Pages

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

LHQ thông qua nghị quyết chống IS

Ông Obama đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết mang tính bắt buộc yêu cầu các nước phải ngăn chặn công dân của mình đi thánh chiến ở Iraq và Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an và nói rằng các nước cần phải ngăn chặn việc các chiến binh nước ngoài đầu quân cho các tổ chức phiến quân Hồi giáo và tài trợ cho họ.

Các phi cơ chiến đấu của Mỹ và các nước Ả Rập đã ném bom các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, trong đó có các cơ sở dầu mỏ, trong ngày thứ hai, Mỹ cho biết.

‘Mạng lưới chết chóc’

Ông Obama kêu gọi toàn thế giới nỗ lực phá bỏ ‘mạng lước chết chóc’ của IS.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Mỹ soạn thảo đã được nhất trí thông qua.
Mỹ đã không kích các chiến binh IS ở Iraq hồi tháng trước và từ đêm 22/9 qua đêm 23/9 đã mở rộng không kích vào lãnh thổ Syria với sự tham gia của các nước Ả Rập.
IS hiện nay đã kiểm soát một vài giếng dầu ở Syria và Iraq. Họ bán lượng dầu thô có được để có tiền cho hoạt động quân sự của họ ở hai quốc gia này.
Ông Obama nói rằng ‘những lời được phát biểu ở đây phải được thể hiện bằng hành động bởi các nước và giữa các nước với nhau, không chỉ trong những ngày sắp tới mà trong nhiều năm tới’.
Trước đó, trong một bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Obama đã lên án IS và nói rằng ‘không nói chuyện lý lẽ, không đàm phán với bọn ác quỷ này’.
Hơn 40 nước đã đề nghị tham gia vào liên minh quốc tế chống IS, ông nói.
Mỹ đang tăng cường không kích vào các mục tiêu của IS
Trong vòng 24 giờ qua các máy bay chiến đấu của Mỹ đã bắn trúng các phương tiện vận chuyển và kho vũ khí của IS ở gần Abu Kamal ở biên giới Syria và Iraq và ở Deir al-Zour ở phía đông Syria.
Còn ở Iraq đã có những cuộc không kích ở phía Tây Baghdad và đông nam Irbil gần lãnh thổ của người Kurd, quân đội Mỹ cho biết.
Một số các cuộc không kích này là nhằm vào các cơ sở lọc dầu ở quy mô nhỏ với năng lực sản xuất khoảng từ 300 đến 500 thùng dầu và kiếm được đến 2 triệu đô la Mỹ mỗi ngày, cũng theo quân đội Mỹ.
Họ cho biết những đánh giá ban đầu cho thấy các cuộc không kích này ‘đã thành công’.
Ngoài ra cũng có các cuộc oanh tạc IS ở gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Khủng hoảng tỵ nạn

Mỹ và đồng minh đã mở rộng không kích vào Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc cộng đồng quốc tế ‘không làm đủ để giúp đất nước của ông ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài đến thánh chiến ở Syria’.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông nói các quốc gia có công dân đi thánh chiến cần hợp tác tốt hơn với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn việc này.
Bước tiến của IS đã gây ra một cuộc khủng hoảng người tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các cơ quan cứu trợ cho biết khoảng 130.000 người Kurd tỵ nạn, đa phần là từ Kobane, đã vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần qua.
Cho đến nay Mỹ đã thực hiện gần 200 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS ở Iraq kể từ tháng Tám.
Mỹ cho biết các nước Ả Rập Saudi, UAE, Jordan, Bahrain và Qatar ‘đều tham gia hay ủng hộ’ các cuộc không kích IS ở Syria.
Chống IS đang là ưu tiên hàng đầu của ông Obama
Các cuộc không kích hôm 23/9 cũng nhằm vào nhóm Khorasan, một nhóm các chiến binh al-Qaeda hoạt động ở tỉnh Aleppo của Syria. Quân đội Mỹ cho biết họ đang điều tra xem Moshin al-Fadhli, thủ lĩnh của Khorasan, có thiệt mạng trong cuộc không kích này hay không.
Chính phủ Hà Lan cho biết họ sẽ triển khai sáu chiến đấu cơ F-16 để tham gia vào chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu. Nước này cũng sẽ gửi khoảng 130 chuyên gia huấn luyện quân sự đến Iraq.
Trong khi đó, Quốc hội Anh sẽ được triệu tập vào thứ Sáu ngày 26/9 để bàn về vai trò của nước Anh trong cuộc không kích IS.

Mặt trận tư tưởng

Từ New York, phóng viên BBC News Nick Bryant phân tích:
Khi Tổng thống Barack Obama phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc 12 tháng trước đây, ông nói về Iraq chủ yếu là trong bối cảnh Mỹ rút quân. Ông nhìn Iraq qua cái nhìn từ kính chiếu hậu.
Vậy mà cuộc chiến ở Iraq và Syria chống Nhà nước Hồi giáo, nhóm phiến quân mà ông từng ví một cách mỉa mai là ‘một đội bóng rổ thiếu niên’, có thể bao trùm những nằm cầm quyền còn lại của ông.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không dồn toàn bộ chính sách đối ngoại của mình để đối phó với chủ nghĩa khủng bố nhưng điều này chắc chắn sẽ chiếm nhiều sự quan tâm của chính quyền của ông.
Câu chữ còn vọng lại trong bài diễn văn của ông Obama là ‘mạng lưới chết chóc’. Tuy nhiên, ông đã rất cố gắng để chỉ ra rằng ‘không có chuyện xung đột giữa các nền văn minh’, và Mỹ cũng không hành động một mình. Hơn 50 nước sẽ tham gia vào chiến dịch chống IS.
Cuộc chiến này, ông nói, cần phải tiến hành trên mặt trận tư tưởng cũng như quân sự. Ông kêu gọi người dân văn minh ở các nước ‘tiêu diệt chiến tranh tại nguồn gốc căn bản nhất của nói là việc đầu óc những người trẻ bị tư tưởng bạo lực làm cho suy đồi’.

Không có nhận xét nào: