Giải quyết với tình nhân đạo
Bộ Nội vụ Campuchia tuyên bố ngày 31/7 rằng chính phủ xứ chùa Tháp sẽ hợp tác với đảng đối lập để kiểm tra, thực hiện đầy đủ luật xuất nhập cảnh đối với người Việt nhập cư, và trong thời gian tới sẽ thắt chặt quy định quản lý người Việt đang sống hợp pháp và bất hợp pháp tại Campuchia.
Đại tướng Khieu Sopheak, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Campuchia phát biểu như vậy với RFA sau khi lãnh tụ đảng đối lập là ông Sam Rainsy và Kem Sokha thúc giục chính phủ xem xét lại các dự án đất tô nhượng làm kinh tế của nhà đầu tư người nước ngoài đang gây tác động xấu đến đời sống dân chúng địa phương; và vấn đề người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp.
Đại tướng Khieu Sopheak cho biết sau khi các nghị sĩ đối lập tuyên thệ nhậm chức và tham gia Quốc hội, Bộ Nội vụ sẽ cung cấp số liệu thống kê về số gia đình và nhân số của cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia. Theo thống kê của cảnh sát Campuchia, người Việt ở Campuchia hiện nay có khoảng hơn 100 ngàn người. Ông Khieu Sopheak nói rằng trong số này đã có gần 7.000 người Việt được cấp giấy tờ tùy thân, nhưng chỉ có khoảng 50% người Việt đến nhận giấy tờ nói trên.
Ông Khieu Sopheak cho biết thêm:
“Chính phủ sẽ thảo luận với đảng đối lập tại Quốc hội về vấn đề người Việt và hi vọng nghị sĩ đối lập tôn trọng nhân quyền, không nên quá khích vấn đề người Việt Nam. Chính phủ khẳng định sẽ không dùng biện pháp như thời Lon Nol giết hại, buộc người Việt Nam phải trở về mà sẽ thực hiện đầy đủ luật xuất nhập cảnh. Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề người Việt phù hợp với luật pháp, tôn trọng quyền con người và nhân đạo.
Chúng tôi đảm bảo giữ mối quan hệ tốt với Việt Nam. Biên giới Campuchia – Việt Nam luôn là biên giới hòa bình.”
Đã sinh sống lâu đời
Theo ông Sam Rainsy, Chủ tịch đảng đối lập Campuchia, cộng đồng người Việt có khoảng 500 ngàn người đang sống tại đây, phân nửa số này đã đủ điều kiện nhập quốc tịch.
Trong số này, có những người Việt được sinh ở Campuchia, bố mẹ và ông bà của họ cũng được sinh ở đây. Có những người đến Campuchia với bạn bè để kiếm tiền, đến làm việc cho chính phủ trong khoảng thời gian từ 1979-1989 sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ. Ngoài ra, cũng có người đến Campuchia thông qua những tay cò mồi về nghề nghiệp, đến kiếm tiền và quay về Việt Nam.
Hiện nay những khu vực có đông người Việt sinh sống là Thủ đô Phnom Penh, tỉnh Kandal, nơi có đông đảo người Việt Nam sinh sống bằng cách buôn bán nhỏ và dịch vụ. Tỉnh Kampong Chhnang, Siem Reap, Pursat, là những tỉnh thuộc khu vực Biển Hồ, người Việt Nam ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá nước ngọt.
Muốn xin giấy tờ: hối lộ
Phần lớn người Việt ở Campuchia hiện nay sống trong tình trạng nghèo đói, không có việc làm ổn định, thiếu vốn sản xuất, không nghề nghiệp chuyên môn, thiếu việc làm, thiếu địa vị pháp lý, thiếu sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và thiếu sự quan tâm của chính phủ Việt Nam. Con cái của họ không được đến trường do khó khăn về kinh tế, thủ tục pháp lý, và khó khăn về trường học.
Ông Nguyễn Văn Hùng, 35 tuổi, sinh ra và lớn lên ở khu vực cầu Chba Ompov (Cầu Sài Gòn) thuộc Thủ đô Phnom Penh chia sẻ:
“Giấy tờ thì có nhưng cảnh sát không cấp. Không phải một mình tôi mà nguyên một xóm luôn. Trong số 10 người thì giỏi lắm chỉ có 2 người được cấp giấy tờ. Chừng nào mình đóng tiền cho cảnh sát 60$ (một triệu hai trăm ngàn), hoặc 100$ (hai triệu) cảnh sát mới cấp cho mình. Nhiều khi gạo, cơm
không tiền mua, làm gì có tiền làm giấy tờ. Tôi xin bên Campuchia giúp làm giấy tờ đầy đủ cho những người Việt Nam ở lâu năm.
Bây giờ con thứ hai, 10 tuổi rồi không được đi học. Đưa vào trường Chúa, tối ngày nó ca, nó hát không. Năm năm trời chỉ học được một hai chữ.”
Còn ông Huỳnh Văn Hoa, người Campuchia gốc Việt sống tại tỉnh Pursat nói rằng nguyên nhân người Việt Nam ở Campuchia chưa có giấy tờ hợp pháp là do luật nhập cư và luật quốc tịch Campuchia khá khắt khe đối với người Việt ở đây; phe đối lập kích động tư tưởng dân tộc, bài xích người Việt Nam, gây sức ép đối với chính phủ trong việc cấp các loại giấy tờ hợp pháp cho người Việt; chính quyền địa phương tham nhũng và một số nguyên nhân khác nhiều người Việt không có công việc, chỗ ở ổn định nên không đáp ứng được yêu cầu của phía Campuchia.
Ông Huỳnh Văn Hoa:
“Đất nước Miên này khó khăn lắm, làm gì cũng sai luật. Đánh bắt cá, kiện cùng đều bị ăn hiếp. Nói chung, có lúc đối xử bình đẳng, có lúc ăn hối lộ, phức tạp. Cảnh sát kêu lại làm giấy tờ, một tấm giấy giá bốn năm chục ngàn hoặc 100 ngàn (300 ngàn đồng hoặc 500 ngàn đồng). Dân có tiền thì làm đi, còn không có tiền thì không được làm. Đất nước này khó lắm, lo ông này ăn tiền rồi còn ông khác lại bắt nữa.”
Phó Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) là ông Kem Sokha xác nhận với RFA rằng nếu các nghị sĩ đối lập tham gia Quốc hội sắp tới thì đối lập sẽ yêu cầu Quốc hội mời các Bộ trưởng chất vấn chú trọng vào công tác cắm mốc biên giới với Việt Nam . Trong đó, đối lập cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ công khai số liệu người Việt sống hợp pháp và bất hợp trên lãnh thổ Campuchia.
Ông Kem Sokha nói:
“Chúng tôi đòi hỏi Bộ Nội vụ thống kê rõ ràng về số liệu người nước ngoài nhập cư vào Campuchia, trong đó có người Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu chính phủ thực hiện đầy đủ luật xuất nhập cảnh, luật quốc tịch, ngăn chặn người Việt nhập cư bất hợp pháp.”
Nhân tố gây bất ổn?
Trong khi đó, ông Trần Văn Thông, Tham tán phụ trách chính trị đối ngoại và phát ngôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh khẳng định chính phủ Campuchia quản lý đất nước bằng luật pháp. Do đó, ông tin rằng vấn đề bà còn người Việt ở đây sẽ được chính phủ Campuchia giải quyết bằng luật pháp Campuchia và luật pháp quốc tế.
“Dù như thế nào, Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Bộ Nội vụ hay các cơ quan chức năng Campuchia giải quyết các vấn đề liên quan người Campuchia gốc Việt và các vấn đề khác dựa trên cơ sở Hiến pháp Campuchia và luật pháp quốc tế. Do đó, tôi nghĩ cộng đồng người Việt tại Campuchia chắc không có vấn đề gì.”
Các nhà quan sát Campuchia cho rằng số liệu thống kê của Bộ Nội vụ có thể chưa chính xác vì hồi năm 2011 phía Việt Nam khẳng định có khoảng hơn 300 ngàn người Việt đang sinh sống tại xứ chùa Tháp.
Các nhà quan sát Campuchia cũng cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia luôn là đối tượng bị nhiều đảng phái chính trị và một số tổ chức phi chính phủ sử dụng để chống lại đảng đang cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen, vốn lâu nay thân với chính phủ Việt Nam. Tuy có nhiều mâu thuẫn nhưng giữa các đảng phái và tổ chức này có chung quan điểm cho rằng người Việt là nhân tố gây mất ổn định ở Campuchia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét