Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Không thể vừa gây rối vừa la làng

TTO - Trong bài viết đăng trên tờ Matichon ngày 23-6-2014, đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Ninh Phú Khôi (Ning Fuikui) đã hoàn toàn đúng khi chỉ ra rằng dư luận quốc tế đang hết sức thất vọng trước những hành động sai trái gần đây của Trung Quốc.
 
Sau khi đâm tàu kiểm ngư 951 ở mạn phải, tàu Hữu Liên 9 tiếp tục ghìm chặt, không cho tàu 951 xoay trở được để tàu kéo 285 lấy đà lao vào, phía xa tàu hải tuần 11 dùng vòi rồng phun nước uy hiếp - Ảnh: Văn Vững

Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chủ ý đâm va, làm chìm tàu Việt Nam đang hoạt động bình thường trong vùng biển của mình.


Những hành động trên không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đi ngược lại các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc mà còn làm trầm trọng tình hình ở biển Đông, gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Tuy nhiên, để biện minh cho những hành động hoàn toàn sai trái của phía Trung Quốc, đại sứ Ninh đã không ngần ngại xuyên tạc, bịa đặt và đổ lỗi cho Việt Nam nhằm bóp méo sự thật. Vậy những sự thật nào đang được đại sứ Ninh cố gắng che giấu?

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, không phải của Trung Quốc

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình tại hai quần đảo này. Ít nhất kể từ thế kỷ 17, khi mà vùng lãnh thổ này còn vô chủ, các chúa Nguyễn của Việt Nam đã thành lập những đội dân binh, gọi là đội Hoàng Sa, để cai quản và khai thác quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa này có nhiệm vụ hằng năm tới quần đảo Hoàng Sa để khai thác sản vật, đo đạc, trồng cây, dựng bia, xây dựng chùa chiền, cứu hộ tàu thuyền…  Tất cả những hoạt động này đều được ghi lại trong các tài liệu chính thức.

Trong khi đó, Trung Quốc đã phủ nhận ý định thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi vào năm 1898, sau sự kiện tàu Bellona và Himeji Maru đắm tại Hoàng Sa bị ngư dân Trung Quốc cướp tài sản, Phó vương Quảng Đông đã tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, không thuộc về Trung Quốc, không có liên quan gì về mặt hành chính đối với bất cứ quận nào của Hải Nam và không cơ quan nào có trách nhiệm kiểm soát khu vực này.

Mặt khác, nhiều tài liệu của Trung Quốc, như Hải ngoại kỷ sự (Haiwai jishi) năm 1696 hay Hải lục (Hailu) năm 1820 đã công nhận quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

Các Hội nghị Cairo năm 1943 và Potsdam năm 1945 mà Trung Quốc là một bên tham dự đã yêu cầu Nhật Bản phải trả lại các đảo trong Thái Bình Dương đã cưỡng chiếm trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Theo đó, các lãnh thổ Nhật Bản phải trả Trung Quốc là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Không có bất cứ tài liệu quốc tế liên quan nào ghi rằng Trung Quốc giành lại Hoàng Sa từ Nhật Bản năm 1946, như luận điệu của đại sứ Ninh.

Đặc biệt, tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đề xuất yêu cầu Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa đã bị bác bỏ với 46 phiếu chống. Cũng tại hội nghị này, trưởng đoàn Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất kỳ phản đối nào của 51 nước tham dự.

Năm 1956, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm khu vực phía đông và năm 1974 chiếm khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác, một nguyên tắc mang tính mệnh lệnh của luật pháp quốc tế. Hành động xâm lược này cũng như tất cả những hành động sai trái khác của phía Trung Quốc nhằm xâm phạm quần đảo Hoàng Sa vẫn luôn bị phía Việt Nam lên án một cách mạnh mẽ.

Việc đại sứ Ninh cố ý úp mở về một số tài liệu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước năm 1974 để nói Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa là hành động xuyên tạc lịch sử. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Việt Nam Dân chủ cộng hòa được giao quản lý phần lãnh thổ miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở ra, không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là một bên tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ, hiển nhiên là Trung Quốc biết rất rõ điều này.

Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam

Mặc dù đã cố ý đánh lạc hướng dư luận sang vấn đề chủ quyền, đại sứ Ninh cũng không thể làm thay đổi được một sự thật khác. Đó là dù cho diễn giải theo bất cứ cách nào thì giàn khoan của Trung Quốc vẫn hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nếu Đại sứ Ninh chịu khó bỏ chút thời gian ra đọc một số tài liệu cơ bản về luật biển thì sẽ biết là cả cái gọi là “vùng biển 17 hải lý” của bãi đá Tri Tôn lẫn “đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa” mà Trung Quốc vẽ ra đều đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Vì thế, với việc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan tại khu vực có vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ 60-80 hải lý, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Chính đại sứ Ninh đã thú nhận là Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm các vùng biển của Việt Nam này để tiến hành đơn phương khảo sát. Những lần như vậy, Việt Nam đã đưa tàu thực thi pháp luật tới cảnh báo, xua đuổi các tàu và giàn khoan Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp, đồng thời gửi công hàm ngoại giao phản đối. Tất cả những sự việc này đã được ghi lại một cách hết sức rõ ràng.

Đại sứ Ninh cũng tự cho phép mình đưa ra những lời vu cáo không dựa trên bất cứ bằng cớ nào. Ông Ninh lớn tiếng nói rằng Việt Nam cử người nhái đến khu vực hạ đặt giàn khoan, rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc 1.416 lần, nhưng cả ông đại sứ lẫn chính quyền Trung Quốc đều không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho những tuyên bố sai trái nói trên. Trái lại, theo những băng ghi hình mà Việt Nam công bố cũng như theo những gì các phóng viên quốc tế ghi lại tại hiện trường thì sự thật hoàn toàn ngược lại.

Chính Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng hùng hậu tàu bè các loại, có lúc lên tới gần 140 chiếc, trong đó có cả những tàu quân sự hiện đại, trang bị vũ khí đầy đủ để hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam. Tàu Trung Quốc đã cố tình đâm va, phun vòi rồng vào các tàu dân sự Việt Nam, gây thương tích cho hàng chục cán bộ kiểm ngư và ngư dân, gây hư hại nhiều tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và thậm chí đâm chìm một cách dã man tàu cá của Việt Nam.

Thật là nực cười khi đại sứ Ninh nhắc tới “một lượng lớn chướng ngại vật, trong đó có lưới đánh cá và các vật trôi nổi” trên biển để công kích Việt Nam. Đó không là gì khác ngoài những bộ phận, vật dụng rơi ra từ tàu Việt Nam sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công và đây cũng chính là những bằng chứng rất rõ ràng về sự hung hãn của tàu Trung Quốc.

Tất cả bằng chứng về sự hiếu chiến và vô nhân đạo của tàu Trung Quốc đều đã được công bố một cách rộng rãi. Các bạn Thái cũng có thể tham khảo những hãng thông tấn có trụ sở tại Thái Lan đã cử phóng viên ra hiện trường để biết thêm chi tiết.

Xuất phát từ sự bức xúc, phẫn nộ trước những hành động phi pháp, vô nhân đạo của Trung Quốc và để bày tỏ lòng yêu nước, người dân Việt Nam đã tuần hành phản đối tự phát. Một số người đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân Việt Nam, có các hành vi kích động, phi pháp, gây ảnh hưởng ngoài ý muốn đối với một số công nhân Trung Quốc và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngay lập tức, Chính phủ Việt Nam đã triển khai quyết liệt một loạt biện pháp như bắt giữ, xử lý những kẻ gây rối, đảm bảo an ninh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại.

Cho đến nay, tình hình đã hoàn toàn ổn định, các doanh nghiệp nước ngoài đã quay trở lại sản xuất bình thường. Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá rất cao những nỗ lực vừa qua của Chính phủ Việt Nam. Vậy mà đại sứ Ninh vẫn không ngừng đổ lỗi cho Chính phủ Việt Nam, cố tình rêu rao, bóp méo sự thật. Và trước khi vội vàng chỉ trích Chính phủ Việt Nam, phải chăng đại sứ Ninh nên tự hỏi chính quyền Trung Quốc đã có chính sách gì với các doanh nghiệp Nhật Bản bị thiệt hại tương tự do những vụ bạo động chống Nhật Bản tại Trung Quốc 2 năm về trước.

Trung Quốc phớt lờ thiện chí của Việt Nam

Ngay từ ngày đầu tiên Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981, Việt Nam đã nỗ lực chủ động đề xuất tiếp xúc, trao đổi, yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tiến hành đàm phán song phương thực chất để giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước.

Cho tới nay, Việt Nam đã tiến hành hơn 30 cuộc trao đổi với phía Trung Quốc ở tất cả các cấp, gần đây nhất Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã mời Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Hà Nội để trao đổi. Tuy nhiên, cho đến nay phía Trung Quốc vẫn kiên quyết từ chối rút giàn khoan và đàm phán thực chất với Việt Nam để ổn định tình hình.

Tôi hoàn toàn đồng ý với đại sứ Ninh khi cho rằng một quốc gia nên biết trọng lời hứa của mình và khẩn thiết kêu gọi Trung Quốc tôn trọng lời hứa của Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình với Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 9-1975 là giải quyết những bất đồng giữa hai nước đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua hiệp thương hữu nghị, cũng như kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tôn trọng tất cả cam kết liên quan tới việc giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước.

Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực vì hòa bình

Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phát triển ở vịnh Thái Lan nói riêng và ở biển Đông nói chung bằng hành động cụ thể. Năm 1997, Việt Nam đã ký kết với Thái Lan Hiệp định phân định vịnh Thái Lan. Đây là hiệp định phân định biên giới biển đầu tiên tại Đông Nam Á sau khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 có hiệu lực và cũng là hiệp định phân định biển đầu tiên ở vịnh Thái Lan.

Chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan triển khai nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh hàng hải và bảo vệ tài nguyên sinh vật biển tại khu vực này, tiến hành hoạt động tuần tra chung.

Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định phân định biên giới biển với nhiều quốc gia khác trong vịnh Thái Lan và trên biển Đông, trong đó có Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ với Trung Quốc năm 2000, hiệp định phân định biên giới biển đầu tiên của Trung Quốc. Việt Nam cũng triển khai nhiều sáng kiến hợp tác song phương và đa phương quan trọng trên biển Đông trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, các bên cùng có lợi trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thăm dò khai thác dầu khí. Đặc biệt, ngay trước khi Trung Quốc đơn phương tiến hành khoan thăm dò, Việt Nam và Trung Quốc đã thành lập nhóm thảo luận hợp tác cùng phát triển trên biển.

Kiên định chủ trương tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, Việt Nam sẵn sàng sử dụng tất cả biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ những quyền và lợi ích trên biển chính đáng của mình. Việt Nam mong rằng chính phủ và người dân trên toàn thế giới, trong đó có Chính phủ và người dân Thái Lan, sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các nỗ lực thực hiện chủ trương đúng đắn này.

Có vẻ như đại sứ Ninh rất thích trích dẫn ngạn ngữ. Vậy cũng xin kết thúc bài viết này bằng việc trích dẫn một câu ngạn ngữ Trung Quốc “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trung Quốc nên tự hỏi vì sao mình lại bị dư luận quốc tế lên án như thế hơn là trách cứ, bắt bẻ cộng đồng quốc tế một cách vô căn cứ.

TRẦN VĂN
 
(Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào: