Hiện trường vụ Công ty Cổ phần Nha Trang Sao lấp đất đá, lấn biển Nha Trang.
Vụ Công ty Cổ phần Nha Trang Sao lấp đất đá, lấn biển Nha Trang đã bị người dân phản ánh suốt từ năm 2014 nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa không biết, không nghe...
Vụ việc nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) xây vượt chiều cao cho phép hàng chục mét, kéo dài hàng năm mà từ phường, quận đến Sở của Hà Nội không biết, không hay, không vào cuộc ngay để ngăn chặn, chỉ đến khi báo chí ầm lên, thì các cơ quan đó “mới nghe thông tin”.
Và chỉ đến khi Thủ tướng phải vào cuộc, và UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo, vụ việc mới được giải quyết, chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, ngày 20/12/2015, khi trả lời báo chí về việc Công ty Cổ phần Nha Trang Sao lấp đất đá, lấn biển Nha Trang, phá hoại danh thắng Quốc gia Hòn Đỏ - Hòn Chồng, và xây dựng nhà hàng hải sản trái phép trên khu vực dự án thi công, thì ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cũng lại nói rằng ông mới “chỉ nghe thông tin trên báo chí” chứ chưa kiểm tra.
Nhà 8B Lê Trực nằm ngay cạnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách trụ sở phường, trụ sở quận và trụ sở của Sở Xây dựng Hà Nội chỉ dăm bảy trăm mét. Việc xây dựng vượt chiều cao kéo dài cả năm trời, thế mà từ dưới lên trên không một ai biết.
Còn trụ sở của Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cách dự án của Công ty Cổ phần Nha Trang Sao cũng chỉ 3 km. Vậy mà nhà hàng hải sản tấp nập người ra vào, còn việc lấn biển phá hoại di tích quốc gia, thì công ty này đã lấn ra biển đến 300 mét, dài hàng trăm mét, đã kéo dài suốt từ năm 2014.
Đã lấp biển trái phép đến cỡ hàng vạn mét vuông như thế (300 m x 100 m), khu vực biển từ bờ đến danh thắng quốc gia Hòn Đỏ - Hòn Chồng gần như biến mất, thì phải dùng đến hàng chục vạn mét khối đất đá, nghĩa là xe chở đất đá phải rầm rập ngày đêm.
Trước việc vi phạm nghiêm trọng đến như vậy, người dân đã phản ánh suốt từ năm 2014, thế mà từ đó đến nay, từ nhân viên thấp nhất đến lãnh đạo cao nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa không biết, không nghe, không một ai đến kiểm tra?
Chỉ đến khi người dân phải nhờ truyền thông vào cuộc, thì quý Sở mới “nghe nói”. Nghe nói, nhưng vẫn chưa kiểm tra. Những vụ việc trên đặt ra hai khả năng. Thứ nhất là nếu thật sự họ không biết, thì sự quan liêu của một số cơ quan công quyền, cơ quan chức năng đã lên đến đỉnh cao. Các trụ sở với những căn phòng có gắn máy lạnh đã biến thành những “tháp ngà” khép kín, để họ “ẩn cư” trong đó, để chỉ đạo, điều hành bằng điện thoại.
Hàng tháng chỉ nắm tình hình qua báo cáo của cấp dưới, mặc cho cấp dưới vẽ voi vẽ chuột thế nào cũng được, mà không hề kiểm tra, rồi tháng tháng lĩnh lương, hoàn toàn không biết đến những gì đang diễn ra bên ngoài. Mọi thông tin do người dân phản ánh, dù sự thật có đáng tin đến thế nào, đều gần như không đến được tai họ, hoặc không được họ lắng nghe.
Thứ hai là họ có thật sự không biết những vi phạm tầy trời đó hay không? Hay là biết mà vẫn làm ngơ, vẫn ngậm miệng? Vậy thì động cơ khiến họ ngậm miệng đó là gì? Trong trường hợp này, thì câu trả lời đã rõ.
Tiếc thay, việc xử lý đối với những sai phạm như trên, xưa nay vẫn chỉ là: Có sai thì bắt người làm sai phải sửa. Việc đó là đương nhiên. Nhưng chưa ai truy nguyên trách nhiệm của những cơ quan đã cố tình làm ngơ, để cái sai kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, và có chế tài nghiêm khắc để xử lý những cá nhân trong các cơ quan đó.
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét