hành động thiết lập một vùng nhận diện phòng không mới của Trung Quốc có thể khiến quân đội Mỹ phải thay đổi sự hiện diện cũng như cách bố trí lực lượng trong khu vực.
Phản ứng trước những thông tin và phát biểu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi hôm qua đã cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, “nhìn chung, phía Trung Quốc chưa cảm thấy có bất kỳ mối đe dọa an ninh nào từ các quốc gia ASEAN và lạc quan về mối quan hệ của mình với các nước láng giềng cũng như tình hình chung ở Biển Đông”. Phát biểu của ông Hồng Lỗi ám chỉ rằng, Trung Quốc chưa có ý định thành lập vùng phòng không ở Biển Đông như tờ báo của Nhật đưa tin.
Sau khi bác bỏ thông tin về vùng phòng không ở Biển Đông, phát ngôn viên Hồng Lỗi cũng không quên quay sang chỉ trích Nhật Bản – nước đang có cuộc đối đầu căng thẳng và quyết liệt với Trung Quốc vì tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Ông Hồng Lỗi cho rằng, các lực lượng cánh hữu Nhật Bản liên tục “làm toáng lên” về cái gọi là kế hoạch thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông của Trung Quốc. Ông này cáo buộc, động thái của Nhật Bản ẩn chứa động cơ ngầm với mục đích đơn giản là “che đậy, chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế ra khỏi âm mưu của nước này nhằm thay đổi hiến pháp hòa bình và bành trước sức mạnh quân sự”.
Trong khi đó, đáp trả những lời cảnh báo của Mỹ, phát ngôn viên Hồng Lỗi cho hay, Trung Quốc hy vọng các bên liên quan thận trọng trong lời nói và hành động, duy trì một lập trường khách quan, bình tĩnh đồng thời cùng nỗ lực với Trung Quốc để đóng góp cho hòa bình, sự ổn định và an ninh ở vùng trời, vùng biển trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi cũng tuyên bố, Trung Quốc có quyền hợp pháp để thực thi tất cả các biện pháp, trong đó có việc thiết lập vùng phòng không, để bảo vệ an ninh quốc gia.
Trên thực tế, thông tin về việc Trung Quốc có ý định thành lập vùng phòng không ở Biển Đông đã được nhiều nguồn tin tiết lộ trong thời gian gần đây. Thông tin này không phải không có cơ sở khi mà một số quan chức cấp cao của Trung Quốc từng có phát biểu ám chỉ về việc đó. Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc từng gây “sóng gió” trong khu vực khi đột ngột đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, bao trùm cả các khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa nước này với hai nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.
Người ta tin rằng, việc thiết lập các vùng phòng không nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm tiến tới xác lập chủ quyền đối với các vùng tranh chấp giữa nước này với một loạt các nước láng giềng. Trung Quốc từ lâu đã nhăm nhe tham vọng độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, sau khi động thái thiết lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông của Trung Quốc vấp phải phản ứng dữ dội và quyết liệt của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh chắc chắn không thể tung ra động thái tương tự ở Biển Đông bởi điều đó sẽ đẩy họ vào tình thế bị “bao vây” tứ phía.
Trung Quốc không thể thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông trong thời gian trước mắt. Đây là nhận định chung của chính các chuyên gia đến từ Trung Quốc.
"Dựa trên những tuyên bố chính thức của Trung Quốc trong những tháng gần đây và chiến lược khu vực của mình, Trung Quốc sẽ không thể thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông và làm dấy lên căng thẳng trong khu vực”, ông Shi Yinhong – một giáo sư về quan hệ quốc tế ở trường Đại học Renmin cho biết.
Trong khi đó, Giáo sư Jia Qingguo đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Peking, cho rằng, nhu cầu thiết lập một vùng phòng không ở Biển Đông không cấp thiết bằng ở biển Hoa Đông.
Rõ ràng, Bắc Kinh thừa hiểu rằng, sau vụ thành lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã gây lo ngại cho các nước láng giềng Đông Nam Á. Vì thế, nếu Trung Quốc tiến tới việc tung ra một hành động tương tự ở Biển Đông, khu vực này sẽ rơi vào sóng gió. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự xa lánh của các quốc gia Đông Nam Á ngoài cuộc đối đầu với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây không phải là một tình thế có lợi cho Trung Quốc./Vân Linh - (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét