Pages

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Tăng tốc tái cơ cấu DNNN


Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015 hôm 18/2
Chính phủ Việt Nam vừa đề ra mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014-2015, theo đề án được công bố tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngày 18/2 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.

Báo Thanh Niên trong tin ngày 19/2 dẫn lời ông Dũng nhận định đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước vào GDP là còn thấp so với nguồn vốn được ưu đãi, đồng thời thúc giục các cấp, ngành đẩy mạnh tốc độ tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Đây được cho là một phần nỗ lực của chính phủ nhằm tái cấu trúc, tìm nguồn vốn mới cho khối doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, nợ nần lớn vì đầu tư ngoài ngành, yếu kém trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế, dù được ưu tiên về các nguồn vốn vay tin dụng, khai thác tài nguyên lẫn lao động.
"Ai chần chừ trong việc tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì đề nghị bộ trưởng mời làm việc khác, đừng đề bạt cao hơn," ông nói.
Ngày 19/2, BBC đã có cuộc phỏng vấn kinh tế gia Phạm Chi Lan, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, về một số điểm chính của đề án này.

'Chủ trương đúng'


"Các doanh nghiệp đó đều là nằm trong tay nhà nước, đều là của nhà nước, và nhà nước định làm như thế nào thì nó sẽ thành như thế."

Kinh tế gia Phạm Chi Lan
BBC: Bà bình luận như thế nào về đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế so với khu vực tư nhân, nhất là khi nhìn vào sự chênh lệch trong mức độ ưu tiên về nguồn vốn giữa hai khu vực?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Thực ra thì lâu nay tình trạng này đã được báo chí nói rất nhiều. Các doanh nghiệp nhà nước được sử dụng nguồn vốn rất lớn nhưng đóng góp cho Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) thì không tương xứng.
Ở đây không chỉ có nguồn vốn bằng tiền ví dụ như tín dụng hoặc đầu tư từ nguồn vốn nhà nước mà còn các nguồn lực khác như quyền khai thác tài nguyên hay quyền kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù cao.
Đóng góp ở đây cũng không chỉ nói đến đóng góp về GDP mà còn cả đóng góp để tạo công ăn việc hoặc đóng góp về xuất khẩu thì doanh nghiệp nhà nước cũng không bằng khu vực tư nhân hay các khu vực kinh tế khác.
Tôi nghĩ chủ trương tái cấu trúc mạnh các doanh nghiệp nhà nước là hoàn toàn đúng. Tổng số doanh nghiệp được cổ phần hóa trong hai năm 2014-2015, cộng với năm vừa rồi nữa thì sẽ vào khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước.
Tại hội nghị ngày hôm qua do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì thì ông còn tuyên bố là sẽ còn xem xét cổ phần hóa thêm một số doanh nghiệp khác nữa chứ không phải chỉ 500 doanh nghiệp trong danh sách.
Tôi thấy tinh thần đó là tốt.

'Không để doanh nghiệp tự tái cơ cấu'
BBC: Bà đánh giá như thế nào về tốc độ tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Thời gian vừa qua rõ ràng tốc độ tái cấu trúc là chậm so với yêu cầu.
Chủ trương đã đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011 rồi, nhưng mấy năm vừa qua tiến hành rất chậm và chỉ vừa mới tăng tốc lên.
Điều này thể hiện qua việc mấy năm liền không đạt được mục tiêu về số lượng các doanh nghiệp cần cổ phần hóa.
Các tập đoàn, tổng công ty lại được tự xây dựng chương trình tái cơ cấu cho mình và đưa lên các cơ quan trên để trình duyệt. Bản thân tôi đã có ần có ý kiến là cách làm này không ổn vì yêu cầu họ đưa chương trình tái cơ cấu chính họ thì rất khó.
Đáng ra nên để cho các chuyên gia hoặc các tổ chức độc lập thẩm định và đề xuất thì tốt hơn.
BBC: Với nhận xét như vậy thì bà có cho là số doanh nghiệp cần cổ phần hóa được đề ra cho năm 2014-2015 là khả thi?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cái gì cũng sẽ là thực tế nếu như thực sự định làm.
Thật ra các doanh nghiệp đó đều là nằm trong tay nhà nước, đều là của nhà nước, và nhà nước định làm như thế nào thì nó sẽ thành như thế.
Bây giờ cái chính là có đủ quyết tâm để làm hay không thôi, có cam kết thực hiện được đúng cam kết của mình hay không.
Tôi cảm nhận được qua tinh thần cuộc họp ngày 18/2 từ ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là có một cam kết mạnh hơn trước và muốn thực sự đạt được mục tiêu đề ra.

Giữ tỷ lệ thích hợp


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề hội nghị ngày 18/2
BBC: Gần đây chúng ta đã nghe bàn nhiều đến việc giảm sở hữu của nhà nước đối với khu vực ngân hàng. Bà có cho là đề xuất giảm sở hữu nhà nước xuống khoảng 51-55% là vừa đủ để cân bằng giữa việc giữ cho nhà nước có được sở hữu đa số, nhưng vẫn đảm bảo có đủ nguồn vốn mới để vực dậy khu vực ngân hàng?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ trước mắt làm được như vậy đã là rất tốt rồi.
Đối với khu vực ngân hàng thì ngoài việc bản thân các ngân hàng mà nhà nước đang nắm giữ cần tiếp tục phát triển thì sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng khác cũng đủ thúc đẩy các ngân hàng của nhà nước phải thay đổi.
Hiện nay nhà nước cũng chỉ còn sở hữu 5 ngân hàng thương mại thôi. Nếu nhà nước chấp nận giảm ở hữu của mình xuống tỷ lệ còn 51-55% thì dưới sức ép cạnh tranh của các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng nước ngoài cũng như ngân hàng cổ phần của Việt Nam cũng sẽ tạo đủ sức ép buộc các ngân hàng mà nhà nước còn nắm giữ phần lớn cổ phần phải cải cách mạnh.
Với tỷ lệ như vậy thì tôi tin là đáp ứng được, chứ nếu buộc nó giảm xuống dưới 50% thì tôi e là khó, vì nhìn chung, đối với một nền kinh tế như Việt Nam thì cũng nên có một phần nào đó của nhà nước để chủ động nắm giữ được nguồn lực tài chính cần thiết.
Trước mắt, một tỷ lệ như vậy là thích hợp.

Không có nhận xét nào: