Pages

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Trung Quốc bắt 380 người trong tháng truy quét "khủng bố" đầu tiên

Sau vụ tấn công tại Urumqi ngày 23/05, Bắc Kinh tiến hành chiến dịch
 truy quét "các phần tử cực đoan" - RFI / Heriberto Araujo
Trọng Thành
Hôm nay, 23/06/2014, theo AFP, truyền thông Nhà nước Trung Quốc thông báo chính quyền đã bắt giữ hơn 380 nghi phạm trong tháng đầu tiên của năm chống « khủng bố ». Với chiến dịch lớn này, chính quyền Bắc Kinh hy vọng ngăn chặn làn sóng bạo lực chủ yếu xuất phát từ khu vực Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ.

Theo Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), tổng cộng có 32 băng đảng « khủng bố bạo động » đã bị phá vỡ trong khuôn khổ chiến dịch này, được tung ra sau cuộc tấn công đẫm máu cuối tháng trước nhắm vào một khu chợ tại Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương, miền viễn tây Trung Quốc.
Hai chiếc xe gài thuốc nổ đã giết hại tổng cộng 39 người. Cuộc tấn công quy mô lớn này được quy cho những thủ phạm người Tân Cương, theo đạo Hồi. Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc không nói rõ thành phần dân tộc của những người bị bắt. 
Một ngày sau khi khu chợ ở Urumqi bị tấn công, ngày 23/05/2014, Bắc Kinh tuyên bố tiến hành chiến dịch truy quét « khủng bố và các phần tử cực đoan » trong vòng một năm. Ngoài « súng đạn và các phương tiện gây nổ », mục tiêu của chiến dịch này còn là « các trại huấn luyện khủng bố ». Trong những tháng gần đây, làn sóng bạo lực vượt ra ngoài khu vực Tân Cương, người dân thường cũng là các đối tượng bị tấn công. 
Tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã hành quyết 13 người bị kết tội « tấn công khủng bố », đồng thời tuyên án tử hình đối với ba người khác, vì đã tham gia vào vụ dùng xe hơi tấn công tự sát tại quảng trường Thiên An Môn hồi tháng 10/2013. Trong tháng 5/2014, chính quyền Tân Cương đã phạt tù tổng cộng 55 người, bị cáo buộc hỗ trợ « khủng bố ». 
Bạo động mới đây nhất hôm thứ Bảy, 21/06, nhắm vào một trạm công an ở khu tự trị Tân Cương, khiến ba công an bị thương, 13 người tấn công thiệt mạng, cho thấy bạo lực tiếp tục gia tăng.
Bắc Kinh cho rằng, chính quyền đã giúp đỡ khu vực này phát triển kinh tế và cải thiện đời sống. Trong khi đó, các nhóm lưu vong thuộc cộng đồng Duy Ngô Nhĩ khẳng định đàn áp văn hóa và các biện pháp an ninh mang tính gây hấn của chính quyền Trung Quốc là những nguyên nhân chính gây nên căng thẳng tại khu vực, việc người Hán ồ ạt di cư đến Tân Cương đã để lại hàng thập kỷ phân biệt kỳ thị và bất bình đẳng kinh tế.

Không có nhận xét nào: