PARIS (NV) .- Khi thảo luận về tự do thương mại với Việt Nam, Nghị viện Châu Âu cần cân nhắc về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Một số phụ nữ nghèo bán trái cây dạo trên đường phố Hà Nội mấy ngày cận tết Giáp Ngọ. Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền thúc Liên Âu đòi cộng đồng Âu châu coi nhân quyền là một trong những điều kiện của hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
|
Đó là nội dung một khuyến cáo mà Liên đoàn Quốc tế vì nhân quyền (FIDH - bao gồm 164 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới), gửi cho Nghị viện Châu Âu trước khi Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu biểu quyết về việc tu chính dự thảo một nghị quyết liên quan đến Thỏa ước tự do mậu dịch giữa Cộng đồng châu Âu (EU) với Việt Nam.
Theo bà Gaelle Dusepulchre, đại diện FIDH tại Châu Âu, tổ chức này đã yêu cầu EU phải chú ý đến những vấn nạn về tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo, nhà nước pháp quyền và cần có biện pháp cần thiết để bảo đảm rằng nhân quyền phải được chế độ Hà Nội bảo vệ, tôn trọng.
FIDH hy vọng dự thảo nghị quyết về Thỏa ước tự do mậu dịch giữa EU và Việt Nam sẽ trở thành một cơ hội hữu ích, một công cụ trợ giúp sự quan tâm về nhân quyền trong giao thương với nhà cầm quyền CSVN.
Theo FIDH, Thỏa ước tự do mậu dịch giữa EU với Việt Nam nên có các điều khoản ràng buộc rõ ràng để bảo đảm rằng nhà cầm quyền CSVN sẽ bảo vệ nhân quyền, đặt định biện pháp chế tài các vi phạm, tôn trọng sự quan sát của các tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam.
Theo dự kiến, cuộc đàm phán về Thỏa ước tự do mậu dịch giữa EU với Việt Nam sẽ kết thúc trong năm nay. Cả hai bên hy vọng sẽ đạt được một tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng định Á-Âu (ASEM) vào tháng 10-2014.
Đây là lần thứ hai FIDH thúc giục EU xem nhân quyền là điều kiện tiên quyết để thông qua Thỏa ước tự do mậu dịch giữa EU với Việt Nam. Hồi giữa năm ngoái, FIDH từng kêu gọi EU ngưng thương thảo về Thỏa ước Tự do mậu dịch với Việt Nam.
Năm 2007, Liên hiệp châu Âu bắt đầu thảo luận để đạt đến một Thỏa ước tự do mậu dịch với ASEAN nhưng đến năm 2009 thì tiến trình này bị khưng lại. Năm 2012, EU bắt đầu thảo luận về Thỏa ước tự do mậu dịch với Việt Nam.
Tuy nhiên FIDH cho rằng, trong Thỏa ước tự do mậu dịch với Việt Nam EU phải đánh giá tác động của Thỏa ước Tự do mậu dịch đối với công nhân Việt Nam và các nguy cơ liên quan đến nguy cơ quyền con người bị xâm hại.
Lúc đó, trong thư ngỏ gửi cho EU, FIDH khuyến cáo, EU cần bảo đảm rằng, các thỏa ước mậu dịch của EU không tác động xấu đến nhân quyền ở nước ngoài. Sở dĩ FIDH đề nghị EU ngưng thương thảo về Thỏa ước Tự do mậu dịch với Việt Nam, vì những vụ xâm hại nhân quyền tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng nếu EU không đặt định những biện pháp để đánh giá toàn diện các tác động từ Thỏa ước tự do mậu dịch đối với dân chúng Việt Nam và rộng hơn, đối với dân chúng trong khối ASEAN.
Riêng với Việt Nam, FIDH đề nghị, EU cần hối thúc Việt Nam cải cách luật pháp trong nước để bảo vệ những thành phần dễ bị tổn thương. Đó là những người nghèo khổ nhất và nông dân, trước khi hoàn tất bất cứ thỏa ước thương mại nào. (G.Đ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét