Xôn xao thời gian gần đây là việc Metro “hạ cánh” an toàn tại thị trường Việt Nam sau khi bán tháo toàn bộ hệ thống cho nhà đầu tư Thái Lan. Lúc này người ta mới vỡ ra rằng: đại gia FDI này chưa từng đóng thuế! Trong khi các cơ quan chức năng vẫn kiên trì dựa vào thông lệ quốc tế để “ẩn danh” các đại gia có “vấn đề” thì ngân sách nhà nước hằng năm vẫn thất thoát đều đặn hàng nghìn tỉ đồng. Ai chống lưng cho Metro? Bài học ở đây là gì?
Cú thoát hiểm ngoạn mục
Đại gia đến từ Đức này đã đặt chân vào Việt Nam ngót nghét 12 năm, cho tới nay là chủ sở hữu của 19 hệ thống siêu thị tại 15 tỉnh và thành phố, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM (mỗi nơi 3 chuỗi). Doanh thu đều đặn tăng rất “đẹp mắt” từ 21 triệu euro lên đến 516 triệu euro (2012) nhưng chỉ đóng thuế có đúng năm 2010 với khoản lãi 116 tỉ đồng. Là một doanh nghiệp vốn nước ngoài, lại “nhảy” vào đúng đợt sóng đang lên của thị trường, Metro đã nhận được không ít ưu đãi. Trước hết là việc miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu - thực chất là cũng chẳng đáng bao nhiêu - bởi đằng nào họ cũng có nộp đồng thuế nào đâu ? Cái đáng kể nhất là những khu đất vàng ở cửa ngõ các thành phố lớn: trong khi các doanh nghiệp nội phải van nài vài ba năm mới được một mảnh đất con con thì Metro cứ “sòn sòn” một năm vài ba chỗ.
Tương phản mạnh với doanh thu và những ưu đãi “tế nhị”, báo cáo tài chính của doanh nghiệp này thì tối đen không ngờ: Metro đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp FDI kêu lỗ. Đều dặn trong hơn 12 năm hoạt động, mỗi năm số này dao động từ 80 đến 160 tỉ, vì vậy mà họ chỉ nộp đủ thuế giá trị gia tăng, môn bài, thuê đất và thuế nhà thầu.
Đỉnh điểm lên cao khi Metro tự nguyện “bán mình” cho Tập đoàn bán lẻ của Thái Lan với giá khủng xấp xỉ 900 triệu USD. Với vốn đầu tư vỏn vẹn năm 2002 là 78 triệu USD thì đây thực sự là phi vụ làm ăn siêu lợi nhuận của Metro. Cho tới lúc này thì cả xã hội mới vỡ lẽ vì cái sự “trốn thuế” của đại gia. Tiền thuế đã không thu được, thậm chí thuế phi vụ chuyển nhượng kia thì cũng không lấy được một đồng, vì họ thương thảo với nhau có phải ở Việt Nam đâu…
Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: trách nhiệm đầu tiên và trước hết là các cơ quan quản lý, cụ thể là ngành thuế và ngành kế hoạch đầu tư.
Thật vậy, nghi án chuyển giá báo lỗ, lách luật để bán lẻ hàng hóa đã được nói đến cách đây nhiều năm. Ngành thuế thì tuyên bố thanh tra, mà kết luận thì chưa ra đâu với đâu, vẫn chỉ trả lời chung chung. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chia sẻ: Việc để Metro “tung hoành” là kết quả của một quá trình thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng, như Bộ Kế hoạch - Đầu tư không giám sát chặt, Bộ Tài chính thả lỏng quản lý…
Được biết, theo cam kết gia nhập WTO, chúng ta sẽ mở cửa cho các trung tâm mua sắm nhưng vẫn bảo lưu rằng, chỉ ưu đãi mở trung tâm đầu tiên, các trung tâm sau sẽ phải được Chính phủ xem xét theo nhu cầu cụ thể. Còn nữa, cả một quá trình dài họ không đóng thuế, nhưng giờ bán lãi giá rất cao, chả lẽ ngành thuế không có quyền gì? Chưa kể doanh nghiệp Thái Lan vào đúng thời điểm chúng ta mở cửa cho hàng hóa các nước Asean, tận dụng được kênh phân phối rộng khắp, không hiểu các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ xoay sở sao.
Bài học FDI
Nếu Metro “thóat” thì đây là bài học đắt giá và tạo tiền lệ cực kỳ nguy hiểm khi chúng ta sẽ tiếp tục phải “đối phó” với các doanh nghiệp nước ngoài đầy “mưu mô và thủ đoạn”.
Câu chuyện về việc chuyển giá và kêu lỗ của Metro (cũng như của Coca - Cola và Pepsico) là không mới và đã được cảnh báo từ lâu. Đơn cử như Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng đã có văn bản lên các cơ quan chức năng báo cáo về những nghi vấn trong hoạt động của Metro nhưng đổi lại chỉ được những công văn trả lời rất chung chung. Rồi thì báo chí cũng đã lên tiếng phải ánh từ năm 2012 về việc Metro báo lỗ liên tục những vẫn mở rộng hoạt động sản xuấ kinh doanh…
Nhưng vì một lý do nào đó, các cơ quan quản lý của ta đã bỏ qua và chấp nhận tình trạng này, cho đến khi dư luận quá “bức xúc” thì cơ quan thuế mới “đăng đàn” để phân trần.
Phải nói rằng, thất thoát vài chục thậm chí vài trăm tỉ đồng tiền thuế không phải là một vấn đề quá lớn, nhưng chính từ những sự việc như thế này, chúng ta cần phải nhìn lại toàn bộ hệ thống luật pháp cũng như sự ưu đãi dành cho các nhà đầu tư quốc tế.
Thứ nhất, trong thời đại minh bạch hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần thua lỗ trong hai ba năm là đã đủ các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, rồi thì lên báo thanh minh đủ kiểu. Vậy mà các doanh nghiệp FDI đã thua lộ nhiều năm, với số tiền cả nghìn tỉ thì không có mỗi hành động mạnh tay nào từ phía các cơ quan chức năng. Ngành thuế có biết việc này không? Chắc chắn là có, thậm chí ngành thuế phải nắm rõ doanh nghiệp như Metro lỗ bao nhiêu và tại sao lỗ. Vấn đề là ngành thuế lại giữ khư khư những thông tin đó cho riêng mình. Để làm gì?
Thứ hai, phải có một sự thay đổi căn bản trong việc ưu đãi các doanh nghiệp FDI. Bài học từ Coca - Cola, Metro, mỏ vàng Bồng Miêu và cả sự cảnh báo dành cho siêu dự án Formosa của các tổ chức quốc tế sẽ phải được cân nhắc và “học thuộc”. Không thể ưu đãi cho những thứ không thật sự cần thiết, hàm lượng chất xám thấp nhằm đổi lại mấy con số đẹp trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Thất thu ngân sách là chuyện nhỏ, nhưng hậu quả dành cho sức khỏe của người dân, ô nhiễm môi trường sẽ là một vấn đề kéo dài nhiều thế hệ. Chúng ta không thể lấy đất đai để làm một thứ ưu đãi “tế nhị” dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những mảnh đất của Metro hiện thời sẽ mãi là một “giấc mơ” đối với doanh nghiệp trong nước, và có thể nói rộng ra, “ngoại tệ” luôn có ưu thế trong việc dành đất với “nội tệ”.
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã từng phải lên tiếng trong việc “trải thảm đỏ” đối với các nhà đầu tư nước ngoài: các địa phương cần phải chấn chỉnh ngay tình trạng miễn thuế, đổi đất để thu hút bằng mọi cách nguồn vốn FDI. Ngay lúc này đây, phải làm rõ với các địa phương và cả chính Bộ Kế hoạch - Đầu tư về những ưu đãi đất đai mà Metro đã được hưởng, rồi thì khi chuyển nhượng vốn cho Thái Lan hoàn tất vào 2015, những mảnh đất đó sẽ về đâu? Môi trường, tài nguyên sẽ là thứ “học phí” lớn nhất chúng ta phải trả nếu cứ tiếp tục “mở cửa” như hiện nay.
Và cuối cùng, chúng ta cần phải xác định, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là để tìm kiếm lợi nhuận: họ đã - đang và sẽ làm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận của mình, thu hồi vốn trong thời gian ngắn nhất. Đừng mong chờ những động thái “xóa đói giảm nghèo” từ các doanh nghiệp này. Điều này không thể trách các doanh nghiệp - bởi họ là người làm kinh tế. Hãy tự trách chúng ta rằng đã tạo nên một thời kỳ quá đỗi “dễ dãi” trong việc thu hút đầu tư. Bản thân các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải xây dựng một “hàng rào bảo vệ” chặt chẽ để “chắt lọc” những nguồn vốn FDI sạch sẽ nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét