Nguyễn Hoàng Đức
“Cả đời, cả nhiều thời đại chúng ta vẫn mang tâm thế nô tài, dậm chân tại chỗ, và quen “ngồi bệt khỏi ngã” thì làm sao lên hạng?”
Theo BBC đưa tin, vào cuối tháng 6/2014, tổ chức Good Country Index, dựa trên các số liệu tin cậy và chắc chắn của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng thế giới World Bank đã xếp hạng Việt Nam đứng áp – bét dĩ nhân loại 124/125 nước về tiêu chí cống hiến cho nhân loại. Điều này khiến chúng ta nghĩ gì?
Còn nghĩ gì ư? Một nỗi nhục đã hiển hiện ra như thế mà vẫn còn nghĩ quanh co để lẩn trốn nỗi xấu hổ ư? Là người Việt chắc chúng ta chẳng lạ gì con người và quê hương, vì đấy là máu thịt giống nòi của ta, nó thân quen như quả cà với bát tương… nhưng thử ôn một tí kẻo chúng ta quên: mới đây Nhật cảnh báo số vụ ăn trộm của người Việt chiếm 40% các vụ trộm cắp ở Nhật. Trời ơi, có một nhúm người Việt trên đất Nhật mà ăn cắp bằng gần một nửa cả thế giới cộng lại… như vậy có phải người Việt ăn cắp thường trực không?
Ăn cắp đã thế còn gian tham thì ở cỡ nào? Mới đây một cô gái Việt bị treo biển làm nhục giữa chợ trên đất Malaxia, sao cô ta lại không phải là người nước khác nhỉ?
Các nước Bắc Âu đã từng đặt camera theo dõi các công nhân Việt Nam, thấy họ ăn cắp thường trực mọi lúc mọi nơi, và đã đặt một cái tên “Không thể làm ăn với Việt Nam”.
Một người Nhật mới đây nói thẳng “người Việt mãi mãi hèn khổ vì gian vặt, ăn cắp vặt, một mét dây cao cấp giá dăm triệu, bị người Việt cắt vụn ăn cắp bán có vài trăm, thế thì bao giờ mới giầu mạnh được?”
Một người Mỹ mới nói “Các bạn trẻ Việt chẳng hề có lý tưởng sống hay khao khát nào cao thượng, chỉ loanh quanh cái nhà cái xe”.
Theo tin tức trong nước vừa đưa, hè phố kia đang đẹp bỗng bị lột lên làm lại, chỉ vì người ta thích giải ngân ăn quẩn ăn quanh… Không có lý tưởng cao cấp, chỉ tham vặt vãnh loanh quanh, phá hủy tiền triệu của chung kiếm tiển lẻ bỏ vào túi mình, đó chính là biểu hiện thiển cận của đám nô tài, chưa bao giờ trở thành chủ nhân đứng thẳng khao khát cái nhìn hướng ra xa.
Sự thật trên điều đầu tiên chúng ta cần học là chữ Sỉ. Bởi lẽ, sống mà Vô Sỉ, thì chỉ là kẻ Vô Lại – bất thành nhân, không có gì để bàn. Chữ Sỉ là sao?
Bản chất của nó là của ông chủ. Bởi vì đám nô tài, cũng gọi là cẩu tài – tức chó má, lúc nào cũng bò rạp mặt đất xin cơm thừa canh cặn là quí lắm rồi, lúc nào cũng trình bày hoàn cảnh, lúc nào cũng biện hộ tôi đói lắm, tôi hèn lắm, không dám, cái thứ tôi làm sao có điều kiện để nghĩ đến những thứ cao siêu. Lương Tri ư? Tôi ít học, đâu có tri thức để mà Lương Tri? Chính vì lúc nào cũng biện hộ, né tránh, co cụm, bảo toàn nhau mà cái xấu của người Việt mới đại trà bội phần như vậy.
Cái xấu mọc như cỏ dại! Cái tốt hiếm như đỉnh non ngàn. Trong khi ở xứ khác thì sao? Cái tốt nhiều như ruộng nho, ruộng lúa. Còn cái xấu chỉ là vài cục đá vấp bên đường. Giờ chúng ta hãy xét về nỗi nhục đội sổ này.
Trong một lớp học 7 người, nếu ta đứng bét, đã nhục rồi, vì người Việt bảo “thua thầy một vạn, không bằng thua bạn một ly”. Vậy mà lớp bảy người đó thành 20 người, ta vẫn đứng bét, từ số bảy chuyển thành số 20. Và cái lớp đó đông lên 125 người, ta vẫn cứ đứng bét, có phải cái bét là cố hữu, là căn tính, là đẳng cấp của ta không?! Giả sử thế giới bây giờ chia thành 1200 nước, tôi tin chắc rằng chúng ta vẫn ở tốp 1199. Tại sao? Vì cả đời, cả nhiều thời đại chúng ta vẫn mang tâm thế nô tài, dậm chân tại chỗ, và quen “ngồi bệt khỏi ngã” thì làm sao lên hạng?
Giờ để khách quan, chúng ta hãy bàn vào cái căn cốt bản chất nhất, đó là Bản tính của sự việc. Chúng ta buộc phải chấp nhận phương ngôn, cũng như mệnh đề, cũng như hiện thực rằng “Người ta không thể cho cái mà mình không có”. Một người hành hương hạ cái bầu da nước trên vai xuống tặng người khát lả vài ngụm nước, chỉ là nước lã thôi, nhưng nếu anh ta không có nước làm sao mà cho? Vậy mấy anh mặc xà lỏn ngê nga “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” xứ ta liệu có sẵn sàng cho người khác hớp nước không? Một nạn nhân bị đâm xe, ta chứng kiến, ta có cho họ được một sự làm chứng không, thế nhưng không ít người Việt không làm chứng còn hôi đồ của nạn nhân, khi nói thì lại bảo “anh này cũng đúng, anh kia cũng chẳng sai…” thế nghĩa là gì? Nghĩa là anh ta hèn nhát, nói nước đôi, và ngay cả cái việc làm chứng nhỏ nhất anh ta cũng không thể đem cho đời. Và tôi sống giữa một gia đình, một dòng họ, một quê hương như vậy, họ hầu như không muốn và không phân biệt nổi kẻ tốt người xấu, cái đúng cái sai, họ ù ù cạc cạc, sống bằng sự vụ lợi của bản năng ít ỏi, mà không cần đến ánh sáng của ý thức và công lý.
Một dân tộc như vậy, nên người Nhật kia mới nói hùng hồn không hề do dự “người Việt mãi mãi hèn – khổ mà thôi”.
Người Việt có trưởng thành không? Lúc nào người ta cũng lẩn trốn đối thoại thì làm sao trưởng thành! Người Trung Quốc nói “Có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không đi qua một bước chân”. Con người nếu không tôn trọn sự thật thì làm sao có lý?! Phương ngôn Latin có câu “Sự đồng tình của những kẻ thông minh là bằng chứng của chân lý”. Nếu những kẻ thông minh không tranh cãi và đồng tình với nhau, thì làm sao cái lý xuất hiện!
Dân tộc Việt lẩn trốn đời sống lý trí. Chỉ ôm chặt lấy đời sống bản năng, không cần và không muốn phân biệt cái tốt và cái xấu, người hay và kẻ dở, đến bóng đá và thơ cũng không phân biệt được sự khác nhau, lúc bình bóng đá lại đua nhau đọc thơ con cóc, thì làm sao trưởng thành và tiến bộ? Cái thứ mà lúc nào cũng chơi gian đá lạc đội hình thì làm gì có tay nghề chuyên môn kể cả thơ lẫn bóng đá?!
Có một phương ngôn “Nếu lúc nào bạn cũng chỉ nghĩ đến mình, thì bạn sẽ thừa ra với người khác”! Đó là điều không thể tranh cãi.
Một dân tộc mà lẩn trốn công lý phổ quát, chắc hẳn là những người ích kỷ, ăn xó mó niêu. Dân tộc đó chắc hẳn khó mà có gì đem cho người khác. Người Việt có câu “Ốc không mang nổi mình ốc lại còn đòi vác cọc cho rêu”. Người Việt lẩn trốn lý trí, lẩn trốn đối thoại, như vậy không có lý làm sao có thể đi quá một bước chân để mong giúp người khác?! Người Việt nghèo thì quá rõ rồi! Người Việt thiểu năng thì quá rõ rồi, bằng chứng trong suốt 20 năm và cho đến tận hôm nay họ vẫn giả đò thảo luận mà chưa tìm được giữa hai dòng xe, xe tải và xe con, xe nào chiến lược hơn, rút cục cả hai đều được ưu đãi về thuế.
Người Việt không những ngu lâu dốt bền mà còn cố tình ngu, bằng chứng là họ cứ làm đường rồi mới đào cống để được làm đường lần hai, lần ba, và lần n. Rồi họ còn trắng trợn ngu, như vỉa hè đang yên lành lột lên làm lại… Vậy người Việt có cái gì để có thể cống hiến cho nhân loại? Không, hình như họ vẫn có thơ. Thơ mang cả vào bình luận bóng đá…
Cách đây vài hôm tôi mới gặp giáo sư Trần Đình Sử tại hội thảo ra sách tiểu luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Từ Huy được tổ chức tại trường Đại Học Văn Hóa. Khi trao đổi, vị giáo sư bảo với tôi: Nhà văn họ phải ở trên cao giống như thượng đế (chữ này tôi cố tình viết thường) quan sát nhân loại thì mới có tác phẩm văn học đồ sộ chứ, đằng này, mình chỉ viết lóp ngóp như nô tài, làm sao có văn học được.
Ai cũng muốn sinh trưởng trong một gia đình quyền quí và giầu có! Nhưng không chọn được cha mẹ cũng như quê hương và dân tộc.
Người Do Thái cũng là một dân tộc “bị nguyền rủa trên khắp thế giới” nhưng họ đã vươn lên trở thành dân tộc tinh hoa siêu việt của thế giới. Tại sao? Vì họ biết ý thức về sự Tự Sỉ. Biết nhục để vươn lên. Người Việt có câu “anh em khinh trước, làng nước khinh sau”, ý thức tự sỉ của người Việt rất kém, vì thế mới bị cả thế giới vạch mặt chỉ tên, coi như thứ nô tài mang mặc cảm kiễng chân dai dẳng thường trực.
Chúng ta nên biết Hữu Sỉ để cải thiện mình. Bài viết của tôi mang mục đích rõ rệt như vậy, chứ không phải tôi muốn nói xấu đồng bào của mình. Người Việt có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, người dám nói thẳng mới là người chịu thiệt. Còn nếu à uôm với nhau, để rồi chúng ta lại phải nhìn thấy những đồng hương của mình bị treo biển bêu riếu trước ngực thì có nên không?
Người Việt có câu “Tham bát bỏ mâm”, bạn đừng vì niềm kiêu hãnh biện hộ bé như cái bát mà bỏ qua nỗi nhục to như cái mâm “Việt Nam chỉ đứng trước người đội sổ 125 của thế giới”.
Hãy vì đại cục! HÃY HỌC LẤY NỖI NHỤC LỚN ĐỂ BIẾT TỨC GIẬN RỒI MỚI CÓ ĐƯỢC NIỀM KIÊU HÃNH LỚN !
Đấy mới là tình yêu nước thực sự. Và trước hết đó mới chính là tình yêu phẩm giá đích thực của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét