Pages

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Tang lễ cho Tướng Ngọ sẽ như thế nào?


Liệu ông Ngọ sẽ được tổ chức tang lễ tương xứng với một ủy viên Trung ương Đảng?
Tin ông Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Công an, qua đời đã được báo chí trong nước đồng loạt tường thuật tối 18/2.
Dư luận đang chờ đợi lễ tang cho ông sẽ được chính quyền tổ chức như thế nào vì ông Ngọ đang vướng cáo buộc Làm lộ bí mật Nhà nước sau lời khai tại tòa của cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng.

Cho đến khi qua đời, ông Phạm Quý Ngọ vẫn là thượng tướng, ủy viên Trung ương Đảng, một trong bảy thứ trưởng của Bộ Công an. Ông chưa bị khởi tố điều tra.
Một nhà quan sát trong nước nói với BBC rằng Đảng ‘sẽ ra cáo phó’ cho ông Ngọ và tang lễ cho ông ‘sẽ được cử hành bình thường’.
Trước đó, một đại diện của Ban Nội chính Trung ương đã đánh tiếng về khả năng tạm đình chỉ chức vụ ông Ngọ nhưng nói cần quyết định của Bộ Chính trị vì ‘ông Ngọ đang bệnh nặng nên đây là vấn đề nhạy cảm’.
Trong vòng 15 năm qua, có 5 tướng Công an đã qua đời khi còn đương chức.
Đó là Thiếu tướng Nguyễn Văn Rốp (mất năm 2001); Thượng tướng Lê Minh Hương (mất năm 2004); Thượng tướng Nguyễn Văn Tính (mất năm 2006); Trung tướng Thi Văn Tám (mất năm 2008) và Thượng tướng Phạm Quý Ngọ.

'Tang lễ ông Ngọ vẫn cử hành bình thường'
Hiện tại Ban Chấp hành Trung ương Đảng chưa ra thông báo chính thức về cái chết của ông Ngọ, một quan chức thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, và cũng chưa có chi tiết gì về lễ tang, lễ truy điệu và lễ an táng.
Đối với một thứ trưởng Bộ Công an như ông Ngọ thì theo thông lệ Ban lễ tang sẽ do Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đứng đầu. Ban lễ tang này sẽ quy tụ các thứ trưởng của Bộ Công an, thành viên chính phủ và lãnh đạo tỉnh Thái Bình, quê hương ông Ngọ.
Cổng điện tử chính thức của Bộ Công an chỉ thông báo ngắn gọn là ‘Đồng chí Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Công an do lâm bệnh nặng đã từ trần vào hồi 21h05 ngày 18/02/2014 tại Bệnh viện Quân đội 108’.
Thông báo này được báo Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, và trang chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lại nguyên văn.
Các cơ quan ngôn luận của Bộ Công an và của Đảng không đề cập gì đến tiểu sử ông Ngọ.
Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân dân trên trang mạng của mình cũng chỉ dẫn lại bản tin từ Cổng thông tin điện tử của báo Công an nhưng có thêm các chi tiết về tiểu sử ông Ngọ.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC từ Hà Nội rằng việc vẫn chưa có cáo phó cho ông Ngọ ‘cũng là điều bình thường’.

Cáo phó chậm

“Việc ra cáo phó cho một nhân vật ở Việt Nam bao giờ cũng chậm hơn so với tin tức của báo chí,” ông giải thích và cho biết lễ tang cho ông Ngọ như thế nào phải có một cuộc họp để xem xét theo tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương và có ý kiến của Bộ Công an.

Tướng công an chết khi đương chức

  • Thiếu tướng Nguyễn Văn Rốp (mất năm 2001)
  • Thượng tướng Lê Minh Hương (mất năm 2004)
  • Thượng tướng Nguyễn Văn Tính (mất năm 2006)
  • Trung tướng Thi Văn Tám (mất năm 2008)
  • Thượng tướng Phạm Quý Ngọ (mất năm 2014)
“Không lâu sau sẽ có cáo phó, sẽ có thêm thông tin về lễ tang và nơi an táng,” ông Doanh nói.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng cho biết là yếu tố ông Ngọ có dính dáng đến một vụ án đang được điều tra cũng ‘sẽ phải xem xét’ khi quyết định về lễ tang của ông.
“Về mặt hình thứ lễ tang vẫn được cử hành bình thường” ông nói, “Nhưng ai sẽ đến viếng và người dân đến viếng như thế nào thì sẽ phải xem xét thêm.”
Ông nói việc khai trừ Đảng đối với một đảng viên đã qua đời là ‘rất hy hữu’ nhưng cũng lưu ý tiền lệ là ‘có một trung tướng đến khi công bố cáo phó thì bị xóa một sao trên ảnh trở thành thiếu tướng [Tướng Trần Độ]’.
“Nhưng tôi không nghĩ ông Ngọ giống như trường hợp đó,” ông nói.
Về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng sau khi ông Ngọ qua đời, ông Doanh không cho là đi vào ngõ cụt.
“Sẽ có những khúc quanh và những khó khăn,” ông nói và cho biết nếu phát hiện ra chứng cứ thì vẫn có thể chứng minh được là ông Ngọ có tội hay không.

Không có nhận xét nào: