Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Tàu Trung Quốc lại xâm nhập lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư

Bắc Kinh thường xuyên cho tàu tuần duyên xâm nhập vùng lãnh
 hải quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Trong ảnh, tàu tuần duyên
số hiệu 2146 của Trung Quốc tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 Ảnh do lực lượng tuần duyên Nhật Bản chụp được ngày 08/08/2013.
REUTERS/Japan Coast Guard
Thụy My
Theo thông báo của lực lượng tuần duyên Nhật Bản, ba chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc hôm nay 23/02/2014 đã tiến vào lãnh hải thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý nhưng đang bị Bắc Kinh tranh chấp quyết liệt.
Vào khoảng 9 giờ sáng (0 giờ GMT) ba chiếc tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải bao quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ở lại đây hai tiếng đồng hồ rồi mới quay đi. Đây là lần xâm nhập thứ năm kể từ đầu năm đến nay, lần mới nhất trước đó là vào ngày 17/2.

Mỗi lần tàu Trung Quốc xâm nhập lại làm tăng căng thẳng trong khu vực, khiến người ta lo sợ xảy ra xung đột vũ trang giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Giả thiết này gây quan ngại cho chính quyền Hoa Kỳ, đồng minh chủ chốt của Nhật Bản được ràng buộc bằng một hiệp ước hỗ tương quân sự.
Từ hơn một năm qua, quan hệ Nhật-Trung ở mức xấu nhất do tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông. Vào tháng 9/2012, Tokyo đã quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau đó một loạt các cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra trong suốt một tuần tại nhiều thành phố Trung Quồc, đôi khi đi kèm với bạo động.
Bắc Kinh thường xuyên gởi các tàu tuần duyên tiến vào lãnh hải của quần đảo nằm cách Đài Loan 200 km về phía đông bắc và cách đảo Okinawa của Nhật 400 km về phía tây.
Cuối tháng 11/2013, Bắc Kinh lại dấn thêm một bước với việc đơn phương tuyên bố « vùng nhận dạng phòng không » (ADIZ) trên Biển Hoa Đông chồng lấn với vùng phòng không của Nhật, đặc biệt là bao trùm lên khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc đòi hỏi tất cả những phi cơ ngoại quốc bay ngang vùng này phải trình báo trước, nhưng Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc sau đó vẫn cho các máy bay quân sự bay ngang để chứng tỏ họ bất chấp yêu sách của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh cáo Bắc Kinh không nên đơn phương thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tương tự tại Biển Đông. Trước đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng đã tuyên bố, Hoa Kỳ có thể bảo vệ Nhật Bản chống lại mọi cuộc tấn công kể cả tại các hòn đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Không có nhận xét nào: