Pages

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

'TQ hung hăng làm Đông Á lo ngại'

Lãnh đạo tình báo quốc gia Mỹ nói việc Trung Quốc hung hăng theo đuổi tham vọng chủ quyền ở Đông Á khiến các nước trong khu vực lo ngại.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper nói việc này bắt nguồn từ tư duy của Trung Quốc về danh phận lịch sử của mình.


Ông đã tham gia cuộc điều trần tại Ủy ban Tình báo của Hạ viện về các mối đe dọa toàn cầu, tại đó cử tọa hỏi ông về các hành động mới rồi của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ông Clapper cũng nói Trung Quốc đang tiến hành một chính sách hiện đại hóa quân sự hết sức quy mô với mục đích đối trọng với cái mà Trung Quốc cho là sức mạnh quân sự của Mỹ.
Cuộc điều trần cho thấy quan ngại gia tăng tại Washington về thái độ mạnh bạo của Bắc Kinh, cũng như về quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc vốn đang gây thách thức cho hàng thập niên Mỹ hiện diện không đối trọng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Nếu như xung đột nổ ra giữa Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines thì Washington sẽ không thể ngồi nhìn.
Trong khi đó tổng thống Philippines so sánh tham vọng chủ quyền của Trung Quốc với chính sách của Đức Quốc xã.

Chính sách dịch chuyển

Ông Clapper nói Trung Quốc đã tỏ ra hết sức quan ngại về chính sách chuyển dịch trọng tâm của Hoa Kỳ về Á châu.
Ông cũng cảnh báo quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc diễn ra trong tất cả các lĩnh vực và một ngày nước này sẽ vươn ra chứng tỏ quyền lực của mình trên toàn cầu.
Ông nói tại Hạ viện: "Người Trung Quốc đang rất mạnh bạo trong việc khẳng định cái mà họ tin là danh phận lịch sử của họ trong khu vực".
Theo người đứng đầu ngành tình báo Mỹ, các bất đồng xung quanh biển đảo và nguồn năng lượng, nhất là ở Biển Đông, có thể trở thành nguồn xung đột.
Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với phần lớn Biển Đông, nơi các nước như Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Dân biểu ''Dutch'' Ruppersberger, thành viên Ủy ban Tình báo, thì mô tả việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông là "gây hấn và cưỡng chiếm" và đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, quan chức ngoại giao phụ trách Đông Á của Mỹ kêu gọi Bắc Kinh không thiết lập vùng nhận dạng tương tự ở Biển Đông.
Thứ trưởng Daniel Russel nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cần phải dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông Russel nói với các phóng viên: "Không ai theo luật quốc tế có thể tự nhiên đưa ra quyền kiểm soát một khu vực biển rộng lớn được".

'Trung Quốc giống Hitler'

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa lên tiếng so sánh nỗ lực tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với chính sách của Đức quốc xã và kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới không để sai lầm lần nữa xảy ra.
Trong phỏng vấn với báo New York Times, ông Aquino nói: "Đến khi nào thì quý vị mới phát biểu: 'Thế là đủ rồi'?"
"Thế giới phải làm việc này, quý vị có nhớ vùng Sudetenland đã được nhượng cho Hitler để cố tránh Thế chiến II hay không?"
Ông Aquino nhắc tới việc năm 1938, Anh và Pháp đã đồng ý nhượng vùng Sudetenland lúc đó thuộc Czechoslovakia cho Đức quốc xã nhưng rồi chiến tranh thế giới vẫn nổ ra.
Philippines nhiều lần tố cáo Trung Quốc đơn phương khẳng định chủ quyền Biển Đông và ông tổng thống cũng nhiều lần cảnh báo Manila không thể một mình đương đầu với người láng giềng hùng mạnh này.
Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế để kiện về đường tuyên bố chủ quyền chín đoạn trên Biển Đ̀ông.

Không có nhận xét nào: