Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Ông bộ trưởng và triết lý giáo dục

Baron Trịnh/Blog Baron Trịnh

Một nhà báo lão thành bình luận trên FB: “Lấy cái mốc từ Bộ trưởng Tạ Quang Bửu thì trình độ các bộ trưởng ngày càng kém”. Các bộ trưởng ở đây là của ngành giáo dục.
Không biết có phải nhận thức được điều này, hoặc đã kinh qua một nhiệm kỳ làm phó cho ông Nguyễn Thiện Nhân (một bộ trưởng giáo dục có thừa thành công ở việc hô hào xây dựng các phong trào cải cách trong giáo dục nhưng lại cũng có thừa thất bại vì không một phong trào nào thành công cả), mà ông Phạm Vũ Luận khi ngồi ở ghế Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã trải lòng: “Tôi không tạo dấu ấn cá nhân”[1].

 Dĩ nhiên phát ngôn ấn tượng này của ông Luận bị dư luận ném đá. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, nếu ông ngồi ghế bộ trưởng cho tròn vai thì không khác gì một công chức mẫn cán. Điều mà không ai mong muốn có ở một tư lệnh ngành. Nhất là trong thời điểm nghành giáo dục ngày càng suy đồi và tha hóa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

Nhưng nói và làm là hai việc khác nhau. Sau một năm học kể từ khi phát ngôn trên, ông Luận đã tạo dấu ấn bằng câu nói gây bão trong dư luận: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 (điểm môn Sử) là bình thường”[2]. Dĩ nhiên, việc bình thường của ông Luận lại bị dư luận xã hội cho là bất thường.
 
Không biết quyết tâm không tạo ra dấu ấn hay lại sợ lỡ miệng mà ông Luận rất hạn chế phát biểu trong một thời gian khá dài. Mặc dù ngành GD vẫn ì ạch lăn và mò mẫm tìm hướng đi trong sự vô vọng và thất vọng của phần lớn cần-lao xứ An-nam.
 
Nhưng sự êm đềm ấy không kéo dài. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội lại tạo ra dấu ấn mới cho ông Luận, mặc dù ai cũng biết là ông không muốn. Bởi lẽ, ông Luận nhận được tín nhiệm thấp rất cao (177/492) và tín nhiệm cao rất thấp (86/492). Cả hai mức tín nhiệm đó đều đứng ở vị trí thứ 2 từ dưới lên[3].
 
Có lẽ kết quả kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã khiến ông Luận không thể không tạo dấu ấn được nữa. Và ông bắt tay vào công cuộc cải cách ngành giáo dục. Một đề án “Đổi mới giáo dục” được hình thành, và ông Luận đã hùng hồn trả lời báo chí rằng đó chính là một “trận đánh lớn” trong ngành giáo dục: “Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”[4].
 
Trời không phụ lòng người, trong cái rủi có cái may. Đó chính là việc BCHTW đã thông qua Đề án Đổi mới giáo dục và ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW với nội dung “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”[5].
 
Có lẽ nhận thức được rằng, Nghị quyết 29 chính là “cây đũa thần” có thể đổi mới toàn diện và đẩy lùi được sự yếu kém của nền GD khiến ông Luận hùng hồn khẳng định rằng: “triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương”[6].
 
Triết lý giáo dục” này có lẽ đã khiến ông Luận tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho nền GD nước nhà. Và ông đã tự tin trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại nghị trường, với những phát ngôn cực kỳ ấn tượng như: “Không bắt buộc thi ngoại ngữ là khâu đột phá trong cải cách giáo dục”, “Sinh viên thất nghiệp là thực tế khách quan” hay “Phải học giỏi hoặc khá thì mới được đánh giá đạo đức tốt, còn nếu học kém thì không thể đạo đức tốt được”[7].
 
Trên cả tự tin khi ông Luận đã giải thích trước quốc hội về Đề án đổi mới SGK với kinh phí hơn 34 nghìn tỷ đồng[8] rằng phó của ông (thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển) nhận thông tin từ bộ phận giúp việc (trong buổi giải trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội), thấy con số “có lẽ hơi bị khớp” nên đã phát ngôn và cho rằng đây là “lỗi kỹ thuật”. Ông Luận cũng nhận thức được rằng số liệu mù mờ thế này sẽ “gây ra sự lo lắng, băn khoăn trong nhân dân”. 
Để khẳng định là tư lệnh chỉ huy “trận đánh lớn” này. Ông Luận đã ví von “rất chiến trường” với “chiến sĩ”, “súng”, “địch”, “tấn công”, “trận địa” trong Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ rằng: “Tư lệnh phải tin vào chiến sĩ của mình đang chĩa súng vào địch để giữ trận địa. Chứ cứ lo chiến sĩ chĩa súng vào mình, không lo chỉ đạo tấn công thì thua là chắc”[9].
  
Không biết ông Luận và ngành giáo dục của ông sẽ đánh ai trong "trận đánh lớn" đó? Ai là "địch"? Và "tấn công" vào cái gì?
 
Cũng không biết với “triết lý giáo dục” là Nghị quyết 29 và “trận đánh lớn” của ông Luận sẽ xảy ra như thế nào? Nhưng từ khi có “cây đũa thần” này, ngành GD vẫn đứng im tại chỗ, chưa nói ngày càng suy thoái, tồi tệ hơn. Ông Luận nói phải tin vào “chiến sĩ của ông”, trong khi ngành GD lại cần niềm tin của xã hội, của các bậc phụ huynh.
 
Nhiệm kỳ của ông Luận đã gần hết. Chắc không ai tin rằng, ông Luận sẽ tiếp tục một khóa bộ trưởng GD nữa. Không hiểu khi đó, cái “triết lý giáo dục” lẫn “trận đánh lớn” của ông Luận có được bộ trưởng kế nhiệm duy trì? Hay với tư duy “tân quan tân chính sách”, lại sẽ có những “triết lý giáo dục” mới với “những trận đánh” mới?
 
Chưa nhìn thấy một gương mặt sáng giá từ các phó bộ, các lãnh đạo cục, vụ, viện và hiệu trưởng các trường ĐH có thể làm thay đổi nền giáo dục An-nam. Và có hay không, những "triết lý giáo dục" là những "nghị quyết" vẫn sẽ tồn tại trong tư duy của tư lệnh ngành GD khóa tới?
 
Ảnh nguồn Internet
 -------------
Tham khảo: 

Không có nhận xét nào: