Pages

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Mỹ-Châu Á : Ba trục trặc trong chiến lược xoay trục

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) trong cuộc họp báo chung với
đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa tại 
Jakarta, ngày
17/02/ 2014.  
REUTERS/Evan Vucci/Pool
Trọng Nghĩa
Vào hôm nay, 17/02/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kết thúc vòng công du châu Á đã lần lượt đưa ông đến Hàn Quốc, Trung Quốc, và Indonesia. Mục tiêu tiềm ẩn của chuyến thăm được cho là để thúc đẩy thêm chiến lược « xoay trục » hay « tái cân bằng » của Mỹ qua vùng châu Á Thái Bình Dương. Đối với Tuần báo Anh The Economist, đây là điều cần thiết vì chiến lược này của Mỹ đang gặp phải ba cản lực : Thái độ đối kháng của Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc quá lố nơi đồng minh Nhật Bản, và các rào cản đối với thỏa thuận thương mại TPP.

Dưới hàng tựa lớn ở mục Châu Á : "Đà tái cân bằng đang bị mất", trong số đề ngày 15/02/2014, The Economist đã nhận xét một cách thẳng thừng: "Sự tình tại châu Á đang không đi theo cách của Mỹ".
Tuần báo Anh trước hết ghi nhận rằng chính quyền Obama có vẻ hết sức nhậy cảm trước những lời cáo buộc theo đó họ đang lơ là châu Á. Vì thế các quan chức Mý đã nỗ lực nhắc nhở thế giới rằng đây là chuyến đi thứ năm của ông Kerry đến vùng Đông Bắc và Đông Nam Á trong một năm. Người kế nhiệm bà Hillary Clinton đã bị khu vực đặc biệt chỉ trích là quá bận tâm với hòa bình ở Trung Đông và xem nhẹ chiến lược "xoay trục" hay "tái cân bằng" của Mỹ sang vùng châu Á, từng được Tổng thống Obama công bố trong nhiệm kỳ đầu.
Đối với The Economist, dù số dặm bay của ông Kerry có cao, ngành ngoại giao Mỹ ở châu Á không khởi sắc lắm. Tuần báo Anh nêu bật ba yếu tố : Quan hệ với cường quốc đang vươn lên là Trung Quốc vẫn khó khăn; Hoa Kỳ lại có mâu thuẫn về các vấn đề quan trọng với đồng minh khu vực lớn nhất của mình là Nhật Bản; và thứ ba là các nỗ lực của Mỹ để đúc kết một thỏa thuận thương mại mới cho khu vực đã không hoàn thành được theo thời hạn dự trù.
Về nhân tố Trung Quốc, một số nhà ngoại giao châu Á, theo The Economist, đã nhận xét rằng sở dĩ mọi người cảm thấy là Mỹ lơ là khu vực, đó là vì thái độ quyết đoán gần đây của Trung Quốc nhằm áp đặt các đòi hỏi lãnh thổ của họ trong khu vực. Theo các nhà ngoại giao này, ông Obama đã bắn đi một tín hiệu sai lạc, khi tự mình rút ra khỏi hai cuộc họp thượng đỉnh ở Đông Nam Á hồi tháng Mười năm ngoái vì chính phủ của ông bị đóng cửa một phần.
Dù nguyên nhân có như thế nào chăng nữa, nhưng hành vi bị cho là quyết đoán của Trung Quốc có một hậu quả : Đó là cản trở việc hình thành mối quan hệ hợp tác và trên bình diện rộng mà cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều nói rằng họ muốn thiết lập. Thay vào đó, cuộc họp nào cũng bị những căng thẳng trong khu vực khuấy động, đặc biệt là mối lo ngại về nguy cơ Nhật Bản và Trung Quốc xung đột với nhau trong bối cảnh cả không quân và hải quân hai bên đều tuần tra vùng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp.
Mỹ cho biết họ không bênh ai về vấn đề chủ quyền các hòn đảo, nhưng công nhận là quần đảo này thuộc quyền quản lý của Nhật Bản, do đó nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh với Nhật Bản.
Không được lập ADIZ ở Biển Đông nơi có đường lưỡi bò phi pháp
Tuần báo Anh nhắc lại : Vào đầu tháng 2, một quan chức cấp cao của Mỹ đã chỉ trích tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần của Biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp. Nhân vật Mỹ này cảnh báo rằng, nếu Bắc Kinh tuyên bố một vùng phòng không khác trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc cũng tranh chấp chủ quyền với Đài Loan và bốn quốc gia Đông Nam Á, điều đó có thể buộc Mỹ bố trí lại lực lượng.
Theo cùng một chiều hướng, Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á đã công kích "đường chín đoạn" mà Trung Quốc vẽ ra trong một tấm bản đồ từ thập niên1940, để xác định chủ quyền của họ đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Theo ông Russel, đường ranh đó hoàn toàn không có giá trị pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trên điểm này, ký giả của The Economist đã có một bình luận đầy châm biếm : Các quan chức Trung Quốc có thể nghĩ rằng việc ông Russel viện dẫn UNCLOS có vẻ buồn cười vì Mỹ, trái với Trung Quốc, chưa bao giờ phê chuẩn công ước này. Thế nhưng Trung Quốc lại có vẻ như không muốn giới hạn các yêu sách chủ quyền của họ bằng cách trích dẫn công ước đó !
Bắc Kinh dĩ nhiên đã bác bỏ các chỉ trích của Washington, mà họ cho rằng đã kích động các nước thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Đầu tháng Hai này, Bắc Kinh đã cảm thấy bị xúc phạm khi Tổng thống Philippines Aquino đã so sánh thái độ thụ động của thế giới trước các hành động lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông với việc nhượng lãnh thổ cho Đức Quốc xã để cầu hòa trong những năm 1930.
Philippines cũng là một đồng minh có hiệp ước phòng thủ với Mỹ, nhưng tuần báo Anh ghi nhận là trái với lời hứa của họ với Nhật Bản trong trường hợp Senkaku, Mỹ đã nói rõ là bảo đảm an ninh của họ đối với Philippines không bao gồm khu vực tranh chấp với Trung Quốc (và với những nước khác).
Xu hướng dân tộc chủ nghĩa quá trớn tại Nhật làm Mỹ khó xử
Hãng tin chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa Xã, cũng đã lên án Mỹ tiếp tục "làm cho kẻ gây rối Nhật Bản hư hỏng". Đối với Trung Quốc quyết định của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni vào tháng 12/2013, là bằng chứng về thái độ không ăn năn của Tokyo đối với quá khứ đế quốc của Nhật Bản và về ý định làm sống lại thời quân phiệt vàng son. Rồi đến đầu tháng Hai này, một người được ông Abe cử lên lãnh đạo đài nhà nước NHK lại lên tiếng phủ nhận vụ tàn sát Nam Kinh do lính Nhật gây ra vào năm 1937...
Đối với Mỹ, tất cả điều trên là một bài toán nhức đầu. Theo The Economist, Hoa Kỳ muốn Nhật Bản gánh vác thêm vấn đề an ninh khu vực, và hoan nghênh mong muốn của ông Abe giải thích lại hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, giảm nhẹ các hạn chế đang trói tay nước này về mặt quân sự. Mỹ cũng cần sự hỗ trợ của ông Abe trong kế hoạch di chuyển một căn cứ không quân Mỹ gây tranh cãi trên đảo Okinawa. Nhưng Mỹ không thể không lên án xu hướng của cánh hữu Nhật Bản, coi mọi sự chỉ trích tội ác chiến tranh của Nhật Bản là "công lý của kẻ chiến thắng".
Ông Obama sẽ đến thăm Nhật Bản (cũng như Malaysia, Philippines và Hàn Quốc) vào tháng Tư. Ở Nhật Bản, ông sẽ phải tìm cách để tách biệt Mỹ với chủ nghĩa xét lại của ông Abe. Tuy nhiên, nếu tỏ ra quá nghiêm khắc với ông Abe, Mỹ sẽ biếu không cho Trung Quốc một chiến lợi phẩm ngoại giao : Một rạn nứt công khai giữa hai đồng minh kết ước.
Chiến lược của Mỹ trong khu vực hiện đang phải chịu tác hại từ quan hệ xấu đi trông thấy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nước thậm chí còn nhạy cảm hơn trước các cố gắng viết lại lịch sử của Nhật Bản.
Tuy nhiên, chính Bắc Triều Tiên mới là một mối đe dọa thường trực - và hạt nhân - đối với an ninh khu vực. Thật vậy, những lo ngại về sự ổn định của chế độ Bình Nhưỡng đang gia tăng. Lợi ích của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chính là đồng ý với nhau về một chiến lược chung để đối phó với Bắc Triều Tiên.
Thế nhưng bốn nước này còn quá bận rộn trong việc bất đồng ý kiến với nhau.
TPP với những bước tiến có thể sẽ rất ì ạch
Chính quyền Obama vẫn đang bền bỉ ra sức thuyết phục châu Á rằng chiến lược xoay trục của Mỹ có tầm vóc rất lớn. Chính sách này đã kéo theo một loạt tuyên ngôn về vận mệnh Thái Bình Dương của Mỹ, những chuyến công du như con thoi của các quan chức cấp cao Mỹ, một vài quyết định tái bố trí lực lượng quân sự khiêm tốn và trong những tháng gần đây, một sự nhấn mạnh nhiều hơn đến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - Trans- Pacific Partnership (TPP), một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng giữa Mỹ, Nhật Bản và mười quốc gia khác (không có Trung Quốc), chiếm tới một phần ba thương mại toàn cầu.
Sau khi bỏ lỡ mục tiêu hoàn tất TPP trong năm 2013, các nhà đàm phán sẽ gặp lại nhau tại Singapore vào ngày 22/02/2014 để thử đạt mục đích một lần nữa. Họ sẽ có được một cú hích nếu ê kíp của ông Obama được Quốc hội Mỹ trao quyền gọi là "tiến nhanh" để đạt thỏa thuận, một thỏa thuận sau đó sẽ không còn bị ngành lập pháp soi mói từng dòng một.
Thế nhưng tìm được sự chuẩn y của Quốc hội về quyền "tiến nhanh" này quả là một vấn đề rất khó khăn vào lúc này. Các cố vấn của ông Obama nói rằng Tổng thống Mỹ vẫn đang cố gắng.
The Economist kết luận : Nhiều người ở châu Á, vốn vẫn hoài nghi về việc vị "Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ" thực sự muốn nước ông đóng vai trò hàng đầu trong khu vực, sẽ muốn nhìn thấy ông khổ nhọc thế nào.

Không có nhận xét nào: