Phạm Trần (Danlambao) - ... Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử Đặc phái viên của Tổng Bí thư đến Trung Quốc tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa hai Đảng trong lúc quan hệ Trung-Việt đối mặt với khó khăn đã thể hiện nguyện vọng chính trị tích cực thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Việt của Đảng và Chính phủ Việt Nam... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi ông đến Trung Hoa là một đặc sứ để tham dự các cuộc họp cấp cao giữa hai đảng đã chứng tỏ nguyện vọng của phía Việt Nam muốn tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc...
*
Chuyến đi làm việc hai ngày tại Trung Cộng từ 26 đến 27/08 (2014) của đặc phái viên Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã mất cả “chỉ lẫn chài” trong quan hệ Việt Nam với Trung Cộng.
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng đã cử ông Anh sang Bắc Kinh là để “trao đổi với lãnh đạo TQ về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt-Trung”, theo lời người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.
Nhưng 2 chữ “trao đổi” không thấy có trong ngôn ngữ của phía Trung Cộng trong 3 cuộc tiếp xúc giữa ông Lê Hồng Anh với Vương Gia Thụy, Phó chủ tịch Chính hiệp toàn quốc TQ, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương TQ, Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và sau cùng với Tổng Bí thư-Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình chiều 27/8 (014) trước khi ông Anh trở về nước.
Ngược lại, nội dung 3 cuộc thảo luận đã thể hiện quan điểm và lập trường của “kẻ cả” láng giềng Trung Cộng đối với người đại diện của nước nhỏ Việt Nam được cử đi “phân bua phải trái” với người hàng xóm của nước mạnh.
Thứ nhất, bằng chứng này được thấy trong các bài viết và cách đưa tin của báo chí Trung Cộng, điển hình như Tân Hoa xã (Xinhua News Agency) và tờ Nhân dân Nhật báo. Ngoại trừ bản tin ngắn đầu tiên của Tân Hoa Xã nói ông Lê Hồng Anh đến Bắc Kinh do “lời mời” của Đảng Cộng sản Trung Quốc như tuyên bố ngày 25/08 (2014) của phía Việt Nam, sau đó báo chí Trung Cộng đưa tin như hàm ý muốn mọi người hiểu rằng ông Lê Hồng Anh đến Bắc Kinh là do ý muốn “làm hòa” của phía đảng CSVN.
Thứ hai, phía Trung Cộng không đưa ra bất cứ lời hứa nào sẽ đình chỉ việc cho các tầu Hải giám và Hải quân tấn công tầu đánh cá Việt Nam như họ đã gia tăng kể từ sau ngày rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam, 15/7 (2014).
Trung Cộng đặt giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2/5 (2014). Khi quyết định rút Bắc Kinh nói đã đào 2 giếng và tìm được dầu khí nhưng không tiết lộ số lượng và thời gian sẽ khai thác.
Thứ ba, trong Thông báo thỏa hiệp 3 điểm đạt được tại cuộc họp giữa ông Lê Hồng Anh và Lưu Vân Sơn có hai vấn đề “cốt lõi” tuy cũ nhưng được phía Trung Cộng lập lại, đó là: hai bên sẽ tích cực nghiên cứu và bàn bạc để “cùng khai thác”và “không áp dụng hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp” trên Biển Đông.
Đây chính vấn đề mà phía Trung Cộng muốn Việt Nam hợp tác từ lâu, bắt đầu tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, sai khi hai nước đạt được “Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000”, nhưng cho đến nay hai nước vẫn chưa thống nhất lằn ranh phân chia sau nhiều cuộc họp. Tuy vậy, phía Trung Cộng đã thực hiện các cuộc tìm và khai thác dầu ở nhiều nơi trong vùng biển này mà không quan tâm đến phản kháng của Việt Nam.
Nhưng Trung Cộng không dừng ở Vịnh Bắc Bộ mà muốn Việt Nam hãy “gác tranh chấp để cùng khai thác” trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam mà phía Trung Cộng ngang nhiên vẽ ra hình Lưỡi Bò hay đường 9 đoạn, nay tăng lên 10 đoạn chiếm ¾ trong tổng số 3.5 triệu cây số vuông của Biển Đông.
Các nước có tranh chấp với Trung Cộng tại Trường Sa gồm có Phi Luật Tân, Ma Lai Á, Brunei, Đài Loan và Nam Dương đều bác bỏ bản đồ hình Lưỡi Bò của Trung Cộng, nhưng Bắc Kinh vẫn ngang nhiên đem tầu bè đến nghênh chiến, kiểm soát, xây đảo nhân tạo trên những vùng chiếm được của Phi Luật Tân và của VN từ 1988 để nhận chủ quyền.
Chi tiết 3 cuộc thảo luận
Vì vậy, những gì phía Trung Cộng nói và công bố trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ủy viên Bộ Chính trị Lê Hồng Anh không thể coi thường về dụng ý của cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh.
Theo tường thuật của VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) thì tại cuộc họp đầu tiên, ông Lê Hồng Anh nói với ông Vương Gia Thụy rằng: “Mục đích chuyến thăm TQ lần này là để cùng các lãnh đạo TQ trao đổi về các biện pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt-Trung.
Ông khẳng định việc hai Đảng, hai nước tăng cường hợp tác, duy trì quan hệ phát triển lành mạnh, ổn định là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay và tình hình Biển Đông có những diễn biến căng thẳng, phức tạp, ảnh hưởng đến quan hệ hai Đảng, hai nước và môi trường an ninh, hòa bình, ổn định của khu vực.”
“Về phần mình”, VTV nói tiếp, “ông Vương Gia Thụy bày tỏ nhiệt liệt chào mừng ông Lê Hồng Anh sang thăm TQ; khẳng định phía TQ rất coi trọng chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh với tư cách đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông tin rằng chuyến thăm sẽ góp phần giải quyết thỏa đáng tranh chấp, bất đồng đang tồn tại giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh.”
Qua cuộc họp thứ hai giữa hai ông Lê Hồng Anh và Lưu Vân Sơn thì không khí khác hẳn.
Đài CRI (China Radio International) dịch sang tiếng Việt bản tin của Xinhua viết:“Đồng chí Lưu Vân Sơn chỉ rõ, thời gian qua quan hệ Trung-Việt từng một dạo xuất hiện cục diện căng thẳng và khó khăn, đây là điều mà chúng ta không muốn trông thấy. Việc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử Đặc phái viên của Tổng Bí thư đến Trung Quốc tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa hai Đảng trong lúc quan hệ Trung-Việt đối mặt với khó khăn đã thể hiện nguyện vọng chính trị tích cực thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Việt của Đảng và Chính phủ Việt Nam.”
Như vậy có phải là phía đảng CSVN muốn “cầu hòa” với đảng và nhà nước Cộng sản Trung Hoa nên ông Lưu mới dùng nhóm chữ “thể hiện nguyện vọng chính trị tích cực” từ phía Việt Nam?
Thái độ “kẻ cả” của Lưu Vân Sơn còn rõ hơn khi ông ta nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc và Việt Nam cần phải thông qua hợp tác xử lý thoả đáng vấn đề trên biển, hai bên cần phải kiên trì đàm phán và hiệp thương hữu nghị song phương, thiết thực kiểm soát tốt tình hình trên biển, thực sự thực hiện cùng khai thác, mở ra cục diện mới cho hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.”
Ông Lê Hồng Anh, được Xinhua trích lời viết rằng: “Đồng chí Lê Hồng Anh cho biết, trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, thúc đẩy hợp tác, giải quyết bất đồng để hai nước Việt-Trung dốc sức vào sự nghiệp của mỗi nước là quan trọng hơn bao giờ hết. Tin tưởng rằng thông qua quyết tâm và nỗ lực của hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sẽ được khôi phục và phát triển vào chiều sâu.”
Tại cuộc họp này, hai bên đã thỏa thuận 3 Điểm quan trọng, nhưng mỗi bên dùng ngôn ngữ khác nhau để dành phần thắng chính trị cho mình.
Phía Trung Cộng viết “Hai bên đã đạt được nhận thức chung nguyên tắc 3 điểm về tiếp tục phát triển quan hệ Trung-Việt:
Một là, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo trực tiếp phát triển quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt trước sau như một phát triển lành mạnh, ổn định.
Hai là, hai bên cần phải tiếp tục sâu sắc giao lưu giữa hai Đảng, nhìn về lâu dài khôi phục và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế-thương mại, an ninh hành pháp, nhân văn, v.v.
Ba là, hai bên đồng ý tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng và hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Trung-Việt", vận dụng tốt cơ chế đàm phán Chính phủ về biên giới Trung-Việt, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và thương lượng về vấn đề cùng khai thác, không áp dụng hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, giữ gìn đại cục của quan hệ Trung-Việt cũng như hoà bình và ổn định của Nam Hải.”
Nhưng bản văn của phiá Việt Nam lại khác, theo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV,Voice of Vietnam):
Ông Lê Hồng Anh nói với họ Lưu: “Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là hết sức coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cần tăng cường trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước trở lại phát triển lành mạnh, ổn định và không ngừng phát triển theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của hai nước và của khu vực.”
Đây là lần đầu tiên kể từ sau ngày Trung Cộng đặt giàn khoan HD 981 vào tìm kiếm dầu khí bên trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhóm chữ được gọi là 16 chữ vàng do phía Trung Cộng trao cho Việt Nam từ năm 1990 khi hai nước tái lập quan hệ ngoại giao dưới thời hai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh-Giang Trạch Dân.
“Về vấn đề trên biển”, vẫn theo VOV, ông Lê Hồng Anh nêu rõ: “Trước khó khăn, căng thẳng xảy ra trong quan hệ Việt-Trung vừa qua, lãnh đạo cấp cao hai nước cần trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao và “Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển theo tinh thần dễ trước khó sau, cố gắng tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; đồng thời tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển; đồng thời gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Đặc biệt, cần kiểm soát tốt những bất đồng trên biển; tránh để xảy ra tình hình phức tạp ảnh hưởng quan hệ hai nước; cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và xu hướng phát triển tốt đẹp quan hệ hai Đảng, hai nước.”
Quan điểm này không mới. Hai nước Việt-Trung đã đồng ý trong chuyến thăm Trung Cộng năm 2011 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng việc phía Trung Cộng lập lại trong chuyến đi của ông Lê Hồng Anh với ngụ ý phía Việt Nam phải giữ lời đã cam kết với Bắc Kinh và làm đúng theo những gì đã cam kết trong quá khứ, giống hệt như khi Bắc Kinh bảo Việt Nam hãy nhớ đến cam kết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng trong Công hàm gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958!
Thỏa hiệp “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” mà ông Trọng đã ký với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào ngày (11/10/2011) có 6 điểm nguyên văn như sau:
1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử..., đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.
3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).
Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.
6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.”
3 điểm thỏa hiệp của phía Việt Nam
Về 3 điểm thỏa hiệp giữa hai ông Lê Hồng Anh và Lưu Vân Sơn, bản văn của phía Việt Nam có nhiều điểm khác về mặt ngôn từ, nếu so với bản của Xinhua, nguyên văn như sau:
Thứ nhất, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.
Thứ hai, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, nhân văn...
Thứ ba, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.”
Tập Cận Bình - Lê Hồng Anh
Sau cùng, theo VOV thì tại cuộc họp với lãnh tụ Tập Cận Bình, ông Lê Hồng Anh đã: “Khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp hiện nay, hai bên càng cần tăng cường hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, để tập trung xây dựng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân ở mỗi nước.”
Ông Anh còn: “Đề nghị lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tăng cường chỉ đạo để quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc sớm khôi phục và phát triển lành mạnh, ổn định trên mọi lĩnh vực; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, kiểm soát tốt tình hình và giải quyết ổn thỏa mọi tranh chấp bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực.”
Về phía ông Tập Cận Bình thì đã: “Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, luôn kiên trì phương châm hợp tác hữu nghị với Việt Nam và sẽ cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cố gắng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt- Trung tiếp tục phát triển; nhất trí lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tăng cường quan tâm, chỉ đạo, duy trì quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định; chỉ đạo thực hiện tốt các nhận thức chung nhằm khôi phục và phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước mà lãnh đạo hai bên đã thống nhất trong chuyến thăm lần này.”
Tuy nhiên, theo Xinhua, họ Tập đã bảo Lê Hồng Anh rằng: “A neighbor cannot be moved away and it is in the common interests of both sides to be friendly to each other.” (Tạm dịch: Đã là láng giếng thì không thể xa nhau vì đó là ích lợi chung của cả đôi bên nên hãy là bạn bè thân thiết với nhau).
“That General Secretary Nguyen Phu Trong has sent you to China as his special envoy to attend the high-level meeting between the two parties shows the Vietnamese aspiration to improve the bilateral relationship.” (Tạm dịch: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi ông đến Trung Hoa là một đặc sứ để tham dự các cuộc họp cấp cao giữa hai đảng đã chứng tỏ nguyện vọng của phía Việt Nammuốn tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc.”)
“(I) hope the Vietnamese will make joint efforts with the Chinese to put the bilateral relationship back on the right track of development.” (Tạm dịch: “Tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ cùng nỗ lực với chúng tôi để vãn hồi và phát triển mối giao hảo song phương giữa hai bên.”
Như vậy có phải là các ông Tập Cận Bình, Vương Gia Thụy và Lưu Vân Sơn đã “lên lớp” hay “dạy một bài học” về số phận một nước nhỏ cho ông Lê Hồng Anh, đặc sứ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay ông Anh đã thua cả chì lẫn chài trong chuyến sang Bắc Kinh?
(08/014)
Phạm Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét