Pages

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Đổi giờ làm tại Hà Nội có hiệu quả?

RFA PHOTO
Xe cộ lưu thông giờ cao điểm tại Hà Nội
hôm 22/11/2011.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011-12-01
Ngày 21/11, Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của lãnh đạo TP Hà Nội về thời điểm bắt đầu thay đổi giờ học, giờ làm của một số nhóm đối tượng trên địa bàn thành phố Hà Nội từ ngày 1/1/2012.




Mục đích chính của chương trình thay đổi giờ giấc này là nhằm tránh ùn tắc giao thông. Nhưng liệu sự thay đổi này sẽ mang lại hiệu quả, Vũ Hoàng tìm hiểu và trình bày.

Dãn lượng giao thông

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với phương án thực hiện đổi giờ học, giờ làm thực hiện trên 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Theo đó, nhóm học sinh, sinh viên sẽ bắt đầu học từ 6 rưỡi sáng và kết thúc sau 7 giờ tối; nhóm tiểu học, mẫu giáo, mầm non bắt đầu chậm hơn 1 tiếng lúc 7 rưỡi sáng và kết thúc lúc 5 rưỡi chiều; trong khi đó, nhóm công chức bắt đầu làm việc từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 5 giờ chiều. Nhóm cuối cùng là các trung tâm thương mại, dịch vụ sẽ bắt đầu một ngày muộn nhất lúc 9 giờ sáng và kết thúc sau 7 giờ tối. Các nhóm ngành khác như quân đội, lao động làm theo ca, thời gian làm việc vẫn giữ nguyên.


Xét về mặt ý chí, hành động thì chúng tôi đánh giá làtích cực thôi, nhưng bây giờ bàn ra chuyện từ đó dẫn tới thayđổi giờ học, giờ làm, nó sẽ tác động trên bề rộng đến nhiều giới.
TS Trịnh Hòa Bình
Với phương án thay đổi giờ học, giờ làm tại Hà Nội, những nhà lập chính sách hi vọng sẽ phần nào dãn lượng giao thông tập trung quá cao vào cùng một giờ cao điểm như hiện nay, nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bên cạnh việc đạt mục tiêu giảm ùn tắc, phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, hoạt động kinh doanh là cần hạn chế thấp nhất việc gây xáo trộn lớn cho người dân trên thành phố Hà Nội, nơi có khoảng 7 triệu người đang sinh sống.
Mặc dù đã có nhiều hội nghị thảo luận các phương án nhằm giảm thiểu tình trạng kẹt xe tại Hà Nội từ chuyện chia xe bảng số chẵn đi ngày chẵn, bảng số lẻ, đi ngày lẻ đến chuyện cấm xe thô sơ cồng kềnh đi vào thủ đô, cho tới cấm các loại xe gắn máy đi vào khu phố cổ, tận dụng tối đa các phương tiện giao thông công cộng, nhưng trên thực tế, tình trạng ách tắc giao thông vẫn là vấn đề nan giải cho người dân tại đây. Trao đổi với chúng tôi về phương án mới này, P.G.S, T.S Xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận xét:
“Xung quanh chủ trương thay đổi giờ học, giờ làm, nhận định chung cho thấy quyết tâm của giới hữu trách giải quyết một cách xem như là cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, dẫn đến việc làm đình trệ sản xuất và guồng máy hoạt động bình thường của xã hội đô thị. Đương nhiên phải có sự phân tích gắn liền với những cơ thể xã hội nhất định thì mới làm được.

Giao-thong-HN-112211-e-250.jpg
Xe cộ lưu thông giờ cao điểm tại Hà Nội hôm 22/11/2011. RFA PHOTO.
Xét về mặt ý chí, hành động thì chúng tôi đánh giá là tích cực thôi, nhưng bây giờ bàn ra chuyện từ đó dẫn tới thay đổi giờ học, giờ làm, nó sẽ tác động trên bề rộng đến nhiều giới, lớp người trong xã hội, dường như là động chạm đến tất cả các gia đình một cách sâu rộng. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến những người công chức, cơ quan nhà nước mà nó liên quan đến những người tham gia giao thông trên đường, rồi việc đưa đón con, thực hiện song hành các nhiệm vụ khác của người ta trong các mối quan hệ xã hội nhất định.

Nếu chúng ta nối lại tất cả các sự kiện với nhau nó sẽ tác động đến tâm lý, hành vi, văn hoá ứng xử, lâu dần tác động xu hướng chuyển đổi nếp sống, nếp sinh hoạt, thì đấy không phải là câu chuyện nhỏ.”

Tác động nhiều đối tượng

Tôi nghĩ là không giảm đáng kể được bao nhiêu vì từ trướcđến giờ thì vẫn có những người đi làm từ 6 giờ sáng, 7 giờsáng, 8 giờ sáng, cho nên nó luôn luôn là như vậy rồi.
Chị Hằng
Rõ ràng một chính sách như vậy sẽ tác động đến nhiều đối tượng khác nhau vì vấn đề tham gia giao thông là một hoạt động bắt buộc thường nhật không thể thiếu.
Nhất là tình trạng này lại xảy ra tại một đô thị thuộc diện đông dân nhất cả nước, với mật độ các phương tiện tham gia giao thông luôn trong tình trạng quá tải. Theo thống kê trong năm 2010, tại Hà Nội, có đến hơn 120 nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc với thời lượng kéo dài trên 30 phút. Hiện nay, tỷ lệ tăng dân số bình quân ở Hà Nội là 2% với hơn 4 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó xe hơi là 380.000 chiếc và 3,8 triệu xe máy, trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ chiếm khoảng 6-7% tổng diện tích đất đô thị. Do cơ sở hạ tầng đường xá giao thông thông đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển xã hội, chuyện xảy ra ùn tắc là điều không tránh khỏi.
Chia sẻ với chúng tôi về phương án thay đổi giờ học, giờ làm, một số người dân trên địa bàn Hà Nội cho biết ý kiến của mình. Trước hết, chị Thanh Hằng, hiện đang sống ở phố Hàng Bài, ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội cho biết, chuyện thay đổi giờ làm của bản thân chị và chồng chị cũng như thời gian đưa đón con cái sẽ khiến sinh hoạt gia đình chị đảo lộn và chị cũng chưa hình dung được, trong hơn 1 tháng tới, chuyện đón cô con gái 4 tuổi sẽ ra sao:

Giao-thong-HN-112211-g-250.jpg
Xe cộ lưu thông giờ cao điểm tại Hà Nội hôm 22/11/2011. RFA PHOTO.
“Cũng chưa áp dụng nên tôi cũng không biết nó sẽ ảnh hưởng như thế nào. Nhưng hiện tôi đang là giảng viên một trường Cao đẳng, theo lịch mới thì tôi đi làm từ 6 giờ rưỡi cho đến 7 giờ tối, còn con tôi đổi lịch thì học từ 7 giờ rưỡi đến 5 giờ chiều. Bây giờ đổi giờ thì tôi không biết đưa đón cháu thế nào bởi vì ở nhà chỉ có 2 vợ chồng thôi mà ông bà thì lại ở xa. Đấy là cái trước tiên tôi nhìn thấy, những cái ảnh hưởng khác thì tôi chưa biết lắm.”

Theo ý kiến cá nhân, chị Hằng cho rằng việc đổi giờ làm cũng không giảm thiểu được mấy tình trạng kẹt xe đang diễn ra triền miên tại Hà Nội:
“Với tình trạng kẹt xe thì tôi nghĩ là không giảm đáng kể được bao nhiêu vì từ trước đến giờ thì vẫn có những người đi làm từ 6 giờ sáng, 7 giờ sáng, 8 giờ sáng, cho nên nó luôn luôn là như vậy rồi. Nếu muốn giảm kẹt xe thì chỉ có thể thay đổi lại hệ thống đường xá, đi lại như thế nào thôi, chứ còn chuyện thay đổi giờ giấc nó cũng chẳng tác động gì mấy. Tôi nghĩ là như thế.”
Điều quyết định chính là cơ sở hạ tầng, bên cạnh đó làchuyện phải tổ chức lập lại tổ chức giao thông ngay từ trong ý thức của mỗi thành viên xã hội.
TS Trịnh Hòa Bình

Cũng giống với suy nghĩ của chị Hằng, anh Việt Tùng, nhà trên đường Ngã Tư Sở, nơi ách tắc thường xuyên xảy ra, bởi đây là cửa ngõ và là đường giao của nhiều tuyến đường chính tại Hà Nội, anh cho biết:
“Bây giờ có thay đổi giờ thì thực ra cũng chẳng thay đổi được gì đâu mà, ngay bản thân bây giờ nếu thay đổi giờ, đi làm chậm thêm một tiếng thì nó cũng thế, quan trọng nhất bây giờ là giảm được ách tắc giao thông bây giờ. Bây giờ có thay đổi giờ thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn là tắc. Tôi nghĩ là không khả thi vấn đề đấy.”
Anh Tùng còn cho biết việc thay đổi giờ không được hiệu quả vì chính bản thân anh thường xuyên bị kẹt xe trong giờ cao điểm và chuyện “chôn chân” 1-2 tiếng với anh là “cơm bữa” vì có đổi giờ đi chăng nữa thì chuyện kẹt xe 2-3 tiếng cũng sẽ kéo dài từ thời gian của nhóm lưu thông này sang thời gian của nhóm lưu thông kế tiếp.
Chuyện kẹt xe và tai nạn giao thông đang là vấn đề nổi cộm được cả xã hội quan tâm, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, vì thế chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã so sánh tai nạn giao thông là thảm hoạ ngang với sóng thần và ông coi đây là quốc nạn. Sự so sánh của bộ trưởng Thăng quả cũng không sai vì chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã có gần 11.000 người chết và hơn 9.000 người bị thương do tai nạn giao thông xảy ra. Nguyên nhân được ông chỉ ra là công tác quản lý trật tự giao thông và cơ sở hạ tầng còn kém cũng như ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn quá yếu.

Không có nhận xét nào: