Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Bộ GTVT: Đường lún sụt như ruộng bậc thang vì ... đông xe

Đường lộ mới chỉ đưa vào khai thác một thời gian ngắn là lún sụt, hư hỏng như ruộng bậc thang, ông thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN đổ thừa cho “mật độ xe quá lớn”.



Người dân tố đường quốc lộ số 5 lún là do chất lượng thi công (đoạn Nguyễn Văn Vinh- Hải Phòng). (Hình: Dân Trí)

Hôm Chủ Nhật 22/6/2014, báo Đất Việt có một bài viết mô tả nhiều đường quốc lộ, đường cao tốc hoặc mới được đưa vào sử dụng, hoặc chỉ một thời gian ngắn là lún sụt, chỗ cao chỗ thấp như bậc thang, rất nguy hiểm cho xe cộ. Trước đó ba ngày, báo Dân Trí viết về quốc lộ số 5, từ Hà Nội đi Hải Phòng, mới được nâng cấp tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng “hằn lún như ruộng bậc thang” suốt quãng đường dài hơn 20km.
Ngày Thứ Hai 23/6/2014, theo tin Đất Việt, ông thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN, Nguyễn Hồng Trường “cùng các bộ phận liên quan đã có buổi kiểm tra thực tế trên quốc lộ 5”. Kết quả ra sao?

"Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ tại sao lại có hiện tượng như vậy thì có những nguyên nhân cơ bản như sau: Thứ nhất là trong quá trình khai thác các vị trí ngã tư đèn đỏ, tại đó xe phanh lại để dừng chờ đèn, tạo ra sự trùng phục rất lớn gây lún đường. Bên cạnh đó, mật độ xe quá lớn chứng tỏ nền nhựa chưa đáp ứng được lưu lượng xe hiện nay. Vì thế mỗi ngày đường bị bào mòn và lún thêm một ít theo hằn bánh xe. Hiện nay Bộ GTVT đang phân tích hiện tượng này trên lập luận khoa học hoàn toàn không phải do chất lượng thi công". Báo Đất Việt đăng tải lời ông Nguyễn Hồng Trường giải thích.

Câu hỏi đặt ra là khi lập dự án xây dựng đường xá, chuyên viên của Bộ GTVT đã có tính tới mật độ xe cộ lưu thông “mật độ quá lớn” và “xe phanh lại chờ đèn” mà gây ra tình trạng lún sụt như thế không, để nó đủ sức chịu đựng?

Theo tờ Dân Trí, vì quốc lộ 5 xuống cấp nghiêm trọng  “lâu nay được cho là do xe quá khổ, quá tải”. Nhưng tuyến đường này vừa được “nâng cấp” hồi đầu năm 2014 thì “mặt đường còn nhẵn bóng, nguyên màu nhựa mới mà đã xuất hiện nhiều vết lún sâu hoắm”. Từng có các lời tố cáo xe tải 12 tấn hầu hết đã cơi nới để chở lên tới 30 tấn, đường lộ xây dựng không chịu đựng nổi. Được biết, tài xế các xe tải đều “làm luật” ở các trạm thu phí hay trạm kiểm soát nên dù chở “quá tải” đến đâu cũng không thành vấn đề.

Đây không phải chuyện hiếm hoi mà xảy ra trên cả nước từ bắc chí nam, ở mọi con đường được nhà nước CSVN đầu tư xây dựng với tốn kém đắt gấp ba gấp bốn lần chi phí xây dựng đường xá ở Mỹ.
Theo tờ Đất Việt ngày 21/6/2014 đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình dài hơn 100km “mới thông xe hơn một năm nay, nhưng đoạn đường này đã xuất hiện những điểm lún mang tính "tử thần" mà giới tài xế chạy xe tải chuyên nghiệp nói rằng tai nạn xảy ra rất thường trên con đường cao tốc “tử thần”.

Theo báo cáo của Kiểm Toán Nhà Nước, đoạn đường Cầu Giẽ-Ninh Bình được “đội vốn” xây dựng hai lần, từ 3,734 tỉ đồng lên thành 8,974 tỉ đồng khi hoàn tất. Vậy mà vẫn không có được một con đường tử tế. Cơ quan vừa kể báo cáo tình trạng “đội vốn” nhiều như thế chỉ vì “bớt xén đủ kiểu” của đám quan chức Bộ GTVT.

Đã vậy, đám quan chức “kiểm định chất lượng công trình” cũng được chia chác đầy đủ nên “lộ ra nhiều điều vi phạm”. Vật liệu không đúng tiêu chuẩn cũng cho qua. Chiều dày của các lớn kết cấu “không đạt yêu cầu thiết kế” cũng cho qua. Các bên liên quan tới xây dựng cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình không hư hỏng sớm mới là điều lạ.

Theo VNExpress ngày 28/5/2014, tuyến quốc lộ Uông Bí – Hạ Long vừa được khánh thành ngày 18/5/2014 sau hơn 2 năm xây dựng, tốn kém 2,800 tỉ đồng đầu tư. Tuy nhiên, “Đoạn đường gần 9 km trên địa bàn thành phố Hạ Long từ khu Đồn Điền (phường Hà Khẩu) đến khu 2 (phường Đại Yên) xuất hiện nhiều rãnh lún dài theo vết xe. Hiện tượng lún, vỡ mặt nhựa thấy rõ nhất tại một số đoạn qua tổ 91 khu Đồn Điền. Có những vết nứt dài 3-5 m, lún sâu 4-5 cm so với mặt đường. Nhiều chỗ lớp nhựa mới trải bung ra lộ rõ nền đường cũ”.

Theo tờ Đất Việt “Được đánh giá là dự án chiến lược về quy hoạch phát triển giao thông đô thị của thành phố Sài Gòn, đại lộ Đông Tây được đầu tư xây dựng với tổng số vốn lên đến hơn 13,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đưa vào sử dụng để giảm tải cho liên tỉnh lộ 25B, mặt đường phía quận 2 từ giao lộ Đồng Văn Cống - đại lộ Đông Tây đến cầu vượt Cát Lái bắt đầu xuất hiện tình trạng sụt, lún, nhiều chỗ bị nứt. Tất cả các đoạn đường cứ chỗ lồi, chỗ lõm, nhìn đúng như ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Tây Bắc.”

Ngày 22/4/2014 nhà cầm quyền trung ương CSVN ban hành nghị định số 32/2014/NĐ-CP về “Quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc”. Tại điều 11 của nghị định này viết rằng “Công trình đường cao tốc chỉ được đưa vào khai thác sử dụng khi bảo đảm yêu cầu thiết kế, bảo đảm chất lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định và phương án tổ chức giao thông được phê duyệt”.

Theo Bộ Xây dựng CSVN, vốn đầu tư (mức chi phí cần thiết để đầu tư xây dựng công trình mới, tính cho một đơn vị diện tích) làm đường cao tốc bốn làn xe ở Việt Nam “bình quân khoảng 11.8 triệu USD/km (tương đương 240 tỉ đồng). Trong đó, khu vực đồng bằng Nam Bộ là trên 17 triệu USD/km (tương đương khoảng 360 tỉ đồng), thấp nhất là khu vực miền núi phía Bắc (khoảng 7 triệu USD/km, tương đương 150 tỉ đồng).”

Trong khi đó, làm xa lộ ở Mỹ chỉ tốn 4.5 triệu USD/km, còn ở Trung quốc tốn khoảng 5 triệu USD/km.

Dù vậy, không có cuộc điều tra nào quy trách nhiệm cho bất cứ quan chức nào về phẩm chất của các đường lộ “ruộng bậc thang” và tìm hiểu xem cái “đội vốn” khủng khiếp đó chui vào chỗ nào, túi ai.
 
(Người Việt)

Không có nhận xét nào: